Đàn ông Hàn Quốc sẽ trở thành những người được "nghỉ phép làm cha” lâu nhất thế giới, khi nước này thực hiện các biện pháp quyết liệt để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - theo Vice.
Trong nỗ lực đảo ngược tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, Hàn Quốc đang tìm cách kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho các bậc cha mẹ đang đi làm.
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jeong-sik công bố hôm thứ Hai, mỗi cặp vợ chồng sẽ được phép nghỉ tới một năm rưỡi trong thời gian nghỉ sinh con, tăng 6 tháng so với thời gian hiện tại. Cả cha và mẹ đều đủ điều kiện miễn là họ đang làm việc, mặc dù cơ cấu trả lương cho khoản trợ cấp mới này vẫn chưa được xác nhận.
Đề xuất này sẽ được đưa ra bỏ phiếu, và nếu được xác nhận, sự thay đổi này sẽ khiến thời gian nghỉ phép dành cho cha mẹ vốn đã hào phóng của Hàn Quốc trở thành dài nhất ở châu Á. Đây cũng sẽ là thời gian nghỉ sinh con dài nhất trên thế giới.
Động thái này nhằm mục đích tăng tỷ lệ sinh của nước này - mức thấp nhất thế giới - các quan chức của Bộ Lao động và Việc làm cho biết.
Nỗ lực đảo ngược xu hướng của Hàn Quốc
Tỷ lệ sinh của quốc gia này đã giảm năm thứ 6 liên tiếp vào năm 2021 xuống còn 0,81 - số con trung bình mà một phụ nữ sẽ có trong độ tuổi sinh sản. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định mà không cần di cư. Để so sánh, tỷ lệ sinh là 1,37 ở Nhật Bản và 1,66 ở Hoa Kỳ, cả hai quốc gia đều có dân số già.
Vấn đề này khiến các quan chức Hàn Quốc lo lắng về suy giảm dân số, dẫn tới lực lượng lao động đang bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.
Đất nước gần 52 triệu dân này hiện là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong số 38 quốc gia giàu có của OECD. Và mặc dù đã chi hơn 200 tỷ đô la trong 16 năm qua cho trợ cấp chăm sóc trẻ em và hỗ trợ nghỉ phép của cha mẹ, chính phủ đã không thể đảo ngược xu hướng này.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết một phần của vấn đề là thời gian làm việc dài của Hàn Quốc, chi phí sinh hoạt tăng cao và sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sự hỗ trợ dành cho các bậc cha mẹ là một giải pháp mà họ đã đưa ra cho những người mới làm cha mẹ, nhằm giảm bớt một số căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái.
Kể từ khi chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ được đưa ra lần đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 2001, số lượng nhân viên hưởng chế độ này đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, nam giới đã bắt đầu tận dụng sự thay đổi văn hóa này tại nơi làm việc của Hàn Quốc, nơi mà thời gian làm việc dài là tiêu chuẩn và việc dành thời gian nghỉ ngơi từ trước đến nay đã bị phản đối. Năm 2007, 310 ông bố nghỉ phép có lương nhưng đến năm 2019, con số đã tăng lên 22.297. Năm 2021, đã có hơn 29.000 nam giới nghỉ thai sản.
Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, các cặp vợ chồng phải nghỉ phép chăm sóc con trước khi đứa trẻ được 8 tuổi và trong ba tháng đầu tiên nghỉ phép chăm con toàn thời gian, các cặp vợ chồng có thể nhận được 80% thu nhập hàng tháng của họ—được tài trợ thông qua hệ thống bảo hiểm việc làm của chính phủ —nếu con số đó rơi vào khoảng từ 700.000 won ($563) đến 1,5 triệu won ($1.205).
Trong chín tháng còn lại, cha mẹ có thể nhận 50% tiền lương hàng tháng của họ, với giới hạn được đặt trong khoảng từ 700.000 won (563 USD) đến 1,2 triệu won (964 USD).
Ảnh: AP
Thực tế…
Tạo môi trường phù hợp để hỗ trợ các ông bố tại nơi làm việc không chỉ tốt cho nam giới mà còn tốt cho hạnh phúc gia đình họ. Đó cũng là một bước cần thiết hướng tới bình đẳng giới.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát năm 2021, hơn 68% các ông bố nghỉ chăm con đang làm việc tại các công ty lớn, trong khi chỉ có 3,5% các ông bố làm việc ở các công ty nhỏ hưởng chế độ thai sản. Lý do chính khiến nam giới do dự khi nghỉ thai sản là mất thu nhập trong bối cảnh khoảng cách tiền lương theo giới ở Hàn Quốc là rất lớn.
Tình trạng nghỉ sinh con ở những nơi khác trên thế giới cũng không khá hơn là bao. Một báo cáo cho biết chỉ có 48% quốc gia cho phép nghỉ sinh con có lương và thời gian quy định thường dưới 3 tuần (và thường là vài ngày).
Tại Việt Nam, lao động nam được hưởng chế độ thai sản nếu có đủ 02 điều kiện sau:
- Đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
- Có vợ sinh con.
Như vậy, theo quy định thì trường hợp lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. Điều kiện hưởng chế độ thai sản cho nam theo Khoản 2, Điều 9, Thông tư 59/2015/TT-BLĐXH là phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo Khoản 2, khoản 4, khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Rebecca Glauber, giáo sư xã hội học tại Đại học New Hampshire (Mỹ), cho biết: “Những người đàn ông nghỉ làm cha thường có xu hướng bị kỳ thị và bị coi là những nhân viên kém cam kết hơn”.
Một nghiên cứu khác của Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho thấy khi nộp đơn tìm công việc mới, tỷ lệ cha mẹ nghỉ việc để chăm sóc con cái được phỏng vấn bằng một nửa so với những người thất nghiệp do bị sa thải. Trong các thị trường việc làm cạnh tranh, nghiên cứu tương tự cho thấy rằng các nhà tuyển dụng ít có khả năng thuê những người cha dành thời gian nghỉ để chăm sóc con cái nhất.
Đã đến lúc thay đổi
Đã đến lúc viết lại các quy tắc để việc nghỉ phép của cha mẹ trở thành bình đẳng, không phải là ngoại lệ. Các chính sách của chính phủ và nơi làm việc cần phải được tiếp cận bình đẳng đối với nam giới và nữ giới. Điều quan trọng là chúng ta cũng cần thay đổi văn hóa để tất cả các bậc cha mẹ đang đi làm có thể dành thời gian cần thiết để gắn kết với con cái, nuôi dưỡng gia đình và hỗ trợ phúc lợi cá nhân cũng như kinh tế của họ.
Bắt buộc nghỉ phép bình đẳng cho cha mẹ sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho lao động nữ giới và nam giới cũng như con cái của họ, góp phần tăng cường hạnh phúc cho xã hội và cho các công ty giải pháp về khoảng cách giới. Đàn ông có thể do dự trong việc nghỉ phép chăm sóc con cái do bị kỳ thị hoặc sợ bị phạt tại nơi làm việc, nhưng việc biến nó thành quy tắc bắt buộc và chuẩn mực mới sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến sự bình đẳng.
Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng, phụ nữ vẫn đang làm phần lớn công việc gia đình và chăm sóc không được trả lương. Điều này có nghĩa là phụ nữ đang làm nhiều việc hơn so với đồng nghiệp của họ ở các thế hệ trước, khi có ít phụ nữ làm việc bên ngoài hơn. Ngày nay, phụ nữ đang làm việc tại văn phòng và sau đó đảm nhận “ca thứ hai” tại nhà, bởi vậy, các bà mẹ thường phải đối phó với gánh nặng tinh thần cao hơn.
Việc bắt buộc nghỉ phép bình đẳng dành cho cha mẹ sẽ giúp thay đổi nhận thức rằng việc chăm sóc là trách nhiệm của phụ nữ. Đàn ông càng thấy những người đàn ông khác nghỉ phép chăm con thì điều đó càng trở thành bình thường. Thời gian nghỉ sinh con đặc biệt có tác động đến cách đàn ông gắn bó với con cái của họ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian nghỉ sinh con, đặc biệt là thời gian nghỉ dài hơn, có thể giúp các ông bố trở thành những người cha chu đáo hơn và là người bạn đời đáng tin cậy nhiều hơn.
Chính sách nghỉ phép thai sản nên dành cho tất cả mọi người để ai cũng có cơ hội phát triển. Đừng bao giờ quên rằng sự bình đẳng bắt đầu từ mỗi tế bào của xã hội - chính là mỗi gia đình.
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
S. Reen