Không chỉ chúng ta, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới tinh thần trẻ em

MẸ & BÉ

Không chỉ chúng ta, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới tinh thần trẻ em

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Không chỉ chúng ta, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới tinh thần trẻ em

Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến trẻ em. Ngoài những trường hợp bị lây nhiễm, đại dịch còn ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, cảm xúc và tinh thần của các em. Tổn thương mà các em phải đối mặt ở giai đoạn phát triển này có thể để lại hậu quả lâu dài trong cuộc đời. 


Đại dịch COVID-19 mang đến một loạt thách thức phức tạp gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. Đau buồn, sợ hãi, giãn cách xã hội khiến trẻ bị cô lập, giảm vận động thể chất tăng thời gian sử dụng thiết bị và sự mệt mỏi của cha mẹ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ em. Chính tính chất kéo dài, hạn chế và lan rộng của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình


Làm cha mẹ là một thách thức mỗi ngày. Cùng nhau vượt qua những trở ngại do đại dịch gây ra càng không dễ dàng. 


Nhận Biết Dấu Hiệu Căng Thẳng Ở Con Bạn


Các dấu hiệu của căng thẳng không giống nhau ở mọi trẻ em. Các dấu hiệu lo lắng nhẹ như khó ngủ hoặc khó tập trung, đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bạn cần chú ý hơn nếu con có những dấu hiệu sau.


- Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ: quấy khóc và cáu kỉnh, dễ giật mình và khó dỗ dành hơn. Thậm chí, trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ...

- Trẻ em từ 5 đến 10 tuổi: dễ cáu kỉnh, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, thường xuyên mè nheo và luôn mong muốn được ở gần bố mẹ...

- Trẻ lớn và thanh thiếu niên: hay lo lắng buồn bã, tâm trạng thất thường, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, có vấn đề về khả năng tập trung...


dai-dich-tre-em.jpg


Các Khó Khăn Trẻ Phải Đối Mặt Trong Đại Dịch


Thay đổi cách sống


Giãn cách xã hội là một trong những phương pháp tốt nhất mà chúng ta có để tránh phơi nhiễm và làm chậm sự lây lan của virus. Tuy nhiên, thật khó khăn khi phải giữ khoảng cách với những người yêu thương - như họ hàng, thầy cô và bạn bè.... 


Đại dịch đã khiến cho trẻ thay đổi các thói quen hàng ngày. Nhiều trẻ em cũng đã thay đổi chất lượng cuộc sống do cha mẹ làm việc từ xa hoặc các tác nhân gây căng thẳng về tài chính do cha/mẹ bị mất việc làm, giảm thu nhập… Nhiều sự thay đổi này có thể dẫn đến cảm giác đau khổ và bất ổn dẫn đến các triệu chứng như trầm cảm hoặc rối loạn hành vi.


Gián đoạn quá trình học tập liên tục


Trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc trẻ phải ở nhà cùng cha mẹ. Các nền tảng và công cụ trực tuyến trở thành yếu tố chính hỗ trợ việc học tập của trẻ. Chính điều này đã hạn chế khả năng tiếp cận và kết nối giữa các học sinh và cộng đồng của chúng. 


Gián đoạn quá trình chăm sóc sức khỏe


Các bậc cha mẹ có thể đã phải tránh tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thăm khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe răng miệng và tiêm chủng... do lệnh yêu cầu ở nhà hoặc do lo sợ nhiễm Covid-19. Ngoài ra, việc trường học đóng cửa đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các dịch vụ sức khỏe và trị liệu của trẻ. 


Mất kết nối xã hội 


Hầu hết trẻ bị giảm cơ hội tiếp xúc xã hội, các dịp sinh nhật, lễ tốt nghiệp, chương trình biểu diễn, kế hoạch đi nghỉ... nhiều sự kiện quan trọng của cuộc đời mà trẻ có thể đã bỏ lỡ trong thời gian dịch bệnh. Sự mất kết nối xã hội này có thể dẫn đến gia tăng cảm giác buồn chán, đồng thời hạn chế những hỗ trợ về tinh để đối phó với những căng thẳng của cuộc sống trong đại dịch.


dai-dich-tre-em-1.jpg


Mất an ninh và an toàn


Thu nhập của nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 do tình trạng mất việc và không có lương. Mất ổn định kinh tế luôn có liên quan đến những hệ quả bất lợi về sự phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ. Những nguyên nhân gây căng thẳng cũng có thể làm gia tăng nguy cơ tiếp xúc với bạo lực ở một số trẻ em. Cùng với các lệnh yêu cầu ở nhà , một số trẻ có thể phải hứng chịu nạn lạm dụng, bạo hành gia đình...


Việc trẻ hoạt động trên mạng nhiều hơn cũng đặt các em trước các nguy cơ như tiếp xúc với những nội dung độc hại, lạm dụng tình dục trên mạng, bắt nạt qua mạng... 


Bên cạnh đó, một số trẻ đã và đang phải trải qua cái chết của người thân do hậu quả trực tiếp của đại dịch. Những đau buồn đó sẽ là một trải nghiệm đặc biệt khó khăn để vượt qua.


Các Bước Giúp Đem Lại Sự Ổn Định và Hỗ Trợ cho Trẻ


Mặc dù đại dịch này không phải là tình huống mà chúng ta mong muốn con cái phải đối mặt nhưng việc trải qua những khó với sự hỗ trợ của cha mẹ, sẽ giúp trẻ xây dựng khả năng phục hồi. 


Để ý đến mọi thay đổi về hành vi của trẻ


Trẻ có thể lo lắng chuyện bản thân cũng như người thân nhiễm Covid-19. Cảm giác lo lắng hoặc buồn bã quá độ, thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ không lành mạnh và tình trạng khó tập trung, chú ý là một số dấu hiệu của sự căng thẳng ở trẻ em. Các bậc cha mẹ và người chăm sóc cần phải nuôi dưỡng một mối quan hệ tin cậy và duy trì đối thoại cởi mở với trẻ, quan sát những thay đổi hành vi để hỗ trợ trẻ kịp thời.


Trò chuyện, lắng nghe và khuyến khích bộc lộ cảm xúc


Cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội để bộc bạch về cảm xúc sợ hãi, những nỗi lo lắng và sợ hãi. Lắng nghe những mối quan tâm và tìm hiểu nguồn thông tin con tiếp nhận. Hãy thẳng thắn trao đổi về hiện thực cuộc sống và dịch bệnh nhưng cũng khéo léo, nhẹ nhàng an ủi để con thấy mọi chuyện không quá nguy hiểm. Nếu con bạn quá tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực, hãy giúp chúng suy nghĩ theo hướng lạc quan hơn, nghĩ về những điều tốt đẹp phía trước.


Căng thẳng và lo lắng có thể xuất phát từ việc cảm thấy bất lực và mất kiểm soát, vì vậy, việc nhấn mạnh trẻ về những gì con có thể làm vào lúc này như tự chăm sóc bản thân, giúp đỡ cha mẹ và những người xung quanh… sẽ giúp trẻ giảm bớt lo lắng. 


dai-dich-tre-em-2.jpg


Củng cố các hành động phòng ngừa dịch bệnh


Chúng ta có thể thực hiện các bước để phòng tránh nhiễm bệnh và làm chậm sự lây lan của COVID-19. Hãy là một tấm gương sáng cho con, nếu người lớn thực hiện giãn cách xã hội theo đúng quy định, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 2m với người khác và đeo khẩu trang ở nơi công cộng để giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng thì chắc chắn trẻ sẽ thực hiện đúng như vậy.


Giúp đảm bảo sức khỏe cho trẻ


- Lên lịch khám sức khỏe toàn diện và tiêm phòng cho trẻ. 

- Giúp trẻ ăn uống lành mạnh, hạn chế các đồ nhiều dầu mỡ và đường.. 

- Tạo một lịch trình sinh hoạt đều đặn để phù hợp với lịch học trực tuyến hoặc nhịp sinh học của trẻ.

- Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người trong chúng ta ở nhà và ngồi nhiều hơn. Rất khó để tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời. Nhưng ở thời điểm này, mọi người dù ở lứa tuổi nào đi chăng nữa cũng cần tăng cường hoạt động thể dục để bảo vệ sức khỏe và tìm được thêm niềm vui trong cuộc sống. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tham gia vào các hoạt động thể chất có thể giúp chống lại tác động của căng thẳng


Giúp trẻ duy trì sự kết nối xã hội


Liên lạc với bạn bè và gia đình qua điện thoại hoặc trò chuyện qua video. Ghi thiệp hoặc viết thư gửi mọi người. 


Cùng con tham gia các hoạt động tại nhà


- Kỷ niệm các sự kiện đặc biệt theo cách sáng tạo như tổ chức một bữa tiệc online - trang trí phông nền, tạo danh sách phát nhạc và tạo trò chơi theo chủ đề.

- Tham quan bảo tàng ảo. 

- Cùng con nấu ăn. 

- Dành thời gian để cả gia đình cùng kết nối, thư giãn như xem phim, sáng tạo cùng nhau.


Tất cả những điều này sẽ giúp trẻ tìm ra những cách tích cực để thể hiện những cảm xúc khó khăn như tức giận, sợ hãi hoặc buồn bã.


taylor-heery-g7dUm6lRvtQ-unsplash.jpg


Lưu ý tiếp nhận thông tin


Chú ý đến những gì con bạn nhìn thấy hoặc nghe thấy trên truyền hình, đài phát thanh… Quá nhiều thông tin hoặc cập nhật liên tục về tình trạng của COVID-19 có thể làm tăng sự lo lắng. Bạn nên hiểu rằng thông tin dành cho người lớn có thể gây lo lắng hoặc nhầm lẫn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Hãy dành thời gian cùng con phân loại thông tin và giải đáp các thắc mắc.


Chăm sóc bản thân bạn để giảm căng thẳng COVID-19


Vì trẻ em thường tiếp nhận những tín hiệu cảm xúc từ người lớn như cha mẹ và giáo viên nên điều quan trọng là người lớn phải quản lý tốt cảm xúc của chính mình và giữ bình tĩnh, lắng nghe mọi mối quan tâm của trẻ và luôn có thái độ tích cực.


 Nếu bạn căng thẳng và lo lắng, con bạn cũng có thể cảm nhận được điều đó. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể chia sẻ với người thân về cảm giác của bạn hoặc liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần.


Hãy cho mình thời gian nghỉ ngơi. Khi con bạn ở nhà cả ngày, bạn vừa là mẹ vừa là giáo viên, đầu bếp, người dọn dẹp và vẫn phải hoàn thành tốt công việc. Đừng ngại ngần, hãy dành một khoảng thời gian và không gian cho riêng khi cảm thấy quá tải. Bằng cách này, cha mẹ cũng sẽ có thể hiểu con hơn và giúp con cảm thấy yên tâm, thoải mái và tập trung hơn.


Khi Nào Nên Tìm Đến Bác Sĩ?


Nếu tình trạng tinh thần của con bạn không cải thiện và có chiều hướng nghiêm trọng hơn hãy tìm đến các cơ sở y tế, các bác sĩ có chuyên môn để có thể tầm soát chứng trầm cảm và tìm ra giải pháp cho những mối quan tâm khác như lo lắng hoặc khó đối phó với căng thẳng..

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!