Nuôi dạy con cái là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời. Bỏ bê để trẻ em tự do phát triển hay chăm con đến mức giám sát và điều khiển con mọi lúc mọi nơi đều những thái cực không tốt. Thông qua lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, hy vọng bài viết này có thể giúp các bậc phụ huynh tránh được những cực đoan và có cách tiếp cận cân bằng hơn trong giáo dục con cái để con trưởng thành có một cuộc sống lành mạnh và tích cực.
Thế nào là gia đình rối loạn chức năng?
Biểu hiện của gia đình rối loạn chức năng là giao tiếp kém nên xảy ra xung đột thường xuyên, dẫn đến bạo hành tình cảm hoặc thể chất là điều không thể tránh khỏi... Cha mẹ trong những gia đình này thường mất kiểm soát, dễ dàng nổi cáu nóng giận, và thường xuyên trút những bực dọc của họ lên đầu con cái và vợ hay chồng. Con trẻ không nhận được tình yêu thương, sự bảo vệ hay tôn trọng. Chúng lớn lên với cảm giác sợ hãi, cô đơn, và có thể gặp khó khăn trong việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với những người khác. Ngoài ra, việc bị chỉ trích gay gắt hoặc bị mắng nhiếc trong suốt thời thơ ấu có thể khiến chúng mất lòng tin vào bản thân hoặc mắc các chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách... Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực, có khả năng chúng sẽ tham gia vào các cơ chế đối phó không lành mạnh như sử dụng chất kích thích, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Lạm dụng bằng lời nói ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Bạo hành bằng lời nói đối với trẻ em ít được chú ý hơn so với bạo hành thể chất, nhưng nó cũng có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài. Sự bạo hành không chỉ bao gồm việc la mắng, miệt thị hay doạ nạt mà có thể là việc phớt lờ con cái khi chúng chia sẻ hoặc đặt câu hỏi, coi thường, châm chọc và chỉ trích ý kiến của con trẻ. Những hành động như vậy khiến cho trẻ con nghĩ rằng chúng không quan trọng hoặc không có giá trị, điều đó có thể thúc đẩy sự tự phê bình và mặc cảm tự ti của trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng, đối với một đứa trẻ, tác động tiêu cực của việc lạm dụng bằng lời nói sẽ mạnh hơn tác động tích cực của việc cha mẹ thể hiện tình yêu thương.
Tuổi thơ bất ổn ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống ở tuổi trưởng thành?
Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, bao gồm lạm dụng bằng lời nói hoặc thể chất hoặc bị cha mẹ hắt hủi, bỏ rơi có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của con cái khi lớn lên, bao gồm tỷ lệ nghiện rượu, ma túy và nicotin cao hơn và khả năng mắc các rối loạn trầm cảm, lo âu cũng cao hơn.
Nuôi dạy con xâm phạm là gì?
Cách nuôi dạy con xâm phạm hạn chế mong muốn tự chủ của trẻ, trong đó cha mẹ chỉ đạo và kiểm soát con quá mức, tước đi cơ hội phát triển độc lập các kỹ năng mà chúng cần trong cuộc sống trưởng thành.
Nuôi dạy con dựa trên sự sợ hãi là gì?
Một số cha mẹ không tin vào việc đưa ra quyết định hoặc khả năng đưa ra những đánh giá đúng đắn hoặc học hỏi từ những sai lầm của trẻ. Điều này dẫn đến cách nuôi dạy con dựa trên sự sợ hãi rằng con cái sẽ không tự lo cho bản thân và chúng sẽ không thành công nếu không có sự can thiệp liên tục của cha mẹ. Những cách tiếp cận này bao gồm cách nuôi dạy con kiểu trực thăng, kiểu máy cắt cỏ hay xe cào tuyết.
Làm thế nào bạn có thể sửa chữa một gia đình rối loạn chức năng?
Trong nhiều gia đình rối loạn chức năng, cha mẹ và con cái đảm nhận một số vai trò nào đó trong bi kịch gia đình. Đó có thể là cha mẹ cáo buộc con, anh bảo vệ em, một hay nhiều người trong gia đình luôn cho mình nạn nhân. Nghiên cứu và kinh nghiệm trị liệu gia đình cho thấy rằng nếu một hoặc nhiều thành viên có thể tìm cách từ bỏ cách hành xử của mình thì những thành viên khác cũng sẽ thỏa hiệp để mang lại sự bình yên trong gia đình.
Nuôi dạy con ái kỷ
Lớn lên trong một gia đình ái kỷ sẽ như thế nào?
Trong một gia đình ái kỷ, nhu cầu của cha mẹ thường được đặt lên trước nhu cầu của con cái, và con cái thay vì tập trung vào sự phát triển của bản thân sẽ ưu tiên làm hài lòng cha mẹ. Trong gia đình này, trẻ em thấy rằng sự chấp nhận và yêu thương là có điều kiện và phụ thuộc vào việc chúng có làm theo yêu cầu của cha mẹ.
Sự từ chối, giận dữ, đổ lỗi và chối bỏ trách nhiệm có thể là những yếu tố phổ biến, mà không quan tâm con cái có thể bị tổn thương. Về cơ bản, trẻ em trong những gia đình như vậy có thể lớn lên mà không có cảm giác an toàn về mặt cảm xúc, luôn có cảm giác phải làm gì đó thì mới nhận được yêu thương.
Cách nuôi dạy con cái ái kỷ ảnh hưởng đến tuổi thơ như thế nào?
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc có đặc điểm ái kỷ, lớn lên có thể không có cảm giác được người khác lắng nghe và hiểu được mình. Những bậc cha mẹ ái kỷ đánh giá con cái chủ yếu dựa trên hành động của chúng có theo ý của họ. Trẻ em trong những gia đình ái kỷ có thể lớn lên với sự nghi ngờ bản thân với lòng tự trọng thấp, đồng thời chúng có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ lành mạnh.
Những ảnh hưởng lâu dài của việc nuôi dạy con cái ái kỷ là gì?
Một số nghiên cứu cho thấy những người được nuôi dưỡng bởi cha mẹ ái kỷ có thể trải qua thời thơ ấu của mình với cảm giác như thể họ thường xuyên ở trong bóng tối. Chúng lớn lên hoặc sẽ xa lánh mọi người hoặc theo đuổi tình yêu một cách tuyệt vọng - hoặc sự độc lập quá mức, từ bỏ hoàn toàn các mối quan hệ thân thiết hay yêu đương.
Nuôi dạy con kiểu trực thăng
Tên gọi này bắt nguồn từ sự liên tưởng tới hình ảnh những chiếc trực thăng bay luôn lượn lờ qua lại ngay trên đầu những đứa trẻ, không ngừng giám sát từng hành động của chúng. Cha mẹ trực thăng tham gia vào cuộc sống của một đứa trẻ bằng cách kiểm soát và bắt chúng làm mọi việc theo ý của mình từ việc lựa chọn quần áo, ăn uống, lựa chọn các môn học năng khiếu, kết bạn, cho đến những quyết định trong cuộc sống như chọn trường đại học, nghề nghiệp tương lai, chọn bạn đời.
Con cái được bảo bọc quá kỹ đến mức không còn khả năng đương đầu với khó khăn và chấp nhận thất bại. Nghiên cứu cho thấy những vấp ngã của trẻ trong quãng đầu đời giúp ích nhiều cho sự tự tin và phát triển tâm lý của chúng sau này. Những thất bại, vấp ngã dạy cho trẻ biết được đâu là giới hạn của mình, làm thế nào để xử lý những tình huống đáng sợ đó, học cách kiểm soát rủi ro và nỗi sợ hãi của chính mình.
Cha mẹ nên lùi lại một bước trong việc giải quyết các vấn đề của con mình bằng cách khuyến khích con mình tự giải quyết các vấn đề thay vì giải quyết và đưa ra quyết định cho chúng. Hãy để trẻ gặp khó khăn, cho phép chúng thất vọng và cảm nhận nỗi đau sau mỗi lần vấp ngã, từ đó chúng có thể học được những bài học quý giá để trở nên tự tin và kiên cường hơn.
Kiểu người nào có nhiều khả năng trở thành cha mẹ trực thăng nhất?
Cha mẹ trực thăng có chung một số đặc điểm tính cách, trong đó nổi bật nhất là sự lo lắng và cầu toàn. Những người không thể chịu đựng được việc sống với sự không hoàn hảo hoặc không chắc chắn sẽ lo lắng và né tránh rủi ro. Do quá lo lắng, họ có thể coi việc can thiệp để giải quyết các vấn đề của con cái là cách duy nhất để cảm thấy an tâm.
Nuôi dạy con kiểu trực thăng có thể gây ra những vấn đề lâu dài nào?
Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em được cha mẹ trực thăng nuôi dưỡng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe ở tuổi trưởng thành, có thể là do chúng chưa bao giờ học cách quản lý sức khỏe của mình một cách độc lập và không có sự nhắc nhở thường xuyên của cha mẹ về giấc ngủ, ăn uống, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Họ cũng có thể có nhiều khả năng dựa vào thuốc hơn cho vấn đề lo lắng hoặc trầm cảm vì họ được nuôi dạy để chống lại bất kỳ loại khó chịu nào.
Nuôi dạy con kiểu trực thăng có phải là một phản ứng hợp lý trước những thách thức mà trẻ em phải đối mặt?
Cha mẹ trực thăng tin rằng, mặc dù cách tiếp cận này có thể có vấn đề, nhưng đó là một phản ứng không có gì đáng ngạc nhiên trước những thách thức của thế giới hiện đại. Trong phần lớn lịch sử loài người, trẻ em được coi là người lớn thu nhỏ, phải làm việc và sản xuất cho gia đình. Tuy nhiên, dần dần, trẻ em bị coi là yếu đuối và cần được bảo vệ. Và sự bùng nổ của những lời khuyên về cách nuôi dạy con cái trong những năm gần đây có thể đã khiến các ông bố bà mẹ cảm thấy rất bất an về khả năng nuôi dạy con cái đúng cách của mình và do đó có nhiều khả năng tham gia sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của trẻ, với tư cách là cha mẹ trực thăng.
Cha mẹ trực thăng có giúp con thành công ở trường không?
Một số phụ huynh tin rằng việc duy trì sự gắn kết chặt chẽ với đời sống học tập của con mình và đứng ra hỗ trợ hoặc thay thế khi chúng gặp khó khăn sẽ giúp trẻ đạt được thành tích ở trường và tạo ra con đường dẫn đến thành công trong tương lai. Điều đó có thể đúng ở một mức độ nào đó khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là con cái họ có thể không phát triển được tính tự lập cần thiết để thành công ở cấp trung học, đại học hoặc cao hơn. Nghiên cứu cho thấy một lý do khiến căng thẳng và trầm cảm trở nên phổ biến ở các trường đại học là vì ngày càng có nhiều trẻ em lớn lên mà không được trải nghiệm và vượt qua thất bại.
Cách nuôi dạy con kiểu 'máy cắt cỏ' và 'xe cào tuyết' là gì?
Nếu cha mẹ trực thăng có thể được coi là những người bay lượn bên con mình, theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị can thiệp khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên, thì cha mẹ cắt cỏ, còn được gọi là cha mẹ máy xúc tuyết, có thể được coi là người dọn đường cho trẻ, biết trước những trở ngại con mình sẽ đối mặt và dọn dẹp chúng. Cách tiếp cận này giúp trẻ tránh khỏi cảm giác khó chịu nhưng cũng ngăn cản trẻ phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc phát triển sự tự tin.
Cha mẹ máy cắt cỏ hay cha mẹ xe cào tuyết là những phụ huynh có khuynh hướng dẹp bỏ giùm con những khó khăn, thách thức lớn nhỏ trong cuộc sống, để con dễ dàng đạt được thành công, không cho con cơ hội đối diện và tự giải quyết khó khăn của chính mình. Cha mẹ kiểu này có suy nghĩ đơn giản những gì họ làm là giúp con mình mà không nhận thức được cách nuôi dạy con sai lầm này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường sau này khi trẻ lớn lên.
Những đứa trẻ có thói quen được cha mẹ giúp chúng giải quyết mọi chướng ngại vật trong cuộc sống sẽ hình thành tính cách ỷ lại và dựa dẫm về lâu về dài. Những đứa trẻ luôn "ăn sẵn" và không có cơ hội đối mặt với thất bại sẽ phải khổ sở, vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống khi không có cha mẹ bên cạnh.Trẻ em cần được học kỹ năng đối phó với khó khăn, thất bại và những cảm xúc thất vọng, cách vượt qua thất bại và sửa chữa lỗi lầm để trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đôi khi các loài vật làm tốt hơn con người trong việc huấn luyện con nhờ vào bản năng sinh tồn và không sợ hãi. Cha mẹ vì sợ hãi mà đã tước đi cơ hội trải nghiệm thử thách cho con cái.
Đôi khi thấy con mình vấp ngã là điều thật xót xa, nhưng trong những lúc như vậy, hãy nhớ lại thời điểm con mình tập đi. Dù đau lòng nhưng chúng ta bắt buộc phải để trẻ tự ngã, mỗi lần ngã là mỗi lần con đứng dậy, cẩn thận hơn, cứng cáp hơn và bước đi vững vàng hơn. Hãy cứ để con "nếm mùi thất bại", tự rút ra bài học và cải thiện ở lần tiếp theo. Hãy tạo cho trẻ cơ hội chịu trách nhiệm với hành động của mình, nhận lấy hình phạt mỗi khi làm sai, có như vậy đứa trẻ mới lớn lên với một với sự mạnh mẽ và kiên cường để có thể tự mình đứng vững giữa những phong ba cuộc sống.
About the author
Thanh Nguyễn