Phương pháp sinh dưới nước giờ đây khá phổ biến trên thế giới. Nhưng mỗi khi MXH xôn xao những câu chuyện bà mẹ sinh con dưới nước tại nhà, lại gây ra những tranh cãi không có hồi kết.
Có thể bạn chưa biết, phương pháp sinh con dưới nước cần chuẩn bị thật kỹ kiến thức, tinh thần và các trang thiết bị, đồng thời phải có sự hỗ trợ của bác sĩ để đề phòng các tình huống nguy hiểm xảy ra, chứ không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ là chỉ cần 1 bồn nước thật lớn đặt ở nhà.
Phương pháp này được biết đến với một số lợi ích nhất định, tuy nhiên lại có khá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Sinh con dưới nước có lợi ích gì?
Giống như việc tắm nước ấm có thể mang lại sự thoải mái, dễ chịu, sinh con dưới nước cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự.
Theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ, việc ngâm mình trong nước ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ có thể giúp sản phụ giảm bớt cơn đau, mang lại cảm giác thư giãn hơn, rút ngắn thời gian chuyển dạ, hạn chế sự can thiệp của các thuốc gây tê, nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nó thật sự cải thiện các biến cố trong giai đoạn này.
Tính an toàn của phương pháp này ở giai đoạn thứ 2 của quá trình chuyển dạ cũng chưa được kiểm chứng, chưa chứng minh được lợi ích thực sự cho sản phụ và thai nhi.
Nhược điểm của phương pháp sinh con dưới nước
Nếu áp dụng phương pháp sinh con dưới nước không đúng, không được kiểm soát nghiêm ngặt có thể gây ra nhiều tác hại.
Một số rủi ro có thể xảy ra bao gồm:
• Nhiễm trùng ở cả mẹ và em bé.
• Trong trường hợp mẹ bị mất máu, sẽ không thể đo lượng máu mất sau khi sinh một cách chính xác.
• Khi em bé sinh ra, do cần mau chóng đưa bé lên khỏi mặt nước, chính điều này có thể dẫn đến đứt dây rốn.
• Nhiệt độ cơ thể của bé có thể quá cao hoặc quá thấp.
• Em bé có thể bị hít phải phân su, suy hô hấp, thậm chí ngạt thở và co giật.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo rằng trẻ sơ sinh sinh ra dưới nước có thể do hít phải những giọt nước có chứa vi khuẩn Legionella, gây ra bệnh Legionnaires - một loại bệnh viêm phổi do vi khuẩn cực kỳ nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
Đôi khi những biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể khiến kế hoạch sinh con dưới nước phải bị hủy bỏ. Các biến chứng có thể bao gồm mẹ bị sốt từ 38°C trở lên, chảy máu âm đạo quá nhiều, suy thai, huyết áp cao, quá trình chuyển dạ diễn ra rất chậm, nhịp tim của em bé có vấn đề hoặc nếu người mẹ cảm thấy buồn ngủ.
Bạn có phù hợp với phương pháp sinh con dưới nước?
Phương pháp sinh dưới nước không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt nếu:
• Bạn trẻ hơn 17 hoặc lớn hơn 35 tuổi.
• Bạn có các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, tiền sản giật hoặc tiểu đường.
• Bạn đang mang thai từ 2 em bé trở lên.
• Em bé đang ở tư thế ngôi ngược.
• Sinh non.
• Bạn bị nhiễm trùng.
• Bạn có tiền sử sinh nở khó khăn
Nếu quyết định sinh con dưới nước tại nhà, cần chuẩn bị những gì?
Các chuyên gia khuyến cáo rằng sinh con dưới nước chỉ nên coi là một trải nghiệm giúp bà mẹ thư giãn, giảm đau hơn, chứ không được coi là một phương pháp y khoa chính thống.
Tại Việt Nam, các bệnh viện chưa có dịch vụ hỗ trợ sinh con dưới nước. Nếu bạn đang nghĩ đến việc sinh con dưới nước, hãy nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn ngay từ đầu trong thai kỳ để tìm hiểu xem đó có thích hợp với tình trạng sức khỏe của bạn hay không.
Dưới đây là những điều cần có nếu quyết định sinh con dưới nước:
• Bạn có được giám sát bởi bác sĩ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm, được cấp phép để giúp bạn vượt qua quá trình chuyển dạ và sinh nở.
• Có các thiết bị y tế theo dõi và các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng.
• Chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, nhân lực và phương tiện để đưa mẹ và bé tới bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.
• Bạn và em bé luôn được theo dõi đúng cách khi ở trong bồn nước.
• Có bồn nước cần đủ sâu để ngập bụng mẹ và phải được khử trùng, giữ gìn vệ sinh.
• Nước trong bồn tắm cần có nhiệt độ tương đương với cơ thể mẹ, tức là khoảng 33-35°C.
Sinh con là quá trình có thể xảy ra nhiều biến chứng dù sức khỏe của bạn trong thai kỳ ổn định, vì thế, dù quyết định của bạn là gì, xin hãy đặt sự an toàn lên hàng đầu.
About the author
S. Reen