Bé 6 tháng ăn dặm ngày mấy lần là tốt nhất? Đây là câu hỏi mà rất nhiều ba mẹ quan tâm, nhất là khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc con. Bé 6 tháng đã đến tuổi ăn dặm. Thế nhưng, đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm nên có thể hiểu các ba mẹ đều không biết nên cho bé ngày ăn dặm mấy lần thì tốt. Tìm hiểu câu trả lời sẽ có trong những thông tin dưới đây.
Bé 6 tháng ăn dặm ngày mấy lần?
Ăn dặm là quãng thời gian quan trọng để giúp bé tập nhai, nuốt và cảm nhận vị của thức ăn. Thời điểm 6 tháng tuổi thường là lý tưởng nhất cho hầu hết các bé để bắt đầu ăn dặm. Thời điểm bắt đầu này mẹ có thể cho bé làm quen với đồ ăn 1 lần/ ngày. Sau đó tăng dần lượng thức ăn và tần suất lên 2 – 3 lần/ ngày.
Mới đầu, nhiều bé có thể chỉ ăn được 1-2 thìa. Tuy nhiên, nếu con đã dần thích nghi, mẹ có thể tăng lượng thực phẩm lên 50-100ml mỗi lần để phù hợp với nhu cầu của bé.
Thực ra, ở giai đoạn 6 tháng, việc ăn được bao nhiêu không quá quan trọng. Cần nhất là cho con thử các món ăn từ loãng đến đặc và phải cho con ăn đa dạng món ăn khác nhau để bé làm quen và hứng thú ăn dặm. Đây là điều mà ba mẹ nên làm hơn cả việc bé 6 tháng ăn dặm ngày mấy lần hay bao nhiêu là đủ.
Dù bé ăn dặm đã tốt hơn, nhưng cũng đừng quên sữa mẹ hoặc sữa công thức, các cữ sữa nên cách nhau 4 tiếng. Sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong suốt năm đầu tiên của các bé.
Bé 6 tháng ăn dặm cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, một bữa ăn dặm của bé cần phải đáp ứng đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện
Tinh bột
Là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho hệ thống thần kinh trung ương và năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể làm việc. Chứa nhiều trong các sản phẩm như ngô, gạo, ngũ cốc, khoai, sắn, các loại đậu,..., mẹ nên thường xuyên thay đổi để đa dạng các bữa ăn, giúp bé ngon miệng.
Chất đạm
Protein/ chất đạm giúp xây dựng và duy trì cơ bắp, máu, da, xương, và các cơ quan tổ chức khác của cơ thể. Đạm có rất nhiều trong các loại thịt, trứng, cá, hải sản.... Tuy nhiên, cần lưu ý không được cho bé ăn quá nhiều đạm, dễ gây rối loạn tiêu hóa, nguy cơ mắc chứng biếng ăn. Với bé 6 tháng ăn dặm, nên cho con thử từng chút một để kiểm tra phản ứng dị ứng của cơ thể của con với từng loại đồ ăn.
Chất béo
Chất béo chứa nhiều trong bơ, dầu, mỡ, phô mai.... Chất béo là nguồn thực phẩm giàu năng lượng, thành phần của màng tế bào,giúp cơ thể hấp thu tốt các loại vitamin..
Mẹ nên bổ sung chất béo tốt từ dầu oliu, cá, quả bơ, các loại hạt…
Chất xơ, vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất còn gọi là các vi chất dinh dưỡng chất, là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chất xơ và vitamin chứa nhiều trong các loại rau củ quả.
Đối với trẻ 6 tháng ăn dặm mẹ cũng cần chế biến và chuẩn bị phù hợp với bé. Bé ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm truyền thống nên được ăn rau củ xay hoặc tán thật nhuyễn. Trẻ tập ăn dặm bé tự chỉ huy BLW thì mẹ nên cắt nhỏ, làm mềm rau củ quả để con dễ cầm nắm, dễ ăn và tránh nguy cơ bị hóc.
Lưu ý khi cho bé 6 tháng ăn dặm
Trường hợp dị ứng thức ăn
Vì trẻ mới được 6 tháng và cũng là lần đầu con tiếp xúc với thức ăn dặm, mà ba mẹ nên chú ý và theo dõi con khi ăn dặm. Nếu con có những dấu hiệu lạ bất thường như nổi phát ban, phân lỏng có nhầy, chướng bụng, đầy hơi, quấy khóc và nôn trớ… rất có thể con bị dị ứng. Ba mẹ cần ngưng cho con ăn các thực phẩm đó và đưa con đi khám ngay.
Để có thể nhận biết thực phẩm mà bé bị dị ứng, bạn nên thử cho bé ăn 1 loại thực phẩm 2-3 ngày trước khi chuyển sang loại mới. Ngoài ra, hãy xem xét gia đình bạn có tiền sử dị ứng hay không để nhận biết nguy cơ trẻ bị dị ứng với thực phẩm nào nhanh hơn.
Dấu hiệu phân thay đổi
Chế độ của trẻ chuyển sang ăn dặm, nên phân của trẻ cũng bắt đầu có sự thay đổi về mùi, màu và độ đặc. Khi ăn dặm, phân trẻ có thể chắc hơn và có mùi hơn. Thậm chí, một số loại thức ăn có thể lẫn trong phân. Ba mẹ cũng không nên quá ngạc nhiên vì điều này bởi lẽ hệ tiêu hóa của con chưa trưởng thành và đang cần thêm thời gian. Nếu thấy phân có nhiều nước, nhầy và mùi, có thể hiểu rằng con bị kích thích hệ tiêu hóa. Lúc này, cần giảm thức ăn đặc và chờ thêm thời gian cho con thích nghi với thực phẩm
Xử lý trẻ bị học kịp thời
Trẻ nhỏ nói chung và trẻ ăn dặm tự chỉ huy blw nói riêng dễ bị hóc đồ ăn, khi xảy ra tình huống nguy hiểm cần xử lý kịp thời, nếu không chỉ sau 5-6 phút, đường thở sẽ bị chèn ép khiến con ngừng thở và có thể dẫn tới tử vong. Tìm hiểu những cách xử lý khi bé bị hóc khi ăn tại đây.
Nhìn chung, bé 6 tháng ăn dặm ngày mấy lần thì thường là 1-3 lần. Tuy nhiên, số lần này còn phụ thuộc vào thể trạng, sở thích và chế độ ăn dặm của từng bé. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các mẹ hiểu hơn về việc cho bé 6 tháng ăn dặm và một số lưu ý trong quá trình cho bé ăn.
About the author
Đặng Nguyệt