Người đời thường hay đổ lỗi lên đầu cha mẹ khi con cái có bất cứ vấn đề gì. Điều này không phải luôn đúng. Nhưng nghiên cứu tâm lý trong nhiều thập kỷ đã gợi ý rằng cách nuôi dạy của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cách con cái tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống. Bài viết này giúp những bậc cha mẹ nhận thức được những hạn chế trong cách nuôi dạy con của mình và thay đổi để con em mình được phát triển tốt, có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Bốn kiểu nuôi dạy con chính là gì?
Nghiên cứu do nhà tâm lý học phát triển Diana Baumrind bắt đầu vào những năm 1960 đã xác định ba phong cách nuôi dạy con cái chính, đó là độc đoán, chiều chuộng và trao quyền. Những nghiên cứu sau này bổ sung thêm cách thứ tư – để con phát triển tự do mà không can thiệp.
Mỗi phong cách nuôi dạy con cái có những tác động khác nhau đến hành vi của con cái và có thể được xác định bởi những đặc điểm nhất định, cũng như mức độ đáp ứng với nhu cầu của con cái và mức độ kiểm soát của cha mẹ đối với con cái của họ…
• Cha mẹ độc đoán tìm cách duy trì mức độ kiểm soát cao đối với con cái mình. Họ có thể đặt ra và đòi hỏi con cái tuân thủ những phép tắc nghiêm ngặt, đồng thời có nhiều khả năng ủng hộ và tham gia vào các hình phạt về thể xác như đánh đòn. Những bậc cha mẹ như vậy có thể gọi cách dạy con của họ là "yêu cho roi cho vọt" và tin rằng nó sẽ giúp con họ được chuẩn bị tốt hơn khi bước vào xã hội. Thật không may, kiểu nuôi dạy con cái này có thể thực sự gây hại cho một đứa trẻ. Con cái của những bậc cha mẹ độc tài thường kém độc lập, bất an hơn, có vấn đề về lòng tự trọng và kém các kỹ năng xã hội quan trọng. Điều này xảy ra bởi vì ý kiến của trẻ không được coi trọng khi họ còn nhỏ và vì cha mẹ họ luôn quyết định mọi thứ cho trẻ.
• Cha mẹ lơ là cho con muốn làm gì thì làm. Họ không dành nhiều thời gian như các bậc cha mẹ khác để trò chuyện, vui chơi với con và không đặt ra nhiều nội quy trong gia đình. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, dẫn đến trở nên bốc đồng. Trẻ khó tuân theo các quy tắc, giao tiếp và hình thành mối quan hệ thân thiết với những người khác vì trẻ không nhận được tình yêu và sự hỗ trợ khi còn nhỏ.
• Cha mẹ dễ dãi ân cần và ấm áp nhưng không đặt ra nhiều quy tắc cho con cái. Họ có thể ưu tiên làm bạn của con hơn là làm cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy rằng con cái của những bậc cha mẹ dễ dãi có thể thể hiện mức độ sáng tạo cao hơn nhưng cũng có thể trở nên ích kỷ và quan tâm đến việc nhận hơn là cho đi trong các mối quan hệ của chính mình. Trẻ cũng có thể cảm thấy có quyền được bất cứ thứ gì chúng muốn. Con cái của những bậc cha mẹ dễ dãi thường có lòng tự trọng thấp và có thành tích học tập không cao.
• Cha mẹ trao quyền (hay còn gọi phong cách dạy con dân chủ). Đây là phương pháp thực dụng và linh hoạt hơn cả, được nhiều người ưa chuộng trong thời đại ngay nay. Cha mẹ đặt ra những ranh giới rõ ràng nhưng cũng khuyến khích sự độc lập của trẻ trong những giới hạn đó. Kỷ luật trong những gia đình như vậy có thể mang tính hỗ trợ hơn là trừng phạt, giúp trẻ phát huy tính độc lập. Con cái của những bậc cha mẹ trao quyền có khả năng tự chủ và tự lực phát triển cao hơn. Phương pháp này giúp con cái có ý thức trách nhiệm, củng cố sự tự tin, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Cha mẹ có phong cách dân chủ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của con, quan tâm đến cảm xúc của con khi hành động, đồng thời cũng đặt yêu cầu rất cao với con. Cha mẹ và con cùng thảo luận, đặt ra các giới hạn và cực kì nhất quán trong việc thực thi các ranh giới.
Ở các nước phương Tây như Úc và Hoa Kỳ, việc nuôi dạy con cái theo phong cách dân chủ bao gồm cả việc cha mẹ có tính đến sở thích của trẻ khi lập kế hoạch gia đình, hoặc khuyến khích trẻ thể hiện ý kiến riêng. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, một số yếu tố dân chủ có thể không có. Ví dụ, một nghiên cứu đa văn hóa về phong cách nuôi dạy con ở bốn quốc gia đã phát hiện ra rằng nếu cha mẹ có phong cách dân chủ sống ở Trung Quốc hoặc Nga, họ sẽ không tính đến sở thích của con khi lập kế hoạch gia đình. Cha mẹ Trung Quốc cũng không khuyến khích trẻ phát biểu ý kiến của chúng – đặc biệt khi ý kiến này không thống nhất với ý kiến của chính họ (theo Robinson và cộng sự 1996).
Tuy nhiên, cũng chính trong nghiên cứu này đã tìm thấy rằng, cha mẹ có phong cách dân chủ luôn giải thích cho trẻ lý do về quy tắc gia đình. Việc cha mẹ nói chuyện với trẻ về nguyên nhân, kết quả của hành vi chưa phù hợp là một thực tế phổ biến của phong cách làm cha mẹ dân chủ. Khía cạnh này được cho là làm cho trẻ trở nên thông cảm, hữu ích, tận tâm và tốt bụng hơn so với những trẻ khác (Krevans và Gibbs 1996; Knafo và Plomin 2006). Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa trẻ phát triển các hành vi hung hăng hoặc thách thức (Choe và cộng sự 2013; Arsenio và Ramos-Marcuse 2014), thúc đẩy sự phát triển đạo đức (Patrick và Gibbs 2016).
Bạn có phải là một cha mẹ phong cách dân chủ không?
Hãy trả lời những câu hỏi sau:
• Bạn quan tâm đến nguyện vọng của con trước khi đưa ra một yêu cầu nào đó?
• Bạn luôn thảo luận với con về những lý do cho những kì vọng của bạn nơi con?
• Bạn lắng nghe ý kiến, quan điểm của con, mà không đòi hỏi một sự vâng lời mù quáng?
• Bạn sử dụng kỷ luật tích cực thay vì trừng phạt và các biện pháp ép buộc mạnh mẽ?
• Bạn cùng con thống nhất những giới hạn rõ ràng về hành vi và thực thi các ranh giới một cách nhất quán?
• Bạn sống sao cho con phải tôn trọng bạn, chứ bạn không mặc định yêu cầu sự tôn trọng tuyệt đối từ con?
• Và trên hết, bạn luôn tìm ra cách để khuyến khích sự độc lập, tự chủ của con?
Rất nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng đứa trẻ của cha mẹ có phong cách dân chủ, được trang bị đầy đủ để đối mặt với cuộc sống hơn, từ đó có nhiều cơ hội để hạnh phúc hơn. Và một điều thật may mắn, bất chấp tính cách của bạn là gì, bạn luôn có thể học hỏi để trở nên dân chủ hơn với con mình, học hỏi để tạo ra một nghệ thuật nuôi dạy con của riêng mình, kết hợp quyền tự chủ, với tính cách độc đáo của bạn và con.
Đâu mới là cách nuôi dạy con tốt nhất?
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng cách nuôi dạy con cái dân chủ là cách nuôi dạy con cái tốt nhất. Nhưng trên thực tế, khi nói đến việc nuôi dạy con cái, không có "công thức" nào phù hợp với tất cả. Theo các chuyên gia, bạn không nhất thiết phải gắn bó với 1 phong cách nuôi dạy mãi mãi, vì có thể sẽ có lúc bạn phải sử dụng nhiều phương pháp nuôi dạy con khác nhau — ở mức độ vừa phải và tùy thuộc vào tình huống. Ví dụ, cha mẹ độc đoán có thể muốn trở nên dễ dãi hơn khi trẻ bị ốm, bằng cách gần gũi, ấm áp và buông bỏ một số quyền kiểm soát. Và cha mẹ dễ dãi có thể nghiêm khắc hơn nếu sự an toàn của trẻ bị đe dọa, chẳng hạn như khi băng qua một con phố đông đúc: “Con sẽ nắm tay mẹ dù muốn hay không”.
Nếu bạn nhận ra một số phương pháp hoặc kỹ thuật nuôi dạy con cái nhất định mà bạn muốn thay đổi hoặc phát triển đầy đủ hơn, thì có một số yếu tố cần cân nhắc:
Tính cách của con: Hiểu con bạn là điều cần thiết khi xác định phong cách nuôi dạy con nào hiệu quả. Hãy nhận biết tính cách độc đáo của con bạn và điều chỉnh cách tiếp cận của bạn để phù hợp nhất với nhu cầu của chúng.
Môi trường văn hóa và kỳ vọng: Hãy lưu ý đến các chuẩn mực và giá trị văn hóa có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nuôi dạy con cái của bạn cũng như những kỳ vọng đặt vào con bạn.
Bản thân bạn: Hãy cân nhắc thời gian và nguồn lực bạn có thể dành cho việc nuôi dạy con cái và chọn phong cách phù hợp với khả năng của bạn để cung cấp sự chăm sóc và hỗ trợ nhất quán.
Kinh nghiệm trong quá khứ của bạn: Suy ngẫm về quá trình giáo dục của chính bạn và phong cách nuôi dạy con cái mà bạn đã trải qua.
Những hạn chế và nhu cầu cá nhân của con bạn: Điều chỉnh phong cách nuôi dạy con cái của bạn để phù hợp với bất kỳ nhu cầu, thách thức hoặc điểm mạnh đặc biệt nào mà con bạn có thể có.
Quy mô gia đình: Nếu bạn có nhiều con, hãy điều chỉnh cách nuôi dạy con cái của bạn để có thể quản lý phù hợp với sự đa dạng, năng động của gia đình.
Vai trò của các thành viên khác trong gia đình: Xem xét sự tham gia và ảnh hưởng của những người chăm sóc khác, chẳng hạn như ông bà hoặc anh chị em, trong quá trình nuôi dạy con bạn. Nếu những nhân vật này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, hãy cho những cá nhân này biết về các lựa chọn và phương pháp nuôi dạy con cái của bạn.
Giáo viên/ người chăm sóc trẻ em: Thông báo cho bất kỳ người chăm sóc nào về các phương pháp bạn đã chọn cho gia đình mình. Họ có thể thực hiện được với phong cách này? Họ sẽ hỗ trợ những nỗ lực của bạn?
About the author
Thanh Nguyễn