Đa phần con người ta vì ham muốn quá nhiều hơn nhu cầu cần thiết mà sinh ra phiền não. Biết đủ là đủ, thấy vui là vui. Chấp nhận bản thân vô điều kiện, chấp nhận người vô điều kiện và chấp nhận cuộc sống vô điều kiện là ba chân trụ của cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Hai bài đầu tiên tác giả muốn gửi đến quý độc giả trong dịp đầu năm mới là chấp nhận bản thân vô điều kiện và thương thân. Thương thân là tiền đề để chấp nhận bản thân. Nhiều người trong chúng ta không thương bản thân mình mà đã và đang hành hạ thể xác và tâm hồn mình. Muốn thương yêu và chấp nhận người khác chúng ta trước hết phải yêu thương và chấp nhận chính mình. Hy vọng bài dịch này có thể góp phần nhỏ tạo nên hành trình tìm kiếm hạnh phúc của bạn!
Thương bản thân là mấu chốt cho sức khỏe và hạnh phúc. Tình thương là một năng lượng tích cực mạnh mẽ cần thiết để nuôi dưỡng tâm và thân. Chúng ta không thể nhận biết tình thương từ người khác nếu không có tình thương đối với chính mình. Khi bản thân tin rằng mình có giá trị, mình sẽ sống y như vậy.
Không nên nhầm lẫn thương bản thân với xem bản thân mình là nhất hay ích kỷ. Những bài giảng của Đức Phật thường hay nhấn mạnh về lòng thương với chính mình. Những bài giảng này hướng dẫn chúng ta các bước cần làm để có thể thương bản thân một cách tự nhiên và lành mạnh.
"Bản thân mình cũng như bất kỳ ai trên thế gian này đều xứng đáng được mình yêu thương" - Đức Phật
Trên thực tế, chúng ta thương bản thân hay kèm theo điều kiện. Chúng ta hạnh phúc khi có được những gì mình muốn. Chỉ khi đó, chúng ta mới thấy mình có giá trị và yêu bản thân mình. Tại sao phải chờ đến khi hoàn cảnh bên ngoài thay đổi rồi mới thương lấy mình?
Đối xử tốt với chính mình
"Những gì chúng ta nói ra nên được chọn lựa kỹ càng" - Đức Phật
Bước quan trọng đầu tiên là cải thiện việc đối thoại với chính mình và làm câm lặng kẻ chỉ trích bên trong hay phán xét, lên án những hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Chúng ta thường nghĩ rằng mình phải khó khăn với bản thân để tự thúc đẩy mình mà sự thật thì ngược lại.
Cách tốt nhất để bắt đầu quá trình chăm sóc bản thân mình là tưởng tượng cách mà mình nói chuyện với một người bạn đang thất bại và thất vọng. Khi đó mình sẽ động viên và nâng tinh thần họ mà không phán xét một cách nghiêm trọng. Làm bạn với chính mình sẽ khởi đầu khi chúng ta đối thoại với bản thân với tình thương yêu, một cách nhẹ nhàng và thoải mái.
Nếu bạn thừa cân hay đi làm việc muộn, hãy nhắc nhở mình bằng sự tử tế mà không phán xét. Chuyển cách phê phán khó nghe sang cách biểu cảm ấm áp và yêu thương. Điều này không phải có được ngay vì bản thân chúng ta đã quen với cách thức cũ rất lâu rồi. Điều quan trọng là cần phải tập thương bản thân vô điều kiện và tha thứ cho mình ngay cả khi chúng ta quay về thói quen tự chỉ trích. Hãy thương cả những phần tiêu cực và những gì mình cho là lỗi lầm.
Chọn yêu thương
"Đừng tin vào những lý thuyết sai lầm và đừng chạy theo đám đông" - Đức Phật
Theo cuốn "Chết để được là chính mình" của Anita Moorjani, thương bản thân là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho mình. Triết lý của tác giả đối với sức khỏe tối ưu là sự khác nhau giữa sống trong sợ hãi và sống trong yêu thương. Tác giả cũng mô tả sự trải nghiệm cận cái chết đã dạy cô rằng thiếu tình yêu thương bản thân đã góp phần đưa đến bệnh tật của mình.
Dùng những từ tích cực
"Một từ mang đến bình yên tốt hơn cả ngàn lời sáo rỗng" - Đức Phật
Louise Hay là một người tin vào sức mạnh của việc thương yêu bản thân đối với chữa lành tổn thương. Trong cuốn sách tựa đề: "Bạn có thể chữa lành cuộc đời mình", bà đã đề nghị chúng ta lập lại những cụm từ tích cực như một thần chú và viết chúng xuống như là những khẩu hiệu. Tạo một không gian sống và làm việc với những điều khẳng định tích cực để tâm mình luôn được nuôi dưỡng bởi những niềm tin tích cực. Thay vì nói: "Tôi tán thành bản thân", nên nói: "Tôi chấp nhận bản thân như chính tôi đang là".
Một bài trắc nghiệm cho lòng thương chính mình là nhìn vào đôi mắt mình trong gương và nói: "Tôi yêu bạn". Lập lại cho đến khi mình nhìn thấy một con người tràn đầy thương yêu đang nhìn lại mình.
Sống biết ơn
"Hạnh phúc không bao giờ đến nếu mình không biết trân quý những gì mình đang có" - Đức Phật
Biết ơn những gì mình đang có là một bước quan trọng để nuôi dưỡng và phát triển tình thương bản thân. Bắt đầu thực hành điều này bằng cách mỗi buổi sáng hay tối nói lên ba điều mà mình cảm thấy biết ơn, cho dù nhỏ đến đâu. Tập cách thiền chú tâm vào những thứ mà mình biết ơn. Điều này đã được khoa học chứng minh không những chuyển chúng ta sang tư duy tích cực mà còn tốt cho cả sức khỏe thể chất. Hệ thống miễn dịch cũng sẽ được tăng cường để nâng cao khả năng tự chữa lành. Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khoẻ và hạnh phúc cũng như đạt được những mục tiêu cá nhân sớm hơn.
Bắt đầu bằng cách nhận ra những điều về bản thân và các bộ phận trên cơ thể mà mình thích và không muốn thay đổi. Xem cơ thể mình như một sự nhiệm màu, khiến bạn nhìn bản thân trong gương với một tình yêu và sự biết ơn mà cuộc đời dành tặng cho mình.
Nhìn bức tranh tổng thể
"Đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai khác. Không có sự so sánh hơn thua giữa mặt trời và mặt trăng. Chúng tỏa sáng vào thời điểm chúng cần tỏa sáng" - Đức Phật
Phải chấm dứt việc so sánh mình với người khác. Đây là điều ngu ngốc nhất bởi vì chúng ta nói với mình rằng chúng ta tệ hại. Không ai là toàn vẹn và khi chúng ta nhận ra bản thân mình không bao giờ đạt tới nhưng tiêu chuẩn khắt khe cho sự hoàn mỹ, chúng ta sẽ thực sự yêu bản thân như chính mình đang là, cả những khiếm khuyết.
Tất cả chúng ta ai cũng có những hối hận, tổn thương, sợ hãi, nghi ngờ và những vấn đề của riêng mình. Chỉ những người nằm trong lòng đất với không có vướng bận lo âu mà thôi. Khi nào còn sống trên đời này, bản thân sẽ còn phải đương đầu với những vấn đề trong cuộc sống. Nhìn những vấn đề với sự chánh niệm và ôm ấp chúng với tình thương. Không tìm cách đàn áp chúng. Thay vì tách bạn ra khỏi những người khác và cảm thấy yếm thế hơn một ai đó, chúng ta nên nhìn thấy sự kết nối. Khi tìm kiếm những sự tương đồng, chúng ta sẽ thấy chúng rõ hơn và tình thương sẽ dễ đến với mình.
Thiền
"Tình yêu đến từ bên trong. Đừng tìm nó bên ngoài" - Đức Phật
Một đôi giày mới, chiếc xe mới hay một công việc tốt sẽ giúp mình cảm thấy bình yên trong bao lâu? Bình yên được tìm thấy bên trong chúng ta, khi bạn có thể vượt qua những xao nhãng bên ngoài giúp tâm thư giãn và lắng xuống để cảm nhận bình yên chảy trong từng tế bào của cơ thể.
Thiền giúp chúng ta quay về với sự bình yên bên trong bất kỳ lúc nào mình muốn. Để lan tỏa sự bình yên ra bên ngoài, trước tiên bản thân chúng ta phải có được bình yên. Bình yên và hạnh phúc đích thực là trạng thái tự nhiên mà mình có thể tìm thấy mọi lúc qua việc thực hành thiền thường xuyên.
*Dịch từ Blog Insight Timer
Mời bạn đón đọc bài viết tiếp theo Con đường đi đến chấp nhận bản thân vô điều kiện!
About the author
Thanh Nguyễn