Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn tâm thần liên quan đến suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân và được biểu hiện bằng ám ảnh và cưỡng chế.
Ám ảnh là các suy nghĩ, hình ảnh hay thôi thúc không mong muốn và không thể cưỡng lại, gây ra những cảm giác sợ hãi, lo âu mãnh liệt. Cưỡng chế là những hành vi hay suy nghĩ lặp đi lặp lại nhằm mục đích để loại bỏ ám ảnh và giảm bớt lo sợ.
Bạn có thể cố gắng phớt lờ hoặc ngăn chặn nỗi ám ảnh của mình, nhưng điều đó chỉ làm bạn thêm đau khổ và lo lắng. Cuối cùng, bạn cảm thấy bị thôi thúc phải thực hiện các hành vi bắt buộc để cố gắng giảm bớt căng thẳng. Bất chấp những nỗ lực phớt lờ hoặc loại bỏ những suy nghĩ hoặc thôi thúc phiền phức, chúng vẫn tiếp tục quay trở lại. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn của OCD.
Mọi người đều trải qua những ám ảnh và cưỡng chế tại một số thời điểm. Ví dụ, thỉnh thoảng khi không yên tâm, chúng ta có thể kiểm tra lại bếp hoặc ổ khóa vài lần là điều bình thường. Nhưng OCD thì cực đoan hơn - nó gây nên sợ hãi, đau đớn và cản trở cuộc sống.
Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bao gồm cả ám ảnh và cưỡng chế. Nhưng cũng có thể chỉ có các triệu chứng ám ảnh hoặc chỉ có các triệu chứng cưỡng chế. Bạn có thể hoặc không thể nhận ra rằng những ám ảnh và cưỡng chế của mình là quá mức hoặc vô lý, nhưng chúng chiếm rất nhiều thời gian và cản trở thói quen hàng ngày cũng như hoạt động xã hội hoặc công việc của bạn.
Những ám ảnh thường gặp
Nỗi ám ảnh OCD là những suy nghĩ, thôi thúc hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại, dai dẳng và không mong muốn, chúng gây ra đau khổ hoặc lo lắng. Bạn có thể cố gắng phớt lờ chúng hoặc loại bỏ chúng bằng cách thực hiện một hành vi hoặc nghi thức bắt buộc. Những nỗi ám ảnh này thường xen vào khi bạn đang cố nghĩ hoặc làm những việc khác.
- Ám ảnh nhiễm bẩn: Lo sợ sẽ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh vi khuẩn, vi rút, hoá chất...
- Ám ảnh về an toàn như cháy, trộm, tai nạn: Sợ mình chưa tắt bếp, chưa khoá cửa...
- Ám ảnh bạo lực: Sợ mình làm hại bản thân hay người khác...
- Ám ảnh về tình dục: Sợ bản thân xâm hại tình dục người khác. Ám ảnh này không có nghĩa là họ mong muốn làm điều họ suy nghĩ.
- Ám ảnh về tôn giáo và đạo đức: Sợ bản thân làm điều phỉ báng các đấng tối cao như Chúa, Phật.
- Ám ảnh về giới tính
- Ám ảnh về các mối quan hệ: Luôn lo lắng về các mối quan hệ, sợ làm tổn thương đối phương, thậm chí luôn muốn biết suy nghĩ của đối phương thì mới thấy an tâm.
- Ám ảnh thứ tự hay đối xứng: Lo lắng về các đồ vật không được sắp xếp ngay ngắn và đối xứng.
- Ám ảnh tập trung vào cơ thể: Chú ý quá mức không thoát ra được vào các hoạt động hay cảm giác cơ thể: thở, nhai, nuốt...
Hành vi cưỡng chế thường gặp
Hành vi cưỡng chế là những hành vi lặp đi lặp lại mà bạn cảm thấy bị thôi thúc phải thực hiện. Những hành vi lặp đi lặp lại hoặc hành vi tinh thần này nhằm giảm bớt lo lắng liên quan đến nỗi ám ảnh của bạn hoặc ngăn chặn điều gì đó tồi tệ xảy ra. Tuy nhiên, tham gia vào các hành vi cưỡng chế không mang lại niềm vui và chỉ có thể giúp giảm bớt lo lắng tạm thời.
- Thường xuyên rửa tay, lau chùi hay tắm vì lo sợ nhiễm khuẩn, có thể nhận biết quan bàn tay sưng đỏ, phồng rộp do rửa quá nhiều lần trong ngày.
- Kiểm tra các việc hàng ngày thường xuyên và quá nhiều lần (kiểm tra cửa khóa chưa, hoặc bếp tắt chưa).
- Thường xuyên kiểm tra xem có làm hại bản thân hay người khác, hoặc xem có bị lỗi lầm gì không.
- Hành vi cưỡng chế trong đầu (như đếm, cầu nguyện, nói trong đầu, đàn áp suy nghĩ...)
- Tìm kiếm sự trấn an thường xuyên (như hỏi “Bạn có chắc tôi sẽ ổn không?”)
- Sắp đặt mọi thứ theo thứ tự cho đến khi cảm thấy đúng.
- Tránh né những gì gợi nhớ về những ý nghĩ ám ảnh.
Người mắc OCD có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia.
Đối tượng dễ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế
OCD có thể bắt đầu bất kỳ tuổi nào. Tuy nhiên OCD hay khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên, từ 10-25. Tỉ lệ mắc OCD khoảng 1/100 người.
Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần và có xu hướng thay đổi mức độ nghiêm trọng trong suốt cuộc đời. Các loại ám ảnh và cưỡng chế mà bạn gặp phải cũng có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn khi bạn gặp căng thẳng nhiều hơn.
Nguyên nhân gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Các nghiên cứu cho rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế liên quan đến những thay đổi hóa học tự nhiên của cơ thể bạn hoặc chức năng não. OCD cũng có tính chất di truyền và gen đóng góp một phần quan trọng trong rối loạn này.
Theo NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh), có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế:
- Tiền sử gia đình – Có cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình mắc chứng rối loạn này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng OCD của bạn.
- Sự kiện căng thẳng trong cuộc sống - Nếu bạn đã trải qua các sự kiện đau buồn hoặc căng thẳng như mất người thân, bị làm dụng… nguy cơ của bạn có thể tăng lên.
- Tính cách – những người gọn gàng, tỉ mỉ, có phương pháp với tiêu chuẩn cá nhân cao có thể dễ mắc chứng OCD hơn, cũng như những người thường hay lo lắng hoặc có tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân và những người khác
- Rối loạn sức khỏe tâm thần khác. OCD có thể liên quan đến các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện...
Khi nào đi khám bác sĩ?
Có một sự khác biệt giữa việc trở thành một người cầu toàn - chẳng hạn như một người đòi hỏi kết quả hoặc hiệu suất hoàn hảo - và người mắc chứng OCD. Suy nghĩ OCD không chỉ đơn giản là lo lắng quá mức về những vấn đề thực sự trong cuộc sống của bạn hoặc thích mọi thứ sạch sẽ hoặc sắp xếp theo một cách cụ thể.
Hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu bạn có các dấu hiệu sau:
- Những ám ảnh và cưỡng chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
- Gặp các triệu chứng về thể chất như đau ngực, cử động cơ bất thường hoặc nếu bạn có ý định tự tử hoặc giết người.
Chẩn đoán và điều trị
Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng các dấu hiệu trên chỉ mang tính tương đối. Để biết chính xác bản thân có đang mắc phải tình trạng này hay không, bạn cần được chẩn đoán với các bác sĩ và chuyên gia tâm lý chuyên về OCD.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho OCD: Là trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy - CBT) với thuốc hoặc một trong hai thứ. Cụ thể hơn, một loại điều trị CBT đặc biệt là Exposure and Response Prevention (ERP) và một loại thuốc gọi là serotonin reuptake inhibitors (SRIs). Với trị liệu ERP, bệnh nhân sẽ làm việc với chuyên gia tâm lý để đối mặt với sự sợ hãi và không làm những hành vi cưỡng chế. Lúc đầu sẽ rất khó vì sự tiếp xúc sẽ kích hoạt nỗi sợ hãi nhưng theo thời gian, não quen dần với những ý nghĩ ám ảnh và không còn lo âu nữa.
Mục đích của ERP là huấn luyện lại bộ não, để không còn xem các ám ảnh như là những nguy hiểm nữa.
Ví dụ, một bệnh nhân có thể được yêu cầu chạm vào thứ gì đó bị ô nhiễm rất nhẹ và chỉ rửa tay một lần sau đó. Một ví dụ khác có thể yêu cầu bệnh nhân ra khỏi nhà và chỉ kiểm tra khóa một lần, mà không cần quay lại kiểm tra lại. Cứ tăng dần mức độ khó và tiếp xúc với những hoàn cảnh, sự vật gây sợ hãi nhiều hơn. Dần dần, bệnh nhân sẽ quen với những tình huống gây lo sợ và giảm đáng kể mức độ sợ hãi.
Điều trị bằng thuốc nên được chỉ định và theo dõi bằng các bác sĩ tâm thần và lý tưởng nhất là bác sĩ làm việc với nhà trị liệu tâm lý để lập kế hoạch điều trị.
Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and Commitment Therapy, ACT): Một liệu pháp mới hơn cũng được sử dụng để điều trị lo âu và trầm cảm, cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị OCD. ACT dạy bệnh nhân chấp nhận không điều kiện và chánh niệm để không phản ứng thái quá hoặc né tránh những ý nghĩ ám ảnh mà bao dung và sống chung với chúng. Thay vì né tránh, chạy trốn hay xua đuổi những ám ảnh sợ hãi, thì người bệnh sẽ học cách chấp nhận và cho phép chúng tồn tại với cuộc sống của mình. Thái độ này sẽ làm suy yếu con quái vật OCD.
Sống chung với rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Ngoài việc tìm cách điều trị y tế cho chứng OCD, thực hành tự chăm sóc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn. Những ví dụ bao gồm:
- Có được giấc ngủ chất lượng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh.
- Dành thời gian cho những người thân yêu hỗ trợ bạn và hiểu OCD.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga, massage…
- Tham gia nhóm hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến dành cho những người mắc chứng OCD.
Những rối loạn liên quan đến OCD
Rối loạn tích trữ (Hoarding Disorder - HD): Tích trữ một cách quá mức những vật ít giá trị hoặc thậm chí hoàn toàn vô giá trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh hoạt cá nhân.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body dysmorphic disorder - BDD): Lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể mình, thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại.
Rối loạn tự làm tổn thương cơ thể (Body-focused repetitive behaviors - BFRBs): Như luôn muốn nhổ tóc (Trichotillomania), véo da (Excoriation).
Hội chứng quy chiếu khứu giác (Olfactory Reference Syndrome): Nỗi ám ảnh rằng bản thân phát ra mùi hôi và mùi khó chịu mà người khác không nhận ra hoặc chỉ là rất nhẹ.
Hội chứng sợ âm thanh (Misophonia): Những âm thanh bình thường như tiếng nhai thức ăn, tiếng gõ bút hoặc tiếng cót két của một cánh cửa, có thể dẫn đến cảm giác tức giận, lo lắng hoặc hoảng hốt.
Hội chứng sợ nôn (Emetophobia): Ám ảnh nôn mửa trước đám đông, sợ bị nôn mửa, sợ xem hành động nôn mửa hoặc sợ bị buồn nôn.
OCD là một tình trạng sức khỏe giống như bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác, vì vậy bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ hay có lỗi. Mắc chứng OCD không có nghĩa là bạn "điên" và bạn mắc chứng này không phải lỗi của bạn.
About the author
Thanh Nguyễn