Sống khỏe
Thiền để bình tĩnh khi căng thẳng
Trái với những hình dung về một người làm thiền, Lương Ngọc Tiên mang đến nguồn năng lượng tích cực ngay từ lúc chị xuất hiện, cách chị ăn thật chậm chiếc bánh croissant cùng cà phê, tập trung tuyệt đối vào một việc tưởng không thể đơn giản hơn như việc thưởng thức một bữa sáng. Đó là lúc tôi hiểu Lương Ngọc Tiên đang ở trạng thái “mindful”, và chị có thể làm điều này mọi lúc mọi nơi.
Là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh với 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, Trung Quốc và Hà Lan với nhiều công ty và lĩnh vực đa dạng, Giảng viên được chứng nhận bởi Học viện đào tạo Eurasia (Eurasia Learning Institute) về Hạnh phúc và Lòng trắc ẩn dựa trên thực hành tỉnh thức (2016) và bởi Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself (Search Inside Yourself Leadership Institute) về Trí tuệ cảm xúc dựa trên Khoa học não bộ & Thực hành tỉnh thức (2019), diễn giả có tiếng trong các chương trình đào tạo văn hoá, lãnh đạo trong doanh nghiệp và thành viên Ban thường vụ Hội Nữ Doanh Nhân Tp Hồ Chí Minh, Lương Ngọc Tiên đã có hành trình dài để đến được bến đỗ thiền định và mang thiền đến gần hơn với nhiều người qua chính những hoạt động của mình. Tôi hỏi Lương Ngọc Tiên, năng lượng ở đâu ra để chị có thể làm từng ấy việc, chị trả lời, “tôi tìm thấy tất cả từ thiền và vẫn đang mở rộng tâm trí khám phá nó.”
(Ảnh: NVCC)
Chị từng nói rằng thiền định cũng như cách kiếm tìm phần bên trong mình. Chị có nhớ khoảnh khắc bắt đầu hành trình kiếm tìm ấy không?
Đó không phải một khoảnh khắc, mà là một chuỗi thói quen thì đúng hơn. Nếu ở trong môi trường quen thuộc thì tôi là người rất năng động. Hồi đại học, tôi vừa học hai trường, vừa là phó Bí thư đoàn trường nên tham gia đủ các kiểu hoạt động, cuộc thi. Nhưng khi đi nước ngoài, ở trong một môi trường mới, tôi chuyển sang trạng thái quan sát và tiếp nhận, khám phá những gì mình thấy hay và phù hợp với mình. Như khi đi xe lửa, nếu không đọc sách thì tôi sẽ nhìn ra cửa sổ và để cho đầu trống rỗng chứ không dùng điện thoại. Hay khi đi bộ đến chỗ làm cũng vậy, tôi sẽ không nói chuyện với ai mà chỉ nhìn mọi thứ xung quanh và để tâm trí tự nhiên. Có những khoảng trống như vậy tạo điều kiện cho mình quan sát nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn. Đây có lẽ là những bước chạm đầu tiên của tôi với thế giới thiền.
(Chị Lương Ngọc Tiên với năng lượng tích cực luôn lan tỏa theo nụ cười - Ảnh: NVCC)
Từ khi nào chị muốn đi học bài bản về thiền, dù trước đó đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc và có bằng Quản trị Kinh doanh ở nước ngoài?
Khi trở về Việt Nam, tôi rất tự tin vì nghĩ rằng mình đã có một vốn sống và trải nghiệm đủ để đạt được bất cứ mục tiêu nào mình muốn. Lúc đó mình cũng tự cao nữa nên không biết rằng cái mình biết chưa đủ. Thực tế là tôi không am hiểu về thị trường trong nước. Tuy có tấm bằng Thạc sĩ và kinh nghiệm làm việc phong phú, CV của tôi vẫn không được các công ty đón nhận, mức lương và vị trí họ đưa cũng không như tôi tưởng. Tôi thất vọng lắm nhưng vẫn phải đi làm. Lúc đó tôi thử đi làm trong vài tháng nhưng ngay lập tức nhận ra mình không thể suốt ngày ngồi trong phòng làm việc với máy tính. Nó đối lập hoàn toàn với con người năng động, phóng khoáng trước kia của tôi. Đó là điểm mốc thứ nhất. Sau đó tôi tiếp tục thử tham gia một dự án khởi nghiệp với hi vọng môi trường này sẽ giúp mình tìm lại bản thân. Nhưng các bạn trong dự án cũng có background giống tôi vì quen học tập và làm việc ở nước ngoài hơn trong nước. Đi làm được vài tháng thì bố tôi mất. Thời điểm đó tôi về ở hẳn nhà để chăm sóc mẹ qua 7 tuần chay đầu. Công việc bị gián đoạn, tôi không tập trung cho công việc nên cũng xin rút khỏi dự án. Đó là điểm mốc thứ hai làm cho tôi nhận ra mình đang đi vào khủng hoảng và đánh mất sự tự tin của mình. Đúng là tôi biết nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng vẫn không thể tự giúp mình trước những khó khăn của cuộc sống. Chính những điều này đã khiến tôi quyết tâm đi vào con đường thiền.
Điều gì khiến chị quyết định trở thành một giảng viên huấn luyện và đào tạo thiền?
Có hai bước chuyển trong hành trình sự nghiệp của tôi. Đầu tiên là trở thành một giảng viên đào tạo, rồi sau đó mới tích hợp thiền vào. Khi tôi loay hoay tìm việc, có một người bạn gợi ý tôi thử công việc đào tạo doanh nghiệp. Tôi nghĩ mình có bằng cấp, có kinh nghiệm, có ngôn ngữ, chắc làm sẽ được. Lúc đó tôi chỉ xem đây là công việc tạm thời để cho mình thời gian tìm cái tiếp theo. Duyên số sao đó mà tôi nhận ra mình thích và có thể làm tốt công việc giảng dạy. Tôi cảm thấy việc đi dạy rất có ý nghĩa. Sau khi tôi dạy vài chương trình thì phát hiện ra lỗ hổng trong cách tiếp cận. Người ta cứ đi học cái mới nhưng không thay đổi tư duy. Tại sao những tính xấu như vậy, suy nghĩ tiêu cực như vậy, môi trường độc hại như vậy họ vẫn chấp nhận và không tìm cách thay đổi? Ai cũng tìm kiếm thành công để hạnh phúc, nhưng càng tìm, càng làm, càng đánh mất bản thân mình và xa rời hạnh phúc. Những điều đó làm tôi trăn trở và khi nhận ra thiền có thể thay đổi nhận thức và chuyển hoá tư duy một cách khoa học, tôi xác định đây chính là cách mà tôi có thể đem đến giá trị thực sự cho người học với mình.
(Ảnh: NVCC)
Đó có phải là thôi thúc lớn nhất để One Life Connection ra đời?
Đúng hơn là One Life Connection thành lập năm 2012, nhưng sứ mệnh “Chuyển hoá tổ chức từ mỗi người lãnh đạo tỉnh thức” của nó chỉ thực sự định hình khi tôi được tiếp xúc và học hỏi với GS Hà Vĩnh Thọ năm 2015. Thầy lúc đó nguyên là Giám đốc chương trình đào tạo Tổng hạnh phúc quốc gia tại Bhutan. Việc tôi đi Bhutan học về Ứng dụng Triết lý này trong doanh nghiệp, rồi sau đó theo học thêm 1 năm chương trình đào tạo Tập huấn viên với Thầy ở Việt Nam giúp tôi nhận ra rõ hơn như thế nào là hạnh phúc bền vững. Và hạnh phúc cũng là một kỹ năng, mà kỹ năng này dựa trên nền tảng Mindfulness. Tôi kết nối những câu hỏi, trăn trở, thậm chí là vật lộn của mình trong công việc và cuộc sống lại, rồi “eureka”, tôi nhận ra thiền chính là con đường để chuyển hoá, đem lại thành công và hạnh phúc trọn vẹn cho con người. Và tôi có thể “làm” thiền một cách khoa học, không tôn giáo, có thể đưa mô hình có tính ứng dụng và những thực hành chuyển hoá đến với mọi người.
(Ảnh: NVCC)
Chị học và làm thiền theo những phương pháp nào?
Đến với con đường này, tôi không có người thầy duy nhất. Tôi rất may mắn vì được học với nhiều người thầy và nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi khi trong tôi có ý muốn tìm hiểu điều gì thì tôi sẽ tìm được người thầy hoặc phương pháp cho mình, ở Việt Nam và ở nước ngoài. Tôi học cả hai phương pháp là thiền tĩnh và thiền động. Thiền động có nhảy múa, hát, cười, những cách giúp mình bộc lộ và giải tỏa cảm xúc. Thiền tĩnh có ngồi yên, thiền hành và thiền trong mọi hoạt động, giúp mình nhìn sâu và có mặt trong hiện tại. Với tôi, thiền đơn giản là cách để kết nối với chính mình thôi. Nó giúp mình giải tỏa căng thẳng và tìm về sự cân bằng. Nhưng trên hết, nó giúp mình trở nên vững chãi với lựa chọn và niềm tin của mình.
Có quá khó khăn để hiểu về thiền không? Nhất là với những người chưa từng thực hành thiền bao giờ?
Tôi không nghĩ là khó quá, nhưng nhất định là phải đúng người, đúng thời điểm, và đúng cách. Ví dụ không nên nói với mọi người thiền là để giải stress, để giải thoát, bởi giảm stress là một cái gì rất nông cạn về thiền, còn giải thoát là một cái gì rất xa về thiền. Hay không nên nói chuyện thiền với những người chưa nhận thức về cái tôi vì có thể vô tình kích thích lòng tham về tâm linh trong họ, rằng thiền để nâng trình, để ưu việt hơn người khác...
Tôi nói về thiền một cách khoa học để mọi người không hiểu lầm hay diễn dịch về thiền theo ý riêng của họ. Trừ khi đó là thực hành, các thầy đã dạy rõ ràng bước 1 tới bước 2, thì tôi mới trích từ sách. Còn lại tôi chia sẻ kiến thức theo trải nghiệm, bởi tôi nhận ra con đường của mình là con đường thử và sai, trải nghiệm. Và Đức Phật cũng có dạy là bạn phải tự trải nghiệm chứ đừng tin vào lời Ngài nói. Còn cụ thể thì tùy vào đối tượng mà cách nói và mức độ liên hệ cũng khác nhau. Ví dụ đối với doanh nghiệp thì tôi phải áp dụng các kiến thức và thực hành chính quy và có tính ứng dụng trong công việc. Còn đối với cá nhân, cộng đồng thì tôi có thể đi sâu hơn vào các khía cạnh tâm lý, con người, để giúp họ nhận diện vấn đề ở nhiều khía cạnh hơn và áp dụng thực hành để tự chữa lành cho mình hiệu quả hơn.
Làm thế nào để thực hành thiền đúng?
Với tôi thiền là một trạng thái tự nhiên, từ trong người thực hành ra. Thiền chỉ là ngay tại khoảnh khắc đó, bạn nhớ ra mình bị mất tập trung và quay về cảm nhận kết nối với hiện tại. Các kỹ thuật sẽ hỗ trợ việc bạn thực hành tốt hơn. Còn bạn mở mắt hay nhắm mắt, để tay ngửa hay tay úp, thủ ấn hay không thủ ấn, ngồi trên tảng đá hay ngồi kiểu samurai đều không quan trọng. Nó càng không phải là trang trí không gian thiền theo concept nào, hình ảnh hay trang phục phải có tính thiền ra sao... Tất cả những điều đó chỉ là hình thức bên ngoài.
Khái niệm Mindfulness (thực hành tỉnh thức) có lẽ là khái niệm vừa dễ vừa khó định nghĩa thì phải?
Cả đến năm 2016, 2017, thiền vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Một số bài báo viết về thiền nhưng không dịch từ Mindfulness sao cho đúng, rồi cũng có khi nhầm lẫn giữa Mindfulness và Meditation. Tôi thường giữ nguyên gốc từ Mindfulness và chỉ dịch để mọi người hiểu thôi. Có thể dịch Mindfulness là thực hành chú tâm, tỉnh thức, hay chánh niệm. Theo góc nhìn của phương Tây thì Meditation là từ chỉ chung cho các phương pháp thực hành tâm thức, còn Mindfulness là một trong những phương pháp đó. Thực hành Mindfulness về cơ bản là thực hành có mặt trong hiện tại, hoàn toàn tập trung vào bất cứ việc gì bạn đang làm, dù là ăn miếng bánh, uống cốc cà phê, rửa bát, tưới cây, mặc quần áo… Bạn tận hưởng khoảnh khắc ấy trọn vẹn và không bị phân tán bởi bất cứ điều gì.
Chị có thể chia sẻ về vấn đề trầm cảm từ góc độ của một người làm thiền, và mối liên quan với thiền?
Khi nói về tâm thức, chúng ta sẽ có một tâm trí khỏe mạnh và một tâm trí không khoẻ mạnh. Người có tâm trí khỏe mạnh thì không thể gây tổn thương cho người khác hay cho chính bản thân mình. Khi ta đánh một đứa trẻ hay hành hạ một con vật, một sinh linh yếu đuối không có khả năng chống trả, đây đều là những hành động của một tâm trí không khoẻ mạnh. Nó bị dẫn dắt bởi vô thức rất nhiều. Vô thức là trạng thái không có sự kiểm soát lên tâm trí. Khi vô thức, con người dễ hành động theo phản xạ phòng vệ, đáp trả, vốn gắn liền với những trạng thái tâm lý bất ổn như sợ hãi, tức giận, tội lỗi, tuyệt vọng. Rồi từ những biểu hiện stress, tiêu cực, ức chế lâu ngày có thể chuyển sang trạng thái trầm cảm, từ nhẹ đến nặng. Đối với những phản ứng nhất thời thì một số kỹ thuật thiền có thể giúp mình thoát khỏi trạng thái tiêu cực đó. Tuy nhiên người có bệnh trầm cảm cần có sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý trị liệu, sự động viên tinh thần của người thân, và thực hành thiền (trong thời gian ngắn, không quá sâu) chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp tinh thần họ nhẹ nhàng và bình an hơn. Khi họ phần nào khôi phục sức khỏe cơ thể, tinh thần thì duy trì thực hành thiền mới giúp ích thực sự cho việc chữa lành của họ.
Đối với tất cả mọi người, thực hành thiền thường xuyên sẽ giúp bạn nuôi dưỡng tâm trí khỏe mạnh và duy trì nó. Tôi hi vọng chúng ta sẽ dần quen với việc thực hành thiền như việc đánh răng hay rửa mặt mỗi ngày, để giữ cho mình một trạng thái tâm trí khỏe mạnh, tỉnh thức và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống quý giá này!
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!
Vân Anh Nguyễn
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.