Chắc hẳn bạn đã đôi lần nghe một người bạn gái than thở về những gì bạn ấy thấy chán về cơ thể mình. Hoặc nhiều khả năng chính bạn cũng đã làm điều đó, không thấy hài lòng khi đứng nhìn mình trước gương. Đối với phụ nữ chúng ta, việc nhìn thấy những “điểm xấu” trên cơ thể mình dễ hơn rất nhiều việc nhìn thấy những nét đẹp mà chỉ mình mới có.
Trong vài năm trở lại đây, khi làm việc trong lĩnh vực sức khỏe, dinh dưỡng và Fitness, tôi đã tiếp xúc rất nhiều phụ nữ, khách hàng. Họ luôn chia sẻ chung một nỗi niềm và mong ước: đó là có thể gọn bớt những chỗ cần gọn (vòng 2) và to hơn những chỗ cần to (vòng 2 và vòng 3). Những vấn đề lo ngại về “body image” (hình ảnh cơ thể hay vóc dáng) mình “xấu” đi càng trở nên trầm trọng hơn ở những người phụ nữ sau sinh - trong khi chính việc đã mang thai và cho ra đời một đứa trẻ là một điều vô cùng kỳ diệu mà họ đã làm được. Dường như họ coi việc sinh nở là đương nhiên, nhưng lại thấy khó chấp nhận việc cơ thể mình đã thay đổi nhiều sau đó.
Những lúc đứng chụp ảnh với gia đình, mẹ tôi luôn nhắc tôi là phải “hóp bụng lại”, và khi chụp ảnh với các bạn nữ, luôn có một giây phút rất im lặng vì tất cả đang “nín thở” để máy ảnh ghi lại những hình ảnh đẹp nhất. Đây có lẽ là ví dụ điển hình nhất để nói lên vấn đề phụ nữ luôn cố giữ “hình ảnh” về cơ thể của mình, dù là ở thế hệ trước hay hôm nay.
Tại sao phụ nữ coi trọng “body image” như vậy?
Không biết từ bao lâu, có một quy luật bất thành văn rằng chúng ta coi chuẩn mực, thước đo của vẻ đẹp phái nữ là vẻ đẹp được thể hiện trong phim ảnh, báo chí và được công nhận trong mắt đàn ông. Chừng nào chúng ta không bao hàm những tiêu chuẩn số đo được chấp nhận đó, chúng ta sẽ vẫn cảm thấy mình “xấu xí” và bớt giá trị.
Giờ đây với mạng xã hội trở nên phát triển, tâm lý này càng phổ biến hơn, các cô gái tìm mọi cách để tạo dáng, che đậy những khuyết điểm hoặc thậm chí sử dụng các phần mềm sửa ảnh để "cắt gọt” các đường cong trước khi đăng hình lên trang cá nhân. Thật mâu thuẫn bởi ai cũng muốn mình nổi bật, khác biệt nhưng lại không thể chấp nhận hình ảnh chân thật, duy nhất của mình.
Bạn đừng quên ngay cả những siêu mẫu nổi tiếng cũng có một lớp mỡ bụng có thể tạo nếp gấp khi ngồi xuống, hay những vết rạn trên da mà họ từng muốn giấu đi.
Sẵn sàng “trừng phạt” mình để cải tạo cơ thể
Nỗi ám ảnh với hình ảnh body hoàn hảo đã đẻ ra vô số dịch vụ, mô hình quảng cáo có thể giúp phụ nữ giảm cân nhanh chóng, hoặc những dịch vụ thẩm mỹ để cắt bỏ những phần “thừa” trên cơ thể. Tôi chứng kiến rất nhiều bạn gái đã tự hành hạ mình với những chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt loại bỏ hoàn toàn những nhóm thức ăn cơ bản như cơm, mỳ... hay thậm chí chỉ uống nước ép... chỉ để giảm được một lượng cân nặng mà theo thống kê, khả năng cao là bạn sẽ lại tăng bù lượng cân nặng đã mất chỉ trong vòng 3 tháng. Chính vì ăn kiêng, hay thậm chí nhịn ăn, không giải quyết được vấn đề cốt lõi là sự thiếu tự tin và yêu thương cơ thể mình, nên nó cũng không thể mang lại kết quả lâu dài và trường tồn.
Điển hình là những người mẫu, ca sĩ hay diễn viên điện ảnh đại diện cho hình mẫu cơ thể “hoàn hảo” mà chúng ta vẫn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, đều trải qua những giai đoạn bị đầy đọa bởi nỗi lo về hình ảnh cơ thể mình, đến mức nhiều người trong số họ đã mắc bệnh “chán ăn” (eating disorder), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và có người thậm chí đã tử vong như ca sĩ Karen Carpenter trong nhóm nhạc nổi tiếng The Carpenters. Bản thân ca sĩ Demi Lovato đã từng chia sẻ, cô đã có một tuổi trẻ rất “điên loạn” khi liên tục đẩy mình vào 2 trạng thái tiêu cực, giữa ăn quá đà để thỏa mãn cơn thèm ăn và tự móc họng mình để nôn ra những gì đã ăn. Dù đây là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng ai trong chúng ta cũng có những “mầm giống” căn bệnh này khi gán giá trị và vẻ đẹp của mình với hình ảnh cơ thể hay vóc dáng của mình, cụ thể là cân nặng và số đo của mình. Thậm chí trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phải cảnh báo về xu thế gia tăng đáng ngại những trường hợp phụ nữ trẻ bị mắc rối loạn tâm lý ăn uống và vô số những người khác đang mang bệnh lý này mà không biết để được chữa trị về tâm lý.
Nếu như việc ăn uống là một hoạt động sinh lý quan trọng, và cũng là một hoạt động xã hội mang lại nhiều niềm vui và giá trị tinh thần, thì sao chúng ta lại tước mình khỏi nhu cầu cơ bản như vậy chỉ để “giữ gìn” hoặc thay đổi cơ thể của mình? Có lẽ phụ nữ chúng ta giờ quan tâm đến hình ảnh bề ngoài nhiều hơn cả nhu cầu sinh lý hay tinh thần của mình. Vì vậy tiếng Anh có câu lóng phổ biến mà đàn ông hay dùng để trêu phụ nữ ngày nay là: “It’s all for the ‘gram” (dịch nôm na là “Tất cả những gì họ làm chỉ vì một bức hình Instagram hoàn hảo nhất”).
Những dấu hiệu bạn đang mắc hội chứng “rối loạn về hình ảnh cơ thể” (body image disorder)
Không dừng lại ở mức “chán nản” như đa số phụ nữ chúng ta thường có với những khuyết điểm trên cơ thể mình, tâm lý phán xét cơ thể mình quá mức và quá thường xuyên có thể dẫn đến sự rối loạn về cách mình nhìn cơ thể mình, và là nguồn gốc dẫn đến hiện tượng “rối loạn ăn uống” vô cùng có hại cho sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của mình với những người xung quanh.
Điều đáng cảnh giác là phụ nữ chúng ta dễ mắc bệnh lý tâm lý này hơn đàn ông rất nhiều. Tuy nhiên, đàn ông cũng bắt đầu ngày một để ý đến hình ảnh cơ thể mình nhiều hơn và có thể thể hiện rối loạn tâm lý này ở biểu hiện tập thể hình quá mức và ăn uống quá nghiêm ngặt. Những người có tâm lý hay tự phán xét bản thân hoặc là người luôn muốn mọi thứ của mình phải hoàn hảo sẽ càng có rủi ro bị hội chứng này hơn người khác.
Dưới đây là một số dấu hiệu bạn có thể mắc hội chứng “rối loạn hình ảnh cơ thể”, theo trang Eating Disorder Hope - được sáng lập bởi bác sĩ tâm lý Jacquelyn Ekern, chuyên nghiên cứu, tư vấn và trị liệu tâm lý về những rối loạn về ăn uống, hình ảnh cơ thể:
- “Khám xét” cơ thể mình quá mức trước gương
- Có những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể mình và thường xuyên so sánh vóc dáng mình với người khác
- Hay cảm thấy ghen tị với cơ thể của bạn bè hoặc của những người nổi tiếng trên thông tin đại chúng.
- Tập tành quá sức, hoặc tập đặc biệt nặng nếu như nghĩ mình đã trót ăn “nhiều”
- Nhịn bữa hay uống thuốc nhuận tràng sau một bữa ăn “thả phanh”
Điều đáng sợ là những dấu hiệu trên rất phổ biến và có thể nhiều người trong chúng ta đã và đang mang nó trong người. Nếu không cẩn thận, nó là những mầm mống có thể tiếp tục phát triển thành những rối loạn tâm lý khó kiểm soát, dẫn đến rối loạn ăn uống, tập luyện quá sức, và thậm chí là lo âu, trầm cảm khi thiếu tự tin về bản thân.
Vậy nên làm gì khi nhận biết mình là một nạn nhân của sự ám ảnh hình ảnh cơ thể?
Sau quá trình dài trở thành huấn luyện viên thể thao và dinh dưỡng cho phụ nữ, tôi đã rút ra những phương pháp để giúp họ từng bước ra khỏi cái “hố” nguy hiểm của sự thiếu tự tin và nỗi ám ảnh về vóc dáng của mình, để dần bước vào sự thoải mái với chính mình để sống lành mạnh hơn. Dù không dễ, không nhanh, nhưng đây là cách bền vững nhất để bạn có thể đạt được một cơ thể lành mạnh và “đẹp” theo đúng nghĩa của nó.
Nhận biết
Nếu bạn đọc đến đây và nhận biết được rằng mình đã rơi vào cái hố của sự ám ảnh về hình ảnh cơ thể mình, và thậm chí đang có những hành vi ăn uống không lành mạnh như đã nói trên, thì hãy mừng rằng bạn đã làm được điều quan trọng nhất để bắt đầu “chữa lành” mình khỏi hội chứng này, đó là sự nhận biết.
Chấp nhận
Tiếp theo, bạn cần chấp nhận bất cứ gì mình đang thấy trước gương. Chỉ có sự chấp nhận toàn diện mới mang lại thay đổi tích cực. Kể cả nếu bạn đang thừa cân hay béo phì, thì bước đầu tiên để dẫn đến một cân nặng lành mạnh hơn, là sự chấp nhận bản thân và trạng thái cơ thể mình ngay lúc này. Chừng nào bạn còn từ chối và chống cự nó, bạn sẽ tiếp tục lao vào vòng luẩn quẩn của việc ăn và nhịn ăn, của sự tự lừa dối và chán ghét bản thân.
Tự hỏi mình
Hãy tự hỏi mình vì sao mình đã trở nên ám ảnh với vóc dáng mình như thế? Có phải vì bạn lớn lên với một người mẹ cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh thân thể và luôn giáo dục bạn phải chú ý đến vóc dáng của mình để được xã hội công nhận? Hay bạn hồi bé có một vóc dáng “bụ bẫm” và hay bị bạn bè, thầy cô trêu chọc? Hoặc cũng có thể bạn đã bị một người bạn trai từng chê là bạn hơi “thừa cân”? Hãy ghi chép lại từng khoảnh khắc, từng con người đã từng khiến bạn thấy tiêu cực về bản thân và cơ thể của mình, để nhận ra nguồn gốc và lý do bạn có những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể mình ngày hôm nay có thể đã bắt nguồn từ những yếu tố ngoài, và không phải là lỗi của bạn.
Đánh giá sức mạnh của mình
Có thể nói đây là điều khó làm nhất của rất nhiều phụ nữ - nhận ra chính sức mạnh của mình. Thay vì tìm tòi từng khuyết điểm trên cơ thể mình, mỗi ngày hãy ghi nhận và ghi chép lại những gì cơ thể bạn đã làm được hôm nay để công nhận sức mạnh của nó: hoàn thành 30 phút đi bộ nhanh, hay tập được một lớp nhảy sôi động mà không phải nghỉ giữa chừng, v.v... Một khi công nhận càng nhiều thứ mà cơ thể mình làm được, bạn sẽ càng tự tin và yêu cơ thể mình hơn, và nhận ra rằng nó có sức mạnh lớn hơn bạn nghĩ rất nhiều. Từ đó bạn sẽ muốn ăn uống đầy đủ chất hơn để nuôi dưỡng nó và giúp nó khoẻ mạnh hơn nữa. Bạn sẽ nhận ra rằng những gì bạn làm được với cơ thể mình quan trọng hơn nhiều hình ảnh của nó!
Nhận lời khen từ những người xung quanh
Đôi khi sự tự phán xét và công kích bản thân của mình mạnh đến mức khi một ai đó khen bạn, bạn không muốn tin và nhanh chóng bác bỏ bằng một lời tự chê mình. Lần sau khi được ai đó khen là trông bạn xinh ra, đẹp ra, hay có vẻ khỏe mạnh hơn, hãy vui vẻ nhận lấy nó và thực sự tin vào nó. Đồng thời dành thời gian để nhận ra và khen những thứ bạn thấy đẹp ở những người quanh mình. Như vậy bạn sẽ đỡ bận tâm với những lời chê hay tưởng tượng rằng người khác đang phán xét mình mỗi khi bạn ra ngoài.
Đi tìm sự giúp đỡ
Nếu tất cả những điều trên vẫn không giúp bạn cải thiện những nỗi ám ảnh về vóc dáng hay rối loạn về ăn uống, thì có lẽ đến lúc bạn cần tìm sự trợ giúp và trị liệu từ chuyên gia sức khoẻ, đặc biệt là những nhà trị liệu tâm lý liên quan đến tâm lý ăn uống. Hãy tìm hiểu về những người bác sĩ và chuyên gia đáng tin cậy để sớm tìm cho mình sự giúp đỡ cần thiết để vượt qua rối loạn tâm lý này. Dù hành trình chữa lành sẽ không nhanh hay dễ dàng, nhưng hãy tin rằng một khi bạn cởi mở và chấp nhận sự giúp đỡ, bạn sẽ tới được bên kia đường - nơi bạn không còn đặt giá trị bản thân mình vào những số đo trên cơ thể và có thể sống thực sự hạnh phúc và thoả mãn mỗi ngày.
About the author
Dao Chi Anh