Post-concert depression: Trở lại 'mặt đất' sau đêm nhạc

SỐNG KHỎE

Post-concert depression: Trở lại 'mặt đất' sau đêm nhạc

authorBy Chi
Share on
Share on
Post-concert depression: Trở lại 'mặt đất' sau đêm nhạc

Chúng ta vừa rộn rã sau nhiều tuần chờ đợi và 2 đêm concert bùng cháy của ban nhạc Blackpink tại Hà Nội. Mọi thứ đang dần lắng xuống, nếu là một người yêu âm nhạc và đã tham dự những đêm nhạc đầy cảm xúc đó, lúc này bạn đang cảm thấy thế nào? Vẫn đang ngập tràn trong niềm vui hay đang tiếc nuối vì mọi thứ đã trôi qua? Và thậm chí thấy buồn bã, thất vọng?


Post-concert depression là gì?


Theo Medical news today, thuật ngữ “post-concert depression” (tạm dịch: Trầm cảm sau đêm nhạc) mô tả cảm giác u sầu mà một người có thể trải qua sau khi tham dự một buổi hòa nhạc đã được mong đợi. Họ cảm thấy thất vọng và khao khát những cảm xúc thú vị mà họ đã trải qua trong buổi biểu diễn, thậm chí cảm thấy bị ngắt kết nối với thế giới thực.


Chứng trầm cảm sau đêm nhạc không phải là một chẩn đoán y tế chính thức mà đơn giản là một hiện tượng cảm xúc được nhiều người nhắc đến như một giai thoại. 


Mặc dù điều này nghe có vẻ cường điệu và “ngớ ngẩn” đối với nhiều người, nhưng nghiên cứu tâm lý đã giải thích các sự kiện lớn có thể ảnh hưởng đến tâm trí và tâm trạng của bạn như thế nào.


Triệu chứng của post-concert depression


Phó giáo sư, tiến sĩ Jessi Gold tại khoa tâm thần học tại Trường Đại học Y Washington, cho biết: “Tôi nghĩ nó giống như sự pha trộn giữa đau buồn và buồn bã, nhưng không hoàn toàn là trầm cảm như chúng ta định nghĩa”.


Nỗi buồn và sự “trầm cảm” sau một sự kiện lớn có nhiều triệu chứng đặc trưng giống nhau của chứng lo âu hoặc rối loạn tâm trạng như buồn và trống rỗng; mất ngủ; mệt mỏi; cáu kỉnh; khó tập trung và lo lắng… Mọi người trải qua các triệu chứng này khác nhau và chúng có thể từ nhẹ đến nặng. Nhưng không giống như trầm cảm lâm sàng, sự đau khổ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, những cảm giác này có thể giảm bớt và biến mất trong một vài ngày và tuần tiếp theo.


Nguyên nhân


Sự thất vọng, buồn bã và thậm chí một chút tức giận sau khi bị cuốn vào tất cả những cảm xúc mãnh liệt, sự phấn khích tột độ trước những sự kiện lớn là những phản ứng hoàn toàn bình thường. Khi một điều gì đó đặc biệt xảy ra, nó sẽ khiến endorphin chảy khắp cơ thể chúng ta. Chúng ta cảm thấy phấn chấn tự nhiên khi các hóa chất mà cơ thể chúng ta sản xuất trong những khoảnh khắc này. Và rồi khi sự kiện kết thúc. Endorphin và các hormone tạo cảm giác dễ chịu khác không còn tăng vọt trong cơ thể chúng ta, chúng hạ thấp dần và chúng ta bắt đầu cảm thấy suy sụp về thể chất cũng như tinh thần.


Tương tự, các diễn viên đã gọi cảm giác này là “chứng trầm cảm sau buổi biểu diễn” bởi vì nó kéo theo niềm vui và sự phấn khích sụp đổ khi buổi biểu diễn kết thúc. 


Các chuyên gia cũng cho rằng trầm cảm sau buổi hòa nhạc có thể là một rối loạn điều chỉnh. Bộ não của chúng ta buộc phải cố gắng khôi phục lại trật tự trong khi điều chỉnh giữa các trải nghiệm khác nhau rõ rệt.


post-concert-depression-1.jpg


Làm thế nào để vượt qua những cảm giác này?


Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần (NAMI) giải thích rằng cảm giác buồn bã hoặc lo lắng sau 1 buổi hòa nhạc mà cũng như một sự kiện lớn là điều tự nhiên và mọi người có thể học cách kiểm soát những cảm xúc này. Hầu hết những người gặp trường hợp này không cần điều trị y tế.


Đối mặt với cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, nhưng hiểu rằng cảm xúc tiêu cực là một phần điển hình trong phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng có thể giúp chúng ta chấp nhận chúng. Đừng phán xét bản thân về những cảm xúc mà bạn cảm thấy. Chấp nhận cảm giác của bạn có thể giúp bạn tiến lên, tìm ra cách để giải tỏa cảm xúc.


Tận hưởng những kỷ niệm: Việc ghi nhớ và tận hưởng thưởng thức sự kiện, dù là qua ảnh hay kể cho mọi người về sự kiện đó và chia sẻ với những người có chung sở thích có thể giúp mọi người ghi nhớ những khía cạnh tích cực của sự kiện. 


Kết nối với gia đình, bạn bè: Nói chuyện với họ và chia sẻ suy nghĩ cũng như cảm giác của bạn. Đừng cô lập bản thân chỉ để gặm nhấm những cảm xúc vì chúng có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên tồi tệ hơn.


Thư giãn và phục hồi: Hãy chắc chắn rằng bạn có thời gian để cả thể chất và tâm lý được nghỉ ngơi và hồi phục sau những ngày dài cảm xúc lên cao. Ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng, tiếp xúc với thiên nhiên, tập thể dục — những nền tảng lối sống lành mạnh này được các chuyên gia khuyến nghị để cải thiện tâm trạng và kiểm soát các triệu chứng trầm cảm.


Đặt ra mục tiêu mới: Bạn hãy lập danh sách những điều mang lại niềm vui cho mình, bạn có thể muốn tìm những điều mới mẻ để mong chờ. Cân nhắc thử một sở thích mới hoặc quay lại sở thích cũ mà bạn từng yêu thích. Những việc này có thể là cách để giảm thiểu một số căng thẳng và cho phép bạn cảm thấy hạnh phúc trong thời điểm hiện tại.


Nếu các triệu chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc kéo dài hơn vài tuần và có xu hướng cản trở hoạt động hàng ngày cũng như khiến bạn mệt mỏi, đau khổ hơn, hãy tới các cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe tâm thần nhé. 


Lời nhắn


Phía trước sẽ còn rất nhiều buổi hòa nhạc, những sự kiện thú vị đầy hào hứng đang chờ bạn. Chúng ta không có cách nào chắc chắn đảm bảo bạn sẽ không gặp phải những cảm giác như thế này nữa, nhưng hiểu rõ bản chất và chuẩn bị sẵn các chiến lược đối phó có thể làm giảm cường độ của cảm giác tiêu cực.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!