Trầm cảm cười: Khi nụ cười che giấu sự khổ đau

SỐNG KHỎE

Trầm cảm cười: Khi nụ cười che giấu sự khổ đau

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Trầm cảm cười: Khi nụ cười che giấu sự khổ đau

Khi nói tới trầm cảm, hầu hết chúng ta đều nghĩ một người mắc chứng trầm cảm luôn có vẻ ngoài ủ rũ, trông buồn, thiếu sức sống hoặc khóc rất nhiều. Và mặc dù đúng là nỗi buồn và khóc không rõ nguyên nhân là những đặc điểm chung của bệnh trầm cảm, nhưng không phải ai cũng tỏ ra buồn bã khi bị trầm cảm.


Trầm cảm cười (smiling depression) là một rối loạn cảm xúc. Đây là thuật ngữ chỉ những người đang đấu tranh với nỗi buồn, lo lắng, cô đơn, tuyệt vọng và trầm cảm bên trong nhưng vẫn thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc ở bên ngoài. Trầm cảm và trầm cảm cười có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi giới tính, độ tuổi hoặc giai đoạn trong cuộc đời.


Trầm cảm cười chưa được công nhận là một tình trạng rối loạn tâm thần trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) nhưng vẫn có thể được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm nặng với các đặc điểm không điển hình.


Trầm cảm cười khác với các loại trầm cảm khác bởi nụ cười bên ngoài biến nó thành vô hình. Những người khác có thể không biết rằng bạn đang bị trầm cảm và có thể chính bạn cũng không nhận ra điều đó. Đó là một lý do khiến chứng trầm cảm mỉm cười đôi khi có thể nguy hiểm hơn dạng trầm cảm “cổ điển”. 


Vì sao người bệnh trầm cảm cười luôn cố che đậy cảm xúc?


Không có gì lạ khi mọi người giữ kín chứng trầm cảm của mình. Từ việc muốn bảo vệ sự riêng tư của mình đến lo sợ bị người khác phán xét, có nhiều lý do cá nhân và nghề nghiệp khiến mọi người che giấu các triệu chứng trầm cảm của mình và có thể che giấu nó bằng một nụ cười. Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về lý do tại sao mọi người giữ bí mật về bệnh trầm cảm.


Sự kỳ thị: Sự kỳ thị xung quanh các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm khiến việc chia sẻ vấn đề của bản thân khó khăn hơn hơn. Người mắc trầm cảm sợ sẽ bị người khác phán xét, coi thường hoặc tẩy chay và như thế họ càng cố gắng để giấu đi cảm xúc và tình trạng của bản thân.


Ở một số nền văn hóa hoặc gia đình, mức độ kỳ thị cao hơn cũng có thể có tác động. Ví dụ, việc thể hiện cảm xúc có thể được coi là “yêu cầu sự chú ý” hoặc thể hiện sự yếu đuối hoặc lười biếng.


Chuẩn mực văn hóa: Những kỳ vọng của xã hội có thể khiến bạn khó chia sẻ cảm xúc của mình.


Nếu là nam giới, bạn có thể cảm thấy áp lực xã hội là “không được yếu đuối”, điều này có thể khiến bạn không muốn bị tổn thương về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nếu ai đó nói với bạn rằng “Hãy vượt qua nó đi” hoặc rằng “Bạn chưa đủ cố gắng” để cảm thấy tốt hơn, thì trong tương lai bạn sẽ ít có khả năng thể hiện những cảm xúc này hơn.


Sợ làm gánh nặng cho người khác: Trầm cảm và cảm giác tội lỗi có xu hướng song hành với nhau. Do đó, nhiều cá nhân không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai khác bằng những khó khăn của họ. Thực tế này có thể đặc biệt đúng đối với những người quen chăm sóc người khác hơn là nhờ người khác chăm sóc họ. Đơn giản là họ không biết cách yêu cầu giúp đỡ nên họ giữ kín những khó khăn của mình.


Không hiểu về trầm cảm: Một số người tin rằng trầm cảm là một khuyết điểm trong tính cách hoặc là dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ có thể nghĩ rằng chỉ cần họ cười thì chắc chắn họ không bị trầm cảm. Nhiều người không thể thừa nhận rằng có thể có điều gì đó không ổn xảy ra với họ. Họ sẽ dễ dàng giả vờ như mình ổn hơn là cởi mở về cảm giác thực sự của mình.


Sự kỳ vọng: Tất cả chúng ta đôi khi đều có những kỳ vọng không thực tế về bản thân để trở nên tốt hơn hoặc mạnh mẽ hơn. Chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng bên ngoài - từ gia đình, đồng nghiệp hay xã hội….


Cho dù bạn có những kỳ vọng không thực tế cho bản thân hay những kỳ vọng đó đến từ người khác, bạn sẽ muốn che giấu cảm xúc của mình nếu không đáp ứng được những kỳ vọng đó. Những người sống theo chủ nghĩa hoàn hảo càng có nguy cơ mắc trầm cảm cười cam hơn vì họ đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho bản thân và thừa nhận mình mắc chứng trầm cảm có nghĩa là cuộc sống của họ kém hoàn hảo và họ không thể tự mình làm được điều đó.


Truyền thông xã hội: Các chuyên gia cho rằng, mạng xã hội có thể có tác động đáng kể đến chứng trầm cảm cười vì nó tạo ra sự trái ngược giữa những gì một người thực sự đang cảm thấy và những gì họ đang thể hiện với thế giới. Nhu cầu cũng như mong muốn sống theo những hình ảnh và nội dung phóng đại hoặc giả mạo tràn ngập trên mạng xã hội khiến việc thừa nhận cảm giác buồn bã, vô dụng, lo lắng hoặc trầm cảm càng khó thừa nhận với bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.


Dấu hiệu của bệnh trầm cảm cười


Một người nào đó đang trải qua chứng trầm cảm cười sẽ luôn tỏ ra vui vẻ hoặc hài lòng với người khác, tuy nhiên, ở bên trong, họ sẽ phải trải qua những dấu hiệu của bệnh trầm cảm:


• Những thay đổi đáng chú ý thói quen ăn uống hoặc cân nặng (tăng hoặc giảm).


• Thay đổi thói quen ngủ như khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, mất ngủ, ngủ quá nhiều hoặc quá ít.


• Rút lui khỏi các tương tác xã hội.


• Mất hứng thú với các hoạt động trước đây họ yêu thích.


• Có hành vi lạm dụng chất gây nghiện hoặc các hành vi có hại khác.


• Dễ bị kích động, lo lắng và hoảng loạn.


• Cảm giác tội lỗi, vô dụng và tuyệt vọng,


• Khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc.


• Nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc từ chối.


• Có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử.


Bất chấp những dấu hiệu và triệu chứng này, những người mắc chứng trầm cảm cười vẫn có thể có một công việc ổn định và tiếp tục duy trì một cuộc sống xã hội năng động và lạc quan. Họ thường không bao giờ bộc lộ cảm xúc thật của mình với bất kỳ ai, âm thầm chịu đựng sự đau khổ. Vì thế, họ thường rất cô đơn và phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Vì lý do này, chúng ta cần nâng cao nhận thức và cởi mở khi trò chuyện về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Như vậy mới có thể giúp họ có can đảm để cởi mở về cảm xúc của mình.


Tìm kiếm sự giúp đỡ khi mắc trầm cảm cười


Trầm cảm cười thường “bị bỏ qua hoặc bị chẩn đoán sai”. Bị bỏ qua vì những người bị ảnh hưởng đang che giấu cảm xúc thật của họ và có thể không thể hiện các dấu hiệu khuôn mẫu nỗi buồn, thiếu năng lượng hoặc cảm xúc hoặc cảm xúc dâng cao — liên quan đến trầm cảm.


Nếu bạn cho rằng mình có thể bị trầm cảm cười hoặc trầm cảm, đừng ngại ngần tìm đến các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần có chuyên môn.


Và cũng giống như các loại trầm cảm khác, trầm cảm cười có thể điều trị được. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, trị liệu bằng trò chuyện và thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục.


Điều quan trọng cần nhớ là, dù thế nào đi nữa vẫn luôn có hy vọng.


Chăm sóc bản thân


Đôi khi, ngay cả những bước tưởng chừng như “nhỏ” cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong đời sống tinh thần và sức khỏe của chúng ta:


Ăn uống lành mạnh và cân bằng.


• Cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. 


• Tránh làm việc quá sức, cân bằng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi lành mạnh.


• Chia sẻ cảm xúc với một người bạn đáng tin cậy hoặc người thân yêu. Nó có thể giảm bớt gánh nặng của việc phải che giấu cảm xúc thật của bản thân.


• Dành thời gian bên ngoài với thiên nhiên.


• Tập thể dục - thậm chí chỉ 10-15 phút mỗi ngày cũng đủ để nâng cao tâm trạng của bạn.


• Nghe nhạc, sáng tạo nghệ thuật hoặc thực hiện các hoạt động khác mà bạn yêu thích.


• Thiền, viết nhật ký để giải tỏa tâm trạng


Làm thế nào để hỗ trợ người mắc chứng trầm cảm cười? 


Nhà tâm lý học lâm sàng Carolina Estevez (Florida, Mỹ) nói: “Nếu bạn tin rằng một người bạn hoặc thành viên gia đình đang bị trầm cảm và che giấu điều đó, điều tốt nhất nên làm là tiếp cận họ một cách thấu hiểu và không phán xét. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi họ dạo này thế nào và bạn có thể làm gì cho họ không. Hãy cho người thân yêu của bạn biết rằng bạn quan tâm đến họ, rằng bạn luôn ở bên họ dù có chuyện gì xảy ra và bạn có thể nói về cảm xúc của họ”.


Đừng quên tôn trọng ranh giới của mỗi cá nhân.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!