Chắc hẳn bạn sẽ không quên được cảm giác vụn vỡ và buồn đau khi chứng kiến cảnh con tàu Titanic chìm xuống, Jack và Rose ly biệt giữa muôn trùng đau thương. Nhưng bạn có giống tôi không khi cứ xem đi xem lại bộ phim này hàng chục lần dù lần nào nó cũng lấy đi của tôi rất nhiều nước mắt?
Các nhà tâm lý học đã bắt đầu điều tra câu hỏi này trong vài năm gần đây và đã đưa ra một số câu trả lời thông qua nghiên cứu của họ. Bài viết này đề cập đến một số lý do tại sao mọi người tiêu thụ những câu chuyện buồn.
Những Câu Chuyện Buồn Kết Nối Chúng Ta Với Những Cảm Xúc Trong Cuộc Sống Thực
Khi chúng ta đọc, xem hoặc nghe một câu chuyện buồn (thậm chí dù đó là hư cấu), chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy buồn, rơm rớm nước mắt hoặc khóc vì những cảm xúc mà câu chuyện truyền tải mô phỏng những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua trong cuộc sống thực. Bạn cũng có thể hiểu và cảm nhận được những gì người khác đang trải qua.
Sự khốn khổ và đau buồn có khả năng khơi dậy sự ủng hộ và giúp đỡ từ những người khác. Tương tự, những câu chuyện buồn có thể gợi lên mối quan tâm, sự thấu cảm ở những người có khuynh hướng đồng cảm mạnh mẽ.
Điều thú vị là một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cảm giác chân thực này giúp giải thích sự quan tâm của chúng ta đối với những bộ phim buồn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau khi xem bộ phim đầy bi kịch Angel Baby năm 1995, những người tham gia phản hồi rằng bộ phim càng buồn thì họ sẽ cảm thấy bộ phim thực tế hơn và hòa mình vào bộ phim hơn.
Bạn Có Thể Trải Qua Nỗi Buồn Mà Không Cần Lo Lắng
Tuy nhiên, nhận thức của chúng ta về tính hiện thực của một câu chuyện không phải là lý do duy nhất khiến chúng ta thích những câu chuyện buồn.
Nếu một sự kiện đáng buồn xảy ra trong cuộc sống thực, nó thường đi kèm với sự lo lắng vì chúng ta biết rằng mình sẽ tiếp tục phải đối phó với tác động của sự kiện đó. Nhưng 1 bộ phim, tiểu thuyết buồn không làm chúng ta lo lắng vì những cảm xúc vừa trải qua sẽ không tiếp tục ảnh hưởng sau khi chúng ta xem, đọc hoặc nghe xong. Nói cách khác, chúng cho phép chúng ta đối mặt với các vấn đề thực tế bằng cách trải nghiệm ‘thực tế’ trong một khoảng cách an toàn qua màn hình, trang sách.
Bạn Có Lý Do "Chính Đáng" Để Khóc
Đôi khi chúng ta phải vật lộn với việc tìm ra lối thoát cho những cảm xúc chất chứa trong lòng. Trong những thời điểm đặc biệt căng thẳng, hoặc những lúc dễ bị tổn thương, bạn cũng có thể không khóc nổi, dù muốn vậy.
Xem một bộ phim/câu chuyện buồn, có thể giúp chúng ta tập trung vào nội dung, ngôn từ, giai điệu, tình cảm đằng sau đó và bắt đầu khóc vì nó. Bằng cách này bạn đang tạo ra cho mình một công cụ thể hiện cảm xúc một cách thoải mái và an toàn.
Bạn Cảm Thấy Biết Ơn Hơn
Các nghiên cứu tâm lý gần đây cho thấy rằng những bộ phim buồn thực sự có thể khiến chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và biết ơn hơn.
Giáo sư Silvia Knobloch-Westerwick đã thực hiện một nghiên cứu khoa học tại Đại học Bang Ohio (Mỹ) về phản ứng đối với những bộ phim buồn cho biết, mọi người dường coi những bi kịch trong phim ảnh, báo chí, tiểu thuyết như một cách để suy ngẫm về các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống của họ. Từ đó, thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn biết bao hoàn cảnh éo le khác. Và đương nhiên, sẽ thấy biết ơn cuộc đời hơn bao giờ hết.
Giúp Bạn Suy Nghĩ Về Cách Sống Sao Cho Có Ý Nghĩa Hơn
Các học giả Mary Beth Oliver và Anne Bartsch cho rằng, cảm giác xúc động trước một câu chuyện buồn, thấm thía hoặc buồn vui lẫn lộn sẽ truyền cảm hứng, giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong các câu chuyện và tiếp tục suy ngẫm về ý nghĩa đó. Điều này tạo điều kiện cho chúng ta cân nhắc những câu hỏi lớn, chẳng hạn như chúng ta là ai, chúng ta đánh giá cao điều gì và điều gì làm cho cuộc sống trở nên đáng giá.
About the author
S. Reen