Trong đó tình trạng bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có một chiều hướng gia tăng, đặc biệt là bệnh trầm cảm ở giới trẻ hiện nay. Bạn có thể không hiểu hết những gì họ đang phải trải qua nhưng vẫn có thể chia sẻ và giúp đỡ họ bằng nhiều cách.
Rối loạn trầm cảm hay trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Trầm cảm gây cảm giác buồn bã, chán nản và mất động lực trong thời gian dài. Bệnh ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi của người bệnh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác về tinh thần lẫn thể chất.
Nếu như trước kia tình trạng người mắc trầm cảm phần nhiều là những người lớn tuổi thì thời gian gần đây căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.
Đáng báo động, tình trạng trầm cảm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở nước ta. Mỗi năm có từ 36.000 - 40.000 người tự tử do căn bệnh nguy hiểm này, cao gấp 3 - 4 lần so với số người tử vong do tai nạn giao thông.
Dấu Hiệu Trầm Cảm
Mức độ và triệu chứng của trầm cảm thay đổi theo thời gian và khác nhau ở mỗi cá nhân. Một vài người có thể có những triệu chứng quen thuộc như buồn bã và tuyệt vọng. Nhưng người khác có thể lại cáu bẳn.
• Rối loạn giấc ngủ: Ngủ quá ít hoặc quá nhiều, gặp tình trạng mất ngủ triền miên.
• Mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, một số ít có biểu hiện tăng cân.
• Mệt mỏi, giảm tập trung, mất hứng thú với những người hoặc những hoạt động đã từng mang lại niềm vui.
• Cảm giác áy náy, tội lỗi: Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Tự cảm thấy có lỗi với bố mẹ, người thân, tâm lý thua kém người khác, bất tài, vô dụng.
• Nhức đầu, mỏi vai gáy, hồi hộp trống ngực, đau nhức tay chân.
• Tâm trạng bất ổn: Cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, dễ nổi giận với những người xung quanh hay ngại giao tiếp, không thích đám đông, ít quan tâm đến người xung quanh. Hoặc buồn bã, rầu rĩ, chán nản, bi quan, mất hết niềm tin trong cuộc sống...
• Hình thức bên ngoài: ăn mặc lôi thôi, vệ sinh thân thể kém, cử chỉ chậm chạp.
• Giọng nói trầm buồn đơn điệu.
• Có ý định hoặc hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết nặng hơn là có ý định tự sát. Họ có cảm giác tuyệt vọng không lối thoát và cảm thấy chết mới là cách để giải thoát.
Tuy nhiên vẫn có những trường hợp khó nhận diện hơn, chúng ta thường không thể nhận ra sự khác biệt rõ giữa tâm trạng bên trong và biểu lộ bên ngoài, họ vẫn đi học hay đi làm bình thường.
Làm Thế Nào Để Giúp Những Người Bị Trầm Cảm?
Thật không may, nhiều người coi trầm cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là căn bệnh về sức khỏe tâm thần. Những lời an ủi “vô tư” như “ hãy cố vượt qua” hoặc “tại mình nghĩ vậy thôi” thường thấy không hề có ích trong trường hợp này, ngược lại, đó là lời cảnh báo về sự thiếu thông tin, kiến thức về các căn bệnh tinh thần. Phớt lờ hoặc chối bỏ những cảm xúc không làm vấn đề mất đi.
Người mắc bệnh trầm cảm thường có khả năng tự chữa lành rất thấp. Khi họ mắc bệnh chính là lúc quá cô đơn, với vô vàn những áp lực và nỗi ưu uất bên trong không thể giải bày. Đó là lúc họ không tin tưởng ai hoặc xung quanh không ai chịu chia sẻ, cảm thông, đồng cảm với họ. Bên cạnh đó, người Việt vẫn còn có tâm lý e ngại, sợ bị đánh giá nên rất sợ khi đi khám tâm thần, tâm lý…. Chúng ta cũng chưa có nhiều có kênh thông tin đáng tin cậy để tìm đến khi cần.
Khi nhận ra một người bị trầm cảm, bạn biết người ấy cần phải có sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Thế nhưng hãy nhớ, cô đơn khiến trầm cảm có thể trầm trọng hơn, mà cô đơn thì không thể chữa lành bằng thuốc được. Liều thuốc tốt nhất cho người mắc căn bệnh này là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng cảm của những người xung quanh.
• Chuẩn bị kiến thức về căn bệnh trầm cảm để có thể giúp đỡ người mắc bệnh phù hợp và an toàn.
• Hãy động viên người trầm cảm, chia sẻ những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống. Cho họ thấy, bạn là người họ có thể tin tưởng được, và sẽ sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết. Để họ biết họ không một mình, không cô đơn.
• Lắng nghe, thấu hiểu, không chỉ trích, phán xét và tránh đưa ra ý kiến hay lời khuyên.
• Đưa ra những lời khẳng định tích cực. Những người bị trầm cảm có thể tự đánh giá bản thân một cách gay gắt và thấy có lỗi trong mọi việc họ làm. Bạn hãy nhắc họ về những phẩm chất tích cực của họ và tầm quan trọng của chúng đối với bạn và những người khác.
• Cổ vũ những hoạt động lành mạnh và khiến người trầm cảm lạc quan hơn.
• Có thể kêu gọi thêm sự trợ giúp của gia đình, người thân và bạn bè xung quanh. Đừng cố gắng làm tất cả mọi thứ một mình và đừng để họ một mình.
• Tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa.
• Hỗ trợ quá trình điều trị. Điều trị trầm cảm là một quá trình dài, có thể tiến triển rất chậm. Đặc biệt thuốc chống trầm cảm cũng gây ra các tác dụng phụ khiến người mắc bệnh dễ nản chí. Hãy kiên nhẫn đồng hành cùng họ để việc điều trị có kết quả tốt. Hãy nhớ rằng việc ngừng dùng thuốc chống trầm cảm một cách đột ngột mà không có sự giám sát hoặc chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
• Theo dõi và ghi nhận những thay đổi hành vi, thái độ và lối sống sinh hoạt (ăn, ngủ, vận động) của người mắc bệnh.
• Người trầm cảm có xu hướng tự làm hại bản thân vì thế cần chú ý và cảnh giác để bảo vệ an toàn cho họ.
Chăm Sóc Bản Thân
Hãy chú ý nếu bạn là người quá nhạy cảm, có thể bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và năng lượng tiêu cực của người trầm cảm. Để có thể đồng hành cùng người thân trong trận chiến trường kỳ, bạn cần giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
• Hãy lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ khi bạn cần.
• Hãy làm những gì bạn thích, duy trì hoạt động thể chất, lối sống lành mạnh, trò chuyện với bạn bè và chăm sóc tinh thần của bản thân.
• Hãy đặt ra ranh giới. Tất nhiên là bạn muốn giúp đỡ, nhưng sức khỏe của chính bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn để cuộc sống của mình bị kiểm soát bởi chứng trầm cảm của người thân. Để tránh kiệt sức và oán giận, hãy đặt ra giới hạn rõ ràng về những gì bạn sẵn sàng và có thể làm. Bạn không phải là nhà trị liệu cho người thân của mình, vì vậy đừng đảm nhận trách nhiệm đó.
About the author
Hương Hoa