Cyberchondria: Tìm kiếm thông tin y tế cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe

SỐNG KHỎE

Cyberchondria: Tìm kiếm thông tin y tế cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe

authorBy Thanh Nguyễn
Share on
Share on
Cyberchondria: Tìm kiếm thông tin y tế cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Trong vòng hai thập kỷ qua, có rất nhiều thông tin về sức khoẻ trên mạng internet và với sự phổ biến của điện thoại thông minh, hầu hết mọi người đã sử dụng internet để tìm kiếm thông tin khi có vấn đề về sức khỏe. Với một số người, truy cập thông tin trực tuyến về sức khỏe có thể giúp họ tự chăm sóc hoặc cảm thấy an tâm hơn với tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng đối với những người khác, những thông tin tìm kiếm được trên Google có thể khiến họ rơi vào hoảng loạn khi tin rằng mình đang mắc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Đây chính là cyberchondria.


Cyberchondria miêu tả nỗi lo lắng tột độ về sức khỏe khi liên tục sử dụng công cụ tìm kiếm online (như Google) để tra cứu các triệu chứng sức khỏe.


Cyberchondria không phải là một chẩn đoán chính thức và bạn sẽ không tìm thấy nó được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5).


Thuật ngữ này là một cách chơi chữ của từ “hypochondria”, còn được gọi là chứng rối loạn lo âu do bệnh tật, được liệt kê trong DSM-5. Nếu bạn đang trong trạng thái lo lắng về sức khoẻ và chuẩn bị hỏi “bác sĩ” Google, bài viết này có thể sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn về hành động tưởng chừng vô hại này.


Các dấu hiệu của Cyberchondria - Rối loạn lo âu do bệnh tật


• Dành ít nhất 1 đến 3 giờ để tìm kiếm thông tin trên internet về các triệu chứng của mình.


• Các kết quả tìm kiếm khiến bạn cảm thấy đau khổ và lo lắng.


• Nhu cầu tìm kiếm thông tin sức khỏe của bạn trở nên cấp bách và khó cưỡng lại.


• Bạn sợ mắc nhiều bệnh chứ không chỉ 1 hay 2 bệnh.


• Bạn luôn cảm thấy cần được bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trấn an.


• Bạn không tin vào câu trả lời mà bạn nhận được từ chuyên gia y tế.


• Bạn cảm thấy thôi thúc phải kiểm tra lại các triệu chứng của mình trên internet, ngay cả sau khi đã tìm kiếm kỹ lưỡng trước đó.


Điều đáng chú ý là bạn có thể khó nhận ra cyberchondria trong chính mình trong khi bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể dễ dàng nhận ra vấn đề này nơi bạn. 


cyberchondria-roi-loan-lo-au-do-benh-tat-1.jpg


Cyberchondria có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào?



Cyberchondria, giống như rối loạn lo âu bệnh tật và lo lắng nói chung, có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.


Lo lắng có thể gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày.


Lo lắng cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng của bạn. Căng thẳng và lo lắng có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất, bao gồm tăng huyết áp và đau đầu, căng cơ...


Lo lắng cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn bè và gia đình, hoặc ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn nếu bạn thường xuyên bỏ lỡ công việc để đi khám bác sĩ. Nó thậm chí có thể gây thiệt hại về tài chính nếu bạn yêu cầu một số xét nghiệm y tế lập đi lập lại.


Thảm họa có thể xảy ra với mỗi cú nhấp chuột. Nhập các triệu chứng của bạn để tìm kiếm trên web và bạn hầu như bạn luôn có thể tìm thấy điều gì đó thảm khốc. Vết sưng trên da có thể là dấu hiệu của ung thư da, đau ngực nhẹ có thể là cơn đau tim. Việc các triệu chứng và cảm giác của cơ thể bạn dao động là điều bình thường; thông thường, nó không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, giả sử bạn bị đau đầu nhẹ vì bạn đã trải qua một ngày căng thẳng và bị mất nước nhẹ do không uống đủ nước. Tâm trí sợ hãi của bạn có thể nhanh chóng biến cơn đau đầu này thành một khối u não chỉ bằng vài cú nhấp chuột trên điện thoại của bạn.


"Bác sĩ" Google có thể đưa ra "chẩn đoán" cho bạn trong vòng vài giây có thể khiến bạn thường xuyên tìm kiếm các triệu chứng bất thường. Bạn càng theo dõi các triệu chứng của cơ thể, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều hơn; khiến bạn luôn trong vòng xoáy lo lắng về sức khỏe.

 

Nguyên nhân của cyberchondria


Các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu do bệnh tật, nhưng giống như các dạng lo âu khác, có một số yếu tố nguy cơ:


• Nếu bạn đang mắc chứng trầm cảm hoặc lo lắng, bạn cũng có thể dễ mắc chứng cyberchondria hơn.


• Những biến cố trong cuộc sống như gia đình bạn có người thân qua đột ngột hoặc người thân của bạn mắc bệnh.


• Cha mẹ mới có con đầu lòng cũng có thể lo lắng thái quá về sức khỏe của con mình.


• Việc tìm kiếm thông tin y tế trực tuyến dễ dàng hơn là nói chuyện với bác sĩ, bạn chỉ cần mở Google trên điện thoại hoặc máy tính của mình. Với rất nhiều thông tin y tế chưa được kiểm chứng đôi khi là thông tin trái ngược từ các nguồn khác nhau, bạn rất dễ cảm thấy lo lắng về những gì mình đang đọc.


cyberchondria-roi-loan-lo-au-do-benh-tat-2.jpg


Cần phải làm gì khi bạn lo lắng nhiều về sức khỏe?


• Nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm thông tin sức khỏe trên internet, bạn nên chọn nguồn cẩn thận, từ những trang thông tin uy tín và với những bằng chứng lâm sàng tin cậy.


• Nếu nghĩ rằng mình có thể mắc cyberchondria, bạn nên ngừng truy cập trực tuyến để tìm kiếm thông tin sức khỏe.


• Tới ngay các cơ sở y tế uy tín hoặc nói chuyện với bác sĩ về sự lo lắng cho sức khỏe của bạn.


• Luôn ghi nhớ: "Bác sĩ Google” chỉ có thể đưa ra những thông tin chung, mang tính tham khảo, không thể thay thế những thông tin áp dụng riêng cho trường hợp của bạn. Đây là điều mà chỉ có một nhân viên y tế, hoặc bác sĩ có thể thực hiện.


Những điều cần lưu ý khi tra cứu thông tin về sức khỏe


Sử dụng Google để tìm hiểu thông tin sức khỏe không phải điều xấu miễn là bạn coi đây là điểm bắt đầu chứ không phải là kết luận.


• Không vội tin các thông tin đọc trên mạng.


• Không vội đưa ra kết luận khi chưa tham vấn cùng bác sĩ.


• Không vội tìm cách tự chữa trị khi chưa có kết luận từ bác sĩ.


• Ngoài ra, hãy cẩn thận với những trang mạng mà bạn dùng làm nguồn tham khảo để tránh tin giả, hay các thông tin với mục đích quảng cáo.

About the author

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

author

Thanh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!