Liệu Pháp Tiếp Xúc và Ngăn Chặn Phản Ứng (Exposure and Response Prevention - ERP) là một hình thức Trị liệu Hành vi Nhận thức (CBT) được thiết kế để điều trị những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
ERP giúp người mắc OCD tiếp xúc với những tình huống kích động nỗi ám ảnh của họ và chịu đựng sự sợ hãi đồng thời giúp họ ngăn chặn những phản ứng cưỡng chế. Mục tiêu cuối cùng của ERP là giải phóng người bệnh khỏi vòng luẩn quẩn của những ám ảnh và cưỡng chế để họ có thể sống tốt hơn. Được phát triển vào những năm 1970, ERP được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác khuyến nghị vì nó dựa trên các bằng chứng lâm sàng tin cậy.
Phần Tiếp xúc (Exposure) của ERP đề cập đến việc thực hành đối mặt với những suy nghĩ, hình ảnh, đối tượng và tình huống khiến bạn lo lắng và/hoặc kích động nỗi ám ảnh của bạn. Phần Ngăn chặn Phản ứng (Response Prevention) của ERP là việc lựa chọn không thực hiện hành vi cưỡng chế để đối phó với lo sợ hoặc nỗi ám ảnh. Ngăn chặn phản ứng là chìa khóa. Khi không thực hiện hành vi cưỡng chế, họ sẽ học cách chấp nhận những ám ảnh của mình thay vì hành động tuyệt vọng để hóa giải chúng. Khi bệnh nhân quen với những cảm giác mà nỗi ám ảnh của họ mang lại và giảm sự phụ thuộc vào sự cưỡng chế, họ sẽ dành ít thời gian và năng lượng hơn để trốn tránh đau khổ. Ngăn chặn phản ứng làm “đoản mạch” vòng phản hồi tích cực trong OCD. Khi một người thực hiện ngăn ngừa phản ứng thường xuyên, những ám ảnh không còn được củng cố và cuối cùng sẽ giảm tần suất và cường độ. Tiếp xúc có mục đích cung cấp thêm cơ hội để phá vỡ chu kỳ này. Bạn càng hoàn thành nhiều lần tiếp xúc, vòng phản hồi tích cực càng suy giảm. Cuối cùng, với đủ thực hành, EPR sẽ giúp bạn miễn nhiễm với nhiều tình huống kích hoạt.
Tất cả những điều này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhà trị liệu lúc bắt đầu và cuối cùng bạn sẽ học cách tự mình thực hiện các bài tập ERP để giúp kiểm soát các triệu chứng của mình. Theo thời gian, việc điều trị sẽ “đào tạo lại bộ não của bạn” để không còn coi đối tượng ám ảnh là mối đe dọa nữa.
Cách thức đối mặt một cách có mục đích trước những điều khiến bạn lo lắng nghe có vẻ không hoàn toàn hợp lý. Nếu bạn mắc chứng OCD, có lẽ bạn đã từng cố gắng đối mặt với nỗi ám ảnh và lo lắng của mình chỉ để thấy rằng bạn trở nên lo lắng và sợ hãi nhiều hơn. Với ERP, sự khác biệt là một nhà trị liệu được đào tạo sẽ làm việc với bạn để phát triển một kế hoạch tiếp xúc. Sau đó, nhà trị liệu đó huấn luyện bạn đối mặt với tình huống, nương theo những cảm xúc, để tâm đến chúng và chống lại sự thôi thúc thực hiện hành vi cưỡng chế.
ERP chắc chắn là một thách thức! Nhưng khi bạn làm đúng, những điều sau đây sẽ xảy ra:
• Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy lo lắng nhiều hơn và những suy nghĩ ám ảnh cũng tăng lên.
• Bạn sẽ thấy rằng những cảm xúc và suy nghĩ này rất khó chịu, nhưng chúng cũng không thể làm tổn thương bạn - chúng an toàn và có thể kiểm soát được.
• Bạn sẽ thấy rằng khi bạn ngừng chiến đấu với những ám ảnh và lo lắng, những ám ảnh này cuối cùng sẽ bắt đầu lắng xuống.
• Sự lo lắng sẽ giảm khi bạn tiếp tục “tiếp xúc” và “ngăn chặn phản ứng”cưỡng chế được gọi là việc tạo thói quen.
• Bạn sẽ thấy rằng nỗi sợ hãi của bạn ít có khả năng trở thành sự thật hơn bạn nghĩ.
Một cách dễ hiểu để liên tưởng về OCD và ERP
Hãy nghĩ về sự lo lắng như hệ thống báo động của cơ thể bạn. Khi chuông báo cháy kêu, điều đó có nghĩa là gì? Báo động để thu hút sự chú ý của bạn và nhắc bạn hành động để bảo vệ bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chuông báo cháy của bạn reo lên mỗi khi bạn nướng một miếng bánh mì hoặc thổi nến sinh nhật? Đó là những gì xảy ra với OCD.
OCD kiểm soát hệ thống báo động trong não và thay vì chỉ cảnh báo về mối nguy hiểm thực sự, hệ thống báo động đó phản ứng với bất kỳ tác nhân nào (dù nhỏ đến đâu, hoặc là tưởng tượng) như một mối đe dọa thảm khốc.
Khi sự lo lắng của bạn báo động, giống như hệ thống báo cháy, nó sẽ truyền thông tin rằng bạn đang gặp nguy hiểm. Thật không may, với chứng OCD, bộ não cảnh báo bạn đang gặp nguy hiểm rất thường xuyên, ngay cả trong những tình huống mà bạn biết rằng có rất ít khả năng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra. Đây là một trong những phần tàn bạo nhất của chứng rối loạn này.
Các hành vi cưỡng chế là nỗ lực của bạn để giữ an toàn cho bản thân khi chuông báo động kêu. Bạn đang nói với bộ não của mình điều gì khi bạn thực hiện những hành vi này? Bạn đang củng cố ý nghĩ của bộ não rằng bạn gặp nguy hiểm thật sự. Nến sinh nhật lúc đó cũng chẳng khác gì một đám cháy lớn.
Nói cách khác, hành vi cưỡng chế của bạn thúc đẩy não bộ phát ra nhiều hơn tín hiệu báo động không cần thiết này. Vì vậy, để giảm bớt lo lắng và ám ảnh, bạn phải chấm dứt các hành vi cưỡng chế. Dần dần, bộ não sẽ học được rằng không có nguy hiểm thật sự và sẽ bớt lo lắng.
Việc bắt đầu ERP có thể là một việc khó thực hiện vì như thể bạn đang chọn đặt mình vào nguy hiểm. Và trong ngắn hạn, bạn sẽ thấy lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn bắt đầu thách thức và điều chỉnh hệ thống báo động (sự lo lắng của bạn) phù hợp hơn với những gì đang thực sự xảy ra với bạn.
Tại sao phải chọn ERP, khi nó khiến bạn phải đối diện với nỗi đau?
Bạn không đơn độc nếu bạn nghĩ ERP yêu cầu mọi người làm những việc thực sự khiến họ lo lắng là không công bằng hoặc kỳ lạ. Và sự nghi ngờ này xuất phát từ sự đồng cảm – tại sao lại bắt người ta phải trải qua nỗi đau?
Có lạ không khi nghĩ rằng bạn có thể điều trị OCD bằng cách làm những việc như nói đi nói lại với bản thân rằng bạn có thể mất kiểm soát và trở thành một kẻ ấu dâm? Vâng, và đó không phải là điều mà hầu hết chúng ta muốn làm. Nhưng giả sử bạn quá phiền lòng bởi một ý nghĩ ám ảnh “Tôi có thể bị đứa cháu trai 3 tuổi của mình thu hút và sẽ lạm dụng nó” đến mức nó khiến bạn phát ốm. Bạn nghĩ cả ngày về điều đó, viết ra trong đầu danh sách những lý do khiến bạn là người tốt, thường xuyên tìm kiếm thông tin về nó, khi lái xe đi làm bạn cố né tránh không đi qua các trường tiểu học hay nhà giữ trẻ. Nhưng sau đó, ý nghĩ đó lại xuất hiện khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ mới biết đi trên bảng quảng cáo, hoặc khi một đồng nghiệp đưa con nhỏ của họ đến nơi làm việc. Bạn ngừng đến thăm em gái và cháu trai của mình, viện ra những lý do khác nhau mỗi khi họ hỏi. Những suy nghĩ hành hạ bạn, và có vẻ như cả cuộc đời bạn xoay quanh việc trốn tránh mọi suy nghĩ về việc bạn có thể bị thu hút bởi một đứa trẻ như thế nào.
Đây là lý do khiến người ta tìm kiếm ERP. Nói đúng hơn, đây là một hình thức trị liệu cho những người mà cuộc sống của họ đang bế tắc vì những suy nghĩ của họ. Đó là lý do tại sao bệnh nhân sẵn sàng vượt qua nỗi đau, và tại sao các chuyên gia tâm lý sẵn sàng tạm thời làm cho cơn đau tồi tệ hơn để mọi thứ trở nên tốt hơn.
ERP: Đổi nỗi đau ngắn hạn để đạt được lợi ích lâu dài
Lưu ý: Đối với cả những người mắc chứng OCD và những người còn lại trong chúng ta, điều quan trọng là phải hiểu được sự khác biệt giữa suy nghĩ về điều gì đó và mong muốn thực hiện điều đó.
Một lưu ý quan trọng khác: Mặc dù ám ảnh về ấu dâm có vẻ như là một trường hợp cực đoan, nhưng không phải vậy. Tất cả các loại hình thức OCD đều khó khăn. Không có bằng chứng nào cho thấy người có những ám ảnh “đáng lo ngại” hơn (ấu dâm, làm hại người khác) phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn một người khác với ám ảnh có vẻ tầm thường hơn như sợ nhiễm khuẩn hay sợ quên khoá cửa. Trong OCD, không có thứ gọi là nỗi ám ảnh tầm thường hay sự đau khổ không có giá trị.
Một ví dụ về liệu pháp ERP là gì?
Không có một khuôn mẫu ERP phù hợp với tất cả trường hợp vì OCD. Tuy nhiên, một ví dụ về liệu pháp ERP cho người có nỗi sợ ám ảnh bị nhiễm khuẩn.
Khi đó, một trong những điều bệnh nhân phải làm là chạm vào tay nắm cửa, trải nghiệm nỗi sợ hãi và chủ động không tham gia vào hành vi cưỡng chế như rửa tay. Theo thời gian, các tình huống sẽ tăng cường độ. Nhà trị liệu có thể đưa họ đến một cửa hàng rồi một nhà vệ sinh công cộng, để dần dần đối mặt với các tình huống gây sợ hãi nhiều hơn. Khi có tiếp xúc với những đồ vật bẩn, có thể được phép rửa tay nhưng chỉ một lần.
Không phải tất cả các phương pháp ERP đều liên quan đến việc dừng các hành vi cưỡng chế thấy được. Những hành vi cưỡng chế trong đầu như đếm hay cầu nguyện. Trong trường hợp này, nhà trị liệu có thể yêu cầu họ tiếp xúc với ám ảnh mà không cầu nguyện hoặc đếm.
Mục tiêu của ERP là gì?
• Mục tiêu chính của ERP là hướng cách một người phản ứng với sự đau khổ và dạy họ cách đối phó các tác nhân gây sợ hãi và cách phản ứng lại những nỗi sợ hãi này.
• Thông qua ERP, một người có thể biết rằng họ không cần phải tham gia vào các hành vi cưỡng chế để kiểm soát sự lo lắng.
• Một mục tiêu lớn khác của ERP là giúp các cá nhân quản lý tốt hơn các triệu chứng của OCD để họ có thể sống cuộc sống mà họ mong muốn, chứ không phải cuộc sống bị dẫn dắt bởi OCD.
• OCD có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và việc quản lý các triệu chứng thông qua ERP có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hạnh phúc của một người.
ERP được thực hiện như thế nào?
Nhà trị liệu thường bắt đầu bằng cách giúp cá nhân xác định các yếu tố kích hoạt, các ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ. Tiếp theo, cá nhân và nhà trị liệu sẽ lập danh sách các tình huống gây sợ hãi từ thấp đến cao.
Sau đó, cá nhân và nhà trị liệu sẽ làm việc cùng nhau bằng cách từ từ đối mặt với nỗi sợ hãi của họ và học cách chống lại thôi thúc tham gia vào hành vi cưỡng chế.
Một buổi ERP điển hình có thể bao gồm:
- Thảo luận những gì xảy ra kể từ buổi học trước
- Nói về các ảm ảnh hay yếu tố kích hoạt mới
- Giải quyết vấn đề thách thức
- Thực hành tiếp xúc
- Phản ánh những gì đã học được thông qua tiếp xúc
Các bước ERP là gì?
• Bước đầu tiên của ERP sẽ là làm việc với nhà trị liệu để xác định và đánh giá các triệu chứng của cá nhân. Nhà trị liệu sẽ giúp cá nhân xác định nỗi ám ảnh, suy nghĩ, hình ảnh và thôi thúc của họ. Họ cũng sẽ giúp xác định các nghi thức cưỡng chế của họ và cách họ giảm bớt lo lắng. Ngoài ra, họ sẽ thảo luận về hậu quả mà người bệnh lo sợ sẽ xảy đến nếu họ không thực hiện các hành vi cưỡng chế. Họ cũng sẽ giúp xác định những tình huống mà người đó tránh né để họ không cảm thấy lo lắng hoặc có những suy nghĩ ám ảnh.
• Bước thứ hai sẽ là giáo dục tâm lý, trong đó người bệnh được học để hiểu chính xác về OCD, có thể bao gồm các triệu chứng, phương pháp điều trị và hiệu quả điều trị. Trong bước này, nhà trị liệu có thể sẽ thảo luận về các mục tiêu điều trị và quy trình điều trị.
• Tiếp theo, cá nhân và nhà trị liệu của họ sẽ cùng nhau lập ra một danh sách những tiếp xúc mà họ cảm thấy sợ hãi từ thấp đến cao. Sau đó, họ sẽ đi theo bậc thang tăng dần cấp độ sợ hãi.
• ERP có thể được tiến hành trong phòng trị liệu, trong các tình huống thực tế với nhà trị liệu hoặc bằng cách sử dụng trí tưởng tượng để hình dung một tình huống tiếp xúc.
Liệu pháp ERP mất bao lâu?
Thời gian của liệu pháp ERP khác nhau ở mỗi người, vì mỗi nhu cầu của họ là khác nhau. Một số người có thể cải thiện trong vài tuần; đối với những người khác, thời gian có thể là vài tháng.
Cần bao nhiêu buổi trị liệu ERP?
ERP có thể kéo 10-15 buổi hoặc thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào từng cá nhân.
ERP thường bắt đầu hai lần một tuần trong ít nhất ba tuần đầu tiên và sau đó được điều chỉnh theo nhu cầu của từng cá nhân.
Một buổi trị liệu ERP kéo dài bao lâu?
Các phiên ERP thường bắt đầu vào khoảng 60 đến 90 phút và có thể ngắn hơn ở giai đoạn sau.
Những quan niệm sai lầm phổ biến về liệu pháp ERP là gì?
• Một quan niệm sai lầm phổ biến về liệu pháp ERP là mục tiêu là loại bỏ hoàn toàn những suy nghĩ không mong muốn hoặc “chữa khỏi” OCD. Trên thực tế, mục tiêu của liệu pháp ERP là thách thức nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế của một người để họ có thể vượt qua nỗi sợ hãi và kiểm soát tốt hơn các triệu chứng của OCD. ERP không phải là để dứt điểm OCD mà là một phương pháp điều trị làm cho các triệu chứng trở nên dễ kiểm soát hơn.
• Một quan niệm sai lầm phổ biến khác cho rằng mục tiêu của liệu pháp ERP là thuyết phục bộ não những ám ám ảnh không nguy hiểm. Mục tiêu chính của liệu pháp ERP là đối mặt với những suy nghĩ đau khổ này và học cách chịu đựng và chấp nhận chúng.
Nhiều người cũng nghĩ rằng một người nên đánh lạc hướng bản thân hoặc tránh né các tình huống kích hoạt. Với ERP, cần phải đối mặt với tình huống thay vì trốn tránh nó.
• Cuối cùng, một quan niệm sai lầm khác về ERP là nó quá khắc nghiệt. Ý nghĩ bắt ai đó phải đối mặt với các ám ảnh gây sợ hãi không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách đối mặt với những suy nghĩ khó chịu này, người mắc OCD có thể học cách kiểm soát sự lo lắng đi kèm với nỗi ám ảnh của họ.
Người mắc OCD có thể tự làm ERP không?
• Cách tốt nhất để thực hiện ERP là nhờ một chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm, người có thể cung cấp hỗ trợ và kiến thức chuyên môn trong suốt quá trình.
• Tự mình làm ERP có thể khiến bạn gặp rủi ro khi mà bạn có thể chưa sẵn sàng.
• Nhà trị liệu sẽ giúp hướng dẫn bạn cách để bạn có thể tự mình kiểm soát các triệu chứng. Sau buổi ERP với nhà trị liệu, bạn sẽ làm các bài tập ở nhà rồi báo cáo với nhà trị liệu của bạn.
ERP thay đổi bộ não của bạn như thế nào?
• Các nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng OCD thường có sự khác biệt ở vùng vỏ não trước và vùng dưới vỏ não. Những khu vực này đóng một vai trò trong việc kiểm soát hành vi và phản ứng cảm xúc.
• Bộ não của một người mắc chứng OCD có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa an toàn và nguy hiểm.
• ERP có thể hoạt động bằng cách nhắm vào các chức năng trong các vùng não này để một người có thể nhận ra đâu là an toàn và đâu là không để có phản ứng thích hợp.
About the author
Thanh Nguyễn