Hầu hết mọi người có thể không nhận thức được rằng việc chia sẻ rộng rãi câu chuyện hoặc hình ảnh buồn về các vụ tự tử có thể gây ra những hậu quả rất nguy hại cho xã hội.
“Hiệu ứng Werther” được nhà nghiên cứu xã hội David Philips đặt tên, hay còn gọi là copycat suicide (bắt chước tự tử) vào năm 1974. Đây là một hiện tượng “bắt chước” có thật, đã được nghiên cứu chứng minh trong đó việc chia sẻ những câu chuyện và tin tức về tự tử thực sự có thể dẫn đến sự gia tăng hành vi tự tử trong cộng đồng. Tự tử trở nên “dễ lây lan” ở một mức độ nhất định.
Nghiên cứu của David Philips đã chỉ ra mối liên hệ giữa các vụ tự sát của người nổi tiếng với sự gia tăng tỷ lệ tự tử ở một địa phương hoặc quốc gia. Sau khi một vụ tự tử giật gân được báo cáo trong cộng đồng, tỷ lệ tự tử sẽ tăng mạnh trong khu vực được báo cáo. Những người “dễ bị tổn thương” có thể được “khơi dậy” ý tưởng tự tử sau khi nhìn thấy tin tức về hành vi đó và sẽ bắt chước nó. Hơn 50 nghiên cứu trên toàn thế giới sau này tiếp tục củng cố luận điểm này.
Ngày nay, việc lan truyền tin tức ngày càng dễ dàng bởi sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông. Một khía cạnh quan trọng của việc đưa tin tự tử trên mạng xã hội là nó thường đơn giản hóa quá mức các nguyên nhân, cho rằng hành động đó chỉ do các yếu tố như khó khăn tài chính, mối quan hệ tan vỡ hoặc thất bại trong thi cử. Thậm chí người ta còn mô tả rõ ràng phương pháp và kịch tính hóa, lãng mạn hóa cái chết. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Society and Mental Health vào năm 2019 đã chỉ ra sai lầm phổ biến này. Trong khi đó yếu tố phổ biến nhất dẫn đến tự tử là các bệnh về tâm lý thường bị bỏ qua.
Những Con Số Biết Nói
Khi Robin Williams tự sát vào năm 2014, các vụ tự tử bằng phương pháp tương tự đã tăng 32% trong những tháng sau khi ông qua đời. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nghiên cứu năm 2017 được đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine chỉ ra số lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan tới tự vẫn tăng vọt sau khi 13 Reasons Why, phim kể về nữ sinh bất ngờ kết liễu cuộc đời mình và để lại 13 cuộn băng tương ứng với 13 lý do cô ra đi, trở nên nổi tiếng.
Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, 1/3 số vụ tử sát tại đây bắt nguồn từ những bài đăng về tự tử, tự làm hại bản thân trên mạng xã hội.
Số vụ tự tử trên tàu điện ngầm ở Vienna (Áo) tăng đột biến từ năm 1984 đến giữa năm 1987. Trong nửa cuối năm 1987, mức đó giảm 75% đã được duy trì trong 5 năm. Điều này bắt đầu khi một nhóm công tác của Hiệp hội Phòng chống Tự tử Áo phát triển các hướng dẫn truyền thông và đỉnh điểm là thỏa thuận hạn chế đưa tin về các trường hợp tự tử.
Cần Nói Gì Khi Nói Về Tự Tử?
Thông điệp chính của bất kỳ câu chuyện chia sẻ nào về tự tử phải là khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ cần và tìm kiếm sự giúp đỡ đó ở đâu bằng cách bao gồm các số điện thoại đường dây nóng của địa phương và quốc gia hoặc các nguồn thông tin khác về khủng hoảng tâm lý.
Bên cạnh đó bạn cũng có thể làm theo các khuyến nghị:
- Không sử dụng, lan truyền hình ảnh về vị trí hoặc cách thức của cái chết, những người thân hoặc đám tang
- Không nêu chi tiết nội dung của “bức thư tuyệt mệnh”
- Lựa chọn từ ngữ của bạn một cách cẩn thận
- Không công kích cá nhân
Tự tử không phải là một chủ đề nên tránh, mà đúng hơn, là cần được chia sẻ một cách cẩn thận và chu đáo. Hãy nói nhiều hơn về giải pháp, cách khắc phục nỗi đau tinh thần để khuyến khích những người đang gặp khó khăn tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực. Đó mới là cách chúng ta cứu sống được nhiều người.
About the author
S. Reen