Mặc dù bạn không thể ép buộc một người mắc chứng rối loạn ăn uống thay đổi, bạn vẫn có thể hỗ trợ và khuyến khích họ điều trị. Và điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với quá trình phục hồi của người thân của bạn.
Hiểu về chứng rối loạn ăn uống của người thân
Rối loạn ăn uống là những rối loạn nghiêm trọng trong hành vi ăn uống - tuân theo chế độ ăn kiêng cứng nhắc, ăn uống vô độ, nôn sau bữa ăn, đếm lượng calo một cách ám ảnh. Chứng rối loạn ăn uống phức tạp hơn nhiều so với thói quen ăn kiêng không lành mạnh, bởi nó liên quan đến các vấn đề cảm xúc và cảm nhận méo mó về hình ảnh cơ thể, cân nặng và thức ăn. Chính những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực này đã thúc đẩy các hành vi gây hại.
Những người mắc chứng rối loạn ăn uống sử dụng thức ăn để đối phó với những cảm xúc khó chịu hoặc đau đớn. Hạn chế thực phẩm được sử dụng để cảm thấy kiểm soát. Ăn quá nhiều tạm thời xoa dịu nỗi buồn, hoặc sự cô đơn. Đào thải thức ăn được sử dụng để chống lại cảm giác bất lực và ghê tởm bản thân. Theo thời gian, những người mắc chứng rối loạn ăn uống mất khả năng nhìn nhận bản thân một cách khách quan rồi nỗi ám ảnh về thức ăn và cân nặng chi phối mọi thứ khác trong cuộc sống của họ. Con đường phục hồi của họ bắt đầu bằng cách xác định các nguyên nhân sâu xa dẫn đến chứng rối loạn ăn uống của họ và tìm ra những cách lành mạnh hơn để đối phó với nỗi đau tinh thần.
Thật không dễ dàng gì khi chứng kiến người thân làm tổn hại đến sức khỏe của họ. Mặc dù bạn không thể ép buộc một người mắc chứng rối loạn ăn uống thay đổi, bạn vẫn có thể hỗ trợ và khuyến khích họ điều trị. Và điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với quá trình phục hồi của người thân của bạn.
Dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn ăn uống
Nhiều người lo lắng về cân nặng, những gì họ ăn và ngoại hình của họ. Điều này thường gặp phải ở thanh thiếu niên, những người phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để duy trì ngoại hình hấp dẫn vào thời điểm cơ thể họ đang thay đổi. Do đó, không dễ dàng phân biệt được sự khác biệt giữa chứng rối loạn ăn uống và sự tự ý thức bình thường, lo lắng về cân nặng hoặc ăn kiêng. Vấn đề phức tạp hơn là do những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường sẽ cố gắng hết sức để che giấu vấn đề. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể theo dõi. Và khi chứng rối loạn ăn uống tiến triển, các dấu hiệu đó trở nên dễ phát hiện hơn.
Hạn chế các loại thực phẩm hoặc ăn kiêng
• Viện cớ để tránh bữa ăn (đã ăn một bữa thịnh soạn trước đó, không đói hoặc bị đau dạ dày).
• Chỉ ăn những phần nhỏ hoặc thực phẩm có hàm lượng calo thấp và thường loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm như tinh bột và chất béo trong chế độ ăn.
• Đếm lượng calo, đọc nhãn thực phẩm và cân khẩu phần một cách ám ảnh.
• Phát triển các thói quen ăn uống như ăn thức ăn theo thứ tự nhất định, sắp xếp lại thức ăn trên đĩa, cắt hoặc nhai quá nhiều.
• Uống thuốc giảm cân, hoặc thậm chí các loại thuốc cấm như amphetamine.
Ăn uống vô độ
• Một lượng lớn thực phẩm biến mất không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn.
• Rất nhiều gói và giấy gói thực phẩm đã dùng, thường được giấu ở đáy thùng rác.
• Tích trữ và cất giấu thực phẩm có hàm lượng calo cao như đồ ăn vặt và đồ ngọt.
• Có thể ăn uống bình thường khi có mặt những người khác, chỉ ăn uống vô độ vào đêm khuya hoặc ở một nơi riêng tư mà họ sẽ không bị phát hiện.
Đào thải thức ăn
• Biến mất ngay sau bữa ăn hoặc thường xuyên đi vệ sinh.
• Tắm vòi sen hoặc cho vòi nước chảy sau khi ăn để che giấu âm thanh đào thải thức ăn.
• Sử dụng quá nhiều nước súc miệng, kẹo bạc hà hoặc nước hoa để che giấu mùi nôn mửa.
• Dùng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc thụt rửa.
• Nhịn ăn hoặc tập thể dục cường độ cao, đặc biệt là sau khi ăn.
• Thường xuyên phàn nàn về đau họng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
• Răng đổi màu
Hình ảnh cơ thể bị bóp méo và thay đổi ngoại hình
• Quá bận tâm đến cơ thể hoặc cân nặng (ví dụ: cân liên tục, dành nhiều thời gian trước gương để kiểm tra và chỉ trích cơ thể của họ).
• Sụt cân đáng kể, tăng cân nhanh hoặc cân nặng dao động liên tục.
• Thường xuyên nhận xét về cảm giác béo hoặc thừa cân, hoặc về nỗi sợ tăng cân.
• Mặc quần áo rộng thùng thình hoặc nhiều lớp để che giấu cân nặng.
Khi bạn lo lắng, hãy lên tiếng
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo về chứng rối loạn ăn uống ở bạn bè hoặc thành viên gia đình, điều quan trọng là bạn phải lên tiếng. Bạn có thể sợ rằng mình nhầm lẫn, hoặc bạn sẽ nói sai. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không được để những lo lắng này ngăn cản bạn bày tỏ mối quan tâm của mình.
Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường ngại yêu cầu giúp đỡ. Do đó, không dễ dàng để nói chuyện với họ về vấn đề này. Nếu không được điều trị, rối loạn ăn uống sẽ nên tồi tệ hơn và dẫn đến những tổn thương về thể chất và tinh thần nghiêm trọng. Bạn bắt đầu giúp đỡ càng sớm thì cơ hội hồi phục của họ càng cao. Mặc dù bạn không thể ép buộc một người mắc chứng rối loạn ăn uống phải điều trị, việc có các mối quan hệ hỗ trợ là rất quan trọng để họ hồi phục. Tình thương và sự động viên của bạn có thể tạo nên sự khác biệt.
Làm thế nào để nói chuyện với người thân về chứng rối loạn ăn uống của họ?
Quyết định thay đổi hiếm khi là một quyết định dễ dàng đối với người mắc chứng rối loạn ăn uống. Chứng rối loạn ăn uống có thể làm sai lệch cách họ suy nghĩ—về cơ thể, thế giới xung quanh, thậm chí cả động cơ giúp đỡ của bạn. Tấn công họ bằng những lời cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả sức khỏe của chứng rối loạn ăn uống hoặc cố gắng ép buộc họ ăn uống bình thường có lẽ sẽ không hiệu quả. Chứng rối loạn ăn uống thường đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của một người—một cách để đối phó với những cảm xúc khó chịu—Vì bạn có thể gặp phải thái độ phòng thủ hoặc từ chối, nên bạn cần phải bước đi cẩn thận khi đề cập đến chủ đề này.
Chọn thời điểm tốt: Chọn thời điểm mà bạn có thể nói chuyện riêng với người đó mà không bị phân tâm. Bạn không muốn phải dừng cuộc trò chuyện giữa chừng vì các công việc khác. Việc trò chuyện vào thời điểm bình tĩnh về mặt cảm xúc cũng rất quan trọng. Đừng cố bắt đầu cuộc trò chuyện này khi mất bình tĩnh.
Giải thích lý do tại sao bạn quan tâm: Hãy cẩn thận để tránh lên lớp hoặc chỉ trích, vì điều này sẽ chỉ khiến người thân của bạn trở nên phòng thủ. Thay vào đó, hãy đề cập các tình huống và hành vi cụ thể mà bạn nhận thấy và lý do tại sao chúng khiến bạn lo lắng. Mục tiêu của bạn tại thời điểm này không phải là đưa ra giải pháp mà là bày tỏ mối quan tâm của bạn về sức khỏe của người đó, bạn yêu họ nhiều như thế nào và mong muốn giúp đỡ họ.
Hãy chuẩn bị cho sự từ chối và phản kháng: Rất có thể người thân của bạn phủ nhận việc mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc trở nên tức giận và phòng thủ. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tôn trọng. Hãy nhớ rằng cuộc trò chuyện này có thể khiến người mắc chứng rối loạn ăn uống cảm thấy như bị đe dọa.
Hỏi xem người đó có muốn thay đổi không: Ngay cả khi người thân của bạn thiếu mong muốn thay đổi bản thân, họ có thể muốn thay đổi vì những lý do khác: để làm hài lòng gia đình, hay để trở lại trường học hoặc công việc. Vấn đề quan trọng là họ sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ.
Hãy kiên nhẫn và hỗ trợ: Đừng bỏ cuộc nếu ban đầu người đó khiến bạn thất vọng. Có thể mất một thời gian trước khi họ sẵn sàng cởi mở và thừa nhận mình có vấn đề. Điều quan trọng là mở ra các đường dây liên lạc. Nếu họ sẵn sàng nói chuyện, hãy lắng nghe mà không phán xét. Hãy thể hiện rõ ràng rằng bạn quan tâm, rằng bạn tin tưởng vào họ và rằng bạn sẽ có mặt khi nào họ cần, bất cứ khi nào họ sẵn sàng.
Những gì không nên làm?
Tránh ra tối hậu thư: Trừ khi bạn đang đối phó với một đứa trẻ chưa đủ tuổi, bạn không thể ép buộc ai đó điều trị. Quyết định thay đổi phải đến từ họ. Tối hậu thư chỉ gây thêm áp lực và khiến họ từ chối nhiều hơn.
Tránh bình luận về ngoại hình hoặc cân nặng: Những người mắc chứng rối loạn ăn uống đã quá tập trung vào cơ thể của họ. Ngay cả những lời trấn an rằng họ không béo cũng chẳng mang lại ích lợi gì. Thay vào đó, hãy hướng cuộc trò chuyện đến cảm xúc của họ. Vì sao họ sợ mập? Họ nghĩ họ sẽ đạt được gì khi gầy đi?
Tránh phê bình và đổ lỗi: Tránh xa những câu nói buộc tội như “Bạn chỉ cần ăn thôi!” hoặc, "Bạn đang làm tổn thương chính mình mà không có lý do." Thay vào đó, hãy sử dụng câu nói "như “Tôi thấy thật xót để nhìn bạn gầy đi.” hoặc, “Tôi sợ khi nghe thấy bạn nôn mửa.”
Tránh đưa ra các giải pháp đơn giản: Ví dụ: “Tất cả những gì bạn phải làm là chấp nhận chính mình”. Rối loạn ăn uống là vấn đề phức tạp. Nếu dễ dàng như vậy thì người thân của bạn đã không phải khổ sở như thế.
Khuyến khích người thân nhận tìm kiếm điều trị
Ngoài việc hỗ trợ, điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho người mắc chứng rối loạn ăn uống là khuyến khích họ điều trị. Chứng rối loạn ăn uống không được chẩn đoán và điều trị càng lâu thì cơ thể càng khó khắc phục và càng khó vượt qua, vì vậy hãy giục người thân của bạn đi khám bác sĩ ngay.
Bác sĩ có thể đánh giá các triệu chứng của người thân của bạn, đưa ra chẩn đoán chính xác và sàng lọc mọi vấn đề y tế có thể liên quan. Bác sĩ cũng có thể xác định xem họ có những vấn đề khác không, chẳng hạn như trầm cảm, lạm dụng chất kích thích hoặc rối loạn lo âu.
Nếu người thân của bạn ngần ngại đến gặp bác sĩ, hãy yêu cầu họ đi khám sức khỏe chỉ để bạn bớt lo lắng. Bạn có thể đề nghị đặt lịch hẹn hoặc đi cùng trong lần khám đầu tiên.
Đối phó với chứng rối loạn ăn uống tại nhà
Bạn có thể làm nhiều việc để hỗ trợ người thân phục hồi chứng rối loạn ăn uống - ngay cả khi họ vẫn đang chống lại việc điều trị.
Là tấm gương tích cực: Bạn có nhiều ảnh hưởng hơn bạn nghĩ. Thay vì ăn kiêng, hãy ăn những bữa ăn bổ dưỡng, cân bằng. Hãy chú ý đến cách bạn nói về cơ thể và việc ăn uống của mình. Tránh nhận xét tự phê bình hoặc nhận xét tiêu cực về ngoại hình của người khác. Thay vào đó, hãy tập trung vào những phẩm chất bên trong thực sự khiến một người trở nên hấp dẫn.
Làm cho giờ ăn vui vẻ: Cố gắng ăn cùng nhau thường xuyên nhất có thể. Ngay cả khi người kia không muốn ăn thức ăn bạn đã chuẩn bị, hãy khuyến khích chúng ngồi cùng bàn với bạn. Sử dụng thời gian này cùng nhau để tận hưởng sự có mặt của nhau, thay vì nói về các vấn đề. Các bữa ăn cũng là một cơ hội tốt để cho mọi người thấy rằng thức ăn là thứ đáng để thưởng thức hơn là sợ hãi.
Tránh ép ăn: Nỗ lực ép ăn sẽ chỉ gây ra xung đột dẫn đến việc giữ bí mật và nói dối nhiều hơn. Việc hiêu quả hơn có thể làm là bạn hãy đặt ra giới hạn hoặc trách nhiệm cho các hành vi của người bệnh. Nhưng đừng hành động như cảnh sát, chỉ liên tục theo dõi và nhắc nhở khi cần thôi nhé!
Khuyến khích ăn uống tự nhiên: Mặc dù bạn không thể ép buộc các hành vi ăn uống lành mạnh, nhưng bạn có thể khuyến khích chúng bằng nhiều cách. Ví dụ, nếu con bạn không chịu ăn, chúng không thể đến lớp khiêu vũ hoặc lái xe vì điều đó sẽ không an toàn. Nhấn mạnh rằng đây không phải là một hình phạt, mà chỉ đơn giản là do vấn đề sức khỏe không cho phép.
Đừng tự trách mình: Nếu bạn đã là cha mẹ, chắc chắn sẽ hiểu cảm giác mình phải chịu trách nhiệm về chứng rối loạn ăn uống của con, tuy nhiên sự thực là đó là điều mà không kiểm soát được. Một khi bạn có thể chấp nhận rằng chứng rối loạn ăn uống không phải là lỗi của bất kỳ ai, bạn có thể tự do hành động một cách hợp lý và không bị che mờ bởi những gì bạn “nên” hoặc “có thể” đã làm.
Hỗ trợ sự hồi phục của người thân
Phục hồi từ chứng rối loạn ăn uống cần có thời gian. Không có cách khắc phục nhanh chóng hay phương pháp chữa bệnh thần kỳ nào, vì vậy điều quan trọng là phải kiên nhẫn và yêu thương người mắc bệnh. Đừng tạo áp lực không cần thiết cho người thân của bạn bằng cách đặt ra những mục tiêu không thực tế hoặc đòi hỏi sự tiến bộ theo thời gian biểu của riêng bạn. Gieo hy vọng và khuyến khích, khen ngợi từng bước tiến nhỏ và giữ thái độ tích cực khi gặp khó khăn.
Tìm hiểu về rối loạn ăn uống: Bạn càng biết nhiều, bạn càng được trang bị tốt hơn để giúp đỡ người thân của mình, tránh những sai lầm.
Lắng nghe mà không phán xét: Hãy thể hiện rằng bạn quan tâm bằng cách hỏi về cảm xúc và mối quan tâm của người thân—và sau đó thực sự lắng nghe. Không đưa ra lời khuyên hoặc chỉ trích. Đơn giản chỉ cần cho người thân của bạn biết rằng họ đang được lắng nghe.
Hãy chú ý đến các yếu tố kích hoạt: Tránh nói chuyện về thực phẩm, cân nặng, ăn uống hoặc đưa ra những tuyên bố tiêu cực về cơ thể của chính bạn. Nhưng đừng ngại ăn uống bình thường trước mặt người mắc chứng rối loạn ăn uống. Nó có thể tạo một hình mẫu về mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm.
Chăm sóc bản thân: Đừng quá bận tâm đến chứng rối loạn ăn uống của người thân mà bỏ bê nhu cầu của chính mình. Hãy chắc chắn rằng bạn có sự hỗ trợ của riêng bạn, để rồi mình mới giúp được người thân. Cho dù sự hỗ trợ đó đến từ một người bạn đáng tin cậy, một nhóm hỗ trợ hay nhà trị liệu của riêng bạn, điều quan trọng là bạn phải có một lối thoát để nói về cảm xúc của mình và nạp lại cảm xúc. Sắp xếp thời gian trong ngày để thư giãn và làm những điều bạn thích cũng rất quan trọng.
About the author
Thanh Nguyễn