Tiến sĩ, bác sĩ phụ khoa Tami S. Rowen ở San Francisco (Mỹ), nói với The Guardian: “Nhiều phụ nữ nghĩ rằng thật không vệ sinh và thậm chí là ô uế nếu không chăm chút cho lông vùng kín gọn gàng”. Từ bao giờ mà một bộ phận trên cơ thể chúng ta lại đáng ghê sợ đến thế?
Lông mu là lông mọc xung quanh bộ phận sinh dục của bạn. Độ dài và màu sắc của lông vùng kín của mỗi người là khác nhau. Không có tiêu chuẩn nào về số lượng, độ dày hoặc diện tích mà lông mu bao phủ.
Và chẳng có lý do gì để chúng ta thiếu hấp dẫn chỉ vì lông mu.
Lông mu để làm gì?
Tạo hóa thường không tạo ra thứ gì mà không có mục đích.
Giảm ma sát
Da trên vùng sinh dục của bạn rất mỏng manh và nhạy cảm. Lông mu có tác dụng như một lớp đệm bảo vệ, giảm ma sát khi quan hệ tình dục và các hoạt động khác gây ra hiện tượng chà xát.
Bảo vệ khỏi vi khuẩn và các mầm bệnh khác
Bác sĩ sinh sản Jaime Knopman tại Trung tâm Y học Sinh sản Colorado (Mỹ) cho biết, vùng âm đạo là khu vực nhạy cảm nên về cơ bản, lông mu đóng vai trò là tuyến bảo vệ đầu tiên chống lại bụi bẩn và các vi sinh vật có hại xâm nhập cơ thể (giống lông mi, lông mũi…)
Chức năng giữ nhiệt
Ngoài khả năng bảo vệ ra thì lông mu còn giúp lưu giữ nhiệt cho vùng kín khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời trở lạnh. Bên cạnh đó vào mùa hè do thời tiết nóng nực, mặc 2 lớp quần khiến vùng kín bị nóng. Lúc đó các tuyến da dưới lớp lông sẽ tiết ra chất dầu làm mát để giảm nhiệt ở khu vực này.
Các lý thuyết khác về mục đích của lông mu liên quan tới pheromone - một mùi đặc trưng giúp hấp dẫn đối tượng khác giới. So với các vùng khác trên cơ thể, vùng mu có rất nhiều tuyến này. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu khoa học đều không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào cho việc này.
Ngoài ra lông vùng kín còn góp phần tạo nên sự gợi cảm cho phái nữ nếu được tỉa tót, chăm sóc cẩn thận. Trong tình dục nhiều đàn ông cảm thấy hưng phấn hơn khi thấy hoặc sờ vào lông vùng kín của bạn tình. Tuy nhiên cũng có những trường hợp thích bạn tình sở hữu vùng kín nhẵn nhụi, ít lông.
Lông mu có thực sự mất vệ sinh?
Đây là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về lông mu.
Trong một cuộc khảo sát năm 2013 (Mỹ) với 7.580 người, 59% phụ nữ và 61% nam giới "dọn dẹp" lông mu cho biết họ làm như vậy vì mục đích vệ sinh.
Nhưng lông mu thực ra không hề mất vệ sinh.
Giống như những sợi lông khác trên cơ thể, lông mu của bạn chứa mồ hôi, dầu và vi khuẩn. Cộng thêm việc ở vùng kín, khó thoáng khí nên chúng có thể có mùi nồng hơn một chút so với các vùng khác trên cơ thể.
Điều này cũng không đáng lo ngại vì bạn chỉ cần vệ sinh thường xuyên là đủ.
Tại sao mọi người có xu hướng loại bỏ lông mu?
Có rất nhiều lý do khiến mọi người phải loại bỏ lông mu.
Chuẩn mực xã hội
Các phương pháp loại bỏ lông mu đã là thói quen phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.
Một số lý thuyết liên kết xu hướng này với việc tăng khả năng tiếp cận nội dung khiêu dâm, trong đó việc không có lông là tiêu chuẩn.
Rất nhiều người đã loại bỏ lông mu để phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ này.
Trong cuộc khảo sát năm 2013 được trích dẫn ở trên, 31,5% phụ nữ cho biết làm như vậy vì họ tin rằng việc đó sẽ khiến bộ phận sinh dục của họ hấp dẫn hơn. Số lượng nam giới có cùng mục đích ít hơn trong khảo sát này.
Kỳ vọng của đối tác
Với một số người, sở thích và mong muốn của bạn tình có ảnh hưởng khá lớn. Trong cuộc khảo sát năm 2013, khoảng 21,1% phụ nữ cho biết việc “chăm chút” vùng kín của họ có liên quan đến sở thích của bạn tình. Cuộc khảo sát tương tự cho thấy một tỷ lệ tương tự nam giới cũng chải chuốt theo mong muốn của bạn đời.
Trong một nghiên cứu năm 2015, đàn ông thích bạn tình không có lông mu hơn phụ nữ.
Ngược lại, phụ nữ cho biết rằng họ thích lông mu được cắt tỉa hoặc cạo một phần hoặc bôi sáp.
Sở thích cá nhân
Đối với một số người, việc loại bỏ lông mu chỉ đơn giản là vấn đề sở thích cá nhân. Những người muốn loại bỏ lông mu thường cho rằng sự thoải mái, thói quen và sự tự tin trong tình dục là những yếu tố thúc đẩy.
Tăng cảm giác
Một số người tin rằng việc loại bỏ lông mu sẽ làm tăng cảm giác bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục. Thật vậy, các nghiên cứu cho thấy rằng có mối liên hệ giữa việc tẩy lông vùng kín và hoạt động tình dục tự báo cáo.
Tuy nhiên, có khả năng có các yếu tố khác liên quan. Cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối liên hệ giữa việc triệt lông mu và cảm giác tình dục.
Chúng ta có nên loại bỏ lông mu?
Có loại bỏ lông mu hay không là quyết định cá nhân của bạn.
Một số người có thể thích loại bỏ lông mu vì điều đó khiến họ cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Những người khác có thể loại bỏ nó để cảm thấy hấp dẫn hơn với đối tác tình dục. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần xác định xem mình cảm thấy thế nào về quyết định này và hãy làm điều bạn thực sự muốn. Và cả an toàn nữa nhé!
Rủi ro khi loại bỏ lông mu
Các biện pháp cạo, tẩy, triệt lông vùng kín nói chung khá an toàn nhưng vẫn có một số tác dụng phụ bạn nên lưu ý.
Chấn thương
Chấn thương khi chải lông vùng kín phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Một nghiên cứu năm 2017 dựa trên dữ liệu từ cùng một cuộc khảo sát tại Mỹ năm 2013 đã cho thấy rằng 25,6% người bị thương trong hoặc sau khi triệt lông.
Trong nghiên cứu, vết cắt là vết thương được báo cáo phổ biến nhất, tiếp đến là bỏng và phát ban. Trong những trường hợp rất hiếm, những vết thương này cần được chăm sóc y tế.
Nhiễm trùng
Như đã đề cập ở trên, lông mu có chức năng bảo vệ bằng cách bẫy các mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể bạn.
Do đó, việc loại bỏ lông mu có thể khiến một số người dễ bị nhiễm trùng thông thường hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng tiểu, viêm âm đạo và nhiễm trùng nấm men. Tẩy lông cũng có thể gây kích ứng da, dẫn đến nhiễm trùng da như viêm mô tế bào và viêm nang lông.
Môi trường ẩm ướt ấm áp của bộ phận sinh dục, khi kết hợp với tình trạng kích ứng và viêm nhiễm do tẩy lông, sẽ trở thành môi trường nuôi cấy thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Cũng có thông tin triệt lông vùng kín sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa để chứng minh điều này.
Lông mọc ngược
Lông mọc ngược là những sợi lông cuộn tròn và mọc ngược vào da. Chúng bị mắc kẹt thay vì xuyên qua và xuất hiện trên bề mặt nơi bạn thường có thể nhìn thấy chúng. Những sợi lông mọc ngược thường sẽ gây ra vết sưng trên da, có thể đỏ và ngứa. Trong một số trường hợp, lông mọc ngược có thể bị nhiễm trùng.
Mụn nhọt
Trong một số ít trường hợp, việc tẩy lông có thể gây ra tình trạng lông mọc ngược dẫn đến sự phát triển của mụn nhọt ở vùng sinh dục.
Nhọt có thể phát triển do kích ứng da và nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm mô tế bào và viêm nang lông.
Nặng hơn có thể gây ra nhiễm trùng sâu dưới da (áp xe).
Lưu ý khi loại bỏ lông vùng kín
Có một số điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ chấn thương hoặc nhiễm trùng:
• Làm sạch da (và cả tay) trước khi triệt lông sẽ giúp ngăn ngừa sự lây truyền vi khuẩn.
• Khử trùng lưỡi dao cạo hoặc kéo. Nên thay lưỡi dao thường xuyên vì lưỡi dao cạo bị cùn khi sử dụng và lưỡi dao cạo bị cùn sẽ dễ làm rách da hơn. Ngoài ra, lưỡi dao cạo đã được sử dụng một thời gian có nhiều khả năng chứa vi khuẩn hơn. Và tránh sử dụng kéo mà bạn dùng để cắt tỉa những thứ khác.
• Sử dụng gương cầm tay. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể thấy những gì bạn đang làm và nhớ thực hiện chậm rãi.
• Không cạo khô. Cạo lông mà không làm ướt da hoặc sử dụng kem hoặc gel cạo có nhiều khả năng khiến bạn bị kích ứng da, trừ khi bạn có sản phẩm được thiết kế đặc biệt cho việc này. Khi cạo bằng dao cạo thông thường, tốt nhất bạn nên làm ướt lông và da, sau đó thoa kem/ gel rồi tiến hành cạo.
• Dưỡng ẩm sau khi cạo hoặc tẩy lông có thể giúp làm dịu làn da bị kích ứng. Sử dụng dầu tự nhiên hoặc kem dưỡng da để tránh da bị khô.
• Hãy để da được thở. Tránh mặc quần áo chật trong vài ngày sau đó vì sau khi triệt lông, da rất nhạy cảm. Khi đồ lót cọ sát với da, nó có thể khiến tình trạng kích ứng trở nên trầm trọng hơn.
• Tẩy tế bào chết giữa các lần tẩy lông sẽ loại bỏ tế bào da chết và giảm nguy cơ lông mọc ngược.
Giữ vệ sinh vùng kín như thế nào?
Trường Đại học Sản Phụ khoa Mỹ cho biết, bằng cách duy trì độ cân bằng pH lý tưởng cùng các dịch tiết tự nhiên, âm đạo có khả năng tự bảo vệ và làm sạch chính nó. Việc sử dụng nước hay xà phòng, thuốc xịt, gel để thụt rửa âm đạo đều phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, ảnh hưởng tới khả năng tự làm sạch của âm đạo.
Vì vậy, bạn chỉ cần sử dụng nước ấm và sạch mà không cần dùng xà phòng để vệ sinh vùng kín. Nhưng nếu bạn muốn, hãy chọn loại không màu, không mùi và dịu nhẹ để không gây kích, tránh để nước và xà phòng đi vào âm đạo. Các sản phẩm chứa hương liệu có thể gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm trong và xung quanh âm hộ.
Đừng quên, sau khi đi vệ sinh, hãy lau từ trước ra sau bởi vi khuẩn từ hậu môn có thể lây sang âm đạo và gây nhiễm trùng.
About the author
Chi