Cho dù bạn đang muốn chăm sóc vẻ ngoài của bản thân hoặc đơn giản là tự thưởng cho mình liệu pháp spa thư giãn ngay tại nhà, giác hơi mặt chính là sự bổ sung hoàn hảo cho chế độ chăm sóc da hàng ngày!
Giác hơi là liệu pháp, sử dụng giác hút để kích thích da và cơ của bạn để chữa bệnh. Phương pháp này có nguồn gốc từ y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước, đồng thời một số nhà nghiên cứu cho biết rằng những ghi chép bằng hình ảnh sớm nhất có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại.
Theo Y học cổ truyền, giác hơi nói chung thông qua tác dụng kích thích phụ áp cơ giới của nhiệt độ, giác hơi dẫn đến những phản ứng cục bộ và toàn thân, từ đó điều chỉnh chức năng của cơ thể như sơ kinh thông lạc, hoạt huyết khử ứ, giải trừ đau nhức…
Y học hiện đại giải thích, giác hơi tạo áp suất trong những chiếc cốc có tác dụng kéo da vào vùng bên trong cốc giác, giúp các lỗ chân lông mở ra, kích thích sự lưu thông của máu, đồng thời còn tạo ra một lỗ thông để loại trừ các độc tố trong cơ thể.
Bên cạnh đó, môi trường chân không bên trong cốc giác còn giúp các mô giãn nở cục bộ, chính việc này tạo điều kiện cho mạch máu giãn nở và tăng lưu lượng máu đến các mô bệnh lý, tăng cung cấp oxy, tăng chuyển hóa tế bào và giúp kháng viêm, giảm đau hiệu quả.
Facial cupping - Giác hơi mặt là gì?
Dựa trên những kiến thức y học lâu đời, ngày nay, giác hơi đã được áp dụng trong làm đẹp và chăm sóc da mặt. Và đã trở thành một trong những xu hướng làm đẹp lớn nhất trong những năm gần đây.
Tiến sĩ Usman Qureshi, bác sĩ thẩm mỹ và là người sáng lập phòng khám Luxe Skin by Dr Q (Anh) cho biết: “Lực hút của cốc giác hơi, kéo máu lên bề mặt da; điều này làm tăng lưu lượng máu đến vùng da bên dưới cốc, giúp thúc đẩy sự hình thành các mạch máu mới”.
Theo Sakina Di Pace - nhà trị liệu, châm cứu và là người sáng lập The Facial Cupping Expert, áp lực từ những chiếc cốc cũng tạo ra chấn thương vi mô có kiểm soát trên da mặt, tương tự như lăn kim, thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên trên da. Máu giàu oxy hơn sẽ chảy đến khu vực này, quá trình sản xuất collagen và nguyên bào sợi được kích thích, đồng thời tăng cường các tế bào da sinh sản.
Đây là một cách tuyệt vời để giải độc cho da và kích thích cấu trúc tế bào, mang lại một khuôn mặt mịn màng hơn, làm giảm nếp nhăn, bọng mắt và quầng thâm.
Lợi ích của giác hơi mặt
Giác hơi trên mặt đã được chứng minh có thể giúp:
- Tăng lưu thông máu giàu oxy
- Tăng cường các mô liên kết da
- Kích thích các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất collagen
- Thư giãn cơ mặt
Chính vì vậy, nó mang lại nhiều lợi ích làm đẹp:
- Giảm sưng
- Làm sáng da
- Giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo và nếp nhăn
- Làm săn chắc cằm, quai hàm, cổ và vùng ngực
- Giảm bọng mắt
- Điều tiết sản xuất dầu
- Cải thiện việc cung cấp chất dinh dưỡng và hấp thụ sản phẩm
Sakina Di Pace cho biết thêm, giác hơi trên mặt cũng có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng sức khỏe như viêm xoang, đau đầu...
Hướng dẫn sử dụng
Giác hơi trên mặt nhẹ nhàng hơn nhiều so với giác hơi trên cơ thể.
Bước 1: Rửa sạch mặt và nhẹ nhàng lau khô.
Bước 2: Dùng tay xoa nhẹ mặt để giải phóng căng thẳng ban đầu.
Bước 3: Thoa một lớp serum/kem/dầu dưỡng nhẹ lên da có thể giúp cốc dễ di chuyển và giảm nguy cơ bị bầm tím.
Bước 4: Bắt đầu bằng cách áp cốc lên trên da và bóp nhẹ để tạo lực hút. Sau đó, bạn nhẹ nhàng vuốt cốc theo hướng từ trong ra ngoài và từ dưới lên trên. Giữ tốc độ di chuyển cốc chậm và ổn định (Xem hướng dẫn cụ thể theo hình mô tả).
Bước 5: Thả cốc và tiếp tục di chuyển tới các khu vực khác trên mặt và cổ. Sử dụng cốc nhỏ cho các vùng da mỏng manh như mắt, mũi, khóe miệng…
Bước 6: Nếu bạn sử dụng dầu dưỡng da mặt, hãy làm sạch da mặt một lần nữa.
Bước 7: Giác hơi mặt giúp tăng khả năng hấp thụ sản phẩm dưỡng da nên hãy tiếp tục chu trình chăm sóc da như mọi ngày.
Sau khi giác hơi da mặt, hãy uống nhiều nước để đào thải độc tố, chất béo, nước dư thừa ra ngoài. Tránh caffein, rượu và thức ăn mặn.
Rủi ro & tác dụng phụ khi giác hơi mặt
Mặc dù giác hơi mặt là phương pháp khá an toàn, nhưng vẫn có thể xảy ra các tác dụng phụ nhỏ. Giác hơi trên mặt thường gây ra vết bầm tím và sưng nhẹ, tuy nhiên chúng sẽ tự cải thiện trong vòng vài giờ.
Bác sĩ Lana Farson, giảng viên tại Trường Y học Tích hợp và Châm cứu (California, Mỹ), khuyên không nên sử dụng phương pháp giác hơi trên vùng da bị tổn thương hoặc bị viêm như bệnh trứng cá đỏ, vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng trên mặt và/hoặc cổ, có tiền sử dị ứng, da cháy nắng… Giác hơi mặt cũng không được khuyến khích cho những ai gần đây đã tiêm các chất làm đầy vì lực hút có thể di chuyển các chất dưới da.
Di Pace cho biết thêm rằng nên tránh giác hơi trên mặt nếu bạn có làn da rất mỏng dễ bị bầm tím hoặc có tình trạng đông máu hay đang dùng thuốc làm loãng máu.
Như mọi khi, nếu có băn khoăn về tình trạng sức khỏe tổng thể và da mặt, hãy hỏi ý kiến của chuyên gia trước khi thử bất kỳ quy trình chăm sóc da mới nào.
About the author
Chi