Mụn ở mông là vấn đề về da phổ biến một cách đáng ngạc nhiên nhưng không phải mụn nào ở mông cũng là mụn trứng cá. Và thú vị hơn nữa, tất cả những tình trạng này đều có nguyên nhân và yêu cầu điều trị khác nhau.
Cùng tìm hiểu những phương pháp điều trị và cách thay đổi lối sống để có thể giảm thiểu mụn trên mông nhé!
Nguyên nhân gây ra mụn trên mông?
Nội tiết tố, căng thẳng, di truyền và các loại thực phẩm yêu thích của bạn đều có thể khiến các tuyến dầu của bạn hoạt động quá mức, sau đó khiến lỗ chân lông của bạn to ra. Khi lỗ chân lông mở rộng, vi khuẩn sẽ xâm nhập, tạo ra tình trạng viêm nhiễm, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và bùng nổ dẫn đến mụn ở mông. Và bạn biết đấy, mông là nơi khó thoáng khí, dễ đọng mồ hôi và vi khuẩn, đó là lý do tại sao mụn ở mông rất phổ biến.
Ngoài ra, theo Tạp chí Da liễu lâm sàng Hoa Kỳ, mụn trên mông thực sự có thể được gây ra bởi những điều sau đây:
• Viêm nang lông - xảy ra khi các nang lông của bạn bị nhiễm trùng và viêm, dẫn đến nổi mụn. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra “mụn ở mông” mà cả bệnh nhân và bác sĩ đều phải đối mặt. Viêm nang lông thường trông giống như một nốt mụn nhỏ li ti có màu đỏ hoặc hồng (thường ở những làn da sáng), hoặc tím hoặc nâu (đối với những làn da sẫm màu hơn) và chúng thường có một đầu nhỏ giống như mụn đầu trắng. Nhưng không giống như mụn chứa đầy mủ thông thường, mụn viêm nang lông là kết quả của việc nang lông bị kích thích bị tắc nghẽn do viêm nhiễm.
• Dày sừng nang lông, là tình trạng chất sừng dư thừa tích tụ trong nang lông của bạn, dẫn đến những vết sưng nhỏ màu đỏ hoặc nâu thô ráp (tùy thuộc vào màu da của bạn) thường thấy ở mặt sau của cánh tay, đùi hoặc mông của bạn.
• Viêm tuyến mồ hôi mủ, là tình trạng tuyến mồ hôi của bạn bị nhiễm trùng và có thể tạo ra những vết sưng to, đau (trong trường hợp nhẹ) hoặc nhọt lớn, chứa đầy máu và mủ (trong trường hợp nặng). Tình trạng này thường xuất hiện ở những vùng ma sát nhiều mồ hôi, chẳng hạn như mông, nách, háng hay bên dưới ngực và chúng thường trông giống như mụn mủ khổng lồ hoặc mụn nang dưới da.
• Phản ứng dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da 'khắc nghiệt' hoặc hóa chất tẩy rửa.
Vì vậy, trước khi bạn mua một loạt các loại kem dưỡng da và thuốc hứa hẹn sẽ chữa khỏi mụn ở mông, trước tiên bạn cần tìm hiểu xem bạn đang điều trị loại mụn nào.
Làm thế nào để bạn thoát khỏi mụn trên mông?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nổi mụn ở mông, bạn có một số lựa chọn để điều trị và thậm chí ngăn ngừa chúng.
Sử dụng benzoyl peroxide hoặc axit salicylic
Benzoyl peroxide là hoạt chất trị mụn mạnh mẽ có thể ‘tiêu diệt’ nhiều loại mụn như mụn đầu đen, đầu trắng, mụn bọc, mụn viêm đã sưng đỏ… Chất này cũng tẩy tế bào sừng trên bề mặt, giúp thông thoáng da, nhờ đó các thành phần khác hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa mụn quay trở lại.
Nếu bị dị ứng hay kích ứng da do sử dụng benzoyl peroxide, bạn cũng có thể thử dùng axit salicylic, loại axit này sẽ có tác dụng 'phá vỡ' các lỗ chân lông bị tắc trên mông của bạn, cho dù đó là sữa tắm, sản phẩm trị mụn. Mặc dù BP tốt hơn trong việc ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá do vi khuẩn, nhưng axit salicylic cũng có lợi ích là có thể làm phẳng vết sưng và làm mờ vết thâm cũng như sẹo mụn.
Cẩn thận khi tẩy tế bào chết
Nếu da bạn bị viêm, tình trạng mụn nặng thì việc cố gắng tẩy tế bào chết bằng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý mạnh sẽ chỉ làm tổn thương da, tăng tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng mụn của bạn. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng xoa bóp khi tắm bằng sữa tắm có chứa axit hoặc thoa sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học có axit alpha-hydroxy (AHA, chẳng hạn như axit lactic hoặc glycolic) hoặc axit beta-hydroxy (như axit salicylic) để giúp phá vỡ các lỗ chân lông bị tắc.
Trong trường hợp bị dày sừng nang lông, Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nhẹ nhàng tẩy tế bào chết bằng xơ mướp hoặc khăn.
Không nặn mụn ở mông
Lý tưởng nhất là không nên bóp hay nặn mụn ở mông. Việc nặn mụn không chỉ làm cho tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn (hoặc thậm chí lây nhiễm trùng sang các bộ phận khác trên da), có thể dẫn đến sẹo và tăng sắc tố sau viêm.
Không ngồi một chỗ quá lâu
Ngồi trong thời gian dài đồng nghĩa với việc phần dưới của bạn không có cơ hội để thở. Hãy thử đặt báo thức để nhắc bạn đi lại trong khi làm việc, hoặc có thể nghỉ giải lao vài phút hoặc đi dạo quanh khu nhà vào bữa trưa. Đây cũng là cách để tăng số bước vận động hàng ngày của bạn.
Cân nhắc triệt lông bằng laser
Nếu nguyên nhân gây mụn ở mông là do viêm nang lông thì bạn có thể cân nhắc điều trị và ngăn ngừa bằng cách triệt lông bằng laser.
Lưu ý rằng, một số phương pháp như cạo hay dùng kem tẩy lông, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Bởi vậy, hãy chọn một phương pháp điều trị lâu dài hơn như triệt lông bằng laser.
Tất nhiên, đây không phải là giải pháp toàn diện cho bệnh viêm nang lông, nhưng nó vẫn có thể là một công cụ tuyệt vời để ngăn ngừa mụn trong tương lai.
Tránh các sản phẩm làm tắc lỗ chân lông
Tránh sử dụng bất kỳ loại kem dưỡng da hoặc sữa tắm quá đậm đặc làm tắc lỗ chân lông.
Tránh xa dầu khoáng, lanolin, bơ dừa, dầu dừa và bơ ca cao.
Mặc các loại vải nhẹ, thoáng khí để giảm kích ứng
Quần áo chật cũng có thể tạo ra nhiều nhiệt và ma sát hơn, điều này có thể dẫn đến tắc nang lông hoặc làm viêm vùng bị kích ứng.
Bạn có thể cân nhắc từ bỏ vải thun hoặc quần jean bó để chuyển sang quần rộng và thoáng khí hơn. Hãy nhắm đến các loại vải rộng rãi, thoáng khí, chẳng hạn như cotton, linen hay sợi gai dầu.
Khi bạn nhất định phải mặc quần áo tập luyện bó sát, hãy chọn loại thoải mái, thoáng khí để giúp ngăn mồ hôi đọng lại trên da.
Tắm sau khi đổ mồ hôi
Ngồi trong bộ quần áo đẫm mồ hôi sẽ giữ bụi bẩn, dầu và mồ hôi trên da, có thể gây kích ứng da ở mông. Ngay sau khi bạn hoàn thành buổi tập, hãy đi tắm và làm sạch cơ thể bằng sữa tắm. Nếu bạn không thể đi tắm ngay lập tức, hãy lau vùng da trên mông bằng khăn lau sạch, không chứa hương liệu, sau đó sử dụng thêm nước hoa hồng để cân bằng độ ẩm.
Thay đổi các sản phẩm giặt
Viêm nang lông và dày sừng nang lông có thể dễ dàng bị kích ứng bởi các hóa chất mạnh và thậm chí cả những thứ tưởng chừng không liên quan như nước xả vải, sản phẩm tẩy giặt… Chúng đều có thể để lại cặn gây kích ứng trên da của bạn, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trên mông, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm. Chuyển sang các sản phẩm giặt ít gây dị ứng, hương liệu, giặt lại khăn trải giường và quần áo của bạn và xem liệu làn da của bạn có bắt đầu dịu lại sau một thời gian không nhé!
Khi nào cần gặp bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu?
Nếu bạn đã thử mọi cách (tất cả các loại sữa tắm, tẩy tế bào chết, phương pháp điều trị tại chỗ và điều chỉnh lối sống trên đây) trong ít nhất sáu tuần liên tục mà không thuyên giảm hoặc nếu tình trạng mụn lan rộng và trở nên tồi tệ hơn, đã đến lúc bạn nên đi khám bác sĩ.
Các bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân chính xác để đưa ra các lựa chọn điều trị thích hợp như dùng thuốc kháng sinh kê đơn, kem bôi mạnh hơn để chống nhiễm trùng hoặc phương pháp điều trị mụn nội tiết tố...
Tham khảo một số sản phẩm tắm và làm sạch da của chúng tôi:
About the author

S. Reen