Vì sao phụ nữ Châu Á lại ưa chuộng làn da trắng sáng?

ĐẸP

Vì sao phụ nữ Châu Á lại ưa chuộng làn da trắng sáng?

authorBy Isa Trần
Share on
Share on
Vì sao phụ nữ Châu Á lại ưa chuộng làn da trắng sáng?

Theo Global Industry Analyst, ngành công nghiệp dưỡng trắng da từng đạt giá trị lên đến 4,8 tỷ USD toàn cầu vào năm 2017. Dự kiến sẽ đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2027, trong đó các nước châu Á chính là phân khúc quan trọng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là "Vì sao mỹ phẩm dưỡng trắng lại được lòng thị trường Châu Á đến vậy?"


Với người Á Đông, một là da trắng sáng, mịn màng không chỉ là biểu tượng của sắc đẹp, mà còn thể hiện sự giàu có cùng địa vị cao trong xã hội. Chúng ta cứ nghĩ nỗi ám ảnh về làn da trắng sáng là do sức ảnh hưởng từ nền công nghiệp mỹ phẩm, nhưng tiêu chuẩn về sắc đẹp này thật ra đã được hình thành từ hàng trăm năm trước.


Lịch Sử Phía Sau Làn Da Trắng


Một nghiên cứu được đăng trên tập san Advances in Consumer Research số 35 vào năm 2008 đã chỉ ra rằng chuẩn mực về làn da trắng tại các nước Châu Á xuất hiện là do ảnh hưởng từ chế độ đô hộ của các nước phương Tây. Chủng tộc da trắng được coi là thượng đẳng, còn chủng tộc da đen với thân phận nô lệ, là giai cấp thấp nhất. Niềm tin rằng làn da trắng đồng nghĩa với quyền lực và sắc đẹp dần hình thành, rồi được truyền từ đời này sang đời khác tại châu Á.



Tất nhiên, đối với một số quốc gia như Trung Quốc hay Nhật Bản, ngay từ thời phong kiến, màu da đã được xem là thước đo quyết định địa vị xã hội. Làn da trắng nhợt nhạt chứng tỏ rằng bạn thuộc tầng lớp quý tộc, chỉ ở trong nhà thay vì làm việc cực khổ ngoài đồng. Vì thế, từ thời xa xưa, phụ nữ luôn cố gắng bằng mọi cách để có thể sở hữu làn da trắng nõn mịn màng như dùng bột ngọc trai, cánh hoa hồng, sữa dê... Các loại thực phẩm với công dụng dưỡng da rất phổ biến ở Trung Quốc như mộc nhĩ và nhân sâm. Trong khi phụ nữ Nhật lại thích bôi một loại bột làm trắng, được gọi là oshiroi, lên mặt của họ. Đây cũng là loại bột thường được các diễn viên kịch Kabuki và Geisha sử dụng.


Áp Lực Phải Trắng


Một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy gần 40% phụ nữ ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc thường xuyên sử dụng các sản phẩm để làm sáng da của họ. Không những phụ nữ, mà giới mày râu tại Châu Á cũng được cho là sẽ sẵn sàng chi tiền vào các sản phẩm dưỡng trắng. Khi bước vào các cửa hàng mỹ phẩm, sẽ không khó để tìm thấy những sản phẩm dưỡng da với công dụng làm sáng. Không chỉ các loại kem dưỡng hay tinh chất serum mới có công năng dưỡng trắng, mà đến sữa rửa mặt hay kem chống nắng cũng được kèm theo các thành phần giúp làn da trông sáng hơn. Các cơ sở spa và thẩm mỹ viện cũng bắt đầu giới thiệu những dịch vụ trị liệu tẩy trắng da, sử dụng các công nghệ tiên tiến cùng lời hứa hẹn về những hiệu quả tức thì.



Nỗi ám ảnh về làn da trắng của người Á Châu càng được củng cố khi ở trên các phương tiện truyền thông: truyền hình, tạp chí và biển quảng cáo đều xuất hiện hình ảnh các cô người mẫu với làn da sáng ngời, tự tin và cuốn hút. Vào năm 2016, một công ty Thái Lan đã quảng cáo viên uống làm sáng da với thông điệp “da trắng khiến bạn chiến thắng”. Hãng đã sử dụng hình ảnh của nữ diễn viên kiêm người mẫu Cris Horwang, cùng lời chia sẻ rằng thành công mà cô đạt được là nhờ có làn da trắng sáng. Nó đã dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội và dẫn đến làn sóng phản đối từ người tiêu dùng tới sản phẩm.


Hệ Quả Phía Sau


Trang WebMD cho biết rằng cứ 1 trong số 4 sản phẩm làm sáng da được sản xuất tại Châu Á là có chứa thủy ngân. Một số thành phần khác như hydroquinone hay corticoid cũng cần được dùng theo đơn thuốc chỉ định của bác sĩ. Trang web cũng đưa ra những rủi ro khi sử dụng các loại kem làm sáng hoặc tẩy trắng da như sau: 


- Sử dụng lâu dài có thể góp phần làm cho da bị lão hóa sớm.

- Làm tăng nguy cơ ung thư da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Steroid trong một số chất làm sáng da có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bào mòn da, và gây mụn trứng cá.

- Hydroquinone có thể gây ra bệnh đổi màu da vĩnh viễn (ochronosis).



Một thị trường cũng cực kỳ sôi nổi ngay tại nước ta chính là "kem trộn tắm trắng" không rõ thành phần và nguồn gốc xuất xứ. Dù nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo về độ nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các loại kem này vẫn được săn đón và ngày càng có nhiều nạn nhân hơn. Bác sĩ Trần Nguyễn Ánh Tú - Trưởng Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết đa số những loại kem làm trắng đều có chứa thành phần corticoid. Khi mới sử dụng, thành phần này sẽ khiến làn da trở nên trắng mịn rất nhanh. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, da sẽ bị kích ứng, gây ngứa, rát và xuất hiện nhiều mụn, khiến cho việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tuy vậy, bất chấp những rủi ro khó lường, thị trường của các sản phẩm làm trắng vẫn rất đa dạng và ngày càng rộng lớn.


Những Thay Đổi Tích Cực


Vào cuối năm 2020, lần lượt các tập đoàn mỹ phẩm lớn đã bắt đầu đổi tên hoặc loại bỏ dần các sản phẩm có tác dụng dưỡng trắng da, do sức ép từ người tiêu dùng về tình trạng phân biệt chủng tộc. L'Oreal thông báo rằng sản phẩm của họ sẽ không còn được bán trên thị trường với các từ như "làm trắng" hay "làm sáng". Unilever cũng công bố ý định tương tự, và Johnson & Johnson đã thu hồi hai dòng sản phẩm làm trắng khỏi các kệ hàng ở châu Á và Trung Đông.



Tại Ấn Độ, chiến dịch "Dark Is Beautiful" được bắt đầu vào năm 2009 nhằm nâng cao nhận thức và vận động để chống lại chủ nghĩa màu sắc. Tổ chức kêu gọi tập trung sự chú ý đến những bất công về màu da được định hình bởi xã hội và các thông điệp truyền thông đang ăn mòn giá trị bản thân của vô số người dân tại đây. Tuy nhiên, tại các nước Đông Á, khi làn da trắng vẫn được xem là chuẩn mực cái đẹp và chìa khóa của thành công, phải cần nhiều nỗ lực và thời gian hơn để thay đổi những định kiến đã ăn sâu vào trong tâm trí của chúng ta.

About the author

Là một cô gái đam mê làm đẹp cùng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người. Ngoài trang blog và kênh Youtube cá nhân, hiện tại Isa đang là một Content Creator hành nghề tự do để thỏa mãn niềm yêu thích với con chữ.

Theo dõi Isa tại: https://by-isa.com

author

Isa Trần

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!