Nói “Không” với mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật

ĐẸP

Nói “Không” với mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật

authorBy Isa Trần
Share on
Share on
Nói “Không” với mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật

Vào tháng 4/2021, tổ chức Nhân Đạo Quốc Tế (Humane Society International) đã cho ra mắt bộ phim hoạt hình ngắn có tên là Save Ralph. Tại Việt Nam, nhân vật chú thỏ Ralph được lồng tiếng bởi hoa hậu H’Hen Niê, đã kể lại một ngày “làm việc” khắc nghiệt trong một phòng nghiên cứu mỹ phẩm. Bộ phim chính là lời kêu gọi của tổ chức nhằm ủng hộ chiến dịch cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật một lần và mãi mãi. 


Đằng sau vẻ hào nhoáng của những món đồ mỹ phẩm là những cuộc thí nghiệm trên động vật đầy đau đớn. Bỏ qua những mục đích về kiểm tra tính hiệu quả và độ an toàn, liệu chúng ta có thật sự cần sử dụng đến một số lượng lớn động vật chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân?


Chúng Ta Bắt Đầu Như Thế Nào?


Con người đã sử dụng động vật cho mục đích y khoa từ thời kỳ Hy Lạp cổ, nhưng chỉ thật sự nở rộ vào khoảng thế kỷ 19 và 20, khi khoa học phát triển vượt bậc với các công nghệ tiên tiến. Vào năm 1938, Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm & Mỹ phẩm Hoa Kỳ được thông qua và yêu cầu các sản phẩm mỹ phẩm phải có chứng nhận an toàn. Điều này buộc các công ty phải bắt đầu thử nghiệm sản phẩm của họ trên động vật. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là thí nghiệm Draize, thử nghiệm về tính kích ứng bằng cách bôi trực tiếp hóa chất lên mắt và da của động vật. Tuy được coi là tiêu chuẩn vàng cho các đánh giá an toàn mỹ phẩm, những thử nghiệm này đã dày vò những động vật trên cả về thể xác lẫn tinh thần.



Theo tổ chức Nhân Đạo Mỹ (The Humane Society of the United States), có rất nhiều cuộc thí nghiệm được diễn ra và sử dụng các loài động vật như: thỏ, chuột nhắt, chuột lang và chuột cống. Những thử nghiệm bao gồm: 


- Kiểm tra kích ứng da và mắt khi hóa chất được thoa trực tiếp lên vùng da bị cạo hoặc nhỏ vào mắt của những con thỏ mà không dùng thuốc giảm đau (thí nghiệm Draize).

- Thử nghiệm cung cấp liều lượng hóa chất cho chuột bằng cách ép chúng ăn. Các cuộc thử nghiệm này thường kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng để các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh tật nói chung hoặc các mối nguy hiểm cụ thể đối với sức khỏe như ung thư hoặc dị tật bẩm sinh.

- Các thử nghiệm "liều lượng gây chết người" bị lên án rộng rãi, trong đó chuột bị buộc phải nuốt một lượng lớn hóa chất để xác định liều lượng gây ra cái chết.


Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, những sinh vật trên sẽ bị giết, thông thường bằng cách làm cho ngạt thở. Tất nhiên là những liều giảm đau sẽ không được cung cấp.


Tại Sao Cần Thí Nghiệm Trên Động Vật?


Như đã kể trên, dựa theo đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm & Mỹ phẩm Hoa Kỳ, các công ty cần phải chứng minh được sản phẩm của họ là an toàn. Mỹ phẩm phải được thử nghiệm để xác định bất kỳ mối nguy hiểm ngắn hạn hoặc dài hạn nào khi tiếp xúc với da, phổi hoặc đường tiêu hóa. Tất nhiên, do vấn đề về đạo đức và pháp lý, các công ty trên không thể thử nghiệm sản phẩm trực tiếp trên người được, vì vậy động vật là sự lựa chọn duy nhất.



Tuy nhiên, các cáo buộc đã chỉ ra rằng những thí nghiệm trên đa phần đều không có cơ sở. Theo tổ chức Cruelty Free International, thử nghiệm trên động vật là khá vô nghĩa, đối với mỹ phẩm, phản ứng tiềm ẩn của động vật có thể hoàn toàn không liên quan đến con người. Ngoài ra, các công ty có thể tạo ra các sản phẩm mới bằng cách sử dụng hàng ngàn nguyên liệu sẵn có, đã được chứng minh là an toàn trên người mà không cần phải phát triển thêm bất kỳ thí nghiệm nào.


Những Chiến Dịch Mạnh Mẽ


Vào năm 1980, nhà vận động Henry Spira đã thành công vận động chiến dịch yêu cầu công ty mỹ phẩm Revlon ngừng sử dụng thử nghiệm Draize. Nối tiếp sau đó, lần lượt một số bang lớn tại Mỹ như California, New York hay Nevada đã cấm các công ty mỹ phẩm ở Mỹ và nước ngoài có thử nghiệm trên động vật bán sản phẩm của họ nếu không thay đổi chính sách.


Vào năm 2013, lệnh cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật và bán mỹ phẩm được thử nghiệm trên động vật đã có hiệu lực ở Liên minh châu u, mở đường cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế. Cho đến hiện nay, đã có hơn 40 quốc gia thông qua luật hạn chế hoặc cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, bao gồm Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ... 



Tại Việt Nam, tuy vẫn chưa có một điều luật hạn chế việc thử nghiệm trên động vật, nhưng đã có những dấu hiệu khả quan khi các phòng thí nghiệm đều có kế hoạch loại bỏ dần thử nghiệm mắt thỏ Draize đối với mỹ phẩm. Ông Nick Palmer của Tổ chức Cruelty Free International chia sẻ với trang Chemical Watch rằng đã có những buổi tập huấn với một số nhà khoa học Việt Nam, cung cấp các phương pháp thay thế bao gồm việc phát triển các giải pháp chưa được sử dụng ở Việt Nam, chẳng hạn như thử nghiệm mô phỏng da người. 


Sự Xuất Hiện Của Các Chứng Nhận 


Để giúp người tiêu dùng nhận biết những thương hiệu hoàn toàn không áp dụng thử nghiệm trên động vật, một loạt các chứng nhận đã xuất hiện với nhiều tiêu chí khác nhau. Hãy cùng điểm qua một số chứng nhận nổi tiếng, được áp dụng rộng rãi hiện nay.



- Leaping Bunny Certification: với hình ảnh một chú thỏ nhảy vọt, đây là biểu tượng duy nhất được quốc tế công nhận, đảm bảo với người tiêu dùng rằng không có bất kỳ thử nghiệm động vật mới nào được thực hiện trong quá trình phát triển các sản phẩm nhận được chứng nhận. Đây cũng là chứng nhận có những tiêu chuẩn gắt gao nhất. 

- Beauty Without Bunnies: với hình ảnh chú thỏ cùng đôi tai được tạo hình thành trái tim, được chứng nhận bởi tổ chức PETA. Tuy nhiên, yêu cầu của họ không thật sự nghiêm ngặt mà phụ thuộc vào tính trung thực những công ty đăng ký. 

- Certified Vegan: ký hiệu trái tim với chữ V ở giữa, xác minh bởi tổ chức Vegan.org. Chứng nhận các sản phẩm được đăng ký sẽ không chứa thành phần hoặc phụ phẩm làm từ động vật, cũng như không có tiến hành thử nghiệm trên động vật. 

- Vegan Society: với hình bông hoa hướng dương của tổ chức Vegan Society. Tương tự như Certified Vegan, chứng nhận này cũng yêu cầu trong tất cả các giai đoạn phát triển và sản xuất sản phẩm của công ty đăng ký (bao gồm từng thành phần cấu tạo và bao bì) đều không có con vật nào bị làm hại. 


Những Phương Pháp Thay Thế


Và chúng ta có thể yên tâm hơn khi một nghiên cứu về đề tài thí nghiệm trên động vật trong y học và mỹ phẩm, được đăng tải trên Tạp chí Đạo đức Y khoa và Lịch sử Y học (The Journal of Medical Ethics and History of Medicine ) đã đưa ra 4 phương pháp thay thế cho thí nghiệm động vật, góp phần nâng cao đạo đức kinh doanh của các công ty mỹ phẩm.



- Mô phỏng bằng máy tính: được phát triển bởi Denis Noble. Nhiều học giả cho rằng phương thức này chính xác hơn các thí nghiệm trên động vật vì nó sử dụng rất nhiều dữ liệu của con người để phân tích bệnh tật và đưa ra dự đoán.

- Tế bào gốc: là lựa chọn thay thế thích hợp cho các hệ thống kiểm tra bệnh tật và đánh giá độc tố trong ống nghiệm. Tế bào gốc rất cần thiết vì chúng có thể biệt hóa thành các mô của con người, giúp kiểm soát các loại bệnh. 

- Biochips: hình thức này đang được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm để giảm thiểu số lượng động vật sử dụng. Một biochip có thể thay thế cho hơn một nghìn mẫu tế bào của con người. Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu xem liệu một hóa chất nào đó có gây kích ứng da hoặc gây độc cho người hay không.

- Mô hình 3D: các nhà khoa học có thể chụp những bức ảnh của các mô với độ phân giải cao, sau đó đem đi phân tích với sự trợ giúp của các hệ thống máy tính tiên tiến. Ưu điểm của mô hình này là khả năng tùy chỉnh các bộ phận của sinh vật đang được xem xét và sử dụng để điều tra các mầm bệnh hiện tại cũng như trong tương lai.


Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?

About the author

Là một cô gái đam mê làm đẹp cùng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người. Ngoài trang blog và kênh Youtube cá nhân, hiện tại Isa đang là một Content Creator hành nghề tự do để thỏa mãn niềm yêu thích với con chữ.

Theo dõi Isa tại: https://by-isa.com

author

Isa Trần

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!