Hầu hết phụ nữ mang thai đều trải qua những thay đổi ở ngực do hormone và lượng máu tăng lên. Những thay đổi có thể xảy ra sớm nhất là 1 tuần sau khi thụ thai, tiếp tục cho đến khi sinh em bé và hơn thế nữa...
Bộ ngực của bạn thay đổi trong suốt thai kỳ như thế nào?
Xin lưu ý là những thay đổi khác nhau ở mỗi người và không phải ai cũng sẽ phát triển tất cả các triệu chứng dưới đây.
Tam cá nguyệt đầu tiên
Trong tuần 0–13 của thai kỳ, các triệu chứng có thể bao gồm:
• Căng ngực thường là một trong những triệu chứng sớm nhất của thai kỳ.
Ngực có thể bị đau hoặc ngứa ran ngay từ 1–2 tuần sau khi thụ thai. Núm vú của bạn cũng có thể nhạy cảm hoặc thậm chí đau khi chạm vào.
Những thay đổi này xảy ra do nồng độ hormone trong cơ thể tăng lên và lưu lượng máu đến mô vú tăng lên. Cảm giác khó chịu ở vú thường giảm bớt sau một vài tuần, mặc dù nó có thể quay trở lại trong giai đoạn sau của thai kỳ.
• Tăng một hoặc hai cỡ, đặc biệt là trong lần mang thai đầu tiên. Sự tăng trưởng này có thể bắt đầu sớm và tiếp tục trong suốt thai kỳ.
• Lượng máu thường tăng 50% trong suốt thai kỳ. Do đó, các đường gân xanh nổi rõ thường xuất hiện trên một số vùng da, bao gồm cả ngực và bụng. Đây là những tĩnh mạch cần thiết để vận chuyển khối lượng máu và chất dinh dưỡng ngày càng tăng khắp cơ thể cho thai nhi đang phát triển.
Tam cá nguyệt thứ hai
Trong tam cá nguyệt thứ hai, nồng độ estrogen tiếp tục tăng. Ngực của bạn sẽ tiếp tục có cảm giác nặng hoặc đầy khi các ống dẫn sữa phát triển và bạn có thể cần mua một chiếc áo ngực lớn hơn vào thời điểm này để phù hợp với kích thước ngày càng tăng của mình.
• Quầng vú (những vòng tròn màu xung quanh núm vú) lớn và sẫm màu hơn. Đây là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố. Thông thường, quầng vú trở lại màu sắc như trước sau thời cho con bú, nhưng đôi khi nó vẫn đậm hơn một hoặc hai màu so với ban đầu.
• Mang thai gây ra những vết sưng nhỏ, không đau xuất hiện trên quầng vú. Đây là những tuyến sản xuất dầu được gọi là nốt sần Montgomery - chúng bôi trơn bầu ngực và giúp việc cho con bú dễ dàng hơn.
• Tiết dịch núm vú. Một số người có thể nhận thấy núm vú tiết dịch trong tam cá nguyệt thứ hai. Đối với những người khác, điều này có thể không xảy ra cho đến tam cá nguyệt thứ ba hoặc sau khi chuyển dạ. Tiết dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng có nhiều khả năng xảy ra khi ngực bị kích thích.
Dịch đặc, màu vàng này là sữa non, một chất lỏng giúp tăng cường chức năng miễn dịch của trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu bú mẹ.
Tam cá nguyệt thứ ba
Khi cơ thể bạn tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh nở, ngực của bạn sẽ trở nên nặng hơn và dày hơn.. Núm vú và quầng vú của bạn có thể sẽ càng lớn và sẫm màu hơn.
• Rạn da. Sự phát triển mô nhanh chóng làm cho da căng ra, có thể dẫn đến rạn da hoặc vết rạn da. Nghiên cứu chỉ ra rằng 50–90% người mang thai bị rạn da trên cơ thể, phổ biến nhất là ở ngực, bụng và đùi.
Những vết rạn này thường xuất hiện vào tháng thứ 6 và 7 của thai kỳ nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc sau thời điểm này.
• Tiết sữa non. Đôi khi trước khi sinh, vú tiết ra một lượng nhỏ sữa non. Chất lỏng này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của em bé.
• Xuất hiện khối u ở vú. Không phải ai cũng có dấu hiệu này trong thời kỳ mang thai. Thông thường, những khối u này lành tính và không phải là nguyên nhân gây lo ngại - chúng thường là galactocele, u nang vú có chứa sữa do ống dẫn sữa bị tắc .
Tuy nhiên, bạn cần nói với bác sĩ về bất kỳ khối u nào phát triển. Mặc dù nguy cơ ung thư vú khi mang thai là thấp, đặc biệt là ở những người dưới 35 tuổi, nhưng việc mang thai có thể khiến việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú trở nên khó khăn hơn.
Cách giảm bớt sự khó chịu ở ngực trong suốt thai kỳ
Có nhiều cách để giúp bạn thích nghi với bộ ngực đang thay đổi của mình và giảm bớt sự khó chịu trong thời gian này.
Thoa lotion hoặc dầu dưỡng
Không có loại kem nào là thần dược được thử nghiệm và chứng minh có thể loại bỏ ngăn ngừa hoàn toàn vết rạn da, nhưng việc giữ ẩm có thể giúp giảm vết rạn da, loại bỏ tình trạng khô ngứa và căng da.
Massage
Việc xoa bóp có thể hỗ trợ lưu thông máu, thư giãn và giữ cho ngực được săn chắc. Trường hợp núi đôi đau cứng, trước khi xoa bóp bạn có thể áp khăn ấm vào mỗi bên để làm dịu.
Không có tài liệu nào cho biết việc xoa bóp ngực có thể gây ra bất kỳ tác hại nào trong thời kỳ mang thai hay không. Vì vậy, nếu bạn muốn xoa bóp ngực khi mang thai để giảm đau hoặc chỉ để thư giãn, hãy ghi nhớ những điểm sau:
- Luôn dùng lực nhẹ nhàng để chăm sóc bầu ngực.
- Nhẹ nhàng xoa bóp từ chân ngực hướng về phía núm vú.
- Nếu bạn cảm thấy đau, hãy dừng ngay việc massage.
- Cố gắng không xoa bóp núm vú hoặc tạo bất kỳ áp lực nào lên chúng, bởi việc này có thể dẫn đến kích thích núm vú và chuyển dạ sớm.
- Hãy thận trọng trong tam cá nguyệt cuối cùng hoặc những ngày cuối cùng trước khi chuyển dạ.
Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp gua sha để chăm sóc bộ ngực và cả cơ thể.
Vệ sinh ngực
Luôn vệ sinh ngực sạch sạch sẽ. Nhưng bạn cần nhớ, không nên dùng xà phòng để rửa núm vú và quầng vú vì xà phòng có thể gây khô da. Thay vào đó, chỉ dùng nước ấm thôi nhé!
Chọn áo ngực phụ hợp
Đầu tư vào một chiếc áo ngực vừa vặn và hỗ trợ tốt là một trong những cách tốt nhất để giảm bớt sự khó chịu ở ngực khi mang thai. Khi chọn áo ngực, hãy tìm loại có:
- Nâng đỡ tốt
- Dây đai rộng
- Dễ điều chỉnh
- Không có gọng
- Chất liệu mềm mại, "thân thiện" với da như vải cotton
- Thiết kế không đường may gần núm vú
Bạn nên thay đổi áo ngực để phù hợp với sự thay đổi về kích cỡ trong thai kỳ.
Dùng miếng lót ngực
Đối với tình trạng rò rỉ sữa non, bạn có thể sử dụng miếng lót thấm sữa (miếng thấm dùng một lần hoặc miếng lót giặt được để dùng nhiều lần).
Kiểm tra ngực
Tiến hành kiểm tra thường xuyên trong khi mang thai để sớm phát hiện các bất thường, đồng thời nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ mối lo ngại nào.
Bộ ngực có trở lại ban đầu như trước khi mang thai?
Mang thai tạo ra những thay đổi đáng kể cho bộ ngực của chúng ta. Sau khi sinh, ngực của bạn sẽ vẫn to vì chúng vẫn tiếp tục sản xuất sữa mẹ. Bạn có thể bị căng sữa nếu ngực tiết ra nhiều sữa hơn mức bạn có thể cho con bú/vắt ra. Sau khi bạn ngừng cho con bú, ngực và núm vú của bạn sẽ trở lại màu sắc bình thường đồng thời kích thước sẽ gần như trước khi mang thai. Nhưng vì da của bạn đã bị kéo căng nên có khả năng chúng không còn săn chắc, đàn hồi như trước và các vết rạn da rất có thể sẽ vẫn ở đó.
Và hầu hết chúng ta không bao giờ trở lại đúng như trước khi mang thai. Mặc dù vậy, đây là minh chứng rõ ràng của việc bạn đã thực sự làm mẹ. Bạn thay đổi vì tình yêu và trách nhiệm lớn lao!
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Nếu có bất kỳ lo lắng về những thay đổi ở ngực trong hoặc sau khi mang thai, bạn nên nói chuyện ngay với bác sĩ.
Kết luận
Những thay đổi khác nhau ở mỗi người và không phải ai cũng sẽ phát triển tất cả các triệu chứng kể trên. Việc không có sự thay đổi ở ngực không chứng tỏ bất cứ điều gì về sức khỏe của thai kỳ hoặc khả năng sản xuất sữa hoặc cho con bú của bạn. Hãy chăm sóc bộ ngực cẩn thận nhưng cũng hãy tận hưởng thai kỳ tuyệt vời của bạn nhé!
About the author
Chi