Bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có quá nhiều áp lực về làn da nhẵn nhụi không có lông như em bé? Tại sao phụ nữ cảm thấy xấu hổ khi có lông trên cơ thể? Tại sao các quảng cáo miêu tả phụ nữ hạnh phúc chỉ khi họ không có lông?
Trong quá trình lớn lên, chắc hẳn sẽ có nhiều phụ nữ cảm thấy bất lực vì quá nhiều lông trên cơ thể. Để hiểu hơn về điều này, hãy cùng tìm hiểu lịch sử của việc tẩy lông trên cơ thể phụ nữ, tại sao chúng ta làm điều đó và tại sao lại có sự kỳ thị đối với nó.
Ngày Xửa Ngày Xưa...
Trước khi tẩy lông được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ, cạo lông trong thời kỳ đồ đá là một chiến thuật sinh tồn. Các nhà khoa học nói rằng cạo lông/tóc ở thời kỳ đồ đá là một biện pháp an toàn khi chiến đấu, vì để đầu và mặt không có tóc sẽ bảo vệ họ khỏi bị đối thủ túm chặt vào người. Trong thời tiết khắc nghiệt, cạo lông cũng được sử dụng để tránh tê cóng do nước đọng lại và đóng băng trên da. Họ sử dụng đá có cạnh sắc và dùng vỏ sò làm nhíp.
Vài nghìn năm sau, cả đàn ông và phụ nữ ở Ai Cập đều loại bỏ toàn bộ lông trên cơ thể, ngoại trừ lông mày. Việc không có lông trên cơ thể là tiêu chuẩn của vẻ đẹp và sự sạch sẽ. Họ đã sử dụng đá bọt, nhíp làm từ vỏ sò và sáp ong, sáp làm từ đường (đây chính là nền móng cho các kỹ thuật tẩy lông bằng sáp được sử dụng ngày nay).
Dụng cụ cạo lông cơ thể Ai Cập cổ đại - Ảnh: Metmuseum
Không có lông trên cơ thể vẫn là tiêu chuẩn của sự sạch sẽ trong thời La Mã, đồng thời cũng là một biểu hiện của đẳng cấp. Tuy nhiên, cái nhìn về lông trên cơ thể của phụ nữ và đàn ông bắt đầu khác nhau, đối với phụ nữ việc tẩy lông là biểu tượng cho sự thuần khiết và đẳng cấp, còn đàn ông mọc lông trên cơ thể trở thành dấu hiệu của sự nam tính.
Bước sang thời Trung Cổ, khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi vào năm 1558, bà đã khiến việc nhổ, cạo lông mày trở thành mốt. Mặc dù lông mặt được loại bỏ vì mục đích thẩm mỹ nhưng phụ nữ châu Âu không cạo hoặc tẩy lông trên cơ thể.
Nữ hoàng Elizabeth I - Ảnh: Getty
Lông Trên Cơ Thể Phụ Nữ Và Văn Hóa Đại Chúng
Chiếc dao cạo đầu tiên được thiết kế dành riêng cho phụ nữ, Milady Décolleté của Gillette, lên kệ vào năm 1915. Cho đến thời điểm đó, công ty mới chỉ tiếp thị cho nam giới, nhưng với những chiếc áo không cánh tay ngày càng phổ biến, các quảng cáo trên tạp chí phụ nữ bắt đầu gọi dao cạo là thứ phải có - giải pháp cho một "vấn đề cá nhân đáng xấu hổ." King Camp Gillette, người đứng đầu thương hiệu đã nghĩ về việc tăng tiêu thụ các sản phẩm của mình và nhắm mục tiêu vào phụ nữ là một phần của chiến lược đó.
Milady Décolleté, chiếc dao cạo đầu tiên cho nữ giới
Quảng cáo đầu tiên dành cho dao cạo râu dành cho phụ nữ là một hình vuông một inch trên tạp chí Harper's Bazaar. Gillette dán nhãn lông trên cơ thể là "một vấn đề cá nhân đáng xấu hổ" và làn da dưới cánh tay mịn màng là đặc điểm của những người biết ăn diện và chải chuốt, một quảng cáo khác tuyên bố rằng bạn "không được yêu quý" và "sẽ xấu hổ" nếu không cạo lông.
Sau khoảng thời gian chiếc dao cạo dành cho phụ nữ đầu tiên được tung ra, các quảng cáo về kem tẩy lông ngày càng trở nên phổ biến. Tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ đã sớm được định hình bởi các phương tiện truyền thông, thông qua các hình ảnh trên tạp chí và phim ảnh. Tất cả những điều này đánh dấu lần đầu tiên thời trang ảnh hưởng trực tiếp đến cách phụ nữ “đối xử” với lông trên cơ thể.
Bước vào Chiến tranh thế giới thứ hai, sự thiếu hụt tất nilon (do nilon để phục vụ sản xuất dù và quân phục cho quân đội) cùng với sự xuất hiện của váy ngắn, bikini đã khiến việc phụ nữ loại bỏ lông trên cơ thể trở nên phổ biến.
Triệt lông chân ở New York 1938 - Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone
Không chỉ thế, các hãng kem lót dày cho chân để che bớt lông và kem tẩy lông cũng nhảy vào cuộc.
Quảng cáo kem tẩy lông năm 1939 - Ảnh: Google books
Vào những năm 1950, khi tạp chí Playboy xuất hiện trên các sạp báo, những phụ nữ tẩy lông sạch sẽ, mặc nội y quyến rũ đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm. Đến mức vào năm 1964, theo khảo sát, có tới 98% phụ nữ Mỹ từ 15 - 44 tuổi thường xuyên cạo lông chân.
Dù có lúc thăng lúc trầm vào những năm 1960, 1970 nhưng xu hướng có làn da “sạch sẽ” mịn màng đã trở lại mạnh mẽ với sự xuất hiện của phương pháp tẩy lông Brazil (sáp tẩy lông mu) vào những năm 1980 và cùng với đó là một loạt các phương pháp triệt lông ngày càng phát triển, bao gồm laser và điện phân.
Được biết, trải nghiệm tẩy lông toàn thân đầu tiên được cung cấp lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Kể từ thời điểm đó, các trung tâm tẩy lông và spa đã có mảng dịch vụ dành riêng cho các liệu pháp tẩy lông - giải quyết mọi phần trên cơ thể có lông.
Vậy là từ một chiến dịch quảng cáo sinh lợi đã trở thành định kiến chung về vẻ đẹp và sự nữ tính đối với cơ thể phụ nữ.
Phụ Nữ Và Đàn Ông
Thật không đúng và cũng không công bằng khi coi lông trên cơ thể phụ nữ là thô hay kém hấp dẫn mặc dù đó là một phần hoàn toàn tự nhiên của con người.
Heather Widdows, giáo sư tại Đại học Birmingham (Anh) và là tác giả của cuốn sách Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal, cho biết: "Từ một nhu cầu làm đẹp, tẩy lông thậm chí trở thành thói quen vệ sinh của nữ giới. Hầu hết cô gái cảm thấy họ buộc phải tẩy lông mà không có lựa chọn nào khác".
Nhiều người có thể nghĩ rằng tẩy lông là giữ vệ sinh hoặc nam giới cũng cạo râu/ lông mặt đó thôi. Nhưng tại sao cùng một đặc điểm cơ thể ở nam giới lại không hợp vệ sinh ở nữ giới? Lông không ảnh hưởng nhiều tới vấn đề vệ sinh cơ thể. Trên thực tế, cạo/tẩy lông còn khiến tổn thương da và dễ gây viêm nhiễm. Hơn thế nữa, đối với nam giới, cạo râu là một sự lựa chọn cá nhân, không phải là một quy chuẩn cố định đòi hỏi sự tuân thủ.
Phương pháp dùng chỉ để cạo lông tại chợ đêm Đài Bắc - Ảnh: Yeung Kwan/LightRocket/Getty
Năm 2008, Breanne Fahs, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học bang Arizona (Mỹ), đưa ra một bài tập đặc biệt cho sinh viên của mình, họ có nhiệm vụ không được triệt lông và viết một bài báo cáo về trải nghiệm này. Những người tham gia cuộc thi đã chia sẻ những vấn đề khá nhất quán như cảm giác xấu hổ, việc tự đấu tranh với sự tự tin và thậm chí là sự tẩy chay của xã hội. Những cô gái không triệt lông bị xem là kỳ dị.
Rốt cuộc, bao nhiêu người trong số chúng ta đang tẩy lông vì sự lựa chọn của bản thân? Hay chỉ làm theo những "tiêu chuẩn" của xã hội?
Phụ nữ là con người, không phải tác phẩm nghệ thuật. Đã đến lúc chúng ta bắt đầu tôn vinh vẻ đẹp vốn có của mình, bao gồm lông cơ thể và tất cả.
Tôn Trọng Quyền Lựa Chọn Của Mỗi Cá Nhân
May mắn rằng sau hàng ngàn năm bị bảo phải làm gì với lông tóc của mình, xã hội đã đạt đến thời điểm mà ngày nay lông trên cơ thể được tôn vinh và nam giới cũng như phụ nữ đều có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn với nó.
Đối với rất nhiều phụ nữ, lông trên cơ thể là biểu tượng của cuộc chiến đấu cho sự bình đẳng của họ. Đối với một số người, đơn giản, triệt lông chỉ là một lựa chọn - không phải là nghĩa vụ - đó chính là sự tự nhận thức một cách triệt để.
Năm 1999, Julia Roberts đã gây chấn động trong lịch sử văn hóa đại chúng khi cô vẫy tay trong buổi ra mắt phim Notting Hill và để lộ lông dưới cánh tay. Vào thời điểm đó, hình ảnh đã gây xôn xao và các tờ báo khẳng định cô đang đưa ra một tuyên bố nữ quyền.
Julia Roberts - Ảnh: Mark Cuthbert
Rất nhiều người có ảnh hưởng như Lady Gaga, Britney Spears, Miley Cyrus… cũng tự tin khoe lông trên cơ thể.
Miley Cyrus - Ảnh: Getty
Trên tạp chí Harper's Bazaar 2019, nữ diễn viên Emily Ratajkowski đã khẳng định bản thân với bộ lông tự nhiên dưới cánh tay - hoàn toàn trái ngược với thông điệp Harper's Bazaar đưa ra năm 1915.
Emily Ratajkowski - Ảnh: Harper's Bazaar
Trong vài năm qua, một cuộc cách mạng về lông trên cơ thể đã diễn ra bất chấp các quy tắc làm đẹp cổ điển. Một số thương hiệu chăm sóc sức khỏe như Billie và Fur cũng đã tăng cường quảng cáo các sản phẩm cho phép mọi người cảm thấy tự tin về sở thích cá nhân xung quanh lông trên cơ thể. Thậm chí các thương hiệu dao cạo dành cho phụ nữ cũng đang tạo ra làn sóng khuyến khích các cuộc trò chuyện tích cực xung quanh chủ đề này.
Xét cho cùng, đó chỉ là lông, thứ chúng ta được tự nhiên trao cho và nó không gây hại cho bất kỳ ai.
Điều này không có nghĩa là nếu bạn triệt lông trên cơ thể thì bạn là một nhà nữ quyền tồi. Nếu triệt lông khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thì hãy cứ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta đừng đánh giá phụ nữ vì lông tự nhiên trên cơ thể của họ (kể cả phụ nữ phán xét lẫn nhau, hãy đọc thêm bài đăng của chúng tôi về cách phụ nữ đối xử với nhau tại đây).
Nếu xã hội coi việc tẩy lông trên cơ thể phụ nữ là một sự lựa chọn hơn là một nhu cầu cần thiết, hoặc nếu chúng ta thực sự tập trung vào sự tích cực của cơ thể và tiếp tục hỗ trợ phụ nữ làm bất cứ điều gì họ muốn với cơ thể của họ, có lẽ phụ nữ sẽ yêu cơ thể của mình hơn.
Vì vậy, lần tới khi bạn nghĩ về việc triệt lông, hãy tự hỏi bản thân xem đó có thực sự là điều bạn muốn làm hay không. Nếu không, bạn có thể bỏ ý nghĩ đó mà không cần lo lắng — bạn chắc chắn sẽ không đơn độc!
About the author
S. Reen