Sáng 27/6, cô gái 27 tuổi (Cà Mau) đến một khách sạn tại phường 2, quận 10 (TPHCM) để tiêm filler nâng ngực. Ít phút sau khi tiêm, chị bất ngờ xuất hiện tình trạng sùi bọt mép, tím tái rồi rơi vào ngưng tim, ngưng thở. Dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, Hà Nội, chia sẻ, trường hợp bệnh nhân trên có thể do sốc phản vệ (hiếm gặp), phù phổi cấp (thuyên tắc mạch phổi) dẫn đến tử vong.
Rủi ro khi sử dụng filler nâng ngực
Bất kỳ chất làm đầy nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ tạm thời hoặc tác dụng phụ vĩnh viễn.
Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến chất làm đầy (như bầm tím, sưng tấy, ngứa, phát ban, đau và khó cử động…) xảy ra ngay sau khi tiêm và nhiều tác dụng phụ sẽ hết sau vài tuần. Sưng và đau sau khi tiêm thể kéo dài một tháng hoặc lâu hơn. Trong một số trường hợp, tác dụng phụ của việc tiêm filler có thể xuất hiện vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau khi tiêm.
Rủi ro đáng lo ngại nhất liên quan đến việc sử dụng chất làm đầy là vô tình tiêm vào mạch máu, dẫn đến mạch máu bị tắc và máu cung cấp cho các mô bị kém. Mặc dù khả năng điều này xảy ra là thấp, nhưng nếu nó xảy ra, các biến chứng dẫn đến có thể nghiêm trọng và có thể là vĩnh viễn. Các biến chứng được báo cáo bao gồm hoại tử (chết mô) xung quanh vùng ngực, tuyến vú núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng; bất thường về thị lực (bao gồm mù lòa) và đột quỵ.
Với nhiều trường hợp do nhiều lần tiêm filler không có nguồn gốc rõ ràng, không được Bộ Y tế hay FDA cấp phép, bị viêm tấy áp xe vú, phải phẫu thuật nhiều lần gây tàn phá nhu mô tuyến vú, thậm chí cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo
Ngoài việc tiêm filler ngực hiệu quả không cao, dễ gây biến dạng ngực, bạn cũng cần lưu ý rằng chất làm đầy không phải là một lựa chọn nâng ngực vĩnh viễn. Trong hầu hết các trường hợp sẽ phải tiêm lại nhiều lần, đồng nghĩa với việc thường xuyên kích thích mô vú và gây nên các vấn đề về vú.
Đây cũng là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được cấp phép cũng như bị nhiều quốc gia ban lệnh cấm. FDA cảnh báo:
• Tiêm filler (chất làm đầy) tuy mang hiệu quả nhanh chóng, nhưng chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai… FDA không phê duyệt silicone dạng tiêm hoặc bất kỳ chất làm đầy dạng tiêm nào để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. FDA đã cảnh báo không nên tiêm chất làm đầy vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ. Sử dụng chất làm đầy dạng tiêm để tạo đường nét cơ thể hoặc cải thiện cơ thể quy mô lớn có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng, tắc nghẽn mạch máu trong tim, phổi hoặc biến dạng vĩnh viễn và thậm chí tử vong.
• KHÔNG BAO GIỜ mua filler trôi nổi trên internet. Chúng có thể bị làm giả, hỏng hoặc nhiễm độc…
• KHÔNG BAO GIỜ được tiêm chất làm đầy từ các nhà cung cấp không có giấy phép hoặc trong các cơ sở phi y tế như khách sạn hoặc nhà riêng.
• LUÔN LUÔN kiểm tra các chai lọ được dán nhãn, niêm phong đúng cách và được cấp phép lưu hành bởi cơ quan chức năng. Nếu một sản phẩm có nhãn trông lạ hoặc khác với thông thường, hãy cẩn thận.
• Tới các cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau bất thường, thay đổi thị lực, da gần chỗ tiêm có màu trắng, xám hoặc xanh hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của đột quỵ (bao gồm đột ngột khó nói, tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đi lại khó khăn, thay đổi thị giác, mặt rũ xuống, nhức đầu dữ dội, chóng mặt hoặc lú lẫn) trong hoặc ngay sau khi làm thủ thuật.
Nếu bạn đang cân nhắc nâng ngực, cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp, chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ. Không nên nghe theo tin truyền miệng hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín.
About the author
Chi