Tuyệt chiêu dạy trẻ nhỏ tính tự lập hiệu quả

MẸ & BÉ

Tuyệt chiêu dạy trẻ nhỏ tính tự lập hiệu quả

authorBy Hà Phương
Share on
Share on
Tuyệt chiêu dạy trẻ nhỏ tính tự lập hiệu quả

Có quá nhiều quan điểm về việc rèn tính tự lập cho trẻ nhỏ mà một trong số đó là quan điểm áp đặt một cách cực đoan để rèn cho con tự ngủ, tự chơi, tự ăn và thậm chí tự dỗ mình nín khóc. Hoặc ngược lại một số phụ huynh lại không để cho trẻ có cơ hội tự lập ngay cả với những việc nằm trong khả năng của con. Việc trẻ có thể tự lập từ sớm là tốt nhưng cần có phương pháp phù hợp và tương ứng với độ tuổi, tính cách trẻ. Việc này cần sự kiên nhẫn và cả tình yêu, lòng vị tha của cha mẹ.


Vì Sao Nên Rèn Cho Con Tự Lập?


Việc rèn luyện cho con tính tự lập ngay từ nhỏ có nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ. Đối với trẻ mới biết đi cho đến 5 tuổi thì việc có thể tự lập đem đến nhiều lợi ích hơn so với những bạn vẫn còn quá phụ thuộc vào cha mẹ. Có thể kể đến:


Về mặt tâm lý: một đứa trẻ biết tự lập từ nhỏ sẽ có xu hướng vui vẻ hơn vì chúng có thể tự nghĩ ra rất nhiều trò để chơi. Chúng cũng thích ứng nhanh với môi trường mới. Ngoài ra cảm giác mình có thể tự làm được một số việc theo khả năng khiến con thấy thích thú và cảm thấy mình được tin tưởng ngay từ nhỏ. Điều này cũng củng cố mối quan hệ cha mẹ và con cái để cùng nhau chia sẻ thêm rất nhiều chuyện sau này.


Về góc độ hành vi: nếu con được làm, được phép sai và loay hoay tìm cách sửa chữa sẽ giúp hành vi của con dần khéo léo hơn sau mỗi lần rút ra kinh nghiệm. Khi được chấp nhận và trao quyền đúng cách, trẻ sẽ học được về tính độc lập cũng như biết rằng mình không phải lăn ra đất chỉ vì cha mẹ không cho ăn kem vì sợ dây bẩn. Và vì thế những hành vi xấu cũng có xu hướng giảm bớt.



Về vấn đề phát triển: không phải tự nhiên mà rất nhiều phụ huynh hiện nay muốn dạy cho trẻ nhỏ tính tự lập ngay từ sớm. Lý do là việc này có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của con. Nếu cha mẹ sớm dạy con tự lập bằng ngôn ngữ dễ hiểu, động viên, chỉ bảo từng bước cho con tự làm những việc theo khả năng của mình như dọn đồ chơi, đánh răng, chải tóc, … thì con cũng học được về ngôn ngữ mà người lớn hay dùng. 


Ngoài ra một đứa trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế như xé tờ giấy, mở chiếc hộp bằng bìa, tự cúi xuống nhặt chiếc lá khô trên đường, tự đẩy giỏ đồ chơi rồi nó bị đổ hết ra … sẽ giúp con học được cách vận hành và quy luật của thế giới xung quanh mình. Vì thế trẻ học được các khái niệm cơ bản cũng như cách để tự lập ngay từ khi còn nhỏ một cách tự nhiên.


Tuy việc rèn tính tự lập cho trẻ nhỏ có rất nhiều lợi ích nhưng không phải chúng ta sẽ làm việc này bằng mọi giá. Nếu áp dụng một cách cực đoan sẽ dẫn đến những hệ quả liên quan đến tâm lý và hành vi của trẻ.


Những Hệ Quả Của Phương Pháp Rèn Luyện Cực Đoan


Nếu rèn cho trẻ tự lập một cách cực đoan, không tuân theo quy luật phát triển của trẻ theo từng giai đoạn và không lắng nghe con mình có thể làm cho:


Trẻ có xu hướng đi tìm sự yêu thương từ người khác


Ai cũng có nhu cầu được yêu thương, ôm ấp và điều này đặc biệt mạnh mẽ ở trẻ nhỏ. Nếu phụ huynh rèn tính độc lập một cách miễn cưỡng và bắt trẻ phải tự mình nín khóc hay không được ôm ấp khi cảm thấy ấm ức thì chúng có thể có xu hướng đi tìm tình yêu thương từ người khác. Và nếu như đó là người lạ thì điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ vì bị lạm dụng, bắt cóc … Hoặc nếu đó là những người thích nuông chiều trẻ nhỏ quá cũng khiến con có thêm thói quen xấu.


Sợi dây liên kết cha mẹ và con cái lỏng lẻo


Tình cảm của cha mẹ và con cái không chỉ đến từ việc nhìn thấy nhau hàng ngày mà trẻ cần cảm nhận tình cảm, được nâng đỡ khi vấp ngã, được phép yếu đuối khi ở bên gia đình. Việc rèn cho con ngã tự đứng dậy cũng tốt nhưng nếu con đau quá mà chưa thể tự dậy được thì việc cha mẹ động viên, nâng đỡ, an ủi sẽ giúp con bình tĩnh hơn và có thể làm tốt hơn ở những lần sau. Sợi dây liên kết cha mẹ và con cái chính là nền tảng để mỗi người tự do học tập, phát triển trong các quy tắc và chuẩn mực xã hội. Và vì thế nếu mải miết rèn tính tự lập cho con mà quên đi củng cố tình thân gia đình sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con.



Con sẽ hiểu nhầm về sự tự lập và không dám bày tỏ tình cảm khi lớn lên


Dưới góc độ tâm lý học thì nếu trẻ bị thiếu tình yêu thương khi còn nhỏ có thể có xu hướng che giấu tình cảm khi lớn lên. Chúng cũng không dám bày tỏ suy nghĩ cảm xúc, quan điểm cá nhân và vì thế sẽ thiếu tự tin, thiếu chủ động trong công việc và cuộc sống. 


Tệ hơn chúng có thể trở thành người đi làm hài lòng người khác (The Pleaser) để có được sự yêu thương và chấp nhận. Hoặc đôi khi chúng đã quá quen với việc tự mình đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống ngay từ nhỏ nên khi lớn lên thích kiểm soát mọi việc theo ý mình giống như khái niệm người thích kiểm soát trong tâm lý học (The Controller). Tuy không phải việc rèn cho trẻ tính tự lập từ khi còn nhỏ sẽ khiến con trở thành người như vậy nhưng nếu không thực hiện đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của con. Sau đây là một số gợi ý để phụ huynh rèn cho con tính tự lập trên cơ sở tình yêu thương, sự cứng rắn và cả kiên nhẫn.


Phụ Huynh Nên Rèn Cho Con Tính Tự Lập Thế Nào?


Trong một bài viết trên trang naeyc.org, bà Laurel Bongiorno, Tiến sĩ, trưởng khoa Giáo dục và Nghiên cứu Con người tại Cao đẳng Champlain, ở Burlington, Vermont, Mỹ đã có một số lời khuyên dành cho cha mẹ khi rèn tính tự lập cho trẻ mới biết đi và trẻ 2 tuổi:


Hãy tạo cơ hội cho con bạn được tự làm việc mà mình có thể


Đối với trẻ nhỏ đôi khi việc rèn tính tự lập không phức tạp như một số phụ huynh nghĩ. Đa số trẻ muốn tự làm mọi việc như tự chọn đồ chơi, tự chọn quần áo, tự xỏ dép, tự đi lạch bạch và lê la trên nền đất… Điều cha mẹ cần làm là cho trẻ không gian đủ an toàn, sạch sẽ để con tự do khám phá, lựa chọn và hình thành tính tự lập từ khi còn nhỏ.


Lưu ý là: cha mẹ hãy cho con thêm thời gian để con được tự làm mà vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến sự kiên nhẫn của người lớn và các kế hoạch đã đặt ra. Nếu con cần giúp đỡ hãy gợi ý hoặc làm mẫu để con bắt chước nhé. Khả năng bắt chước ở trẻ nhỏ tốt hơn chúng ta nghĩ đấy.





Đặt ra các giới hạn an toàn cho trẻ


Thế nào là giới hạn an toàn? Mỗi trẻ lại có tính cách khác nhau và mỗi phụ huynh cũng có suy nghĩ, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với giới hạn an toàn cho con mình.


Cô Kathy Gordon là một giảng viên về Nuôi dạy con cái được Chứng nhận bởi Connection tại Los Angeles đã nhắc đến 4 loại giới hạn mà trẻ em cần tuân thủ đó là:


- Giới hạn an toàn (SAFETY limit): cha mẹ có thể nói với con rằng con không thể cầm con dao nhọn của người lớn, con không được ném đồ/làm đau người khác, con không được đứng gần ban công, con không được đuổi theo chú chó, con không được cầm đuôi con mèo/rắn... Sau đó tùy độ tuổi và khả năng hiểu biết của con, bạn có thể giải thích về lý do và hậu quả của những hành động đó.

- Giới hạn giá trị (VALUE limit): cha mẹ có thể nói với con rằng con không được lấy con búp bê của bạn Cốm, con không được nói như vậy với chị,... 

- Giới hạn mong đợi (EXPECTATIONS limit): hãy bày tỏ niềm tin rằng con có thể làm được điều gì đó trong sự đồng hành và bảo vệ của cha mẹ. Ví dụ bạn có thể nói với con rằng: mẹ biết con có thể làm được điều này, bố biết con có thể bước lên bậc thang này mà...

- Giới hạn đề xuất (PROPOSAL limit): ở trong một tình huống nào đó cần ra quyết định, cha mẹ có thể đề xuất giải pháp và khuyến khích con làm theo. Ví dụ khi đến một bữa tiệc mà con nhất định không chịu vào hãy thử gợi ý rằng bên trong đó có món con thích, có đồ chơi thú vị nào đó, hoặc đơn giản là đề xuất con cùng vào khám phá xem có gì ở bên trong.


Đây là những giới hạn bé cần hiểu và thực hiện theo. Tuy điều này là không dễ dàng đối với trẻ nhỏ nhưng việc chúng ta cần làm không phải là áp đặt hay đánh mắng khi con không thực hiện được hoặc không muốn làm theo. Con cũng cần thời gian rất lâu, có thể hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm. Phụ huynh cần kiên nhẫn, vị tha và dần hình thành thói quen cho trẻ.


Hãy cho con quyền lựa chọn


Ai cũng thích sự lựa chọn và vì thế những bạn nhỏ dù là mới biết đi hay đã 5 tuổi cũng muốn được trao quyền như vậy. Điều này không chỉ thể hiện rằng cha mẹ tin tưởng con mà còn tạo sự hứng thú khi con thấy mình được tôn trọng và bình đẳng. Gợi ý là phụ huynh có thể nói với con rằng: con muốn ăn bằng thìa màu xanh hay thìa có hoa, con thích tự mặc áo hay mẹ giúp con, con muốn mặc áo khoác siêu nhân nhện hay áo đội trưởng Mỹ (vì hôm nay trời lạnh)... Có rất nhiều cách để trao quyền nhưng được lựa chọn vẫn luôn thú vị. Ngoài ra trẻ cũng luôn muốn biết những chuyện gì sắp xảy ra với mình, do đó trước khi cùng con đến trường, đi siêu thị hay đi tắm, bạn hãy nói cho con biết.


Hình thành cho trẻ tính tự lập và tuân thủ các giới hạn cần thiết tuy không dễ và cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như tình yêu của cha mẹ. Tuy vậy nếu có những gợi ý phù hợp chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Kiên nhẫn thực hiện theo đúng độ tuổi, cá tính và cả khả năng của con là cách chúng ta cho trẻ sự tin tưởng, trao quyền để được là chính mình và biết tận hưởng cuộc sống. Và những cái ôm ấp, an ủi, động viên luôn cần thiết để con biết cảm nhận tình yêu và an tâm khám phá mọi thứ xung quanh.

About the author

Trước khi trở thành một người viết nội dung chuyên nghiệp về chủ đề gia đình, xây dựng mối quan hệ và giáo dục Phương từng là nhân viên văn phòng với công việc kế toán trong 8 năm.


Đến với Her.vn, Hà Phương mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các độc giả để cùng tiến về phía trước. Phương cũng thích tìm hiểu các kiến thức về tâm lý, chữa lành, xây dựng sự nghiệp... để phục vụ công việc viết.

author

Hà Phương

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!