Khi con hét lên “Mẹ đi đi”, bạn có nên bỏ đi?

MẸ & BÉ

Khi con hét lên “Mẹ đi đi”, bạn có nên bỏ đi?

authorBy Nguyễn Thu Thủy
Share on
Share on
Khi con hét lên “Mẹ đi đi”, bạn có nên bỏ đi?


Làm mẹ, chúng ta không mong gì hơn ngoài việc con cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm. Khi con khó chịu, mọi tế bào trong cơ thể chúng ta đều hướng tới việc làm con cảm thấy dễ chịu hơn. Ta nóng lòng muốn con đừng khó chịu nữa, và để làm được điều này, ta thường an ủi con bằng một giọng nói dịu dàng, một cái ôm ấm áp. 


Thế nhưng thường thì trong lúc bực bội, trẻ sẽ phớt lờ những cử chỉ quan tâm của bố mẹ. Khi chúng hét lên “bố mẹ đi đi” “để con một mình”, hẳn ta sẽ cảm thấy bị tổn thương và bị từ chối. Khi chứng kiến con dậm chân lên nền nhà và đóng sầm cửa trước mặt, ta vô cùng bối rối. Lúc đó ta nên ở lại bên con hay nên bỏ đi, đúng theo yêu cầu của đứa trẻ? Hãy lắng nghe câu chuyện và những phân tích từ Shauna Casey, chuyên gia xây dựng kỹ năng cha mẹ tại Hoa Kỳ.


Gần đây, sau khi tan học, tôi nhận thấy rằng con gái tôi có vẻ hơi “quạu”. Con không thèm nhìn vào mắt tôi khi nói chuyện và liên tục đòi đồ ăn vặt, dù tôi đã chuẩn bị sẵn một món ăn vặt đặc biệt để con ăn trên đường về nhà. Sau khi về nhà, hai mẹ con vui vẻ cùng nhau chơi một lúc, và khi hết giờ chơi để chuyển sang việc khác, con vẫn muốn chơi tiếp.


Tôi đề nghị cùng chơi thêm 5 phút nữa, và con bé nổi cáu: “Như thế QUÁ ít. Khi nào thì bố mới về nhà?!”

Và khi tôi trả lời “mẹ nghĩ là bố sẽ về sớm thôi”, con bắt đầu khóc, rồi hét lên “Con muốn phải có một người chơi với con NGAY BÂY GIỜ!”


Tôi đã nói trìu mến nói với con: “ Bé ngoan, mẹ biết con rất muốn có ai để chơi cùng.”


Thế là con gái tôi bắt đầu khóc to, vừa khóc vừa nói tới nỗi tôi chẳng hiểu con đang nói gì nữa. Rồi con bắt đầu nằm lăn ra sàn và đạp chân tứ tung. Tôi biết con đang cần tôi an ủi, nên đã tới bên con. Nhưng phản ứng tiếp theo của bé lại khiến tôi cảm thấy choáng ngợp và bối rối. “Mẹ đi đi! Mẹ đừng có nhìn con nữa! Mẹ chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn thôi! Con CHẲNG BAO GIỜ được ở một mình cả!”


Thường thì khi nghe những lời này, tôi sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa muốn giúp đỡ con nhưng vừa muốn tôn trọng quyền tự do của con, cho con một không gian riêng.


Tôi đã từng nghe những lời như thế này và vô cùng bối rối, “Mình nên ở lại hay cho con không gian riêng? Nếu cứ ở gần, liệu tôi có làm con thấy ngột ngạt?”




Nếu Luôn Ở Gần Con, Tôi Có Khiến Con Cảm Thấy Ngột Ngạt?


Trải qua những lần thử và sai, tôi đã học được rằng những lần tôi ở gần con sẽ giúp hai mẹ con kết nối tốt hơn. Con có những suy nghĩ tích cực hơn và bầu không khí gia đình cũng dễ chịu hơn.


Khi con còn bé, tôi sẽ chẳng ngại ngần mà gần gũi và đặt ra những giới hạn để ngăn con không tự làm tổn thương mình. Điều này đôi khi vẫn đúng khi con đã lớn hơn. Nhưng gần đây, tôi có thể thường xuyên ở gần con mà không tiếp xúc cơ thể ngay như hồi con mới chập chững biết đi.


Tôi cố gắng chỉ đến gần ở một mức độ cần thiết để có thể để giữ an toàn cho con. Như vậy, tôi vừa có thể tôn trọng bản năng người mẹ, vừa để con có khoảng không gian riêng. Tôi nói với con: “Mẹ biết con không muốn mẹ ở đây, con yêu ạ, nhưng lần trước mẹ thấy khi mẹ bỏ đi thì mọi việc cũng chẳng khá hơn”. Thằng bé chạy vào phòng riêng và nói với tôi rằng “Mẹ đi đi!”


Tôi bước vào phòng con, ngồi xuống và dựa lưng vào cánh cửa đóng chặt, đưa mắt nhìn con ở phía bên kia góc phòng. Tôi nói nhẹ nhàng: “Mẹ sẽ chỉ ngồi đây và nghe thôi.”


Con bé lăn lộn khắp giường, khóc nức nở, đá, đập mạnh và hét lên “ Mẹ đi đi! Mẹ ác thế!!”


Thật chẳng còn gì tốt hơn mỗi khi chúng ta dành tình yêu thương cho con cái và chúng ngay lập tức đón nhận, sà vào vòng tay ta và bày tỏ lòng biết ơn. Thái độ đón nhận và trân trọng tức thì đó, cho ta thấy rằng ta đã làm đúng những gì cần làm với tư cách là cha mẹ. Nhưng vấn đề là - khi chúng ta tỏ ra yêu thương vào lúc con đang khó chịu, tình hình ban đầu có thể sẽ tệ rồi mới tốt dần lên.


Lúc này, bạn sẽ cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng chính cảm giác an toàn từ thái độ ấm áp, bình tĩnh và chú tâm của bạn sẽ trở thành một điểm tựa cho con. Khi bạn ở bên con với thái độ này, con sẽ cảm thấy an toàn và có thể trải qua cảm giác đau đớn, khó chịu do bất cứ vấn đề gì gây nên.


Vậy Con Sẽ Biểu Hiện Như Thế Nào?


Ban đầu con sẽ hét và khóc to hơn, tỏ ra đau khổ hơn, tức giận hơn. Khi ấy, tôi nhắc mình rằng thật may vì tôi được ở bên con khi con đang phải đối mặt với những cảm xúc này, và con đang cố gắng để vượt qua như thế nào khi có tôi bên cạnh lắng nghe. Suy nghĩ đó đã trở thành điểm tựa cho tôi, để tôi giữ tâm thế bình tĩnh và cởi mở, và từ đó trở thành chỗ dựa cho con.


Rồi dần dần, tiếng khóc của con cũng dịu đi.


Con bắt đầu nhìn vào mắt tôi (tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy con đã quay trở lại với những suy nghĩ thấu đáo) và bảo tôi đừng nhìn con với “vẻ mặt đó”.


Tôi quyết định sẽ thử xem con đã sẵn sàng nói chuyện chưa. Đôi khi, tôi sẽ gợi một vài câu chuyện hài hước nhẹ nhàng khi thấy có vẻ con đã bình tĩnh trở lại, và hai mẹ con sẽ thân mật trở lại. Tôi từ từ tiến đến bên giường và nói “Con bảo vẻ mặt này hả?!” rồi từ từ đảo mắt đồng thời thè lưỡi sang một bên.


“KHÔNG!” Con hét lên và lại bắt đầu nức nở.


Như vậy có nghĩa là con chưa sẵn sàng và tôi sẽ lặng lẽ lắng nghe thêm.


Bé chạy ra khỏi phòng và hét lên “Mẹ đừng đi theo con nữa!!”



Tôi chậm rãi đi theo con và nói với con “Mẹ sẽ cho con ở một mình, nhưng con nhớ là mẹ vẫn đang ở gần con nhé”. Rồi tôi ngồi lên chiếc ghế dài quay lưng về phía góc chơi, chỗ con đang đứng. Từ chỗ tôi ngồi thì không nhìn thấy con bé, nhưng vẫn đủ gần để tôi có thể tiếp cận con nếu cần. Cô gái bé nhỏ đóng cánh cổng của góc chơi và bắt đầu dậm chân, đá và ném lung tung. Rồi bị vấp nhẹ và chúi đầu xuống tấm đệm, ngã chổng vó. Nó ngừng khóc và bật ra một tiếng cười khúc khích. Tôi nghĩ đây có lẽ là lúc để tôi kết nối với con nên tôi đã thử gọi con, “Này! Có một bạn đà điểu đang ở trong góc chơi của con kìa!” 


Con bé bảo thế thật buồn cười và hỏi tại sao tôi lại nói đến đà điểu, vì vậy tôi giải thích rằng thi thoảng bọn đà điểu lại chúi đầu xuống rồi chổng mông lên. Con lặp lại hành động đó nhiều lần, hết lần này đến lần khác, đưa cái mông nhỏ lên trời, lắc lư và cười khúc khích.


Trong khi đó, tôi đi loanh quanh rồi bước vào góc chơi và cả hai mẹ con đều cười khúc khích. Con gái nhìn tôi và bắt đầu khóc một lần nữa vì bị đau đầu, do trận khóc lóc và la hét trước đó. Tôi hỏi con có muốn ngồi trong lòng mẹ không. Con đồng ý, và khi được mẹ ôm, nó lại khóc thêm một chút.


Sau vài phút, bé dụi mắt, hít thở sâu và nói ”Con xin lỗi mẹ, mẹ không làm gì sai cả, con mới là người sai.”

Tôi nói “Bé yêu của mẹ, con không làm gì sai cả. Mọi thứ con làm đều đúng. Con chỉ vừa trải qua vài cảm xúc và mẹ rất vui vì mẹ đã có thể ở bên con. Mẹ vui vì mẹ đã có thể lắng nghe con. Đôi khi chúng mình chỉ cần như vậy thôi con ạ!”


Con cười với tôi rồi quay ra chơi Legos. Từ đó cho đến hết buổi tối, cô gái nhỏ tự chơi thật vui vẻ và cả nhà có một bữa tối tuyệt vời.


“Bố/Mẹ Đi Đi” Là Một “Mật Mã” Mà Bạn Giải Đáp



“Bố/mẹ đi đi” thường là mật mã cho thông điệp: “Con đang cảm thấy rất khó chịu trong lòng và sự hiện diện của bố mẹ khiến con không thể không cảm thấy như vậy.”


Những cảm xúc chồng chất lên nhau cũng giống như những con chuột trong trò chơi đập chuột. Chúng ngoi lên trong thoáng chốc rồi lại xuất hiện ở những vị trí khác dường như chẳng liên quan. Nếu chúng ta có khả năng lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy được hỗ trợ và sau đó, khi nỗi buồn tan đi, con sẽ trở nên nhẹ nhõm và gắn kết hơn. Tình cảm tốt đẹp nảy sinh nhờ mối liên kết chặt chẽ với chúng ta giúp con giải quyết các vấn đề đã khiến con khó chịu vài phút trước đó. 


Lần tới khi con hét lên “Bố/mẹ đi đi”, bạn hãy hiểu rằng con đang muốn nói: “Bố mẹ hãy giúp con! Con đang vô cùng bối rối, con không biết mình đang làm gì nữa!”



Cách Này Sẽ Hiệu Quả Nhất Khi Bạn Lắng Nghe Từ Hai Phía


Những hiểu biết trên đây có vẻ khác xa với những gì mà hầu hết chúng ta được dạy từ nhỏ tới lớn. Do đó, bạn sẽ cảm thấy khó mà giữ được bình tĩnh để lắng nghe con với một tâm thế mở và không nghi ngờ bản thân. Vài việc dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn, cũng như bớt căng thẳng trong quá trình nuôi dạy con.


Khi “cơn bão” qua đi và bạn có thời gian cho riêng mình, hãy thử lên chuyến xe về quá khứ và nhớ lại thời thơ ấu của bản thân. Những lần bạn cảm thấy thật tồi tệ, sợ hãi và không thể nói cho người lớn chuyện gì đang xảy ra hay bạn cần điều gì. Những lúc như vậy, bạn muốn được đối xử như thế nào? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu lúc đó có một người tỏ ra tốt bụng và cởi mở với bạn?


Tâm sự với ai đó cũng là một cách tuyệt vời để nhìn nhận cách những người lớn xung quanh phản ứng khi bạn lỡ làm những điều họ không thể chấp nhận hoặc khi bạn nổi giận với họ. Bạn cũng có thể nói về cảm giác của mình khi nghe con nói: “mẹ đi ra đi!”


Bạn cũng có thể nhớ lại lần đầu tiên mà ai đó bảo bạn hãy đi đi, khiến bạn cảm thấy họ không cần bạn.  Mỗi suy nghĩ như trên giúp bạn đồng cảm với cảm giác bất lực của con khi hét lên "mẹ đi ra đi", giúp bạn khám phá cảm xúc của mình về hành vi cũng như những lời nói thiếu lễ phép của con.


Bạn Nên Làm Gì Nếu Lần Sau Con Lại Nói “Mẹ Đi Ra Đi”?


Bạn hãy hít một hơi thật sâu, quan sát cảm xúc của mình ngay lúc đó và tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:


“Liệu mình có thể thực sự lắng nghe con ngay lúc này, mà không cần con phải xử sự khác đi, không cần con phải dừng cơn thịnh nộ?”


“Liệu mình có sẵn sàng để đón nhận những cảm xúc mạnh mẽ của con không?”


Nếu câu trả lời là không, và nếu bạn đảm bảo rằng con đang ở trong trạng thái an toàn, thì bạn có thể nói với con: “Con yêu, mẹ hiểu rằng chuyện này gây khó khăn cho con ra sao và mẹ rất muốn ở lại để lắng nghe, nhưng mẹ cần đi uống một cốc nước đã.”


Đừng cố gắng ở lại và lắng nghe nếu bạn chưa thực sự có thể tiếp nhận câu chuyện. Bạn có thể lắng nghe con sau, chỉ cần khéo léo nói với con rằng bạn không thể làm điều đó ngay lúc này.


Và bằng mọi giá, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng: lời nói và hành vi của một người không nhất thiết thể hiện tính cách của họ. Việc con nói “Bố/Mẹ đi đi” không thể hiện cảm xúc của con đối với bạn, mà chỉ là cảm xúc của con đối với những gì đang diễn ra trong tâm trí của chúng.


Hãy thử nhắc nhở mình một trong ba câu dưới đây nếu bạn cảm thấy phù hợp:


“Con đang cảm thấy rất tệ, điều này khiến con đang bị quá sức và có cảm giác hoang mang với mọi thứ”


“Điều duy nhất mà mình nên làm bây giờ là lắng nghe cảm xúc của con. Mình không cần phải hiểu tại sao điều này lại xảy ra”


“Mình biết rằng nếu mình lắng nghe, con sẽ cảm nhận được sự ấm áp, và điều đó sẽ giúp ích cho con”


Hãy nhớ rằng ở đây không có gì là đúng hay sai.


Bởi vì mỗi một hình huống đều không giống nhau, hãy coi mỗi lần con cáu giận và cách bạn phản ứng như một điệu nhảy ngẫu hứng. Những gì có hiệu quả với con tôi ngày hôm đó, sẽ không còn có hiệu quả vào lần tiếp theo khi thằng bé bảo tôi “Mẹ đi ra đi!”


Nhưng có một điều không thay đổi, đó chính là tình cảm ấm áp không hề nao núng mà bạn dành cho con. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng lắng nghe của bạn.



Đừng rao giảng lý lẽ, nóng vội hay đánh trống lảng. Thay vào đó, hay để con dẫn dắt bạn. 


Bạn có thể thử vài câu chuyện hài hước khi thấy dấu hiệu cảm xúc của con bắt đầu rõ ràng, và việc này cũng có thể không hiệu quả. Đừng lo lắng. Hãy dừng lại và tiếp tục lắng nghe. Con đang muốn thể hiện điều gì? Trong ví dụ trên, con đã cho tôi biết rằng, mặc dù con có thể nhìn vào mắt tôi, nhưng nỗi buồn của con chưa hoàn toàn đi qua. Tôi vẫn nhẹ nhàng và bình tĩnh, và không cố gắng ép buộc bất cứ điều gì.


Thế rồi tự cô bé đã quay trở lại bằng khiếu hài hước của chính mình, còn tôi để con dẫn dắt và “bắt sóng” con bằng sự hài hước của mình. Nhưng những nỗi buồn vẫn chưa thực sự qua đi. Khi hai mẹ con kết nối với nhau, cảm giác nhẹ nhõm sẽ khiến con càng khóc nhiều hơn, vậy nên tôi đã dừng tỏ ra hài hước để chân thành lắng nghe con.


Không lâu sau đó, những đám mây u ám tan đi, và bé thực sự có thể nói với tôi rằng tôi đã không làm gì sai cả. Không phải lúc nào trẻ cũng sẽ khẳng định điều này, nhưng dù sao thì ít nhất bản thân chúng ta sẽ tự cảm thấy mình đã làm điều đúng đắn.


Bạn Không Cần Phải Hiểu Lý Do Vì Sao Con Lại Muốn Được Ở Một Mình


Bạn vẫn có thể giúp con. Đó sẽ là một sự khởi đầu sâu sắc trong hành trình nuôi dạy con cái của nhiều người trong chúng ta, những người luôn có xu hướng thích giao giảng lý lẽ cho lũ trẻ khi chúng tỏ ra khó chịu. Chúng ta có thể để chuyển hướng nỗ lực và suy nghĩ của mình sang câu hỏi: “Làm thế nào để con cảm thấy được an toàn và bố mẹ đang ở bên con, sẵn sàng lắng nghe?”


Cùng với việc mang đến cho con cảm giác ấm áp và sự dịu dàng, bạn hãy làm điều tương tự cho bản thân. Bạn không cần phải hiểu lý do hay giải quyết những gì đã xảy ra, hoặc những khó khăn mà con gặp phải. Sự hiện diện lắng nghe của bạn là điều hữu ích nhất mà bạn có thể trao cho con trong thời điểm đó. Việc bạn hiểu điều này cũng là một niềm an ủi lớn khi bạn cảm thấy hoang mang.


About the author

Thu Thủy là một cây viết chuyên nghiệp về đề tài phụ nữ, làm cha mẹ và lối sống chánh niệm. Thủy còn là mẹ của hai em bé và là tác giả của blog Mindfully T.

https://mindfullyt.com/

author

Nguyễn Thu Thủy

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!