3 phương pháp giáo dục mầm non bạn nhất định phải biết khi chọn trường cho con

MẸ & BÉ

3 phương pháp giáo dục mầm non bạn nhất định phải biết khi chọn trường cho con

authorBy Nguyễn Thu Thủy
Share on
Share on
3 phương pháp giáo dục mầm non bạn nhất định phải biết khi chọn trường cho con


Những năm trở lại đây, “Montessori”, “Waldorf - Steiner” và “Reggio Emilia” đang trở thành những từ khóa “hot” với những ai có con trong độ tuổi mầm non. Lựa chọn trường theo phương pháp nào đi nữa, bạn cần hiểu rõ bản chất của từng phương pháp và đưa ra quyết định phù hợp nhất với em bé của mình.


Hãy cùng Her tìm hiểu về bản chất của 3 phương pháp giáo dục đầu đời này trong tương quan với giáo dục truyền thống nhé. 


Phương Pháp Montessori



Montessori là gì?


Đây là triết lý giáo dục đặt trẻ làm trung tâm và trẻ được học theo tốc độ riêng mà chúng tự đặt ra. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn trẻ làm quen với học cụ và trẻ được hoạt động ở mức độ tự chọn mà không bị đánh giá theo thang điểm hay can thiệp sửa chữa.


Ưu điểm của Montessori là giúp trẻ sớm phát triển kỹ năng lãnh đạo và tính độc lập. Những yếu tố này là quan trọng với sự thành công của trẻ trong tương lai. Phương pháp này cũng ưu tiên xây dựng lòng ham học tự thân ở trẻ với chương trình chất lượng hướng tới kiến thức học thuật.


Giáo dục Montessori khác gì so với giáo dục truyền thống?


Có nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt giữa giáo dục truyền thống và Montessori, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên lý cơ bản nhất.


Chúng ta có lẽ đã quen với khung cảnh của một lớp học trong giáo dục truyền thống: giáo viên đứng trước lớp và là người quyết định trẻ sẽ học những gì, và dạy trẻ những gì chúng được cho là cần biết. Nói một cách ngắn gọn, giáo dục truyền thống là tiếp cận từ ngọn. Ví dụ, giáo viên sẽ quyết định rằng tất cả những đứa trẻ trong lớp phải học chữ “a” trong cùng một ngày nhất định. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ là một cá thể hoàn toàn khác biệt với những khả năng, sở thích và tốc độ tiếp thu khác nhau. 


Trong giáo dục Montessori, học liệu được bày sẵn trên các giá theo thứ tự từ dễ đến khó. Mỗi trẻ sẽ học theo tốc độ của riêng mình, tùy theo mức độ ham thích trong từng thời điểm. Trong phương pháp này, đứa trẻ đóng vai trò trung tâm, tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình và được hỗ trợ bởi hai yếu tố: giáo viên và môi trường. 

Nếu như trong giáo dục truyền thống, chỉ có giáo viên tác động tới trẻ giống như mũi tên một chiều, thì trong Montessori, cả 3 yếu tố: trẻ, giáo viên và môi trường tác động qua lại lẫn nhau. 


Môi trường và trẻ tương tác với nhau theo mũi tên hai chiều: môi trường thu hút trẻ, và trẻ học hỏi từ những học liệu trong môi trường. Giáo viên và môi trường cũng ảnh hưởng lẫn nhau: giáo viên chuẩn bị sẵn môi trường và quan sát, điều chỉnh môi trường khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Trẻ và giáo viên cũng có một mối quan hệ hai chiều: hai bên tôn trọng lẫn nhau. Giáo viên sẽ quan sát và chỉ can thiệp, hỗ trợ ở mức độ cần thiết rồi lùi lại một bước để trẻ tiếp tục tự học, tự làm chủ. 


Trong những bài viết của mình, tiến sĩ Maria Montessori thường xuyên nhấn mạnh rằng: mục tiêu của giáo dục Montessori không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là nuôi dưỡng lòng ham học tự nhiên ở trẻ.


Nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong lớp học. Cha mẹ có thể áp dụng quan điểm này tại nhà từ khi trẻ được sinh ra, thậm chí trong quá trình mang thai. Tựu chung, đó là cách chúng ta suy nghĩ và hành xử khi ở bên trẻ: cha mẹ hỗ trợ để trẻ tự khám phá, cha mẹ cho trẻ tự do và ranh giới, cha mẹ sắp đặt không gian sống của gia đình thành một môi trường mà ở đó trẻ có thể tự làm chủ và học hỏi theo cách riêng của mình.


Phương Pháp Waldorf - Steiner



Waldorf - Steiner là gì?


Triết lý giáo dục này tập trung tiếp cận từ các hoạt động chơi và một nhịp điệu sinh hoạt ổn định. Waldorf tin rằng mỗi đứa trẻ khi sinh ra vốn đã mang những tiềm năng tốt đẹp và giáo dục có nhiệm vụ “kích hoạt” những tiềm năng đó. Nó tập trung vào việc phát triển tư duy sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm và lòng tự trọng ở trẻ. Song song với đó là một thể chất giàu sức sống, động lực sống và nuôi dưỡng sự gắn kết sâu sắc với thiên nhiên, công việc và những người xung quanh. 


Khác với Montessori, Waldorf hạn chế giới thiệu những kiến thức học thuật cho trẻ ở những năm đầu đời. Trẻ mầm non thường được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật thay vì học đọc, viết và toán học. Ngay cả khi trẻ được học về toán và khoa học, những kiến thức này cũng được đan xem vào nghệ thuật, vận động và âm nhạc. Những trải nghiệm này làm tăng hiệu quả tiếp thu và làm việc học trở nên thu hút hơn với trẻ bởi trẻ được học trên tâm thế chủ động, giàu cảm xúc và sâu sắc.


Giáo dục Waldorf - Steiner khác gì so với phương pháp truyền thống?


Các bậc phụ huynh hẳn đã không còn xa lạ với khung cảnh ở một trường mầm non thông thường: những hình vẽ nhân vật nhiều màu sắc trên tường, bảng chữ cái, bàn ghế và đồ chơi bằng nhựa sặc sỡ, và lớp học thường có màn hình TV. Các trường theo phương pháp Waldorf-Steiner không như vậy. Lớp học được trang hoàng bằng những gam màu nhẹ và ấm áp, không TV và chỉ có những đồ chơi, vật dụng bằng gỗ, những học cụ gần gũi với thiên nhiên. 


Waldorf - Steiner mang nhiều đặc trưng hoàn toàn khác biệt với các phương pháp giáo dục đầu đời khác. Tất cả những khác biệt đó đều bắt nguồn từ ý niệm sâu sắc về sự phát triển của trẻ, về không gian lớp học và cá nhân mỗi đứa trẻ.


Không gian lớp học


Lớp học Waldorf được thiết kế nhằm giúp trẻ có một sự chuyển đổi tự nhiên và nhẹ nhàng từ môi trường ở nhà tới môi trường lớp học, làm sao để trẻ luôn cảm thấy an toàn và được yêu thương. Màu sắc nhẹ nhàng, thiết kế đơn giản, ít chi tiết giúp trẻ tập trung hơn vào các hoạt động quan trọng trong ngày. Lớp học Waldorf tuyệt nhiên không có các thiết bị điện tử. Mọi vật dụng, học liệu đều gần gũi với thiên nhiên.


Học từ hoạt động chơi


Triết lý Waldorf tin rằng trẻ nhỏ học hiệu quả nhất qua những câu chuyện, tưởng tượng, vận động và trò chơi. Việc học kiến thức hàn lâm sẽ được giới thiệu sau 7 tuổi. Đó là vì các nhà giáo dục Waldorf tin rằng giai đoạn đầu đời nên dành cho phát triển trí tưởng tượng, kỹ năng vận động, kỹ năng cảm xúc - xã hội và động lực nội tại. Đây là nền tảng để trẻ chuyển sang học kiến thức hàn lâm trong những giai đoạn sau của cuộc đời.


Trẻ ở các trường Waldorf dành hầu như cả ngày cho các hoạt động chơi sáng tạo, chơi ngoài trời, nấu ăn, nghe kể chuyện, xem kịch rối và các hoạt động nghệ thuật khác như đan len, vẽ tranh, nặn sáp ong, v.v. Những hoạt động này giúp trẻ thành thục những kỹ năng cần thiết trong tương lai, như: giải quyết vấn đề, kiên nhẫn tới cùng để hoàn thành mục tiêu, hợp tác với bạn, trí nhớ, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vận động, v.v.


Tình yêu và lòng tôn kính đối với cuộc sống


Giáo viên trong trường Waldorf luôn hướng tới điều mà họ tin là quan trọng nhất với trẻ nhỏ: truyền cảm hứng để trẻ duy trì một tình yêu suốt đời với việc học tập. Để làm được điều đó, giáo viên luôn giúp trẻ giữ được sự tò mò, thích thú với những thứ xung quanh.


Làm sao để trẻ học cách quan tâm tới môi trường hay học những kiến thức sinh học trong sách giáo khoa mà vẫn giữ được sự thích thú? Chắc chắn không phải là bằng cách học về vai trò của cây trong hệ sinh thái hay kiến thức cơ bản về quang học như trong giáo dục truyền thống! 


Tại trường Waldorf, trẻ sẽ bắt đầu tiết sinh học bằng việc ngồi ngoài trời trong một ngày trở gió, ngắm những chiếc lá cây lay động và xoay tròn rơi xuống đất, để thấy yêu thương và trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên. Cốt lõi làm nên sự khác biệt của phương pháp giáo dục truyền thống là niềm tin rằng: cách tốt nhất để nuôi dưỡng lòng ham học là nuôi dưỡng lòng yêu cuộc sống.


Phương Pháp Reggio Emilia



Reggio Emilia là gì?


Các trường theo phương pháp Reggio dạy trẻ trên nền tảng dự án. Mỗi bài học đều được tạo nên dựa trên những điều trẻ yêu thích. Chương trình học linh động do trẻ tự định hướng: khi trẻ có câu hỏi về chủ đề nào thì giáo viên không chỉ trả lời mà khai thác sâu hơn thành bài học về chủ đề đó. Trẻ được học thông qua các dự án và hoạt động khám phá. 


Ưu điểm của phương pháp này là giúp trẻ phát triển kỹ năng hợp tác, giải quyết vấn đề và xử lý mâu thuẫn thông qua các dự án. Cách tiếp cận của Reggio giữ được sự hào hứng và tạo ra thử thách cho trẻ bởi chúng được tự do khám phá, tự định hướng và giáo viên không phải người dẫn đường mà là bạn đồng hành trên con đường học tập. 


Giáo dục Reggio Emilia khác gì so với phương pháp giáo dục truyền thống?


Vai trò của trẻ


Phương pháp giáo dục Reggio Emilia coi trẻ là những cá nhân mạnh mẽ và đầy tiềm năng, có thể tự quyết định phạm vi học hỏi và quan tâm của chính mình. Phương pháp này khuyến khích sự tìm tòi khám phá và tính độc lập, tự chủ ở trẻ. Theo đó, trẻ là người đưa ra những dự án, lựa chọn những chủ điểm mà chúng cảm thấy hứng thú.


Vai trò của giáo viên


Nếu giáo dục truyền thống đặt giáo viên làm trung tâm lớp học thì trường học Reggio Emilia coi giáo viên là người bạn đồng hành của trẻ. Theo đó, thay vì đơn thuần truyền đạt kiến thức cho trẻ, giáo viên sẽ cùng làm việc với trẻ để khám phá, học hỏi, tìm câu trả lời và đưa ra giải pháp cho một vấn đề. 


Tính cộng đồng


Gốc rễ của triết lý giáo dục Reggio Emilia nằm ở tính cộng đồng và hợp tác, hướng tới đào tạo những công dân hoàn thiện trong tương lai. Nó tập trung nhiều vào các hoạt động theo nhóm và dự án, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm và xử lý mâu thuẫn. Đây là những kỹ năng cần thiết cho một công dân có ích cho xã hội.


Lớp học


Trong giáo dục truyền thống, lớp học đơn thuần chỉ là một địa điểm để giáo viên dạy và trẻ học. Nhưng trong triết lý giáo dục Reggio Emilia, lớp học còn có nhiều ý nghĩa hơn thế: nó được coi là “người thầy thứ ba”, sau bản thân trẻ và giáo viên. Môi trường lớp học được thiết kế nhằm khuyến khích các mối quan hệ, giao tiếp và cộng tác thông qua hoạt động chơi. Học liệu được sắp xếp một cách có chủ ý để khuyến khích tính sáng tạo, xử lý vấn đề, thí nghiệm, khám phá và các hoạt động chơi không giới hạn.


Thời khóa biểu


Trong giáo dục truyền thống, thời khóa biểu là cố định, mỗi hoạt động phải diễn ra đúng thời điểm đã lên kế hoạch. Thế nhưng trong phương pháp Reggio Emilia, với định hướng lấy trẻ làm trung tâm, thời quá biểu lại thay đổi linh hoạt để trẻ khám phá những chủ điểm, dự án mà mình yêu thích. 


Ghi chép quá trình học tập


Phương pháp Reggio Emilia chú trọng việc ghi chép lại quá trình học tập và trưởng thành của trẻ trong suốt một năm học. Việc học tập của trẻ được giáo viên lưu giữ lại dưới dạng video, ảnh chụp hay những quan sát được ghi lại. Điều này giúp quá trình học của trẻ trở nên hữu hình, trân trọng những gì trẻ đã đạt được và khuyến khích phát huy, giúp phụ huynh hiểu sâu hơn về việc học của con mình và là nguồn tư liệu quý báu để giáo viên tham khảo, cải thiện chuyên môn. 


Lời Kết


Ba phương pháp giáo dục đầu đời trên tương đồng ở mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện, nhưng mỗi phương pháp lại có một phong cách giáo dục khác nhau. Nếu như Montessori dựa trên một môi trường được chuẩn bị sẵn, Waldorf lại dựa trên các hoạt động chơi sáng tạo còn Reggio lại áp dụng chương trình học linh hoạt theo kiểu dự án. 


Không có phương pháp nào là tốt nhất, chỉ có phương pháp phù hợp nhất với từng em bé. Bạn chính là người quan sát để đưa ra nhận định xem con mình phù hợp với phương pháp giáo dục nào.

About the author

Thu Thủy là một cây viết chuyên nghiệp về đề tài phụ nữ, làm cha mẹ và lối sống chánh niệm. Thủy còn là mẹ của hai em bé và là tác giả của blog Mindfully T.

https://mindfullyt.com/

author

Nguyễn Thu Thủy

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!