Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc nghe có vẻ phi lý, nhưng được cho là một trong những mẹo phổ biến trong dân gian giúp chữa chậm nói cho trẻ. Nhiều gia đình có con chậm nói không khỏi băn khoăn liệu mẹo chữa chậm nói theo cách này có hiệu quả không. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản dưới đây.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc
Quãng thời gian tập đi tập nói của trẻ là giai đoạn rất đáng yêu. Ba mẹ nào cũng mong chờ và háo hức đến ngày con có thể gọi tiếng ba, mẹ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng đến cùng một thời điểm nào đó là có thể biết nói vì điều này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Bởi vậy, không ít bậc phụ huynh đã thử tìm hiểu các mẹo chữa chậm nói theo dân gian với hy vọng có thể giúp bé nhanh biết nói hơn.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc là một trong những mẹo đơn giản nhất. Theo chia sẻ kinh nghiệm, các bà mẹ có thể mua 1 con cá lóc nhỏ còn sống về nhà. Rồi cầm đuôi cá để gõ vào đầu gối của trẻ, nếu là trai thì gõ 7 cái, gái thì gõ 9 cái. Sau đó, cũng đem chính con cá lóc này để nấu cho bé ăn. Nên thực hiện trong vòng 1 tuần khoảng 2-3 lần để theo dõi kết quả.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc có hiệu quả không?
Đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định có thể chữa chậm nói bằng cá lóc và đây cũng chỉ là một mẹo tương truyền theo dân gian.
Chậm nói ở trẻ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc can thiệp sớm giúp bé nhanh biết nói theo đúng tuổi là điều nên làm. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách khắc phục, dạy trẻ chậm nói mang tính khoa học và hiệu quả hơn.
Cách chữa trẻ chậm nói đơn giản, hiệu quả
Các trường hợp chậm nói đơn thuần chỉ mang tính chất tạm thời có thể cải thiện tốt khi có sự trợ giúp của gia đình. Dưới đây là một số giải pháp dạy trẻ giúp con nhanh biết nói dễ áp dụng tại nhà.
Dành thời gian giao tiếp với bé
Trong quá trình trị trẻ chậm nói, việc chăm sóc quan tâm bé bằng cách giao tiếp tích cực với con cũng rất quan trọng. Làm điều này sẽ giúp các ba mẹ chữa chậm nói cho bé thành công tăng lên đến 30%. Không những vậy, giao tiếp với bé nhiều hơn cũng là cách giúp bé vui và tăng tình cảm giữa ba mẹ và trẻ.
Chẳng hạn, bạn có thể ngồi đọc sách kể cho bé nghe thật truyền cảm, đôi khi cũng có thể đóng vai trò như nhân vật để khiến bé thích thú và chăm chú nghe bạn đọc. Rồi bạn cũng nên hỏi bé xem liệu con đoán các chi tiết trong câu chuyện sẽ ra sao nhằm tạo hiệu ứng giao tiếp với con. Bạn không nên để con chỉ lắng nghe thôi vì đó là sự giao tiếp chỉ từ một phía.
Quãng thời gian giao tiếp như vậy sẽ giúp não bộ bé được kích thích, tư duy và phát triển hơn. Ngoài ra, cũng giúp con nhanh chóng bắt chước câu từ của bạn và bật tiếng nói dễ dàng hơn.
Hát cho con nghe
Thường xuyên hát cho bé nghe là cách dễ dàng để dạy bé nền tảng cơ bản của ngôn ngữ, phát triển vốn từ vựng và cảm nhận nhịp điệu.
Không chỉ có bố mẹ hát cho con mà hãy dạy và khuyến khích trẻ hát dù là chưa rõ lời hay chỉ mới bập bẹ. Khi bé được khuyến khích và có niềm vui từ âm nhạc sẽ tạo thêm động lực cho bé cố gắng phát âm ra từ cần thiết.
Với những em bé 1-2 tuổi, cha mẹ hãy hát thậm chậm và để con hát từ cuối của mỗi câu vừa giúp bé học hát, học nói vừa kích thích trí nhớ.
Học mà chơi
Thông qua các trò chơi gây hứng thú, cha mẹ có thể khuyến khích con bày tỏ quan điểm đúng - sai, mô tả hay chia sẻ suy nghĩ của bản thân về sự vật, sự việc.
Hãy cho con được ra ngoài nhiều hơn để đón nhận và học hỏi những điều mới mẻ, đây cũng là cách làm tăng vốn từ vựng cho trẻ.
Dạy bé tập nói tùy theo độ tuổi
Sau giai đoạn làm quen và học bắt chước theo giọng nói của ba mẹ, con đang dần thích nghi và có thể bật tiếng tốt hơn. Đây cũng là lúc mà ba mẹ nên nghiêm túc dành thời gian để dạy bé tập nói những từ cơ bản nhất theo từng độ tuổi.
- Ngay từ 5-9 tháng tuổi cha mẹ có thể dạy con những từ đầu tiên như những nguyên âm o, a, và e.
- 12 tháng - 17 tháng tuổi: Bắt đầu cho con bắt chước các phụ âm như b, d, m, n, p rồi cho con tập nói các từ như pa, ba, da, na,...
Ở giai đoạn này, bé có thể sẽ gặp nhiều khó khăn vì còn mới tập, nên ba mẹ không nên nóng vội gây áp lực khiến bé sợ. Ngoài ra, những lúc ở nhà với con, hãy đa dạng hóa cách dạy bé tập nói, như cầm vào đồ vật nào đó, và dạy bé nói tên của vật đó. Chọn những đồ vật có 1 từ, rồi sau đó tăng dần độ khó lên.
- Các bé từ 18 tháng tuổi: Bạn có thể bắt đầu dạy trẻ những câu mệnh lệnh, đây là giai đoạn con có thể nói được tầm 20 từ. Hãy chọn những câu ngắn và dễ trong những hoạt động thường ngày để giúp con nói dễ dàng hơn.
- Bé từ 2.5 - 4 tuổi: Tăng khả năng giao tiếp ngôn ngữ cho bé bằng cách khuyến khích con nói các câu dài, nghe kể chuyện, đóng kịch... Để khơi gợi hứng thú cho con, bạn có thể hỏi nhiều câu hỏi như: “hôm nay con ở trường đã làm những việc gì? Con chỉ cho mẹ cách chơi nhé?”
Dù ở lứa tuổi nào thì việc thường xuyên dành thời gian chơi, trò chuyện và khuyến khích trẻ nói chính là cách hiệu quả nhất để hiểu hơn về con, cũng như cho trẻ cơ hội học nói.
Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà mẹ có thể áp dụng cách dạy trẻ biết nói tương ứng. Bạn không nên quá nóng ruột và ép trẻ học nói nhanh. Mọi thứ hãy thật chậm rãi và chắc chắn, để bé có cơ hội tiếp thu dễ dàng, bắt chước tốt một cách thích thú mà không lo sợ. Hơn nữa, cũng đừng quên khen ngợi con mỗi khi con đọc đúng từ nào đó. Đây sẽ là động lực để bé tiếp tục tập nói vui vẻ và ngoan ngoãn hơn.
Đối với những trường hợp khác khi chậm nói là một biểu hiện của các tình trạng bệnh lý hay tâm lý, việc điều trị các nguyên nhân nên được đặt lên hàng đầu, phối hợp với việc luyện tập nói cho trẻ sẽ mang lại hiệu quả.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc vẫn chưa được khoa học chứng minh tính hiệu quả. Nếu cha mẹ nhận thấy con có dấu hiệu chậm nói và không thể hỗ trợ cải thiện thì nên tìm tới các chuyên gia để tìm ra giải pháp. Chậm nói kéo dài không được điều trị sớm sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ và khiến việc điều trị khó khăn hơn.
About the author
Đặng Nguyệt