Thay vì được đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô thì giờ đây lớp học của các con chủ yếu diễn ra trên các ứng dụng học tập trực tuyến. Cách học này vừa bảo vệ sức khỏe của các con vừa giúp các con duy trì việc học và kết nối với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, học tập trực tuyến khiến thời gian sử dụng mạng internet nhiều hơn kéo theo gia tăng nguy cơ về sự an toàn, quyền riêng tư cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ.
Vậy bố mẹ có thể làm gì để bảo vệ con yêu? Dưới đây là 9 cách giúp bố mẹ đảm bảo an toàn cho con khi sử dụng mạng internet.
Thảo luận với con về các hoạt động trên internet
Ngay khi con bắt đầu sử dụng internet, hãy nói chuyện với con để biết con đang đọc, đang xem những thông tin gì hay đang kết nối với ai trên mạng. Bố mẹ nên duy trì việc này thường xuyên. Bố mẹ có thể hỏi con về những trang web con xem, những ứng dụng con đang sử dụng và dành thời gian xem chúng cùng con. Việc chia sẻ với con về những gì phù hợp, những gì không nên xem ở độ tuổi của con là cách khá tốt giúp bố mẹ gắn kết cũng như giúp con nhận thức đúng về việc bảo vệ bản thân trước vô vàn nguy hiểm tiềm ẩn trên internet.
Điều quan trọng là bố mẹ cần giúp con biết được rằng mạng internet không phải là một nơi riêng tư. Mọi hành động, lời nói, cách cư xử của con với mọi người đều có thể được ghi lại và phát tán trên mạng. Vì vậy, các con cần biết thể hiện bản thân một cách đúng đắn, có chừng mực.
Hãy để máy tính và các thiết bị điện tử ở nơi bố mẹ có thể nhìn thấy và quản lí
Bố mẹ cần kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội của con, đặc biệt là các bé nhỏ. Hãy để máy tính ở vị trí thuận tiện cho việc quản lí của bố mẹ - nơi bố mẹ có thể dễ dàng quan sát và biết được con bạn đang xem gì, làm gì trên mạng internet.
Với các thiết bị di động, bố mẹ có thể cài đặt mật khẩu để con không thể sử dụng khi không có bạn hoặc thỏa thuận rằng con sẽ không được sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc chơi game mà không có sự có mặt của bạn.
Với những trẻ nhỏ hơn, bạn có thể xem phần lịch sử truy cập để biết con đã xem những trang web gì, liệu chúng có phù hợp, an toàn với trẻ hay không. Với trẻ lớn thì cách này có thể sẽ không hiệu quả vì trẻ đã biết cách xóa lịch sử truy cập sau khi sử dụng. Vì vậy, việc giáo dục con về cách sử dụng mạng internet ngay từ sớm càng trở nên quan trọng.
Cài đặt và sử dụng các ứng dụng, tính năng bảo mật, hạn chế truy cập vào các trang web xấu
Khi sử dụng mạng internet, các con có thể truy cập vào vô vàn trang web, cả tốt lẫn xấu. Đôi khi vì vô tình, con có thể ấn vào một đường link lạ dẫn đến một trang web đen có chứa các nội dung kích động, bạo lực hay khiêu dâm,… mà không hề hay biết. Để hạn chế điều này, bố mẹ nên biết cách sử dụng các biện pháp kiểm soát an toàn, hạn chế tìm kiếm,… do trình duyệt web hoặc nhà cung cấp dịch vụ internet và thiết bị cung cấp cho bạn. Ví dụ: tính năng Bộ lọc Tìm kiếm an toàn trên Google sẽ chặn các trang web có tài liệu khiêu dâm, bạo lực. Để bật tính năng này, ban có thể thực hiện theo các bước đơn giản sau:
Bước 1: truy cập vào google.com.vn
Bước 2: trên trang Google.com.vn
Vào cài đặt => chọn ‘cài đặt tìm kiếm’
Bước 3: “Tick” vào ô “Bật tìm kiếm an toàn”. Sau đó click vào “Khóa tìm kiếm an toàn”.
Bước 4: Google sẽ yêu cầu bạn nhập tài khoản Gmail vào để Khóa tìm kiếm an toàn. “Chọn khóa tìm kiếm an toàn” để hoàn tất cài đặt.
Bước 5: Hoàn tất cài đặt.
Trên giao diện này, bạn cuộn đến cuối trang chọn nút “Lưu” để hoàn tất việc cài đặt.
Nắm được danh sách bạn bè của con
Bố mẹ đều biết rằng không phải ai trên mạng xã hội cũng là người tốt. Tuy nhiên, nếu các con không được giáo dục để trở nên khôn ngoan trên mạng ngay từ sớm thì với niềm tin ngây thơ của mình, các con sẽ không thể đánh giá được người các con đang trò chuyện trên mạng là tốt hay xấu.
Bố mẹ hãy đảm bảo mình kết bạn và theo dõi các bài đăng của con. Các con có thể không thích điều này và chống đối nhưng bố mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn và cho con biết rằng đó là điều kiện để con được phép sử dụng mạng xã hội.
Chia sẻ để giúp con nhận thức đúng đắn về quyền riêng tư của bản thân
Việc con bạn đăng tải các bài đăng trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân hoặc hình ảnh của trẻ sẽ bị công khai. Trẻ có thể không nhận thức đầy đủ và hiểu hết hậu quả của việc tiết lộ thông tin cá nhân. Bố mẹ nên dạy con thận trọng và suy nghĩ kỹ về những gì sẽ đăng và chia sẻ. Khuyến khích con kiểm tra kỹ để đảm bảo các thông tin các nhân quan trọng như tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, email, tên trường học,… có cần thiết xuất hiện trong bài đăng không trước khi đăng bất cứ điều gì, đặc biệt khi chia sẻ những thông tin này cho người lạ.
Nếu con bạn định chia sẻ ảnh hoặc bài đăng trực tuyến, hãy đề nghị con cho phép bạn xem những gì sắp chia sẻ hoặc nhờ anh chị em lớn tuổi trong nhà kiểm tra xem những bức ảnh, bài đăng đó có phù hợp để đăng lên mạng hay không.
Kiểm soát chính những gì bố mẹ đăng lên mạng xã hội
Không chỉ có con trẻ, bố mẹ cũng cần kiểm soát mọi thông tin, hình ảnh mà mình đăng tải. Bất cứ điều gì được chia sẻ công khai đều chứa đựng rủi ro lớn là chúng có thể được sử dụng theo những cách mà bạn có thể không ngờ tới và không thể kiểm soát. Bạn cũng nên nhớ rằng thông tin đưa lên mạng sẽ được lưu lại vĩnh viễn. Vì lý do này, trẻ em và thanh thiếu niên cần phải thông minh trong việc bảo vệ hình ảnh và thông tin của mình. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những bậc cha mẹ thường xuyên đăng ảnh của con mình lên mạng.
Hãy dạy con bạn chỉ chia sẻ thông tin với những người mà chúng biết và tin tưởng. Thay vì đăng cho tất cả bạn bè trên phương tiện truyền thông xã hội, hãy khuyến khích con chọn lọc và sử dụng cài đặt quyền riêng tư trên nền tảng mạng xã hội mà con sử dụng.
Giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con
Theo khuyến cáo của “Hướng dẫn về hoạt động thể chất và hành vi ít vận động” của Úc, trẻ em từ 5 đến 17 tuổi không nên sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày. Vì vậy, hãy giới hạn thời gian online của con bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ để đảm bảo trẻ không hình thành thói quen xấu. Bạn có thể thảo luận với con về khoảng thời gian con sẽ sử dụng internet trong ngày.
Khi trẻ đã đồng ý, bạn cần nhắc nhở trẻ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận. Bố mẹ cũng nên tắt Wifi gia đình vào một thời điểm nhất định trong ngày (lý tưởng nhất là trước khi đi ngủ) để các thành viên có khoảng thời gian ‘tạm ngưng’ sử dụng internet. Bạn cũng có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời cho cả gia đình như đi dã ngoại để hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị di động cũng như gắn kết tình cảm gia đình.
Hiểu biết về các mạng xã hội và ứng dụng mà trẻ sử dụng
Muốn bảo vệ con, đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho con về an toàn trên internet thì bố mẹ cần biết cách sử dụng, cài đặt bảo mật, cơ chế báo cáo của các mạng xã hội và ứng dụng mà con bạn đang dùng. Bố mẹ hãy tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan về mạng xã hội để có thể dạy con cách:
* Báo cáo các bài đăng không phù hợp hoặc mang tính xúc phạm.
* Chặn ai đó khi con cảm thấy bị quấy rầy hay đe dọa.
* Giữ gìn các thông tin riêng tư của bản thân.
Làm gương cho con
Trẻ con thường bắt chước theo các hành vi của người lớn. Vì vậy, bố mẹ hãy là tấm gương sáng cho con trong việc sử dụng mạng internet một cách tích cực, hiệu quả và an toàn. Từ đó, trẻ cũng sẽ giảm thiểu thời gian dùng các thiết bị điện tử.
Trong thời đại số 4.0, việc trẻ tiếp xúc với internet sớm và thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ. Tuy nhiên, thay vì gieo rắc nỗi sợ hãi hoặc cấm cản trẻ khiến trẻ không trải nghiệm được nhiều lợi ích giáo dục, giải trí của internet, bố mẹ hãy giáo dục, cung cấp cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết để con vừa biết cách tận dụng tối đa những lợi ích vừa bảo vệ được bản thân khỏi những nguy hiểm có thể gặp trên internet.
About the author
Thảo Nguyễn