Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Theo TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.
Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng dù tỷ lệ thấp nhưng ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh như tiếp xúc trực tiếp với những người nhiễm Covid-19 (ăn chung, nói chuyện không đeo khẩu trang).
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ có miễn dịch bảo vệ lâu hơn, tuy nhiên, một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.
Đặc biệt trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.
Ngoài những trường hợp lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.
Theo WHO, nguy cơ tái nhiễm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tối, tuy nhiên:
- Những người chưa tiêm vaccine hoặc sức khỏe không tốt, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid-19 hơn so với những người khác.
- Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19.
Người bệnh tái nhiễm vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.
Những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu Covid-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm.
Theo các bác sĩ, tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 không cao và nếu mắc dù là biến thể mới thường có triệu chứng nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19. Nhưng cũng không nên xem thường vì những người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân.
Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có).
Các chuyên gia khuyến cáo, người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, lại không tuân thủ nguyên tắc 5K sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, điều quan trọng để hạn chế tái nhiễm là mọi người cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện thể dục thể thao, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi thư giãn và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để chống lại các đợt tấn công mới của virus gây bệnh.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cho dù đã là F0 khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm.
Chi
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.