Có rất ít các bạn nhỏ thích rửa bát, quét nhà, dọn đồ chơi, lau chùi kệ sách, dọn nhà vệ sinh, phơi quần áo, cọ nhà vệ sinh… Mặc dù vậy đối với trẻ thì thói quen làm việc nhà từ sớm sẽ giúp các con tự quản lý tốt cuộc sống của mình sau này. Vậy việc dọn nhà liệu có liên quan đến cuộc sống độc lập và tự chủ khi lớn lên?
Theo một cuộc khảo sát do Braun research thực hiện thì có tới 82% cha mẹ cho biết họ có làm việc nhà khi còn nhỏ nhưng chỉ có 28% con của họ làm việc nhà. Ngoài ra theo một nghiên cứu khác của Kennedy - Moore vào năm 2013 thì các công việc nhà liên quan đến kỹ năng sống và sự cảm nhận hạnh phúc của chúng ta khi lớn lên.
Nếu nhìn thói quen làm việc nhà ở một khía cạnh khác thì đây là điều cần thiết để chúng ta độc lập và trưởng thành hơn. Sau đây là một số lợi ích của việc hình thành cho trẻ thói quen làm việc nhà.
Lợi Ích Khi Trẻ Có Thói Quen Làm Việc Nhà
Làm việc nhà là cách trẻ học về kỹ năng sống
Trẻ nhỏ và cả trẻ tuổi teen khi sống cùng gia đình thì có thể thói quen làm việc nhà chưa thể hiện hết giá trị. Nhưng hãy thử tưởng tượng trẻ đi học xa nhà, đi học đại học, đi du học hoặc cha mẹ đi công tác sẽ thế nào? Hình thành thói quen làm việc nhà ngay từ sớm là cách cha mẹ đang dạy con thực hành kỹ năng sống để khi không ở cùng gia đình có thể tự phục vụ bản thân một cách đầy đủ. Thói quen tốt này giúp con có lối sống gọn gàng, chủ động, học tập và làm việc hiệu quả hơn khi lớn lên.
Giúp trẻ học được tính kiên nhẫn, trách nhiệm và sự độc lập
Khi hiểu được rằng làm việc nhà là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình bao gồm cả chính mình thì trẻ sẽ cảm thấy việc làm này có ý nghĩa, được ghi nhận nên sẽ tự giác làm hơn. Thói quen làm việc nhà một cách tự giác giúp con nghĩ cách để làm cẩn thận hơn, chủ động tìm các cách làm tốt và nhanh hơn vào những lần sau, kiên trì tìm cách để hoàn thành công việc một cách đúng hạn. Những điều này giúp trẻ không những có thói quen làm việc nhà mà còn học được tính kiên nhẫn, trách nhiệm và sự độc lập.
Ví dụ nếu hôm nay con phải làm 3 việc là quét nhà, bấm máy giặt và phơi quần áo thì sau khi quét nhà con còn mất thời gian chờ máy giặt xong để phơi. Khi hiểu rằng nhiệm vụ này của mình trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm là cần bấm máy giặt trước rồi mới đi quét dọn nhà để rút ngắn thời gian chờ đợi. Làm tốt các công việc nhà sẽ giúp cho môi trường xung quanh con luôn gọn gàng sạch đẹp và cũng thể hiện rằng trẻ đang tổ chức tốt cuộc sống của mình.
Học hỏi kỹ năng làm việc nhóm
Cả gia đình cùng nhau làm việc nhà vào một ngày cố định trong tuần như thứ 7 hoặc tối thứ 6 là cách tự nhiên nhất để con hình thành thói quen làm việc nhà và cũng học được kỹ năng làm việc nhóm. Khi làm việc cùng nhau, trẻ sẽ quan sát cách tương tác giữa mọi người và hiểu rằng có những lúc cần làm việc nhóm để công việc thuận lợi và nhanh hơn. Ngược lại nếu chỉ một mình con phải làm việc nhà mà không có sự gắn kết với cha mẹ hoặc anh chị em thì con không hiểu được vai trò và cách thực hành kỹ năng làm việc nhóm.
Củng cố sự tôn trọng giữa cha mẹ và con cái
Đây là một mối quan hệ hai chiều: trẻ sẽ hiểu rằng mình cần tôn trọng cha mẹ và chủ động học cách làm việc nhà để san sẻ trách nhiệm. Còn cha mẹ cũng thể hiện cho con thấy mình tôn trọng con như một người độc lập và vì thế cần có những trách nhiệm cụ thể để vun vén cho gia đình.
Gắn kết tình cảm gia đình
Không hiếm gặp các gia đình chỉ có cha mẹ làm việc nhà mà không phân chia công việc cho các con. Điều này vô tình khiến con thấy ỷ lại, không biết quý trọng công sức và tình yêu thương của cha mẹ. Ngược lại khi có sự san sẻ các công việc trong gia đình trẻ sẽ hiểu hơn những vất vả của cha mẹ, có thêm thời gian tương tác và trò chuyện cùng nhau và vì thế củng cố mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Để Hình Thành Thói Quen Làm Việc Nhà Cho Trẻ
Thói quen làm việc nhà rất có lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ không chỉ về ý thức, kỹ năng mà còn giúp trẻ có thể tự học và trau dồi kiến thức sau này. Có một thực tế là để cha mẹ rèn cho trẻ thói quen là không dễ dàng bởi thành thật mà nói những công việc nhà vốn không đủ thú vị như khi chơi điện tử, đá bóng với bạn bè hay chỉ là nằm ườn trên ghế. Tuy vậy nếu cha mẹ tiếp cận bằng cách khác và giúp con hiểu rằng làm việc nhà có ích và cần thiết thì hoàn toàn có thể thay đổi thái độ của trẻ với các công việc nhàm chán này.
Cùng con kể tên các công việc nhà và tác dụng của nó
Thao tác này khá đơn giản nhưng đôi khi cha mẹ quên mất hoặc nghĩ rằng nó không có tác dụng. Thực ra với tâm lý của trẻ thì các con vẫn luôn muốn mình được tôn trọng như một người lớn. Con chưa có sự tổng hợp thông tin và logic nên cần cha mẹ cùng con nhận biết và gọi tên những việc nhà cần làm để mình được sống trong ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ.
Gợi ý là cha mẹ cùng con đi khắp nhà rồi giới thiệu tên các công việc như quét nhà, lau cửa kính, lau tủ bếp, lau tủ lạnh, cọ nhà vệ sinh, cho quần áo vào máy giặt và phơi/sấy quần áo, tưới nước cho cây, nấu ăn…
Tạo hứng khởi cho trẻ
Trẻ em rất chóng chán. Bố mẹ cần nắm bắt được tâm lý này để biến việc dọn nhà thành niềm vui, sự hào hứng bằng một số cách như: cùng bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa với những bản nhạc mà các bé thích, vừa làm vừa hát hoặc nhún nhảy theo điệu nhạc để quên cảm giác mình đang “làm việc”. Hoặc tạo ra một cuộc thi nhỏ xem ai làm nhanh hơn, làm tốt hơn giúp cho trẻ có động lực phấn đấu và cố gắng hoàn thành tốt công việc mà mình được giao.
Cha mẹ hướng dẫn con sử dụng các dụng cụ để làm việc nhà
Điều này là cần thiết để con cảm thấy làm việc nhà cũng quan trọng và cần kỹ năng, hiểu biết về các dụng cụ. Nếu đứa trẻ chỉ được bảo là hãy làm việc nhà đi mà không được hướng dẫn sử dụng các thiết bị cần thiết dù đơn giản nhất cũng khiến con mơ hồ và không biết mình nên bắt đầu từ đâu để thực hiện. Một số cha mẹ nghĩ rằng con đã quan sát đủ nhiều nên có thể “tự biết” cách cầm chổi quét nhà và hót rác, con cũng có thể “tự biết” cách sử dụng rô bốt hút bụi hay chổi lau nhà… Thực tế là dù vậy thì cha mẹ vẫn nên kể tên và hướng dẫn con sử dụng các loại dụng cụ làm việc nhà đúng cách để thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng.
Gợi ý là cha mẹ hãy thử hỏi rằng “Con có biết cách sử dụng cái hót rác này không”, “Con có biết nút này để làm gì không?”, “Cái cây lau nhà này con có thể …”. Những gợi ý cụ thể và kèm các câu hỏi gợi mở là cách để con thể hiện những gì mình đã quan sát thấy cũng như hình thành thói quen làm việc nhà một cách chủ động. Ngoài ra khi đã hướng dẫn đầy đủ, cha mẹ có thể trao quyền và để con thực hiện theo cách sáng tạo của mình.
Có sự phân chia việc nhà một cách công bằng và phù hợp lứa tuổi
Có khá nhiều cha mẹ phàn nàn rằng con họ không chịu làm việc nhà, khi được phân chia thì lại tìm ra cớ để tị nạnh nhau. Để khắc phục điều này, cha mẹ có thể cùng con trao đổi về việc các con muốn làm và có thể làm tốt để phân chia phù hợp đồng thời định kỳ tráo đổi cho nhau để các con đều thành thạo các công việc trong gia đình. Cha mẹ cũng là người cần tham gia vào việc nhà để trẻ cảm thấy công bằng.
Ví dụ cha có thể lau chùi quạt, mẹ cọ nhà vệ sinh, trẻ lớn thì phơi quần áo trong máy giặt, trẻ nhỏ hơn thì dọn đồ chơi, giá sách… Sau đó định kỳ mỗi tuần hoặc tháng có thể mọi người đổi công việc cho nhau và hướng dẫn người tiếp nhận cách thực hiện cũng như các lưu ý để làm tốt hơn.
Ngoài ra khi phân chia việc nhà cần có bảng ghi các công việc và tên người phụ trách một cách công bằng rồi dán lên tủ lạnh hoặc “bảng tin” của gia đình.
Cha mẹ cùng con trao đổi về lợi ích của thói quen làm việc nhà
Cha mẹ hãy cùng con phân tích các lợi ích của thói quen làm việc nhà dựa theo những gợi ý bên trên. Việc làm này nhằm mục đích giúp con hiểu một điều là làm việc nhà không vô nghĩa, nó sẽ tác động một cách gián tiếp lên lối sống và cả tương lai sau này. Gợi ý là các bạn nhỏ luôn muốn thấy mình quan trọng. Vì thế cha mẹ hãy trò chuyện về “tương lai” khi con đi học xa nhà hoặc bố mẹ đi công tác xa nhà thì con cần làm tốt vai trò của mình để nhà cửa luôn gọn gàng. Muốn vậy con cần hình thành thói quen tốt và chỉ khi nó đã trở thành quen thuộc thì công việc nhà mới không còn nhàm chán.
Hãy khen ngợi con
Cha mẹ đừng quên khen ngợi con vì đã có cố gắng và tiến bộ khi làm các công việc nhà. Ai cũng có nhu cầu được động viên và ghi nhận, các bạn nhỏ cũng vậy. Vì thế thay vì coi đó là một chuyện hiển nhiên con cần làm, cha mẹ hãy khen con “Hôm nay con đã quét nhà rất sạch đấy”, “Con gấp quần áo rất nhanh và gọn gàng”, “Ái chà con lau tủ sáng bóng nhỉ. Con chỉ dùng nước thôi hay là thêm chất tẩy”...
Những công việc nhà là một phần trong cuộc sống của chúng ta và trẻ sẽ không cảm thấy lười hay ngại nữa nếu nó được rèn luyện từ sớm để trở thành thói quen. Cha mẹ hãy giúp con hiểu được điều này và bắt đầu thực hành ngay hôm nay bằng cách thử thực hiện theo các gợi ý bên trên để tạo cho trẻ thói quen làm việc nhà và tận hưởng các lợi ích từ nó nhé.
About the author
Hà Phương