Mỹ: Tuyệt vọng tìm kiếm người mang thai hộ

ĐỜI SỐNG

Mỹ: Tuyệt vọng tìm kiếm người mang thai hộ

authorBy Chi
Share on
Share on
Mỹ: Tuyệt vọng tìm kiếm người mang thai hộ

Charlie Lee (31 tuổi) và chồng của anh muốn có con. Nhưng họ đang phải đối mặt với một trở ngại lớn: Họ có 12 phôi thai sống sót, nhưng tìm thấy người sẽ mang thai chúng, theo New York Times.


Cặp đôi đã dành hơn một năm để tìm người mang thai hộ. Tháng 1 năm 2021, công ty dịch vụ thông báo rằng họ sẽ tìm được người thích hợp trong vòng 6 tháng. Nhưng 15 tháng sau, họ vẫn đang chờ đợi.


Trước đại dịch, các bà mẹ mang thai hộ thường được trả khoảng 35.000USD (mức phí thường do người mang thai hộ và công ty đại diện của họ quyết định). Ngoài ra, thời gian chờ đợi là khoảng 3-6 tháng.


Giờ đây, anh Lee và chồng, đã tạo phôi thai thành công bằng cách sử dụng trứng của người hiến tặng, đã tăng mức chi trả lên 50.000USD cộng với phí y tế và các khoản như quần áo thai sản và chi phí di chuyển.


“Chúng tôi lo lắng nhưng chỉ biết chờ đợi, không thể làm gì khác vào lúc này”, anh nói.


Lee và chồng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự như hàng nghìn bậc cha mẹ khác - họ hầu hết là các cặp đồng tính hoặc các cặp vợ chồng đang phải đối mặt với các vấn đề sinh sản. Hiện nay ở Hoa Kỳ số lượng người có khả năng mang thai hộ đã giảm khoảng 60%, cùng thời gian chờ tăng gấp đôi và phí cao hơn đáng kể - Thông tin từ 10 công ty đã chia sẻ với The New York Times.


Thách thức 


Theo Jeff Hu, người sáng lập và là giám đốc của SurrogateFirst ở Los Angeles, vaccine Covid-19 là một trong những vấn đề tạo nên sự thiếu hụt người mang thai hộ. Ông Hu nói, một số người mang thai hộ không muốn tiêm phòng dịch. Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ mong muốn họ làm vậy vì nghiên cứu cho thấy người mẹ sẽ truyền kháng thể cho trẻ trong tử cung. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy Covid-19 gây ra nhiều rủi ro cho thai kỳ.


Bất đồng về vắc xin chỉ là một vấn đề nhỏ. Nhiều người mang thai hộ, chính họ là những người mẹ, và giống như rất nhiều người trong chúng ta họ cũng phải vật lộn với đại dịch để nuôi dạy con cái và tất cả những hệ lụy mà Covid-19 kéo theo. Do đó, họ (nhiều người trong số họ là vợ quân nhân thất nghiệp tìm đến dịch vụ mang thai hộ để tăng thu nhập cho gia đình) còn khá miễn cưỡng khi phải thực hiện bất kỳ cam kết nào vào lúc này, theo bác sĩ Deepika Garg, trợ lý giáo sư Trường Y Đại học Yale. 


Thêm vào đó, các hợp đồng mang thai hộ yêu cầu cam kết từ 9 tháng đến 1 năm và điều này hạn chế việc đi lại của rất nhiều người. Sẽ chẳng ai muốn lại phải ngồi im một chỗ sau 2 năm ảnh hưởng từ đại dịch.


my-tuyet-vong-tim-kiem-nguoi-mang-thai-ho-1.jpg

Shea Eschman, sống ở Yukon, Okla., đang mang song thai cho một cặp đôi đồng giới sống ở Ý - Ảnh: September Dawn Bottoms/The New York Times


Việc mang thai hộ cũng thường rất tốn kém, đó là một trong những lý do khiến một số cặp vợ chồng Mỹ chuyển sang mang thai hộ ở nước ngoài, với mức phí thấp hơn đáng kể. Nhưng quá trình này rất phức tạp và có thể mất nhiều tháng, bao gồm chuẩn bị lấy trứng, trải qua các phương pháp điều trị sinh sản, chuyển phôi và xác nhận một thai kỳ khỏe mạnh.


Hơn nữa, nhiều quốc gia nước ngoài cấm mang thai hộ cho các cặp đồng tính. Do đó, việc có người mang thai hộ sống gần nhà hơn là điều nên làm hoặc là lựa chọn duy nhất đối với một số người.


Cuối cùng, vấn đề tưởng không liên quan nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường mang thai hộ. Đó là chiến tranh tại Ukraine, nơi cho phép các thỏa thuận mang thai hộ nước ngoài và theo một số ước tính đây là trung tâm mang thai hộ lớn nhất trên thế giới. Cuộc chiến ở đó đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đau đớn: những người mang thai hộ kinh hoàng, lo sợ cho sự an toàn của họ và những người làm cha mẹ không thể tiếp cận đứa con mới sinh của họ. Tờ Times gần đây đã đưa tin về gần hai chục đứa trẻ mang thai hộ đang ẩn náu với các bảo mẫu trong một tầng hầm ở Kyiv, không rõ số phận của chúng.


9 tháng đợi chờ để được gặp con


Đối với những người mang thai hộ cho người nước ngoài, những thách thức còn lớn hơn.


Mirjam Johns, 37 tuổi,mang thai hộ cho một bà mẹ đơn thân sống ở Trung Quốc, nơi việc mang thai hộ là bất hợp pháp - mặc dù công dân Trung Quốc có thể thuê người đẻ thuê người nước ngoài một cách hợp pháp. Cô sinh ra một bé gái sinh ngày 27 tháng 1 năm 2021.


Quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ cho tới khi cô sinh con. Do đại dịch, dịch vụ hộ chiếu của Mỹ bị ngừng hoạt động và tình trạng thiếu nhân công, các thủ tục giấy tờ cần thiết từ Đại sứ quán Trung Quốc để đưa em bé về với mẹ đã bị trì hoãn, cô Johns nói.


Cô Johns được ủy quyền đưa con về nhà chăm sóc. Sau đó, cô nộp đơn xin hộ chiếu của em bé và sau đó cần phải nộp đơn xin thị thực Trung Quốc, vì em bé không thể nhận được hộ chiếu Trung Quốc cho đến khi trở về Trung Quốc. Cô đã phải chăm sóc đứa trẻ trong 7 tháng, cho đến khi đứa trẻ có thể ở bên mẹ. Và thậm chí đưa em bé đi cùng trong hai kỳ nghỉ với chồng và ba con trai.


my-tuyet-vong-tim-kiem-nguoi-mang-thai-ho-2.jpg

Mirjam Johns - Ảnh: Anna Ottum/The New York Times


Khi thủ tục giấy tờ cuối cùng đã được hoàn thành và đứa bé được làm thủ tục rời khỏi Hoa Kỳ, một bảo mẫu mà người mẹ dự định thuê đã đưa cô bé trở về Trung Quốc có kết quả dương tính với Covid. Em bé tiếp tục cho kết quả dương tính trong 6 tuần. Cuối cùng khi kết quả xét nghiệm âm tính, cả 2 phải trải qua cách ly bắt buộc ở Thượng Hải và 10 ngày sau, mẹ em bé mới được phép đón con gái mình. Đó là vào tháng 10 năm 2021, 9 tháng sau khi đứa trẻ được sinh ra.


Tăng giá chóng mặt


Eran Amir, 44 tuổi, người sáng lập GoStork - nơi các bậc cha mẹ dự định có thể so sánh và kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ sinh đẻ (bao gồm cả các công ty mang thai hộ) cho biết, anh đã thành lập công ty để minh bạch hơn về quy trình mang thai hộ.


Amir và chồng của mình, Mike Gowen, đã sử dụng dịch vụ mang thai hộ 2 lần và hiện đang bắt đầu quá trình thứ ba. Họ đã trả tổng cộng khoảng 200.000USD cho lần mang thai đầu tiên vào năm 2017: 35.000 đô la cho phí sàng lọc người hiến trứng, hiến trứng, bảo hiểm người hiến trứng, phí đại lý hiến tặng trứng, chi phí đi lại và phí pháp lý; 35.000USD cho I.V.F., bao gồm lấy trứng, tạo phôi và chuyển phôi; và hơn 120.000USD cho quy trình mang thai hộ, bao gồm khoản 35.000USD cho người mang thai, cộng với phí bảo hiểm, phí pháp lý, sàng lọc, chi phí đi lại... Lần thứ hai, vào tháng 9 năm 2020, họ trả 150.000USD.


Amir nói: “Chưa kể chi phí hàng tháng, quần áo cho bà bầu, mát-xa trước khi sinh, bác sĩ trị liệu…”


my-tuyet-vong-tim-kiem-nguoi-mang-thai-ho-3.jpg

Eran Amir (phải) và chồng, Mike Gowen - Ảnh: Yehyun Kim/The New York Times


Shirley Zager, một nhà tư vấn và là chủ sở hữu của Parenting Partners cho biết, trước khi đại dịch xảy ra, những người mang thai hộ thường yêu cầu mức phí từ 30.000-35.000USD. Hiện tại, con số có thể lên tới 75.000USD. Bà Zager nói: “Họ biết rằng họ có thể yêu cầu nhiều hơn thế. Một số người thậm chí còn đưa ra các yêu cầu khác như làm thon bụng sau khi sinh, đi spa, phục hồi sức khỏe…”


Mặc dù khó khăn, nhưng một số công ty vẫn tiếp tục chào mời rằng phụ huynh sẵn sàng thưởng tiền mặt cho những người mang thai hộ sẵn sàng tiêm vaccine. Một số khác tăng ngân sách quảng cáo và triển khai chương trình vận động mang thai hộ.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!