Bố mẹ cần nhớ - Để trẻ không còn sợ đi khám răng

MẸ & BÉ

Bố mẹ cần nhớ - Để trẻ không còn sợ đi khám răng

authorBy Hà Phương
Share on
Share on
Bố mẹ cần nhớ - Để trẻ không còn sợ đi khám răng


Nói đến đi khám răng rất nhiều trẻ sợ hãi. Có trẻ chỉ cần đi gần đến bác sĩ nha khoa đã khóc ngất lên. Có bé bác sĩ chưa động vào răng đã kêu đau. Tuy vậy một số trẻ khác lại khá bình tĩnh và ngồi yên hợp tác. Vì sao lại có sự đối lập này? Có những bé không bị đau khi làm răng hay bố mẹ đã có cách nào để việc khám răng không còn sợ hãi?


Tôi đã bắt gặp những bạn nhỏ 3 tuổi hay 6 tuổi khóc ré lên ngay cả khi chưa bước vào cửa phòng khám. Có bạn đến khám nhưng phải đi về vì không hợp tác với bác sĩ và bố mẹ thì mệt mỏi vì không thể giữ nổi do bạn giãy quá mạnh.


Khi đưa con trai 5 tuổi đi khám răng lần đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng cậu bé có thể rất sợ hãi và chống đối. Khi đó con có những chiếc răng hàm bị sâu khiến một bên má sưng lên. Thậm chí chỉ cần ai đó chạm nhẹ vào má đã khiến con nhăn mặt vì đau. Tuy vậy sau khi mẹ áp dụng một số cách thì con rất tự tin ngồi lên ghế và không hề la khóc. Con hợp tác tốt và tự làm mọi việc theo yêu cầu.


Vậy làm thế nào để bé không còn sợ hãi khóc lóc khi đi khám hay điều trị răng? Sau đây là một số nguyên tắc bố mẹ cần nhớ.



Cùng Con Chuẩn Bị Tâm Lý Trước Khi Đi Khám Răng


Benjamin Franklin đã có câu nói nổi tiếng:“Thất bại trong khâu chuẩn bị nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho thất bại”

Việc chuẩn bị trước tâm lý và những điều kiện cần thiết giúp cho cả bố mẹ và con cảm thấy yên tâm và không sợ hãi việc đi khám răng. Nghe có vẻ phức tạp nhưng thực ra bố mẹ chỉ cần trấn an và mô tả rõ ràng, chân thực những điều con có thể phải trải qua là được.


Những đứa trẻ rất nhạy cảm và dễ dàng cảm thấy bất an khi đối mặt với sự kiện nào đó mới. Đặc biệt việc khám răng có thể coi là một “thử thách”. Không nên nói dối rằng khám răng không đau chút nào vì sẽ khiến con cảm thấy mình bị lừa.


Chúng ta có thể nói với con rằng:


- Việc khám răng và điều trị răng sâu của con có thể “hơi đau một chút” nhưng sẽ rất nhanh khỏi. 

- Bác sĩ sẽ xịt nước vào để làm sạch các kẽ răng và con có thể thấy hơi mát mát răng một chút, giống như “xịt cứu hỏa” vậy. Cảm giác này rất thú vị.

- Tay mẹ để ở cạnh con. Nếu con cảm thấy đau cứ cấu vào tay mẹ nhé.


Đây có thể là những gợi ý về cách trò chuyện của bố mẹ trước khi bác sĩ khám hoặc điều trị răng cho con. Khi bố mẹ bình tĩnh, con biết trước mình sắp trải qua điều gì thì việc khám răng không còn đáng sợ nữa.



Khiến Việc Khám Răng Trở Nên Thú Vị Hơn


Một số gia đình thường dọa trẻ rằng không ăn hoặc không ngoan thì đưa đi bác sĩ khoan răng. Điều này là hoàn toàn cấm kỵ vì nó khiến con sợ mặc dù chưa cả đi đến phòng khám. Thay vào đó bố mẹ hãy làm cho việc đến phòng khám nha khoa là trải nghiệm thú vị của con.


Gợi ý là bố mẹ có thể mở cho con xem trên mạng hình ảnh chiếc ghế khám răng và mô tả nó như một “chiếc ghế robot” có thể tự động điều chỉnh độ cao. Bé nào cũng thích những chú robot giải cứu thế giới và có phép thuật vì thế đây là một cách trò chuyện để con thấy thú vị hơn.


Hoặc cho trẻ đọc sách, chơi những trò chơi liên quan tới răng giúp trẻ thấy việc này gần gũi và vui vẻ hơn.


Cho Con Đi Khám Răng Định Kỳ


Không nên để con bị đau răng hoặc khi nhìn thấy lỗ sâu mới vội vàng đi khám. Điều này sẽ khiến trẻ sợ hãi và chống đối nhiều hơn vì nghĩ mình sẽ bị đau nhiều.


Theo khuyến cáo của Học viện nha khoa nhi Hoa Kỳ và Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ, bố mẹ nên lên lịch cho con đi khám răng ngay khi có chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên. Sau đó chúng ta nên định kỳ khám răng ít nhất là 6 tháng/1 lần để đảm bảo chăm sóc tốt cũng như phát hiện sớm răng sâu.

 

Đây cũng là cách để bé làm quen với phòng khám, các thiết bị, việc bác sĩ dùng các dụng cụ gõ và kiểm tra răng của mình. Khi đã hình thành thói quen thì trẻ sẽ không còn sợ hãi nữa còn bố mẹ cũng không cần lo lắng vì răng sâu của con.



Chăm Sóc Răng Miệng Cho Trẻ Từ Sớm


Việc chăm sóc răng miệng từ nhỏ và đều đặn giúp con có hàng răng trắng sạch, hạn chế bị sâu. Khi đó mỗi lần đi khám răng định kỳ sẽ dễ chịu hơn đi chữa răng sâu rất nhiều. Sau đây là các lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho trẻ:


- Trước khi răng mọc bố mẹ hãy giúp con vệ sinh lợi bằng vải ẩm, mềm sạch. 

- Khi có những chiếc răng sữa đầu tiên bố mẹ có thể giúp con đánh răng bằng bàn chải nhỏ mềm với lượng kem ít

- Khi con lớn hơn bố mẹ có thể hướng dẫn con tự đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng loại dành cho trẻ em

- Nên lựa chọn bàn chải mềm, kem đánh răng có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc hữu cơ vì trẻ nhỏ có thể vẫn chưa biết cách nhổ hết kem đánh răng ra.


Răng sâu không chỉ khiến con đau mà còn làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Có những bé biếng ăn chỉ vì khi nhai thức ăn bị nhét vào lỗ sâu khiến con bị đau. Vì thế chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách ngay từ sớm và áp dụng những gợi ý bên trên là cách tối ưu nhất giúp bé có hàm răng xinh xắn khỏe mạnh và con không phải khóc lóc sợ hãi nữa.

About the author

Trước khi trở thành một người viết nội dung chuyên nghiệp về chủ đề gia đình, xây dựng mối quan hệ và giáo dục Phương từng là nhân viên văn phòng với công việc kế toán trong 8 năm.


Đến với Her.vn, Hà Phương mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các độc giả để cùng tiến về phía trước. Phương cũng thích tìm hiểu các kiến thức về tâm lý, chữa lành, xây dựng sự nghiệp... để phục vụ công việc viết.

author

Hà Phương

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!