Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Trở lại thói quen tập luyện sau điều trị COVID-19 cần có hiểu biết và sự kiên trì để đạt được kết quả tối ưu và an toàn. Nếu quay trở lại tập luyện với cường độ cao và gấp rút có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bác sĩ y học thể thao James Borchers tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Không có phản ứng rõ ràng và thống nhất ở những người hồi phục sau COVID-19”. Điều đó có nghĩa là cơ thể mỗi bệnh nhân nhiễm COVID-19 là duy nhất, do đó, sự phục hồi sức khỏe cũng sẽ khác nhau, vì thế việc bắt đầu tập luyện trở lại sẽ được cá nhân hóa theo chỉ định của bác sĩ.
Dưới đây là các lời khuyên về vấn đề trở lại luyện tập thể dục thể thao sau khi nhiễm COVID-19 nhẹ hoặc vừa:
Điều quan trọng nhất mà mọi người nên nhớ là không tập thể dục khi vẫn còn các triệu chứng - sốt, mệt mỏi, khó thở. Thay vào đó, nên đợi cho đến khi hết triệu chứng từ 7 đến 10 ngày trước khi tiếp tục tập thể dục - Giáo sư y học vật lý và phục hồi chức năng Michael Fredericson, tại khoa phẫu thuật chỉnh hình tại Stanford Medicine, California, Mỹ.
Không bao giờ là tốt để tập thể dục khi bị ốm hoặc có triệu chứng nhiễm trùng. Nếu tập thể dục khi đang bị nhiễm virus, có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn, có thể dẫn đến các biến chứng khác.
Việc bắt đầu tập thể dục như thế nào sau COVID-19 tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bạn trước đó. Đối với hầu hết mọi người, có thể bắt đầu bằng việc đi bộ và tăng dần mức độ.
Hướng dẫn về thể dục một cách an toàn sau COVID-19 đã được David Salman, nhà nghiên cứu lâm sàng về chăm sóc sức khỏe tại Đại học Hoàng gia London và các đồng nghiệp đề xuất phương pháp tiếp cận bốn bước cho những người đã bị COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Các tác giả lưu ý rằng việc sử dụng thang Đánh giá về gắng sức Borg (RPE) có thể giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe và lựa chọn các hoạt động.
Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Giai đoạn 1: Các tác giả khuyến nghị 7 ngày trong giai đoạn đầu tiên của "hoạt động cường độ cực kỳ nhẹ (RPE 6-8)" với các bài tập linh hoạt và thở. Các hoạt động có thể bao gồm các công việc gia đình và đi bộ, giãn cơ và các bài tập yoga nhẹ nhàng.
Giai đoạn 2: Nên bao gồm 7 ngày thực hiện các hoạt động cường độ nhẹ (RPE 6-11) như đi bộ và yoga nhẹ, tăng 10-15 phút mỗi ngày ở mức RPE tương đương mức chịu đựng cho phép.
Các tác giả lưu ý rằng ở hai cấp độ này, chúng ta có thể trò chuyện trọn vẹn mà không gặp khó khăn trong quá trình luyện tập.
Giai đoạn 3: Có thể bao gồm các khoảng thời gian 5 phút đi bộ nhanh, lên và xuống cầu thang, chạy bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp. RPE 12-14 được khuyến nghị trong giai đoạn này và đảm bảo bạn có thể trò chuyện trong suốt quá trình hoạt động.
Giai đoạn 4: Cần thử thách sự phối hợp, sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng - các hoạt động như chạy, các bài tập kháng lực hoặc cardio, nhưng các bài tập không nên quá khó khăn (giảm 10% so với hoạt động bình thường).
Trong bất kỳ giai đoạn nào, bạn "nên theo dõi và lưu ý bất kỳ tình trạng mất khả năng hồi phục nào sau 1 giờ sau khi tập thể dục và vào ngày hôm sau như: khó thở bất thường, nhịp tim bất thường, mệt mỏi quá mức hoặc hôn mê”... Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy tìm tới bác sĩ để được thăm khám kỹ càng.
Chỉ tiếp tục chương trình nếu bạn cảm thấy ổn sau mỗi lần tăng mức hoạt động.
Sau khi hoàn thành bốn giai đoạn, bạn có thể sẵn sàng trở lại mức hoạt động trước COVID-19.
Việc hồi phục hoàn toàn để quay trở lại tập luyện có thể mất nhiều thời gian hơn những gì bạn mong đợi. Sự hồi phục và trở lại tập thể dục của mỗi người là trải nghiệm cá nhân, bạn sẽ phải theo dõi chặt chẽ sự tiến bộ của mình và chú ý đến các triệu chứng khi tập luyện.
Bất kỳ bệnh nhân COVID-19 nào có bệnh tim mạch hoặc phổi tiềm ẩn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục tập luyện, ngay cả khi không có triệu chứng.
Theo Giáo sư Fredericson, một số trường hợp COVID-19 có tình trạng viêm dữ dội khắp cơ thể, có thể ảnh hưởng đến cơ tim, gây viêm cơ tim, phát triển chứng loạn nhịp tim, đau tim… Vì vậy, đối với những bệnh nhân có các bệnh lý tiềm ẩn về tim hoặc phổi, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quay trở lại làm việc hoặc hoạt động thể chất.
Đối với những người mắc COVID-19 kéo dài có thể bị mệt mỏi quá mức với các hoạt động bình thường hàng ngày, cảm thấy đau đầu và hụt hơi khi làm những việc như lên xuống cầu thang hoặc đi lại… Những trường hợp này phải mất một thời gian dài để khỏe lại và không nên cố gắng tập thể dục trở lại sớm.
Bất kỳ hoạt động thể chất nào trở lại đối với những người hồi phục sau COVID-19 chỉ nên bắt đầu sau khi không còn triệu chứng và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dao Chi Anh
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.