Hôn nhân trong đại dịch chỉ tồn tại những khó khăn?

YÊU

Hôn nhân trong đại dịch chỉ tồn tại những khó khăn?

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Hôn nhân trong đại dịch chỉ tồn tại những khó khăn?

Những căng thẳng của đại dịch - tài chính, tinh thần và thể chất - đang thay đổi các mối quan hệ đặc biệt là hôn nhân. Giãn cách xã hội khiến chúng ta bị mắc kẹt ở nhà và buộc phải tương tác, gắn bó với nhau theo những cách khác nhau.


Thông thường có những vấn đề mà bạn có thể trì hoãn, tránh giải quyết bằng cách đi ra ngoài, lặn ngụp trong công việc. Nhưng hiện tại, bạn không thể đi đâu hết. Việc dành nhiều thời gian cho nhau hơn, gần nhau hơn, có thể làm tăng khả năng ly hôn. Tại Trung Quốc, Bloomberg đã báo cáo tỷ lệ ly hôn tăng đột biến vào tháng 3 năm 2020 sau khi các cặp vợ chồng xuất hiện sau nhiều tuần giãn cách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam, một số nhân viên thậm chí không có thời gian để uống nước vì có quá nhiều cặp vợ chồng đang xếp hàng chờ nộp đơn ly hôn.


Những Khó Khăn Của Các Cuộc Hôn Nhân Trong Đại Dịch


Căng thẳng tài chính đã tạo ra rạn nứt


Vấn đề tiền bạc là một trong những nguyên nhân gây xung đột hàng đầu trong các mối quan hệ ngay cả trong thời điểm không có dịch bệnh. Giờ đây, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp đóng cửa và lương bị cắt giảm… không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các cặp vợ chồng đều cảm thấy căng thẳng. 


Các cuộc trò chuyện về tiền bạc không chỉ là về tiền bạc nữa mà thường là quyền lực, sự kiểm soát, phẩm giá và sự tôn trọng. Nếu không khéo léo, các cuộc trò chuyện có thể trở thành những cuộc tranh cãi, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một mối quan hệ. 


Nhàm chán khi dành quá nhiều thời gian bên nhau


Không có gì ngạc nhiên khi sự nhàm chán đang gây ra rất nhiều căng thẳng bởi sự mới lạ là một trong những thành phần quan trọng để tạo nên sự hứng thú cho các mối quan hệ. 


Theo một khảo sát của Insider, sau buồn chán, sự thiếu riêng tư là mối quan tâm lớn tiếp theo, với 28% số người được hỏi cho biết họ đã trải qua quá nhiều thời gian bên nhau khi sống với người bạn đời của mình trong đại dịch. Thời gian ở một mình là phần quan trọng trong quá trình tự chăm sóc bản thân. Đối với những cặp đôi luôn ở bên nhau, họ có thể bỏ lỡ cơ hội để thực hiện những thứ họ thích làm một mình. Cảm giác rằng các bạn luôn ở bên nhau có thể làm mất đi phần nào sự lãng mạn và bí ẩn trong một mối quan hệ. 


hon-nhan-trong-dai-dich (2).jpg


Thay đổi vai trò trong mối quan hệ


Giãn cách xã hội đã dẫn đến những thay đổi trong các vai trò trong mối quan hệ vợ chồng. Một người đột nhiên mất việc và trở thành người chăm sóc con cái chính, người còn lại trở thành trụ cột duy nhất của gia đình. 


Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng ảnh hưởng đến phụ nữ - những người bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch thất nghiệp và phải đảm nhận nhiều công việc chăm sóc con cái và việc nhà gia tăng - dường như cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ. Theo một nghiên cứu ở New Zealand, những phụ nữ cảm thấy đại dịch khiến sự phân công lao động trong gia đình họ trở nên thiếu công bằng sẽ gặp nhiều vấn đề hơn trong các quan hệ vợ chồng


Đời sống tình dục thay đổi


Thói quen sinh hoạt thay đổi có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục của một cặp vợ chồng. Khi bọn trẻ thường xuyên ở nhà và mọi thứ thường căng thẳng hơn, sẽ có ít không gian và thời gian lãng mạn. Kể cả khi đã có thể ở bên nhau, những gánh nặng cuộc sống và áp lực để có được trải nghiệm thỏa mãn sẽ cản trở bạn.


Cách biệt về không gian và thời gian


Đột nhiên phải xa nhau và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài khiến bạn cô đơn, lạc lõng. Đặc biệt, khi phải trải qua giai đoạn khó khăn này, không có cơ hội để dựa vào nhau và phát triển cảm giác gần gũi như các cặp vợ chồng sống cùng nhau là trở ngại rất lớn.


Mặt Tích Cực của Đại Dịch


Đúng là các cuộc ly hôn gia tăng ở nhiều nơi ở Trung Quốc vào tháng 3 năm 2020, nhưng đó chỉ là một mặt của câu chuyện. Trên thực tế, số đơn đăng ký kết hôn cũng tăng ở Vũ Hán vào mùa xuân năm ngoái và 53% người Trung Quốc được khảo sát vào năm 2020 cho biết các mối quan hệ lãng mạn của họ được cải thiện kể từ khi đại dịch.


Khi khó khăn, chúng ta thường hướng về gia đình và bạn bè để được hỗ trợ hay thậm chí nương tựa. Điều này chắc chắn đúng vào thời điểm này. Giữa rất nhiều thử thách và khổ nạn — một đại dịch toàn cầu, cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế kỷ — nhiều người trong chúng ta đang đã chứng kiến ​​cuộc hôn nhân của mình phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


hon-nhan-trong-dai-dich-2.jpg


Theo dữ liệu tổng hợp từ Cuộc khảo sát Gia đình Hoa Kỳ, khoảng 58% người tham gia nói rằng đại dịch giúp họ trân trọng người bạn đời của mình hơn. Các sự kiện trong suốt những khó khăn qua đã làm cuộc hôn nhân trở nên sâu sắc hơn.


Ngoài ra, giãn cách xã hội cũng có điểm tốt khi chúng ta có nhiều thời gian bên nhau hơn, đó có thể là cơ hội để hiểu nhau hơn. Một số cặp đôi có thể đang tìm hiểu những điều mới về nhau khi họ làm việc tại nhà. Họ có thể nhìn thấy khía cạnh đặc biệt ở đối tác của mình mà họ chưa từng thấy trước đây.


Làm Thế Nào Để Cùng Nhau Vượt Qua Đại Dịch?


Nếu căng thẳng gia tăng giữa bạn và đối tác, bạn có thể muốn phớt lờ nó. Rốt cuộc, mọi thứ đã đủ khó khăn và điều cuối cùng bạn cần là bắt đầu một cuộc chiến tranh trong chính nhà mình. Tuy nhiên nếu không tìm cách giải quyết nguồn gốc vấn đề, mọi thứ sẽ càng leo thang.


Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn sẽ biết ơn và ít căng thẳng hơn, họ cảm thấy gắn kết và tự tin hơn để cải thiện mọi tình huống.


Đầu tiên, hãy chấp nhận và đối mặt với những thách thức hiện tại. 


Sau đó, cùng tìm hiểu những cách thức để cải thiện cuộc hôn nhân theo tư vấn của tiến sĩ Steven Harris, Giáo sư Khoa học Xã hội Gia đình đồng thời là Giám đốc chương trình Liệu pháp Cặp đôi và Gia đình tại Đại học Minnesota, Mỹ:


1. Duy trì việc chăm sóc bản thân lành mạnh.


2. Dành thời gian cho nhau: Lập kế hoạch cho những đêm hẹn hò, hay những điều bất ngờ nho nhỏ dành cho người bạn đời. Cùng nhau làm việc và chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy con cái.


hon-nhan-trong-dai-dich-3.jpg


3. Đặt ra ranh giới: Luôn dành cho mình thời gian để tận hưởng những sở thích riêng và đảm bảo tôn trọng thời gian cũng như không gian riêng tư của nhau.


4. Thực hành chánh niệm: Tử tế và kiên nhẫn với nhau.


5. Kết nối hàng ngày và hỗ trợ nhau thông qua việc chú ý lắng nghe và tích cực.


6. Trao đổi thẳng thắn với chồng bạn trước những việc quan trọng để tránh nhầm lẫn, tổn thương và khó chịu.


7. Nếu khó khăn khi nói chuyện trực tiếp về những mâu thuẫn bạn có thể viết nhật ký về mối quan hệ và chia sẻ những gì mình đã viết. Thử chia sẻ với nhau:

- Điều gì đã gây khó khăn trong tuần này mà anh muốn em hiểu?

- Thời điểm nào anh cảm thấy gần gũi / xa cách nhất với em trong tuần qua?

- Có điều gì khiến anh đang tránh nói hoặc giao tiếp với em không?

- Anh đánh giá cao điều gì về em trong tuần qua?


8. Cẩn thận với việc lạm dụng và sử dụng chất kích thích. Căng thẳng gia tăng có thể làm trầm trọng thêm các thói quen như hút thuốc uống rượu… Sử dụng rượu quá mức có thể dẫn đến những cảm xúc và phản ứng tiêu cực bị bóp méo và phóng đại, đồng thời khả năng phán đoán và kiểm soát xung động sẽ kém hơn.


9. Duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân lành mạnh. Cố gắng không để căng thẳng công việc ảnh hưởng tới thời gian dành cho gia đình.


10. Đừng để bụng những điều nhỏ nhặt nhưng hãy đánh giá cao những điều nhỏ nhặt. Chắc chắn đôi lúc bạn sẽ phát cáu với tính bừa bộn của chồng nhưng rồi lại “tặc lưỡi” cho qua. Tuy nhiên đại dịch đã làm trầm trọng thêm những khó chịu nhỏ nhặt này khi tất cả chúng ta bị mắc kẹt ở nhà cùng nhau. 


Hãy cố gắng bỏ qua những đặc điểm khó chịu nhất của người bạn đời, khi cáu giận hãy nhớ lại những điều tích cực mà chồng bạn làm hàng ngày - những điều mà chúng ta có thể coi là đương nhiên trong quá khứ. Đừng quên đánh giá cao và tán dương những điều về chồng bạn đã làm, đôi khi chỉ nhỏ như việc rửa bát, dọn dẹp nhà cửa.


hon-nhan-trong-dai-dich-1.jpg


11. Đừng “lý tưởng hóa” tình dục. Ở nhà để giúp ngăn chặn đại dịch nguy hiểm không hẳn là một kỳ nghỉ lãng mạn. Vì vậy, thay vì đặt kỳ vọng vào những khoảnh khắc thăng hoa bùng nổ, hãy khiến sự gần gũi trở nên tinh tế hơn bằng những cử chỉ nhỏ như âu yếm, vuốt ve bất kể lúc nào.


12. Thay đổi những kỳ vọng của bản thân. Chúng ta đều không hoàn hảo. Bạn có nghĩ rằng quan điểm của bạn về người bạn đời của bạn có thể không phù hợp với con người thật họ? Có thể thay vì người ấy, chính bạn là người cần phải thay đổi. Bạn đang kiểm soát? Bạn quá cầu toàn? Bạn có quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ?


13. Với những cặp đôi đang ở xa, hãy coi tình huống bất đắc dĩ này là tạo cơ hội hiểu nhau thông qua trò chuyện, mà không cần tiếp xúc thể xác. Tìm hiểu thêm về cách phát triển sự thân thiết tại đây.


14. Tránh đưa ra quyết định mà bạn có thể hối tiếc. Trong các cuộc khủng hoảng, nên có một quy tắc trong bất kỳ mối quan hệ nào là không đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào. Bạn có thể dễ dàng đưa ra quyết định mà lâu dài có thể khiến bạn hối tiếc.


15. Hãy tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý và sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.


Mặc dù COVID-19 đã tàn phá rất nhiều thứ trong cuộc sống nhưng có một điều chắc chắn là: Nếu chúng ta có thể vượt qua điều này - chúng ta thực sự có thể vượt qua mọi thứ cùng nhau.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!