Sự nghiệp & Tài chính
Lời khuyên cho sự nghiệp năm 2021
Bạn đã bao giờ nghi ngờ khả năng của mình, ngay cả khi đang làm tốt công việc của mình? Bạn có cảm giác lạc lõng giữa những người thành công? Bạn có cảm thấy như mình đang lừa mọi người xung quanh về khả năng của bản thân và việc bạn bị bại lộ chỉ là vấn đề thời gian? Nếu vậy, hãy biết rằng cảm giác này được gọi là "hội chứng kẻ mạo danh”.
Không giống như sự khiêm tốn, hội chứng kẻ mạo danh có thể gây ra những tổn hại ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và khả năng phát triển sự nghiệp của chính bạn.
Hội chứng kẻ mạo danh liên quan đến cảm giác nghi ngờ bản thân và kém cỏi vô căn cứ. Ngay cả những người phụ nữ nổi tiếng - từ các siêu sao Hollywood như Charlize Theron và Viola Davis đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Sheryl Sandberg và thậm chí cả cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor - cũng thú nhận đã trải qua điều đó.
Các nhà tâm lý học Pauline Rose Clance và Suzanne Imes đã phát triển khái niệm “hiện tượng kẻ mạo danh”, trong nghiên cứu năm 1978, tập trung vào những phụ nữ đạt thành tích cao. Họ cho rằng “mặc dù có thành tích xuất sắc trong học tập và nghề nghiệp, những phụ nữ trải qua hiện tượng kẻ mạo danh vẫn tin rằng họ thực sự không thông minh và đã đánh lừa mọi người”. Phát hiện của họ đã thúc đẩy hàng thập kỷ lãnh đạo tư tưởng, các chương trình và sáng kiến để giải quyết hội chứng kẻ mạo danh ở phụ nữ.
Cảm xúc của kẻ mạo danh là sự mâu thuẫn giữa nhận thức về bản thân của bạn và cách người khác nhìn nhận về bạn. Ngay cả khi những người khác khen ngợi tài năng, được tôn trọng về chuyên môn và được công nhận vì những đóng góp của mình, thì bạn vẫn coi những thành công của mình là do may mắn hoặc được giúp đỡ. Bạn không thể trải nghiệm niềm vui thành công, không tin rằng mình đã đạt được bằng chính khả năng của bản thân và luôn sợ sự kém cỏi/lừa đảo của mình cuối cùng cũng sẽ bị những người khác nhận ra.
Do đó, bạn gây áp lực cho bản thân phải làm việc chăm chỉ hơn để:
• Khiến người khác không nhận ra những thiếu sót hoặc thất bại của bạn
• Trở nên xứng đáng với những vai trò mà bạn tin rằng mình không xứng đáng
• Bù đắp cho sự thiếu hụt khả năng của mình
• Xoa dịu cảm giác tội lỗi khi “dối lừa” mọi người
Hội chứng kẻ mạo danh biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể đang gặp phải hội chứng kẻ mạo danh nếu bạn:
• Luôn nghi ngờ bản thân
• Đánh giá thấp những đóng góp, thành tích của bản thân
• Không có khả năng đánh giá thực tế năng lực và kỹ năng của bạn
• Đặt kỳ vọng không thực tế
• Không dám đón nhận cơ hội mới
• Làm việc quá sức đến mức kiệt sức
Nghiên cứu ban đầu khám phá hiện tượng này chủ yếu tập trung vào những phụ nữ thành đạt. Tuy nhiên, sự thực là hội chứng kẻ mạo danh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong bất kỳ ngành nghề nào, từ sinh viên mới tốt nghiệp đến giám đốc điều hành hàng đầu.
Hội chứng kẻ mạo danh là một sự bóp méo nhận thức. Nó khiến mọi người nghi ngờ về kỹ năng và thành tích của bản thân, nghi ngờ sự đánh giá cao của người khác dành cho mình.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hội chứng kẻ mạo danh xuất phát từ sự kết hợp của các yếu tố:
Môi trường gia đình: Khi lớn lên, cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình có thể đã quá chú trọng vào thành tích hoặc thường bị chỉ trích quá mức.
Áp lực xã hội: Khi điều kiện để trở thành một phần của tổ chức là giá trị của bạn được xem ngang với thành tích bề mặt.
Tính cách cá nhân: Như quá cầu toàn, thiếu tự tin…
Sức khỏe tâm thần: Mắc hội chứng lo âu, sợ bị coi thường và từ chối...
Tiến sĩ tâm lý học Audrey Ervin cho biết: “Hội chứng kẻ mạo danh góp phần gây ra tình trạng đau khổ về tâm lý, gia tăng sự nghi ngờ bản thân và nỗi sợ thất bại dai dẳng”.
Đối với một số người, hội chứng kẻ mạo danh có thể thúc đẩy động lực để đạt được mục tiêu, nhưng điều này thường phải trả giá bằng việc trải qua sự lo lắng thường trực. Chẳng hạn, bạn phải chuẩn bị quá kỹ hoặc làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết để "đảm bảo" không ai phát hiện ra bạn là kẻ lừa đảo. Cuối cùng, lo lắng trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức và cuối cùng là phản tác dụng.
Hội chứng kẻ mạo danh khiến phụ nữ mất quá nhiều thời gian để cố gắng chứng tỏ năng lực chuyên môn của mình mà gây tổn hại đến cuộc sống cá nhân, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ như khi ai đó ưu tiên thành công trong sự nghiệp hơn là dành thời gian cho gia đình hoặc con cái.
Hội chứng kẻ mạo danh sẽ kìm hãm tiềm năng phát triển, bằng cách ngăn cản mọi người theo đuổi những cơ hội phát triển mới trong công việc chỉ vì suy nghĩ “không xứng đáng hoặc không có khả năng”.
Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn. Bạn càng càng cố gắng đạt được nhiều thành tựu, bạn càng cảm thấy mình như một kẻ lừa đảo.
Nếu bạn cảm thấy mình là một kẻ lừa đảo, thì làm việc chăm chỉ hơn để làm tốt hơn có thể không giúp bạn thay đổi nhiều về hình ảnh bản thân.
Những chiến lược này có thể giúp bạn giải quyết cảm xúc của kẻ mạo danh một cách hiệu quả.
Thành thật với chính mình
Hội chứng kẻ mạo danh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, như nghi ngờ bản thân, cầu toàn, làm việc quá sức, cảm giác lạc lõng và không dám nhận sự khen ngợi từ người khác... Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này ở bản thân, hãy thừa nhận và đối mặt với hội chứng kẻ mạo danh. Đừng để chúng “định nghĩa” giá trị hoặc công việc của bạn.
Thành thật với chính mình sẽ giải phóng tâm trí bạn.
Hiểu thất bại không đáng sợ
Để có ý thức lành mạnh về lòng tự trọng và giá trị bản thân, chúng ta cần chấp nhận cả điểm mạnh và điểm yếu của mình. Không ai là hoàn hảo và sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống.
Những sai lầm chứng tỏ rằng bạn không sợ mạo hiểm và thúc đẩy bản thân thử những điều mới. Thay vì xem những sai lầm của bạn là điều đáng xấu hổ, hãy coi chúng như những kinh nghiệm học hỏi sẽ giúp bạn thực hiện tốt hơn nữa vào lần tới.
Học cách đánh giá cao giá trị bản thân
Khi bạn có suy nghĩ tiêu cực về khả năng của mình, hãy dành một chút thời gian để đặt câu hỏi về nó. Điều tiêu cực đó dựa trên cơ sở nào? Có bằng chứng thực tế hay không?
Nếu bạn tin rằng cuộc sống của bạn được định hình bởi hành động, sự lựa chọn và quyết định của chính bạn, thì bạn có thể chịu trách nhiệm về những thành tựu cũng như những thiếu sót của mình. Vì vậy, lần tới khi bạn đạt được mục tiêu hoặc hoàn thành một dự án quan trọng, hãy thừa nhận rằng chính kỹ năng và tài năng của bạn đã khiến điều đó xảy ra.
Đừng quên ăn mừng và tận hưởng thành công của bạn nữa nhé! Hãy ghi lại những phản hồi tích cực và lời khen ngợi mà bạn nhận được. Và hãy nhìn lại nó vào lần tới khi bạn nghe thấy tiếng nói tiêu cực bên trong đó. Điều này sẽ mang sự tự tin trở lại và giúp loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích nào mà bạn đang nhắm vào chính mình.
Tránh so sánh bản thân với người khác
Mỗi khi bạn so sánh bản thân với người khác, bạn sẽ tìm thấy lỗi lầm nào đó của bản thân, điều này sẽ càng thúc đẩy cảm giác "mình không đủ tốt/ không đủ giỏi".
Nhớ rằng bạn là duy nhất và có tiếng nói riêng, phong cách riêng, tầm nhìn riêng. Hãy nắm bắt sự độc đáo của chính mình và để nó tỏa sáng thông qua công việc.
Chia sẻ cởi mở
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Jason Eckerman nói rằng nói chuyện với ai đó về những suy nghĩ, khó khăn bạn gặp phải, thực sự có thể giúp bạn nhìn mọi thứ khác đi.
Thông qua phản hồi trung thực và có ý nghĩa từ đồng nghiệp, người thân bạn có thể xác định điểm mạnh và lỗ hổng trong năng lực của mình để từ đó tự tin cống hiến và phát triển.
Hội chứng kẻ giả mạo không chỉ là một vấn đề cá nhân, để vượt qua nó, nhận ra năng lực và giá trị của bạn là chưa đủ.
Chúng ta cần nhận thức rõ rằng môi trường làm việc cũng có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và tinh thần của mọi người. Trong đó, thành kiến hay sự thiên vị tại nơi làm việc cũng làm trầm trọng thêm hội chứng kẻ mạo danh. Khi các nhà quản lý và các tổ chức đối xử với mọi người một cách thiên vị dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính và xu hướng tình dục... tại nơi làm việc, họ tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp độc hại, mang đầy sự nghi ngờ và căng thẳng. Điều này khiến mọi người đặt câu hỏi về khả năng và giá trị của họ tại nơi làm việc, dẫn đến tỷ lệ mắc hội chứng kẻ mạo danh cao hơn.
Vì vậy, không chỉ các cá nhân mà lãnh đạo và doanh nghiệp cũng cần có cái nhìn đúng đắn và ưu tiên sức khỏe và tinh thần của nhân viên tương đương với kỹ năng và hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, cần có các hoạt động giúp nhân viên chuyển sự nghi ngờ bản thân lành mạnh thành động lực tích cực. Đó là cách không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa công ty mà còn khuyến khích tất cả mọi người tiến lên.
Hãy lên tiếng để giúp đỡ bản thân vượt qua hội chứng kẻ giả mạo và cùng nhau tạo ra môi trường làm việc tích cực, lành mạnh.
S. Reen
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.