Chúng ta vẫn nói rằng, Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc chào năm cũ đón năm mới… nhưng thay vì tận hưởng niềm vui, rất nhiều phụ nữ lại ngập trong công việc sắm sửa, dọn dẹp, nấu nướng từ trước cho tới sau Tết.
Tất nhiên, phụ nữ mang gánh nặng, thậm chí có thể gọi là bất bình đẳng này quanh năm. Nhưng mọi thứ thực sự trở nên khó khăn khi họ thường là người lên lịch tổ chức lễ Tết, lên kế hoạch chăm sóc trẻ khi trường học đóng cửa, chưa kể đến việc lập danh sách quà tặng, mua sắm, dọn dẹp và nấu nướng...
Một nghiên cứu năm 1990 được công bố bởi Đại học Oxford đã xem xét những cách khác nhau mà đàn ông và phụ nữ cảm nhận về việc mua sắm trong dịp lễ. Những người phụ nữ trong nghiên cứu cảm thấy “bắt buộc phải làm công việc liên quan đến việc duy trì các mối quan hệ xã hội". Mua sắm lễ tết được xác định là “công việc của phụ nữ” - họ là những người tặng quà chính và chi tiêu cho việc mua sắm nhiều hơn nam giới. Theo nghiên cứu, “phụ nữ dường như được xã hội hóa để coi đó là công việc quan trọng và thực sự dành riêng cho họ”.
Hơn 30 năm sau, dường như tất cả vẫn không có nhiều thay đổi, dù là ở quốc gia nào. Tất nhiên, Việt Nam càng không phải ngoại lệ.
Tết về mà lòng ngổn ngang
Rất nhiều độc giả nữ đã gửi những tâm tư tới Her. Rất nhiều trong số đó mang lại những suy nghĩ, khắc khoải.
Nỗi sợ làm các thành viên trong gia đình thất vọng gây áp lực buộc phụ nữ “phải” bảo tồn truyền thống và mang đến một kỳ nghỉ lễ hoàn hảo. Phụ nữ “phải” có trách nhiệm kết nối đại gia đình, “phải” lo cân đối chi tiêu, “phải” mua quà biếu, “phải” lo Tết nội, Tết ngoại sao cho hợp tình hợp lý, chưa kể hàng trăm những việc không tên trong gia đình… Rất nhiều chữ “phải” khiến phụ nữ cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui vẻ khi Tết đến xuân về.
H.Yến (TP.HCM) chia sẻ với Her, để có 3 ngày Tết đủ đầy, cô cùng các nữ đồng nghiệp, hầu hết đã phải chuẩn bị từ rất sớm. Người cố gắng làm tăng ca, người thậm chí nhận thêm các công việc bên ngoài, bởi bên cạnh những khoản lo cho Tết, còn là tình hình khó khăn chung về 1 năm kinh tế suy thoái.
Và đâu chỉ có thế!
Tết đến là người người nhà nhà lại có dịp để đánh giá khả năng thu vén, sự khéo léo chăm lo của người phụ nữ qua việc trang trí, dọn dẹp ngôi nhà. T.Trang (Hà Nội) kể: “Trước đây tôi đã từng gặp phải cảnh, một người quen mang con trai tới nhà thăm hỏi chúc Tết, vừa bước vào nhà đã xồng xộc chạy xuống ngắm nghía gian bếp. Theo mẹ tôi nói, đó là cách người ta xem con có ăn ở gọn gàng, đủ chững chạc để lấy chồng hay chưa…”. (Cười)
Ảnh: Độc giả H.P.Linh (Hà Nội)
Người phụ nữ còn phải lo trữ đủ thức ăn cho 3 ngày Tết, vừa tươi ngon, vừa phong phú lại đúng truyền thống và hợp khẩu vị của các thành viên hay cả các vị khách. Đặc biệt, vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều gia đình đã tự tay làm những món ăn Tết như muối dưa hành, củ kiệu, gói bánh chưng/bánh tét, làm giò, làm bánh mứt… những món ăn cần nhiều thời gian và công sức chuẩn bị.
“Vất vả nhất là khi gia đình có cỗ bàn tụ tập linh đình, mời hàng chục người lớn bé tới tham dự. Chuẩn bị từ sáng cho tới khi dọn dẹp xong xuôi cũng đã trôi qua gần hết ngày Tết” - Thu Hà (Huế) bày tỏ.
Thay vì được nghỉ đúng nghĩa vào dịp Tết, hầu hết phụ nữ Việt Nam đầu tắt mặt tối, ngập trong núi việc nấp dưới hai chữ “trách nhiệm”.
Một lý do khác khiến phụ nữ không thể tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn là do nam giới lơ là với trách nhiệm của mình. Mặc dù đã sang năm thứ 24 của thế kỷ 21, nhưng vẫn còn rất nhiều người đàn ông trong xã hội của chúng ta không bao giờ cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc bản thân - nhu cầu, hạnh phúc và sự thoải mái của họ. Họ thậm chí không thể tự phục vụ thức ăn cho bản thân chứ đừng nói đến việc làm bất cứ điều gì khác.
Ngọc Hà, 22 tuổi (Bắc Ninh) bức xúc: "Gia đình tôi có khái niệm đàn ông giúp việc bếp núc, đến nỗi ngay cả mẹ tôi cũng nói với tôi rằng không thể nhờ đàn ông nấu ăn". Kết quả là, những người đàn ông coi công việc nhà trở thành thứ gì đó rất khó khăn và xa lạ, hoặc quá mềm yếu ,đến mức ngay cả khi họ muốn giúp đỡ, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, phụ nữ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự làm những công việc đó.
Gia đình nào sống xa quê, tới ngày về lại thêm con nhỏ tay xách, nách mang…
Năm nào cũng sẽ lặp lại từng ấy việc, đặc biệt với người phụ nữ nhận trọng trách dâu trưởng. Lâu dần có một nỗi ám ảnh, nỗi sợ mang tên “Tết”.
Tết ơi…
Nếu một người phụ nữ tìm thấy niềm vui thật sự trong những bận rộn ngày Tết thì đó quả thực là điều tuyệt vời cho cô ấy. Nhưng không thể lấy đó làm khuôn mẫu để áp đặt cho những người phụ nữ khác.
Tết là niềm vui, là dịp đoàn viên, được nghỉ ngơi và tận hưởng kỳ nghỉ với mọi người, thì với phụ nữ cũng vậy.
Báo chí, truyền thông làm ơn đừng đăng tải những bài báo, công thức với những dòng tít khiến phụ nữ thêm áp lực như “Mâm cỗ giúp lấy lòng mẹ chồng”, “Làm dâu đảm với những món ăn lạ miệng” hay “Nấu món Tết làm chồng/bạn trai tự hào với bạn bè”...
Các gia đình còn lưu giữ những nếp cũ, làm ơn hãy nhớ Tết là của tất cả mọi người, chứ không phải riêng của riêng phụ nữ.
Ảnh: Hyggelab concept
Những người đàn ông làm ơn, hãy đưa tay ra giúp những người phụ nữ quanh bạn, đó có thể là bà, là mẹ, hay vợ hoặc chị/em gái của bạn. Chia sẻ với họ những công việc gia đình để cùng vun đắp tình cảm và sự gắn kết. Cho họ được tận hưởng những ngày nghỉ lễ, để họ có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo “tốc độ” của riêng họ mà không phải hy sinh sức khỏe và niềm vui. Hãy cùng họ vượt qua những trở ngại để mọi khoảnh khắc dù đều giá trị và ý nghĩa.
Và nếu bạn là một phụ nữ, đặc biệt đang làm vợ làm mẹ, hãy đừng ngần ngại chia sẻ khó khăn để được giúp đỡ. Đừng tự tạo áp lực cho mình, cũng đừng cố gắng gò bó mình vào một khuôn mẫu mà xã hội đặt ra. Chăm sóc gia đình nhưng vẫn phải chăm sóc bản thân - Hãy yêu thương bản thân nhiều hơn! Bạn nên nhớ rằng, khi bạn biết trân trọng chính bản thân mình, bạn sẽ biết cách làm cho mình hạnh phúc và cuộc sống cũng vì thế sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu!
Tết đơn sơ hay đủ đầy là đều do cách nghĩ của chúng ta tạo thành. Vì vậy, tại sao không đơn giản hóa mọi lễ nghi, quy trình để Tết đơn giản mà vẫn mang không khí linh thiêng, đầm ấm và đúng với ý nghĩa của ngày Tết - ngày vui sum họp?
Hãy để Tết thật sự là niềm vui!
Chúc các bạn Tết đoàn viên, ấm cúng và ngập tràn tiếng cười!
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
Chi