"Tại sao sau sinh phải kiêng nước lạnh?" là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ sau khi sinh con kể cả sinh thường hay sinh mổ. Trong quá trình sinh đẻ, phụ nữ đã chịu nhiều tổn thương, cơ thể còn rất yếu và cần chú ý kiêng cữ thật tốt để đảm bảo sức khỏe được hồi phục nhanh chóng. Vậy sau sinh cần phải kiêng cữ những gì? Sau sinh có cần kiêng nước lạnh không? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để tìm cho mình câu trả lời nhé.
Tại sao sau sinh phải kiêng nước lạnh?
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh còn phải kiêng cữ nhiều thứ trong đó có kiêng gió, sử dụng nước lạnh, kể cả việc kiêng tắm rửa. Trước đây, nhiều người cho rằng mẹ sau khi sinh trong suốt 3 tháng phải ở trong phòng kín gió, không tắm rửa, không tiếp xúc với người lạ. Quan niệm này là sai lầm bởi việc nhịn tắm gội khác với việc kiêng nước lạnh. Việc lâu ngày không tắm trong thời gian dài không những ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến trẻ nữa. Nhưng hiện tại những quy định kiêng cữ thời trước đã có nhiều thay đổi tiến bộ hơn. Sau khi sinh xong từ 3-4 ngày là mẹ có thể tắm và lau người bằng nước ấm cho thoải mái, sạch sẽ rồi.
Tuy nhiên, cơ thể phụ nữ sau sinh sẽ yếu hơn bình thường, do vậy nếu tiếp xúc với nước lạnh sớm sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cảm lạnh, viêm phổi... Khi mẹ mắc bệnh có thể rất dễ lây cho bé.
Sau sinh phải kiêng nước lạnh bao lâu?
Sau sinh vài ngày mẹ có thể dùng được nước lạnh để rửa tay, rửa mặt. Tuy nhiên, thời gian kiêng nước lạnh còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và nhiệt độ theo mùa. Giai đoạn mới sau sinh thể trạng vẫn còn yếu mẹ nên lau người hoặc tắm bằng nước ấm để đảm bảo sức khỏe.
Một số lưu ý khi tắm sau sinh mẹ cần biết
Tránh kiêng cữ việc tắm trong thời gian quá dài
Nếu kiêng tắm gội trong thời gian dài, sẽ khiến mẹ gặp phải nhiều vấn đề như:
- Viêm nhiễm vùng kín: Đối với phụ nữ sau khi sinh thường, vùng kín sẽ thường xuyên tiết ra sản dịch nên nếu không được vệ sinh đúng cách thì sẽ dễ mắc bệnh về viêm nhiễm phụ khoa. Tương tự, phụ nữ sinh mổ cũng vậy, nếu các vết mổ tiết dịch không được làm sạch đúng cách thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao
- Tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan: Phụ nữ sau sinh thường sẽ đổ nhiều mồ hôi nên nếu mẹ không tắm rửa trong thời gian dài sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Ngoài ra, nếu đầu vú của mẹ bị nhiễm khuẩn thì khi cho con bú, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể con sẽ dễ nhiễm bệnh.
- Khiến tóc dễ gãy rụng: Nếu mẹ không gội đầu trong thời gian dài thì sẽ làm chân tóc bị suy yếu và gặp tình trạng tóc xơ rối, rất dễ gãy rụng. Ngoài ra, việc gội đầu còn giúp mẹ thư giãn và giúp máu lưu thông tốt hơn sau sinh.
Tắm gội cũng là cách bạn thư giãn và chăm sóc cơ thể sau những mệt mỏi, vì vậy đừng kiêng cữ thiếu khoa học nhé!
Hướng dẫn cách tắm sau sinh đúng cách
- Thời gian lý tưởng nhất để tắm của phụ nữ sau sinh là từ 3-4 ngày. Bạn có thể tắm gội nhẹ nhàng và nhanh chóng dưới vòi sen bằng nước ấm.
Đối với sinh mổ, mẹ có thể lau khô người nhẹ nhàng bằng nước ấm mỗi ngày. Đến khi vết mổ liền miệng và khô bề mặt thì tắm, gội bằng nước ấm (thông thường là khoảng một tuần sau sinh). Đừng chà vào vết mổ, cần tránh sử dụng vòi sen tay hoặc dội nước trực tiếp lên vết mổ. Sau khi tắm, vết mổ phải được thấm khô bằng khăn sạch.
- Nhiệt độ nước tắm nên là nước ấm khoảng 40 độ, nhiệt độ phòng duy trì khoảng 22 độ C, đồng thời phải đóng cửa và tránh gió khi tắm.
- Thời gian tắm không được quá lâu, chỉ nên kéo dài 5-10 phút.
- Không nên tắm trong chậu vì dễ gây viêm nhiễm. Tắm đứng dưới vòi hoa sen hoặc dội nước từ trên xuống để giúp vết thương không bị tác động nhiều như lúc ngồi.
- Sau khi tắm xong, nhanh chóng lau khô người và sấy khô tóc rồi mặc quần áo đủ ấm.
Khi cảm thấy cơ thể đã hồi phục và sẵn sàng tắm nước lạnh, mẹ nên dùng khăn thấm nước lạnh trước sau đó thực hiện lau người bằng khăn trước thay vì dội nước trực tiếp lên người cho đến khi cơ thể thích ứng được với thói quen này.
Lưu ý khi vệ sinh vùng kín sau sinh đúng cách cho mẹ
- Không thụt rửa âm đạo vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn đi sâu vào âm hộ gây ra các bệnh lý về vùng kín.
- Lựa chọn loại quần lót chất liệu thoáng mát, sạch sẽ và thấm hút tốt để tránh vùng kín ẩm ướt, khó chịu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Chú ý vệ sinh vùng kín bằng nước ấm sạch, không nhất thiết cần dùng dung dịch sát khuẩn, nhẹ nhàng vỗ khô vùng âm đạo bằng khăn. Nên vệ sinh vùng kín ít nhất 3 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu sản dịch ra nhiều.
- Sử dụng nước sạch để rửa vùng kín từ trước ra sau thật nhẹ nhàng để tránh cho việc vi khuẩn đi từ hậu môn lên âm đạo rồi sau đó lau khô “cô bé” gây viêm nhiễm, nấm ngứa.
- Sau khi tiểu tiện, nên lau khô vùng kín nhẹ nhàng với khăn mềm và sạch. Nếu phải rạch tầng sinh môn, xối nước thật nhẹ nhàng để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu và tránh việc chà xát mạnh tay.
- Sau sinh, chị em nên sử dụng nước ấm để vệ sinh vùng kín, tránh dùng nước quá nóng sẽ làm âm đạo bị khô. Thông thường, bạn có thể dùng nước lạnh để rửa vùng kín sau khi vết thương đã lành tùy vào thể trạng cơ thể và thời tiết.
Tại sao sau sinh phải kiêng nước lạnh, hẳn giờ bạn đã hiểu. Kiêng nước lạnh trong thời gian sau sinh không những đảm bảo sức khỏe cho mẹ mà còn giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ tốt hơn. Hi vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp các mẹ phân biệt rõ, tránh hiểu nhầm giữa việc phải phải kiêng nước lạnh chứ không phải là kiêng nước.
About the author
Đặng Nguyệt