12 khó khăn mà phụ nữ vẫn phải đối mặt khi đi làm

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

12 khó khăn mà phụ nữ vẫn phải đối mặt khi đi làm

authorBy Chi
Share on
Share on
12 khó khăn mà phụ nữ vẫn phải đối mặt khi đi làm

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội đã được thay đổi hoàn toàn trong vài thập kỷ qua. Phụ nữ ngày nay tham gia vào hầu hết các lĩnh vực mà đàn ông “thống trị” như chính trị, quân đội, khoa học, kinh doanh. Bất chấp những tiến bộ đáng kinh ngạc này, phụ nữ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.


Và thực tế là, vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng ta có thể nói rằng có sự bình đẳng thực sự tại nơi làm việc cho phụ nữ (và hơn thế nữa). 


Hãy cùng xem xét một số thách thức lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt tại nơi làm việc ngày nay (dù phần lớn những khó khăn chính này không phải là mới).


Quấy rối tình dục


Một trong những thách thức đáng xấu hổ và đau lòng nhất mà phụ nữ phải đối mặt trong môi trường làm việc việc quấy rối tình dục dưới nhiều hình thức.


Quấy rối tình dục có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ ánh mắt, lời nhận xét khiếm nhã về cơ thể, ngoại hình của một người, đến những hành vi tiếp cận thể xác không mong muốn và bất kỳ hành động phi ngôn từ nào khác có thể tạo ra một môi trường thù địch, xúc phạm hoặc đe dọa.


Đáng sợ hơn, quấy rối tình dục thường được ngụy tạo dưới dạng đùa vui, “một hình thức quan tâm", hoặc biến nạn nhân thành kẻ đồng lõa. Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân, và thậm chí, khi nạn nhân lên tiếng còn bị trả thù ngược lại khiến nhân viên nữ không lên tiếng hoặc gửi đơn khiếu nại do sợ mất việc đặc biệt nếu hành vi quấy rối là do cấp trên gây ra.


Chính vì vậy, chúng ta thường im lặng, thờ ơ hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi quấy rối và vô tình dung túng cho vấn nạn này. 


Thời điểm “nhạy cảm” trong tháng


Trong một tháng, thời điểm nhạy cảm nhất của phụ nữ là những ngày hành kinh. Những nỗi đau, sự bực bội, tâm trạng thất thường do hormone thay đổi mà người phụ nữ phải trải qua trong những ngày này không bao giờ người khác có thể hiểu được. Phụ nữ cần được nghỉ ngơi hợp lý và môi trường hợp vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều tổ chức không hề coi trọng và hỗ trợ.


16% người tham gia một nghiên cứu năm 2019 của Mỹ lo lắng rằng nghỉ kinh nguyệt có lương sẽ làm cho người phụ nữ bị coi đuối và khiến họ có nguy cơ bị phân biệt đối xử (và cuối cùng là cản trở sự phát triển nghề nghiệp của họ). Chính phái nữ cũng lên tiếng phản đối "đặc quyền" này, nhiều người cho rằng việc bắt người sử dụng lao động trả tiền nghỉ phép với lý do tế nhị của phụ nữ có thể khiến họ không muốn thuê phụ nữ làm việc. 


Thêm vào đó, một ví dụ điển hình về phân biệt giới tính hàng ngày là các nhân viên nam coi phụ nữ nghỉ việc trong kỳ kinh nguyệt như một cái cớ để không đến làm việc. Hoặc bạn có thể đang tham gia vào một cuộc tranh luận sôi nổi và tất cả các lập luận đã trình bày của bạn bị kết thúc bằng câu nói mỉa mai: "Bạn có phải đang trong thời điểm nhạy cảm đó không?". (Chà, những điều này thật nhức nhối làm sao!)


12-kho-khan-ma-phu-nu-van-phai-doi-mat-khi-di-lam-1.jpg


Kỳ thị văn hóa, vùng miền


Đáng buồn thay, tình trạng phân biệt/kỳ thị như nguồn gốc, vùng miền vẫn còn phổ biến ở nơi làm việc. 


Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng gạch bỏ tên ứng viên khi nhìn thấy nơi sinh ra, quê quán của họ. Thực tế cho thấy, ở nhiều công ty, khu chế xuất thuộc TPHCM và Bình Dương, thanh niên thuộc ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc. Hoặc rất nhiều trường hợp, người lao động cảm thấy bất lực khi bị chế giễu giọng nói, cách phát âm địa phương hay bị coi thường vì là người “tỉnh lẻ”, “dân tộc thiểu số”.


Khi phụ nữ (hoặc bất kỳ nhân viên nào) bị kỳ thị tại nơi làm việc vì những phẩm chất hoặc sự khác biệt độc đáo của họ (ví dụ: giới tính, chủng tộc/dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, tôn giáo, xu hướng tính dục), họ cảm thấy bị cô lập, có cảm giác tiêu cực về sự nghiệp và ảnh hưởng tới năng suất công việc.


Khoảng giới về thu nhập


Theo trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng giới về thu nhập xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Báo cáo “Lương toàn cầu 2018/19” của Văn phòng Lao động Quốc tế (ILO) cho biết nam giới được chi trả lương bình quân theo giờ cao hơn khoảng 16% so với nữ giới. Các nước có thu nhập cao có mức độ bất bình đẳng về lương thấp nhất, trái ngược với nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình.


Tại nước ta, theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và tháng 9 năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp lao động làm công ăn lương nữ luôn nhận được mức thu nhập thấp hơn nam giới dù ở cùng trình độ học vấn, độ tuổi, nhóm dân tộc.


Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã báo cáo rằng, với tốc độ này, khoảng cách trả lương theo giới sẽ không thu hẹp trong 99,5 năm nữa.


"Tiêu chuẩn kép" về ngoại hình


Hầu hết ngoại hình, dáng vẻ, cách ăn mặc của phụ nữ ở nơi làm việc là vấn đề bàn tán của người khác, kể cả đồng giới. Nếu một phụ nữ ăn mặc không đẹp, sẽ bị coi là không chăm chút hoặc không nghiêm túc với công việc của mình. Ngược lại, nếu một người phụ nữ ăn mặc đẹp và chú ý cẩn thận đến các chi tiết về ngoại hình của cô ấy, sẽ bị nói sau lưng như thể cô ấy đang cố gắng thu hút sự chú ý của người khác hay cố gắng thăng tiến nhờ ngoại hình.


Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, năng suất làm việc mà còn tạo ra các hạn chế về tài chính và thời gian.


Kết quả là, người ta sẽ tập trung vào vẻ ngoài của các “nhân vật nữ” hơn sự tôn trọng và thành tích mà họ mang lại. Đó cũng chính là việc nhà du hành vũ trụ Yelena Serova phải đối mặt khi một người phỏng vấn hỏi cô ấy sẽ làm tóc như thế nào trong không gian.


kho-khan-ma-phu-nu-van-phai-doi-mat-khi-di-lam-2.jpg


Phân biệt đối xử khi mang thai


Đây là một trong những rào cản nổi tiếng nhất phải vượt qua đối với một phụ nữ mong muốn đạt đến đỉnh cao sự nghiệp của mình. Những phụ nữ độc thân đang thăng tiến trong sự nghiệp thường sợ hãi về những tác động của việc “có gia đình” có thể gây ra cho sự nghiệp của họ. Họ sợ lập gia đình cũng như có con vì định kiến (sai lầm) khi cho rằng, sự tận tâm của họ đối với gia đình và chăm sóc con cái khiến họ khó khăn khi thực hiện cam kết công việc và không thể làm việc nhiều giờ như các đồng nghiệp nam, đặc biệt là ở những vị trí cấp cao.


Phân biệt đối xử khi mang thai xảy ra khi một người phụ nữ bị đối xử bất công do mang thai, sinh con hoặc tình trạng bệnh lý liên quan đến thai kỳ. Nó bao gồm các hành vi như cô lập xã hội, lời lẽ xúc phạm, giảm lương, từ chối thời gian nghỉ hoặc bố trí hợp lý cho nhân viên đang mang thai, sa thải hoặc cách chức nhân viên đang mang thai, buộc nghỉ hoặc hạn chế công việc và bất kỳ hành động tiêu cực nào khác..


Phân biệt đối xử khi mang thai có thể bao gồm Sự phân biệt đối xử có thể xảy ra dưới dạng nhận xét xúc phạm của các cấp quản lý, khách hàng và đồng nghiệp về tình trạng sức khỏe và thể chất của họ.


Tất cả những điều này buộc họ phải đi đến cái kết không mong muốn như từ chức hoặc đưa ra những lựa chọn không cần thiết giữa việc làm mẹ và sự nghiệp.


Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống


Một thách thức đáng chú ý khác mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt tại nơi làm việc là sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.


Phụ nữ đi làm phải đối mặt với nhiều áp lực và đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn nam giới bởi bên cạnh công việc họ còn phải chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và các trách nhiệm gia đình khác. Vì thế, rất nhiều phụ nữ buộc phải chấp nhận các công việc bán thời gian hoặc linh hoạt để phù hợp với trách nhiệm chăm sóc của họ, điều này có thể hạn chế cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và ổn định tài chính của họ. Hoặc nhiều bà mẹ đi làm hy sinh cuộc sống gia đình và thời gian rảnh rỗi để đáp ứng nhu cầu công việc, chứng tỏ bản thân trong sự nghiệp. Họ thường rơi vào tình trạng bế tắc giữa những đêm khuya ở văn phòng hoặc hàng giờ đồng hồ làm việc cho những dự án quan trọng và bỏ lỡ những thời điểm quan trọng bên con cái. Ngoài ra, phụ nữ có thể phải đối mặt với sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử khi nghỉ làm để chăm sóc hoặc ưu tiên cho cuộc sống cá nhân của họ.


Nếu áp lực kéo dài quá lâu hoặc trở nên lớn hơn khả năng đối phó với căng thẳng của bạn, nó có thể khiến bạn kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Lâu dần, chúng sẽ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân, sự thành công trong công việc và sức khỏe nói chung. Nhiều phụ nữ cố gắng thăng tiến trong công việc khiến gia đình và người thân xa cách, thậm chí đánh mất gia đình riêng của mình.


kho-khan-ma-phu-nu-van-phai-doi-mat-khi-di-lam-4.jpg


Xung đột bản ngã


Những phụ nữ đang tiến bộ trong sự nghiệp và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của họ có thể phải đối mặt với phản ứng tiêu cực từ bạn đời hoặc người yêu. Họ có thể thể hiện sự mỉa mai, gây hấn hay đổ lỗi...


Một nghiên cứu đã chỉ ra hành vi này gắn liền với niềm tin giới tính, vì “người bạn đời thành công có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng, tham vọng và thành công của đàn ông”. Vấn đề này có thể có những tác động lớn đối với phụ nữ đang đi làm, vì hành vi độc hại từ đối tác có thể đặt họ vào ngã rẽ của sự nghiệp.


Phụ nữ nên hy sinh hoặc đánh giá thấp sự thành công trong nghề nghiệp của mình để làm lợi cho cái tôi của người bạn đồng hành của mình? Liệu có đáng?


Khó thăng tiến


Rất nhiều nam giới cảm thấy bị “đe dọa” bởi các sếp nữ bởi tâm lý cổ hủ cho rằng dưới quyền của phụ nữ là thấp kém. Có vô số nghiên cứu cho thấy nam giới thích sếp nam hơn sếp nữ. Trong các cuộc thăm dò của Gallup được ghi lại từ những năm 1950, số người được hỏi nói rằng họ muốn làm việc cho một phụ nữ chưa bao giờ vượt quá 25%.


Cho dù có năng lực cao và chăm chỉ, nhưng nhiều phụ nữ vẫn gặp phải các rào cản như thành kiến ​​của các cấp quản lý cấp trên, sự đào tạo hoặc cố vấn không tốt cho nhân viên nữ, không đủ các hình mẫu, các chính sách hỗ trợ phụ nữ kém… Tình trạng thiếu đại diện của phụ nữ tại nơi làm việc càng trở nên luẩn quẩn vì thiếu các nữ lãnh đạo quyền lực ở cấp cao nhất, không có ai khuyến khích và hỗ trợ những phụ nữ mới bắt đầu đi làm và đang cố gắng để đạt các vị trí cấp cao.


Một nghiên cứu cho thấy nam giới thường được coi là "ngôi sao" khi họ lên tiếng và khẳng định mình tại nơi làm việc, trong khi phụ nữ bị coi là "hống hách" hoặc "hung hăng" vì thể hiện hành vi tương tự. Tương tự như vậy, những phụ nữ đàm phán để có mức lương cao hơn hoặc chế độ phúc lợi tốt hơn thường bị phạt vì "hung hăng" hoặc "khó ưa".


Và khi làm việc dưới quyền sếp nữ, nhiều người đàn ông đã tỏ ra chống đối bằng cách phớt lờ, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, nói xấu và hạ bệ sau lưng... Đây quả là những khó khăn mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua.


Phân biệt đối xử ngay từ khi xin việc


Một nghiên cứu, được thực hiện bởi các giáo sư tại Đại học Columbia, Northwestern và Đại học Chicago (Mỹ), cho thấy 2/3 các nhà quản lý đã chọn các ứng viên nam, ngay cả khi nam giới không hoàn thành tốt các vấn đề toán học nằm trong quy trình ứng tuyển.


Tại các trường đại học lớn của Mỹ, sự thiên lệch giới tràn lan cũng được tìm thấy ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Các bản lý lịch giống hệt nhau đã được gửi tới các giáo sư đang tìm thuê người quản lý phòng thí nghiệm. Và đương nhiên, ứng viên có tên nam giới nhận được nhiều lời mời hơn, trả lương cao hơn so với các ứng viên "nữ". Họ, các giáo sư, đều cho rằng người phụ nữ kém năng lực hơn.


Và ngay cả khi người phụ nữ đã vượt qua mọi thách thức, vượt quá mong đợi và có tất cả các kỹ năng cần thiết cho một công việc mới, cô ấy vẫn có thể không nhận được việc. Bởi cô ấy không thể "vui vẻ" đi chơi sau giờ làm, không có cùng sở thích về thể thao hay không thể thực hiện những yêu cầu đặc biệt của cấp quản lý. Việc này còn được gọi dưới cái tên "không phù hợp".


Bên cạnh đó, sự phân biệt giới tính khi phỏng vấn thường biểu hiện qua những câu hỏi như "Bạn đã kết hôn chưa?" hoặc ‘’ Bạn có dự định có con không? ”... Các ứng viên nữ thường phải nghe những câu như cuối cùng rồi họ sẽ nghỉ việc, phụ nữ kỹ lưỡng hơn trong công việc, hay được hỏi liệu có tiếp tục làm việc sau khi kết hôn hoặc mang thai.


Người phụ nữ còn có nhiều khả năng phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì bị cho là "tham vọng", "cứng rắn" hay "phô trương" khi chiếm ưu thế trong các cuộc phỏng vấn và thể hiện năng lực vì những điều này được coi là không phù hợp với phẩm chất nữ giới. Còn với đàn ông, đây là chính là "năng lực làm việc", "khả năng lãnh đạo"...


Cho dù những hành vi định kiến ​​này là vô thức hay cố ý, không quan trọng bằng cách nào, chúng có thể cản trở một người phụ nữ tìm được công việc và cống hiến hết mình dù cô ấy đủ tiêu chuẩn.


kho-khan-ma-phu-nu-van-phai-doi-mat-khi-di-lam-5.jpg


Khó tiếp cận các lĩnh vực do nam giới "thống trị"


Thật không may, những phụ nữ chọn theo đuổi sự nghiệp trong những lĩnh vực này (sản xuất, kỹ thuật, hàng không, công nghệ thông tin...) thường phải đối mặt với những thách thức đáng kể.


Mặc dù một số sự mất cân bằng này có thể là do các khía cạnh thể chất của một số công việc, nhưng phần lớn là do định kiến ​​và khuôn mẫu về khả năng và kỹ năng của phụ nữ.


Thật vậy, trong một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, những người tham gia nữ làm việc trong các lĩnh vực do nam giới thống trị đã báo cáo rằng họ cảm thấy bị cô lập, bị giao cho những nhiệm vụ kém quan trọng, bị từ chối thăng chức hoặc từ chối công việc vì giới tính của họ. Hơn nữa, nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng phụ nữ trong các lĩnh vực do nam giới thống trị có nhiều khả năng bị quấy rối tình dục và phân biệt giới tính hơn.


Thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em


Việc thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em có thể gây ra bất lợi đối với các bà mẹ đang đi làm và sự nghiệp của họ.


Các trường mầm non công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ (dưới 36 tháng tuổi), vì thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Các trường mầm non tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao, nhiều trường cũng hạn chế nhận trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi) vì lợi nhuận thấp, yêu cầu cao về kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, khả năng rủi ro cao...


Trong nhiều cuộc khảo sát, các bà mẹ tham gia nói rằng nếu được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng, họ sẽ tìm kiếm những công việc được trả lương cao hơn, cơ hội thăng tiến và nhiều giờ làm việc hơn. Tuy nhiên, có vẻ như việc thiếu sự hỗ trợ về các chính sách và cách tiếp cận hỗ trợ, đang làm mất đi tài năng nữ tại nơi làm việc.


Khó khăn với bạn là gì? Mong bạn sẽ không ngần ngại lên tiếng để chúng ta cùng đấu tranh cho quyền được làm việc, được cống hiến hết mình cho công việc và xã hội. Dù bạn là ai, đừng nhượng bộ những giả định về sự kém cỏi của phụ nữ và cố gắng vượt qua những niềm tin hạn chế bản thân, nhé!

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!