Xử trí thế nào với đồng nghiệp lười?

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Xử trí thế nào với đồng nghiệp lười?

authorBy Đỗ Quỳnh
Share on
Share on
Xử trí thế nào với đồng nghiệp lười?

Chắc hẳn bạn đã từng làm việc trong một nhóm có những thành viên không hề đóng góp gì (hoặc rất ít) vào công việc chung? Bạn có cảm thấy khó chịu, tức giận và cảm thấy không công bằng? Khi gặp một đồng nghiệp lười, hay ỷ lại, không muốn làm việc như vậy, bạn nên xử trí ra sao? 


Những Điều Bạn Nên Làm


Nói chuyện riêng với họ


Khi bạn thấy đồng nghiệp của mình có dấu hiệu làm biếng, có thể ý nghĩ đầu tiên trong đầu bạn là báo cáo với quản lý. Nhưng đó là một điều nên làm trước nhất. Trước tiên, hãy nói chuyện trực tiếp với họ theo cách bình tĩnh và tôn trọng nhất để có thể hiểu hơn về họ. Tất nhiên, cũng nên khéo léo chọn những khoảng thời gian mà họ cảm thấy vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ với bạn.


Bạn có thể nói với họ những khó khăn của dự án. Khéo léo lồng vào đó việc họ không hoàn thành công việc đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ dự án như thế nào. Để dự án được thành công, bạn hy vọng họ có thể đẩy nhanh tiến độ và xử lý một vài vấn đề liên quan. Đừng nên quá phán xét hay gay gắt về những gì họ đã làm, hay đánh giá nhân phẩm của họ. Như vậy rất dễ khiến họ mất bình tĩnh và không còn muốn tiếp tục câu chuyện với bạn.


Đặt mình vào hoàn cảnh của họ


Khi nói chuyện với đồng nghiệp, bạn hãy phát huy khả năng thấu cảm của mình. Đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu thêm về họ. Họ suy nghĩ những gì, đâu là những mối quan tâm, khó khăn mà họ đang gặp phải. Điều gì cản trở họ không hoàn thành hoặc không muốn hoàn thành công việc được giao?


Rất có thể thời gian đó, đồng nghiệp của bạn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, hay có những vấn đề cá nhân trong gia đình khiến cho họ không còn tha thiết công việc. Họ không có ý chí để làm bất kỳ việc gì. Tất nhiên, nếu đồng nghiệp của bạn chỉ đơn giản là lười, không muốn hoàn thành công việc, bạn cần phải hành động khác. Tuy nhiên, hãy luôn cố gắng để hiểu cho mọi hoàn cảnh của họ.


xử-trí-đồng-nghiệp-lười.jpg


Nói chuyện với quản lý của bạn


Nếu đã nói chuyện với đồng nghiệp đó nhưng không thể thay đổi tình hình, bạn có thể tìm đến quản lý để nói chuyện về trường hợp này. Hãy trình bày rõ ràng về nguyên nhân và những ảnh hưởng mà người này đem lại cho công ty. Bất kể lý do là gì, hãy trung thực khi nói chuyện với quản lý của mình. Đồng thời hãy cho họ biết rằng mình đã tìm cách xử lý. Bạn báo cáo những điều này để quản lý có thể nắm bắt được tình hình và tiến độ của dự án. Như vậy họ sẽ có những sắp xếp nếu cần thiết.


Khi nói chuyện với sếp, bạn cũng đừng quên mang theo những tài liệu, bằng chứng hay ghi chép liên quan để chứng minh sự trung thực trong lời nói của mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể tự tin, luôn ngẩng cao đầu và tránh được những dèm pha không đáng có nơi công sở.


Tập trung vào những điều bạn có thể kiểm soát


Nếu như có điều gì cần chú ý, bạn hãy nhớ rằng: “Bạn chỉ có thể kiểm soát được những hành động của bản thân mình chứ không kiểm soát được những hành động của người khác”. Bởi vậy, một khi bạn không thành công thuyết phục đồng nghiệp của mình, bạn có thể tiếp cho họ một chút động lực, bằng cách đề nghị giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Như vậy, công việc cũng có thể được hoàn thành nhanh hơn. 


Những Điều Không Nên


Tán gẫu về chuyện của đồng nghiệp với những người khác


Chẳng ai thích bị nói xấu sau lưng. Nếu bạn là người tinh tế, bạn sẽ không đem chuyện này đi phàn nàn với những người khác. Không những thế, nếu sau cuộc nói chuyện thân tình bạn đã thực hiện bên trên, bạn đi kể lại những gì mình biết được, dù với bất kỳ mục đích gì, cũng là một điều không hay. Hành động này của bạn không giải quyết được vấn đề, đôi khi lại khiến vấn đề càng thêm rắc rối hơn. 


Làm thay toàn bộ công việc của họ


Bạn có thể giúp đỡ người bạn của mình một chút để tạo cho họ động lực trong công việc. Tuy nhiên, tuyệt đối không làm thay hết tất cả phần việc của họ. Điều này chỉ khiến họ càng ỷ lại và lười biếng hơn. Bằng cách ở bên cạnh, nhắc nhở, và không ngừng động viên, bạn có thể giúp được họ, giúp được mình và cả đội nhóm của bạn làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.


xử-trí-đồng-nghiệp-lười-1.jpg


Bao che cho sự lười biếng của họ


Có thể đồng nghiệp của bạn có những lý do đằng sau sự lười biếng của mình và bạn cảm thông với họ. Tuy nhiên, những sự kiện hay lý do như vậy chỉ có thể là lời giải thích cho sự việc trong một hai ngày. Nếu như họ tiếp diễn trong thời gian dài mà không có gì thay đổi, bạn không thể cứ mãi bao biện cho hành động của họ. Một khi khi đã có sự giúp đỡ kịp thời từ bạn mà công việc của họ vẫn không hề biến chuyển , bạn cần phải phát giác. Hãy nói cho người quản lý biết về vấn đề đang diễn ra và nhờ họ tìm cách can thiệp để công việc suôn sẻ hơn. 


Ảnh hưởng từ sự lười biếng của họ


Nếu như có một đồng nghiệp thường xuyên làm biếng bên cạnh, có thể bạn sẽ nghĩ thật không công bằng khi mình cứ phải làm việc còn họ lại ngồi chơi. Khi đó, bạn dễ thả lỏng để bản thân có thể lười hơn một chút, rồi một chút nữa. Dần dần, bạn bị ảnh hưởng bởi thói quen lười biếng từ họ lúc nào không hay. Bạn có thể sẽ không làm hết khả năng của bản thân hoặc chậm trễ công việc của mình. Đây là điều nên tránh. Dù có ở bên cạnh người đồng nghiệp lười, hãy kiên định với những giá trị của bản thân mình. Nếu lười biếng không phải là giá trị bạn muốn theo đuổi, đừng đánh đổi bất kỳ điều gì để hành động như vậy.


Xử trí với một đồng nghiệp lười cần sự tinh tế và khôn khéo từ bạn. Hy vọng bạn có thể sử dụng những gợi ý từ Her và kết hợp với những khả năng tiềm ẩn đã có trong con người mình để giải quyết ổn thỏa mọi việc. Her chúc bạn thành công!

About the author

Quỳnh viết với mong muốn truyền cảm hứng để phụ nữ biết yêu thương và trân trọng bản thân mình. Bằng cách thay đổi tư duy và nhận thức, tập trung phát triển bản thân, chắc chắn phụ nữ sẽ có được một đời sống phong phú về tinh thần cũng như nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.


Theo dõi Quỳnh tại:

Facebook: facebook.com/quinniewrites

Blog: TheIntroverWriter

author

Đỗ Quỳnh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!