Sự nghiệp & Tài chính
Lời khuyên cho sự nghiệp năm 2021
SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH
Có lẽ nhiều người trẻ hiện nay đã quen với cụm từ “workaholic” - kẻ nghiện việc và yêu công việc tới mức quên cả bản thân. Thời điểm hiện nay, không dừng lại ở những workaholic tự nguyện, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra một khái niệm mới: Văn hóa làm việc 996. Có điều gì đặc biệt đến mức văn hóa này bị chỉ trích là “Phá hỏng sự cân bằng cá nhân của người lao động”?
Văn hóa làm việc 996 - được phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ và các sàn giao dịch thương mại điện tử yêu cầu người lao động một tuần làm việc 72 giờ một tuần. Lịch trình làm việc 996 buộc nhân viên phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần liên tục trong suốt thời gian ký hợp đồng lao động.
"996" là một lịch trình làm việc khuyến khích hoặc ép buộc nhân viên ban đầu phổ biến ở các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc. Mặc dù về mặt pháp luật, hoạt động này bị luật pháp Trung Quốc nghiêm cấm, tuy nhiên nhiều công ty vẫn thực hiện lịch trình làm việc này một cách công khai hoặc không công khai. Và nguy hiểm hơn, lịch trình này đã lan ra nhiều khu vực khác ở các nền kinh tế đang phát triển. Nhiều người trẻ vì mức thu nhập mong muốn hoặc cần một khoản tiền lớn cho những dự định cá nhân mà vẫn chấp nhận làm việc theo 996. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng nhiều người trẻ không tán thành cách làm việc này.
Các nhân viên đã bày tỏ sự bất mãn về chính sách này trên mạng xã hội vì đã hủy hoại cuộc sống cá nhân của họ. Lịch trình làm việc tàn khốc được biết với tên gọi "996", bị cho là nguyên nhân khiến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên trở nên bất khả thi, gây ra căng thẳng không cần thiết và thậm chí giết chết nhân viên tại một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Ở đây, đời sống cá nhân không còn được coi trọng, người trẻ chỉ biết cắm đầu vào công việc và không có hoạt động nào khác.
Quy tắc bất thành văn này ở nhiều nơi làm việc của Trung Quốc đã được các nhà lãnh đạo công nghệ có tầm ảnh hưởng ở quốc gia này ủng hộ và bị nhân viên và các nhà hoạt động xã hội tố cáo trong nhiều năm. "Làm việc ngoài giờ là chuyện bình thường", một blogger trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter, cho biết. “Điều đáng sợ hơn nữa là rất nhiều bạn trẻ đã quá quen với việc này và không dám phản kháng vì họ biết dù có làm vậy cũng vô ích”.
Tuy có nhiều tranh cãi như vậy nhưng nhiều người trẻ vẫn chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe và thậm chí là mạng sống để theo đuổi lịch trình làm việc tàn khốc này.
Đối với những người trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ, lịch trình làm việc dày đặc đồng nghĩa với việc kiệt sức và ít thời gian hơn cho những điều cơ bản như ngủ, quan hệ tình dục hoặc cuộc sống cá nhân (Theo South China Morning Post).
Một nhóm hoạt động xã hội đã tạo ra dự án "996.ICU" trên Github vào đầu năm 2019, nơi mọi người liệt kê các ví dụ về việc làm thêm giờ bất hợp lý, các công ty bị cáo buộc áp dụng 996 và các công ty có giờ giấc làm việc nhân đạo hơn - Reuters đưa tin.
Văn hóa 996 trở thành chủ đề được quan tâm khi mà vào tháng 12 năm 2019, sau khi một cô gái 22 tuổi tên Zhang làm việc tại công ty thương mại điện tử Pinduoduo, gục ngã và chết ngay trên đường phố Urumqi, Tân Cương, sau khi rời nơi làm việc lúc 1:30 sáng. Cô gái trẻ này được coi là một nạn nhân khác của văn hóa 996 và sự phẫn nộ bùng lên trên mạng xã hội Trung Quốc.
Hai tuần sau cái chết của cô, lịch trình 996 vẫn là chủ đề gây tranh cãi và được quan tâm trên các mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi trên tài khoản của Pinduoduo - công ty Zhang làm việc : "Công ty có trách nhiệm nào trước cái chết của Zhang không?". Tài khoản Pinduoduo trả lời: "Tôi nghĩ đây là vấn đề xã hội. Chúng ta sống trong thời đại mà mọi người đang cố gắng đạt được một cuộc sống vật chất tốt hơn. Mỗi người đều phải tự kiểm tra xem mình muốn cố gắng bao nhiêu".
Phản hồi trên lập tức nhận làn sóng chỉ trích mạnh từ cộng đồng mạng Trung Quốc, đây được cho là một sự chối bỏ vô nhân đạo về hành động bóc lột người lao động. Nội dung phản hồi này sau đó bị xóa. Ngày 5/1/2020, Pinduoduo tuyên bố bài viết trên từ một công ty thứ ba chuyên quản lý tài khoản Pinduoduo và người viết quên chuyển sang cá nhân tài khoản của mình chứ không phải phát ngôn chính thức từ phía đại diện công ty.
Một blogger cho biết: “Cách làm việc này rất có hại cho cơ thể con người. Chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi - có thực sự đáng để đánh đổi mạng sống của mình để lấy tiền?"
Trên thực tế, lịch trình 996 không chỉ phá mất sự cân bằng trong đời sống tinh thần của người trẻ thành thị vì không được đi chơi, hoạt động theo sở thích và bồi đắp quan hệ xã hội. Văn hóa này bị nhiều chuyên gia sức khỏe cảnh báo về những nguy cơ tổn hại nghiêm trọng tới thể chất và thậm chí cả tính mạng đối với người trẻ. Bạn sẽ đối mặt với những bệnh lý từ nặng đến nhẹ mà bản thân có thể nhìn thấy ngay.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Một số nghiên cứu khoa học chứng minh rằng làm việc lâu hơn 8 giờ một ngày có nguy cơ mắc bệnh tim từ 40-80% bên cạnh đó, thậm chí nguy cơ mắc bệnh tim có thể tăng 67% nếu bạn làm việc 11 giờ mỗi ngày.
- Mất ngủ: Làm việc quá sức khiến não của bạn không thể nghỉ ngơi đúng cách, thậm chí không có cơ hội để nghỉ ngơi. Đây là lý do chính khiến bạn bị mắc hội chứng rối loạn giấc ngủ, về lâu dài có thể dẫn đến suy nhược cơ thể hoặc trầm cảm nghiêm trọng.
- Tăng nguy cơ vô sinh: Lịch trình 996 làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ do lối sống ít vận động sẽ ảnh hưởng đến cơ chế sinh lý và hormone sinh sản. Bên cạnh đó stress kéo dài cũng sẽ khiến khả năng sinh sản của bạn kém đi.
- Căng thẳng: Làm việc quá sức trong thời gian dài khiến cơ thể sản xuất cortisol, hormone căng thẳng, gây ảnh hưởng tiêu cực lên não bộ và cơ thể. Khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, glucose trong máu tăng lên, hệ thống miễn dịch suy giảm, và làm rối loạn quá trình phát triển của cơ thể. Stress cũng trực tiếp liên quan đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác, từ bệnh tim đến trầm cảm và lo âu.
- Nguy cơ mắc bệnh béo phì: Khi làm việc nhiều giờ người trẻ thường mua đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh thay vì chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe vì thời gian eo hẹp, bên cạnh đó là rối loạn giấc ngủ và cả sự căng thẳng trong công việc, đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tăng cân không kiểm soát. Thậm chí nguy cơ tiểu đường của bạn cũng tăng lên theo.
Tuy văn hóa 996 bị nhiều người bài xích là thế nhưng không phải ai cũng nằm trong số đông, thậm chí rất nhiều CEO công nghệ Trung Quốc ủng hộ điều này.
Giám đốc điều hành Alibaba, Jack Ma, người đã vươn lên từ nghèo khó để trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, là một trong những người cuồng nhiệt ủng hộ 996. Ông gọi lịch trình bận rộn này là một "may mắn lớn" cho những người trẻ muốn cống hiến. Ông nói: “Nếu bạn tìm được một công việc bạn thích, vấn đề 996 không tồn tại. Nếu bạn không đam mê nó, mỗi phút đi làm là một sự dày vò”.
Richard Liu, Giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, đồng ý với tuyên bố của Jack Ma. Ông này cũng tuyên bố trên nguồn cấp dữ liệu WeChat của mình rằng "những kẻ lười biếng không phải là anh em của tôi! "
Và không bất ngờ khi sự ủng hộ lịch trình làm việc kiểu này không chỉ tồn tại ở Trung Quốc, tất nhiên nó nhận được sự đồng tình của cả những công ty công nghệ của các nước tư bản. Elon Musk tin rằng những người muốn tạo ra ảnh hưởng đến thế giới nên làm việc 80 đến 100 giờ một tuần, "không ai từng thay đổi thế giới với 40 giờ một tuần."
Trên thực tế, làm việc bao nhiêu giờ một tuần phụ thuộc vào lựa chọn của bạn. Bạn không thể bắt bản thân làm việc khi mệt mỏi, chán nản hay quá căng thẳng. Không ai bài xích sự lười biếng nhưng càng không ai ủng hộ việc đánh đổi tính mạng bản thân với những ham muốn vật chất. Và thực ra thì không phải cứ ngủ ít, làm việc nhiều là bạn đã thành công. Biết đâu, nếu Thomas Edison ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày thì có thể chúng ta sẽ có bóng đèn điện sớm hơn?
Dzung Phạm
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.