Giáo sư ĐH Stanford chỉ ra 3 hành động nhỏ giúp bạn trở thành thỏi nam châm thu hút may mắn

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Giáo sư ĐH Stanford chỉ ra 3 hành động nhỏ giúp bạn trở thành thỏi nam châm thu hút may mắn

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Giáo sư ĐH Stanford chỉ ra 3 hành động nhỏ giúp bạn trở thành thỏi nam châm thu hút may mắn

Nhiều người tin rằng may mắn là một tia sét đánh vào lúc bạn ít ngờ tới nhất. Giáo sư, Tiến sĩ Tina Seelig (Đại học Stanford) muốn bạn loại bỏ hoàn toàn nhận thức về sự may mắn khỏi bộ não của mình. Trong 20 năm quan sát và nghiên cứu về sự may mắn, cô khẳng định: Những người may mắn nhất có xu hướng là những người tạo ra may mắn đó cho chính họ.


Trong một buổi nói chuyện tại TED Salon, giáo sư Seelig sử dụng phép so sánh để mô tả sự may mắn. Đôi khi là một cơn gió nhẹ. Đôi khi nó là một cơn bão. Nhưng bạn không bao giờ thực sự biết khi nào - hoặc từ hướng nào - nó sẽ đến.


Lời khuyên của cô là xây dựng cánh buồm của bạn. Từng chút một, bạn sẽ được trang bị nhiều hơn để nắm bắt vận may khi nó lướt qua. Đây là cách cô huấn luyện các học trò của mình để cải thiện khả năng may mắn sẽ đến với họ.


Chấp nhận rủi ro và bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân


Chúng ta đều đã nghe lời khuyên này rất nhiều trước đây, nhưng giáo sư Tina Seelig có nhiều chiến thuật hơn. Cô thách thức các sinh viên của mình suy nghĩ một cách chiến lược về những rủi ro mà họ cần phải chấp nhận để đón nhận vận may. 


Những rủi ro này có thể là những bước đi non nớt, điều mà chúng ta vẫn thường làm khi còn nhỏ. Ví dụ: Chuyển từ xe tập sang xe hai bánh đòi hỏi sự mạo hiểm và không thoải mái. Phải mất khá nhiều lần cố gắng bạn mới lấy được thăng bằng và đi trên một đường thẳng. Nhưng mỗi lần thử sẽ đưa bạn đến gần thành công hơn.


Trong lớp học của mình, giáo sư Seelig yêu cầu sinh viên làm bài tập đo rủi ro. Cô thách thức họ đánh giá mức độ thoải mái của họ với các loại rủi ro sau: Rủi ro về trí tuệ, rủi ro về vật chất, rủi ro về tài chính, rủi ro về xúc cảm, rủi ro về mặt xã hội, rủi ro thuộc về các vấn đề chính trị. Trên mỗi dòng tương ứng, hãy đánh dấu vị trí mà bạn muốn chấp nhận rủi ro — “cao” ở gần vòng ngoài, “thấp” ở gần trung tâm.


giao-su-dh-stanford-chi-ra-3-hanh-dong-nho-giup-ban-tro-thanh-thoi-nam-cham-thu-hut-may-man-3.jpg

Nguồn: Tina Seelig


Sau khi họ vạch ra hồ sơ rủi ro của mình, giáo sư Seelig khuyến khích họ đẩy mình tới những rủi ro mà họ cảm thấy không thoải mái nhất. “Họ có thể chấp nhận rủi ro xã hội bằng cách bắt đầu cuộc trò chuyện với ai đó ngồi cạnh họ trên tàu, rủi ro trí tuệ bằng cách giải quyết một vấn đề có vẻ thách thức hoặc rủi ro tình cảm bằng cách nói với người mà họ thích cảm giác thực sự của họ. Mỗi rủi ro này mở ra cánh cửa đến một thế giới khả năng. Rủi ro xã hội có thể dẫn đến lời giới thiệu về một công việc mới, thông tin về một nhà hàng mới hấp dẫn hoặc nó có thể dẫn đến một tình bạn mới. Rủi ro trí tuệ có thể dẫn đến giải pháp cho một vấn đề quan trọng và tạo niềm tin cho việc giải quyết vấn đề trong tương lai… Đôi khi những cơn gió may mắn đến từ những hướng mà bạn không bao giờ tưởng tượng được, vì vậy việc liên tục chấp nhận những rủi ro nhỏ sẽ giúp bạn đón được những cơn gió bất ngờ”.


Chấp nhận tất cả những rủi ro vi mô này sẽ không đảm bảo thành công của bạn. Nhưng hướng đi của một số rủi ro có thể khiến bạn ngạc nhiên.


Giáo sư Seelig cuối cùng đã đạt được hợp đồng mua sách đầu tiên của mình bằng cách bắt chuyện với một người lạ ngồi cạnh cô trên máy bay. Có vẻ như cô ấy đã gặp may mắn, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu cô ấy chỉ đeo tai nghe vào và phớt lờ người ngồi bên cạnh.


Tất nhiên, một số người may mắn hơn nhiều so với những người khác, và một số bắt đầu với một bất lợi lớn. Tuy nhiên, ngay cả trong những hoàn cảnh không may, những cơn gió may mắn vẫn luôn thổi. Bằng cách chấp nhận những rủi ro nhỏ, bạn xây dựng một cánh buồm chuẩn bị cho bạn đón những cơn gió may mắn, cho phép bạn nhìn thấy và nắm bắt những cơ hội xung quanh mình.


Hãy luôn biết ơn, ngay cả khi bị từ chối


Giống như nhiều nhà nghiên cứu về hạnh phúc, Seelig hoàn toàn đánh giá cao lòng biết ơn. Thể hiện sự trân trọng và biết ơn có thể đưa bạn đi khá xa, ngay cả khi bạn thất vọng về kết quả.


Có thể bạn không được có công việc mơ ước của bạn. Có lẽ bạn đã bị từ chối thẳng thừng khỏi một cơ hội bạn nghĩ mình hoàn toàn phù hợp… Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ bài học được rút ra từ trải nghiệm đó. Sau đó cảm ơn những người đã giúp đỡ trên đường đi.


Giáo sư Seelig nói: “Khi ai đó giúp bạn, tức là họ đang dành cho bạn thời gian mà họ có thể dành cho bản thân hoặc người khác. Và khi bạn thể hiện lòng biết ơn của mình, bạn cho người đó thấy bạn xứng đáng để họ dành thời gian giúp đỡ. Điều này sẽ khiến nhiều người sẵn sàng giúp bạn”.


Thể hiện lòng biết ơn ngay cả khi khó khăn là một bước tiến lớn mà nhiều người không thực hiện được, nhưng đó chính là cách tự tạo ra vận may cho mình.


Giáo sư Tina Seelig điều hành nhiều chương trình học bổng có tính cạnh tranh cao ở Đại học Stanford. Khi có kết quả báo không đạt được học bổng, một số người gửi thư phàn nàn, một số khác yêu cầu được trả lời làm thế nào để họ có thể gặp nhiều may mắn hơn vào lần tới. Chỉ duy nhất có một sinh viên tên Brian, người đã bị từ chối hai lần, viết: "Tôi muốn cảm ơn vì cơ hội này. Tôi đã học được rất nhiều điều qua quá trình nộp đơn xin học bổng."


Chính lời cảm ơn này đã khiến giáo sư Seelig quyết định gặp Brian. Họ đã cùng nhau phát triển một ý tưởng xây dựng “dự án học tập tự định hướng". Cuối cùng Brian đã không tham gia vào chương trình này, nhưng có lẽ anh ấy đã nhận được thứ gì đó thậm chí còn tốt hơn. Tất cả chỉ nhờ một lời cảm ơn sau khi bị từ chối.


giao-su-dh-stanford-chi-ra-3-hanh-dong-nho-giup-ban-tro-thanh-thoi-nam-cham-thu-hut-may-man-2.jpg


Tìm thấy những điều tốt đẹp trong những ý tưởng tưởng chừng tồi tệ


Giáo sư Seelig tin rằng không có ý tưởng nào là hoàn toàn tốt hoặc xấu. “Thực tế, hạt giống của những ý tưởng tưởng chừng khủng khiếp thường là thứ gì đó thực sự đáng chú ý”. Cô khuyến khích sinh viên nhìn vào những ý tưởng tồi bằng lăng kính khả thi.


Khi chúng ta được giao nhiệm vụ sáng tạo, thường sẽ có áp lực chỉ đưa ra những ý tưởng hay. Giáo sư Seelig ngược lại, đã thách thức các sinh viên chỉ nghĩ ra những ý tưởng tồi. Sau đó, những ý tưởng tồi tệ đó có thể được đánh giá lại, thường biến chúng thành một thứ gì đó độc đáo và rực rỡ.


Trong một lớp học của giáo sư Seelig, có một ý tưởng “tồi” được đưa ra là bán bikini ở Nam Cực. Một nhóm được giao nhiệm vụ biến ý tưởng này trở thành một ý tưởng hay đã nảy ra ý tưởng đưa những người muốn lấy lại vóc dáng trong một chuyến đi đến Nam Cực. Khi kết thúc hành trình gian khổ, họ sẽ có thể mặc vừa bộ bikini của mình. Khẩu hiệu của họ là “Bikini or Die.”


“Bán bikini ở Nam Cực nghe có vẻ là một ý tưởng thực sự tồi. Nhưng trong vòng 5 giây, khi được yêu cầu nhìn nó theo một cách khác, nhóm đã nghĩ ra một cách để biến nó thành một ý tưởng thực sự thú vị,” cô nói.


Theo thời gian, tất cả những điều trên sẽ gắn kết với nhau để xây dựng cánh buồm đón cơn gió may mắn của bạn. Và khi may mắn đến, hãy sẵn sàng để nắm bắt nó.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!