Sự thật về kinh nguyệt không phải ai cũng biết

SỐNG KHỎE

Sự thật về kinh nguyệt không phải ai cũng biết

authorBy Chi
Share on
Share on
Sự thật về kinh nguyệt không phải ai cũng biết

Bạn có nghĩ rằng bạn biết tất cả những gì cần biết về kỳ kinh nguyệt của mình?


1. Bạn vẫn có thể mang thai trong kỳ kinh nguyệt


Khả năng mang thai khi đang trong kỳ kinh nguyệt là rất ít, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra. Chu kỳ kinh nguyệt là khoảng thời gian từ ngày đầu tiên của một kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo, trung bình là 28 ngày. Sự rụng trứng thường xảy ra từ 7–19 ngày sau khi kỳ kinh của một người kết thúc. Trứng chỉ có thể tồn tại trong 12–24 giờ sau khi rụng, vì lý do này, nó phải gặp một tế bào tinh trùng trong thời gian này để có thai. 


Việc thụ thai giai đoạn này còn chịu tác động do ba yếu tố khác:


• Độ dài chu kỳ kinh nguyệt của một người

• Sự khác biệt hàng tháng về thời điểm rụng trứng

• Thời gian tinh trùng tồn tại được bao lâu bên trong cơ thể nữ giới


Theo MedlinePlus, "tinh trùng có thể sống bên trong cơ thể phụ nữ trong vòng 5 ngày”. Vì vậy, nếu bạn quan hệ tình dục vào ngày cuối cùng của kỳ kinh nguyệt và rụng trứng sớm hơn bình thường trong khoảng thời gian năm ngày đó, thì bạn có thể thụ thai.


Hãy luôn nhớ sử dụng bao cao su hoặc hình thức ngừa thai khác để tránh mang thai ngoài ý muốn, bất kể thời gian nào trong tháng.


2. Bạn không chảy máu nhiều như bạn nghĩ


Một người phụ nữ mất trung bình 60 ml máu trong một kỳ kinh, tức là khoảng 3 - 4 muỗng canh. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục thay miếng lót dưới 2 giờ một lần hoặc ra cục máu đông lớn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì điều này cho thấy có thể tồn tại các vấn đề tiềm ẩn khác. 


3. Quan hệ tình dục trong kỳ kinh nguyệt có nhiều lợi ích nhưng vẫn cần thận trọng


Quan hệ tình dục trong kỳ kinh nguyệt mang lại nhiều lợi ích như làm giảm đau đầu, đau bụng kinh do co thắt (hoặc ít nhất là khiến bạn mất tập trung vào nó). Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh hoặc lây truyền bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) của bạn sẽ cao hơn vào thời điểm này trong tháng.


Số lượng vi sinh vật trong âm đạo sẽ khác trong thời kỳ kinh nguyệt nên là thời điểm mà vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Ngoài ra, máu là phương tiện truyền bệnh. Vì vậy, nếu bạn quyết định quan hệ tình dục trong kỳ kinh nguyệt, hãy chọn sử dụng bao cao su để bảo vệ sức khỏe.


su-that-ve-kinh-nguyet-khong-phai-ai-cung-biet-1.jpg


4. Cân nặng thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt


Việc tăng cân, cơ thể tăng đột biến trong một thời gian ngắn làm cho cơ thể sản xuất dư thừa estrogen, đây là loại hormon chính điều hòa kinh nguyệt, khiến cho lớp nội mạc tử cung không thích nghi kịp, gây rối loạn kinh nguyệt. 


Ngược lại, nếu giảm cân đột ngột, lượng estrogen xuống quá thấp, không đủ nguyên liệu hỗ trợ cho lớp niêm mạc tử cung làm tổ, quá trình này diễn ra chậm, kéo theo chu kỳ kinh bị kéo dài. 


Bởi vậy, việc tăng giảm cân nên được thực hiện một cách khoa học, cân bằng để có thể kịp thích nghi.


5. Kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến âm thanh và mùi của bạn


Theo các nhà nghiên cứu về giọng nói, giọng nói của phụ nữ có thể thay đổi một chút trong chu kỳ kinh nguyệt do hormone sinh sản của chúng ta ảnh hưởng đến dây thanh âm. Thậm chí nhiều tình nguyện viên tham gia thử nghiệm còn cho rằng giọng nói “kém hấp dẫn hơn” trong kỳ kinh nguyệt.


Các hormone sinh sản nữ tương tự cũng ảnh hưởng đến mùi hương tự nhiên của bạn, nghĩa là bạn có mùi khác khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này không dễ phát hiện ra đâu.


6. Bạn có thể tiêu nhiều tiền hơn trong kỳ kinh nguyệt 


Khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Hertfordshire của Vương quốc Anh khảo sát hơn 400 phụ nữ đang có kinh nguyệt về thói quen chi tiêu của họ trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ, họ phát hiện ra rằng phụ nữ tiêu nhiều tiền hơn và mua sắm bốc đồng hơn trong kỳ kinh nguyệt so với các giai đoạn khác của chu kỳ.


7. Stress làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt


Căng thẳng dữ dội cũng có thể ảnh hưởng đến kỳ rụng dâu của bạn. Cả căng thẳng về thể chất và tinh thần đều có thể gây ra vấn đề với việc sản xuất hormone giải phóng gonadotrophin (GnRH), một loại hormone điều chỉnh sự rụng trứng và kinh nguyệt.


Nếu bạn đang trải qua một thời gian đặc biệt căng thẳng, chu kỳ của bạn có thể dừng lại hoặc thay đổi so với bình thường. Mặc dù điều này thường không gây ra các vấn đề lâu dài, nhưng hãy cố gắng giảm bớt căng thẳng nếu nó đang ảnh hưởng đến kinh nguyệt của bạn.


Nếu căng thẳng quá mức khiến bạn không thể tự mình xử lý hoặc tiếp tục trong một thời gian dài, hãy chia sẻ với những người bạn đáng tin cậy, thành viên gia đình hoặc nói chuyện với chuyên gia tâm lý.


8. Đau bụng kinh có thể do thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất


Theo các nghiên cứu ở thanh thiếu niên và phụ nữ trưởng thành trẻ tuổi, phụ nữ có nồng độ huyết sắc tố thấp và thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ đau bụng kinh cao hơn. Bên cạnh sắt, sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất như magie, canxi và vitamin B1 cũng có thể góp phần gây đau bụng kinh.


9. Cục máu đông nhỏ giữa các thời kỳ không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu xấu


Tùy thuộc vào thời điểm trong chu kỳ, mức độ estrogen và progesterone thay đổi, và đôi khi điều đó có thể dẫn đến đốm máu (cục máu đông nhỏ). Các chuyên gia cho biết tình trạng này có thể gây khó chịu nhưng không có gì đáng lo ngại.


Nếu hiện tượng chảy máu âm đạo giữa kỳ kinh chỉ là các đốm máu nhỏ thì thường nó không cảnh báo vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, khi máu ra nhiều, đau bụng, sốt hay số ngày dài gần như ngày hành kinh thì cần phải xem xét vì đó có thể là nguyên nhân của các bệnh lý bên trong cơ thể.


su-that-ve-kinh-nguyet-khong-phai-ai-cung-biet-3.jpg


10. Chu kỳ kinh nguyệt dao động từ 24 - 38 ngày


Chỉ 15% phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Ngoài ra, ít nhất 20% số phụ nữ có kinh nguyệt không đều.


Theo tạp chí khoa học The Lancet, trung bình, một phụ nữ có khoảng 450 kỳ kinh nguyệt trong suốt cuộc đời. Và chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta.


Những thay đổi dần dần trong cuộc sống là bình thường, nhưng những vấn đề đột ngột, bất thường như chảy máu rất nhiều hoặc mất kinh thì không. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy có điều gì đó không ổn nhé!


11. Kỳ kinh nguyệt có vai trò khác nhau trên khắp thế giới


Ở Nepal, đã một cô gái 21 tuổi chết vì ngạt khói sau khi đốt lửa để giữ ấm trong lễ “chhaupadi”. Theo tập tục này của người Nepal, các cô gái và phụ nữ đang có kinh nguyệt bị buộc phải rời khỏi nhà của họ để ngủ bên ngoài trong các túp lều hoặc chuồng gia súc cho đến khi kỳ kinh của họ kết thúc. Nhiệt độ có thể giảm xuống một con số hoặc thấp hơn trong mùa đông, nhưng các túp lều có thể không được sưởi ấm hoặc cách nhiệt đủ để cung cấp đủ hơi ấm.


Một số vùng của Ấn Độ cũng buộc phụ nữ phải tự cách ly theo cách tương tự.


Người Mae Enga ở Papua New Guinea tin rằng việc tiếp xúc với máu kinh nguyệt hoặc phụ nữ đang hành kinh sẽ khiến “đàn ông bị ốm và gây nôn mửa liên tục”. Nó cũng sẽ làm anh ta mất trí và dẫn đến cái chết từ từ.


Tuy nhiên, không phải nền văn hóa nào cũng xa lánh những người có kinh nguyệt.


Ở một số nơi ở Châu Phi, sự khởi đầu của kinh nguyệt được xem như một bước chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Đó là một trải nghiệm đáng giá và có giá trị. Những túp lều hoặc nhà được dành riêng cho phụ nữ ở khi họ có kinh lần đầu. Họ được tặng quà và tham gia nghi thức này cùng với các thành viên nữ trong gia đình và những người phụ nữ khác trong làng.


12. Kinh nguyệt làm bạn thèm ăn hơn


Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến cảm giác đói và thèm ăn của chúng ta. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng những thay đổi về nồng độ hormone estrogen và progesterone gây ra cảm giác thèm ăn nhiều carb và thức ăn ngọt trước kỳ kinh nguyệt.


Vì vậy, cảm giác thèm ăn tăng lên của bạn không phải vì bạn thiếu ý chí.


Hãy nhắm đến việc thực hiện các lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh hỗ trợ năng lượng, các triệu chứng kinh nguyệt của bạn. 


13. Sức mạnh, năng lượng và động lực của chúng ta có thể dao động trong chu kỳ kinh nguyệt


Khi nồng độ hormone giảm cùng các thay đổi cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt, chúng ta có thể cảm thấy sự thay đổi về hiệu suất, sức mạnh, đau nhức cơ và khả năng phục hồi.


Chỉ một vài ngày chậm lại không có nghĩa là bạn đã bỏ phí cả quá trình cố gắng của mình. Thay vào đó, bạn chỉ cần học cách thấu hiểu cơ thể và điều chỉnh quá trình tập luyện của bạn cho phù hợp.


14. PMS hội chứng tiền kinh nguyệt không có thật; phụ nữ lấy nó làm cái cớ cho tâm trạng tồi tệ?


Nội tiết tố đóng vai trò chính trong chu kỳ kinh nguyệt của chúng ta, nhưng không phải là lý do duy nhất khiến tâm trạng xấu trước kỳ kinh nguyệt. Sức khỏe tinh thần và thể chất tổng thể có tác động lớn hơn đến tâm trạng so với giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt.


Sự thật là, hội chứng tiền kinh nguyệt là một chẩn đoán y khoa (ICD-10-N94.3) gồm nhiều triệu chứng bao gồm cả những khó chịu về cảm xúc và thể chất. Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất đa dạng, mức độ và cường độ ở mỗi người và mỗi chu kỳ là không giống nhau. Chúng thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt kế tiếp và sẽ biến mất ngay sau đó khi ra máu kinh. Đối với một số phụ nữ, những triệu chứng này có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày.


Bạn không hề 'tưởng tượng’ ra những điều này để làm cái cớ như người ta vẫn nói. Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, tình trạng này có thể giải quyết bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống. Hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn đồng thời bổ sung vitamin nhóm B, E và một số khoáng chất như magiê, kẽm, canxi. Hạn chế dùng các chất kích thích như: cà phê, rượu, bia, nước chè, thuốc lá...


Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng giúp não tăng cường sản xuất endorphins làm giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn. Ngủ đủ và cố gắng kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng.


su-that-ve-kinh-nguyet-khong-phai-ai-cung-biet-4.jpg


15. Có hơn 5.000 uyển ngữ/tiếng lóng để nói về kỳ kinh nguyệt trên khắp thế giới


Bao gồm: “'Les Anglais ont debarqué,” trong tiếng Pháp có nghĩa là “Người Anh đã đổ bộ” và “Erdbeerwoche,” trong tiếng Đức có nghĩa là “Tuần lễ dâu tây”, theo khảo sát của Clue, một ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt .


16. Thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt của bạn


Thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt của bạn, khiến kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, “dòng chảy” thay đổi và mức độ đau cũng khác đi.


Các chuyên gia cho rằng điều này là do thiếu ánh nắng mặt trời, giảm lưu thông máu trong mùa lạnh ảnh hưởng tới việc sản xuất hormone.


17. Kinh nguyệt khiến triệu chứng hen suyễn nặng hơn


Trên thực tế, có từ 19% đến 40% phụ nữ cho biết các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tiền kinh nguyệt của tháng. Một tuần trước khi có kinh, cơ thể phụ nữ trải qua giai đoạn tăng độ nhạy cảm với các chất gây dị ứng và giảm dung tích phổi. Những chức năng hệ thống miễn dịch bị suy giảm này khiến những người mắc bệnh hen suyễn bị hen suyễn nặng trước thời kỳ kinh nguyệt. Tạp chí Y học về Hô hấp Đa ngành cho biết nguyên nhân là do những thay đổi nội tiết tố.


Hàng tháng, hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới phải đối mặt với chu kỳ đau đớn, khó chịu, xấu hổ, lo lắng và bị cô lập khi đến kỳ kinh nguyệt.


Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường, đánh dấu sự hoàn thiện về khả năng sinh sản của nữ giới. Đã đến lúc cuối cùng phải xóa bỏ sự im lặng và kỳ thị lố bịch che phủ sự kiện sinh học tự nhiên này.


Đừng ngại ngần khi tìm hiểu và chia sẻ về kỳ kinh nguyệt nhé!

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!