Sự nghiệp & Tài chính
Lời khuyên cho sự nghiệp năm 2021
SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH
Breadventure là hành trình khám phá thế giới bánh mì sourdough của Hà Trang (1994), và cũng là tên tiệm bánh nhỏ xinh ở 24 Đỗ Quang, Thảo Điền, Quận 2 (Sài Gòn). Cô gái từng quyết định ngừng học đại học để gắn bó với công việc làm bánh có thể trò chuyện về bánh mì sourdough hàng giờ đồng hồ mà không chán, bởi đó là hành trình mở, và cô vẫn chỉ đang trên con đường khám phá thế giới muôn hình muôn vẻ ấy.
Tôi chỉ biết bạn mê bánh mì, nhưng mức độ đam mê của bạn với nó thì sao?
Lúc học làm bánh mì, tôi học từ những khái niệm cơ bản trong sách. Tôi thích đọc về nguồn gốc của từ ngữ, ví dụ từ tiếng anh cổ Lady [Old English ‘hlǣfdige’] từng có nghĩa là bread kneader (người lăn bột bánh), đơn giản như vậy thôi cũng giúp tôi kết nối với một nguồn văn hóa khác, bởi vì ngôn ngữ là một cách để người ta tư duy, và là ngọn nguồn của những thứ họ làm ra, bánh mì là một trong số đó. Tôi cũng biết nhiều hơn về văn hóa nước ngoài qua cách họ ăn bánh mì.
Tôi muốn đi Châu Âu để học, cũng vì biết mình quá thích rồi, muốn chìm đắm vào cái nền văn hóa của cái nơi mà bánh mì được sinh ra, để xem cái cách người ta ăn, người ta nói chuyện về bánh mì. Những cái nhỏ nhặt như là hơi thở của người ta khi nói về bánh mì. Tôi muốn biết hết những chuyện đó.
Hành trình nào khiến bạn từ một sinh viên Tài chính lại trở thành thợ làm bánh?
Hồi đi học mọi người hay gọi tôi là sinh viên nhà giàu. Nhưng thật ra tôi cũng như mọi người thôi. Chỉ có điều mọi người dùng tiền vào chỗ khác, còn tôi thì sẵn sàng bỏ tiền ra để thử ăn một món mắc tiền mà Trang tò mò. Tính tôi là vậy, khi tò mò là phải làm liền. Tôi thích ăn uống, nhất là những món đơn giản như người Ý thích chỉ ăn mì với dầu ô liu hoặc là bánh mì với bơ, hoặc món của người Nhật như mì soba ăn với nước tương, nói chung là nguyên bản. Chúng ta không cần cho quá nhiều thứ mà chỉ cần chính nó được làm từ nguyên liệu tốt, được làm bằng tình yêu thì khi ăn tôi sẽ cảm nhận được tất cả mọi thứ.
Từ khi biết đến bánh mì sourdough, tôi mê luôn và học làm thử, những chiếc bánh đầu tiên được nướng trong lò nhỏ đặt ở nhà, rồi khi nhận được phản hồi tích cực của bạn bè và được giới thiệu nhiều hơn, tôi nhận được đơn đặt hàng và bán qua mạng như vậy.
Làm bánh mì thì ai cũng làm được hết. Nhưng với bánh mì sourdough thì nó cần nhiều hơn một chút, đó là sự kiên nhẫn. Tại vì tôi phải nuôi men, và con men đó là tự nhiên. Khi phải kiểm soát một cái gì tự nhiên thì tôi phải kiên nhẫn, chăm chút và siêng.
Tại sao lại là “Breadventure”, cái tên này hẳn có nhiều ý nghĩa?
Với tôi, bánh giống như cuộc sống. Lúc bắt đầu, sau khi tìm hiểu về bánh khoảng mấy tháng, tôi vẫn còn tò mò về nó. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hết hứng thú. Đến lúc này mới tôi mới nghĩ rằng, trước giờ chưa có thứ gì tôi theo đuổi lâu như vậy, việc làm bánh có thể là đam mê của tôi rồi. Nhưng đó không phải việc đơn giản, bởi để theo đuổi đam mê, nó không chỉ còn là sự yêu thích ban đầu mà còn đòi hỏi nhiều thứ khác nữa, kể cả tôi phải bỏ tiền. Nhưng mà hàng ngày làm bánh, tôi vẫn cảm thấy rất là vui.
Đối với tôi, sự thành công đã đến mỗi ngày, nó chỉ đơn giản là sau khi làm xong một mẻ bột, tôi chỉ muốn mau thức dậy vào sáng hôm sau, mong chờ được nướng mẻ bột đó lên, nó sẽ trông như thế nào, và những cái ý đồ của tôi khi thay đổi một công thức hay tỉ lệ nào đó thì sẽ như thế nào. Và tôi cũng tò mò về từng cái bánh luôn. Khi mọi người mua bánh, tôi cũng không phiền khi cắt bánh cho người ta. Bởi vì bên trong mỗi cái bánh sẽ nói lên cách tôi làm. Cho nên lúc nào tôi cũng tách bánh cho mọi người hết, để mọi người có thể nhìn được vào bên trong.
Việc làm bánh như là một cuộc phiêu lưu với chính bản thân tôi, với công việc hàng ngày. Nó giúp cho tôi hiểu hơn về bản thân. Mọi người hỏi mỗi ngày chỉ làm những việc lặp đi lặp lại không chán sao. Nhưng thực ra, mỗi ngày mẻ bột mỗi khác. Trong ba năm, chưa bao giờ Trang biết chán, chưa bao giờ cảm thấy bị ngược đãi, lúc nào cũng muốn phải học thêm, học thêm.
Trang thử nghiệm rất nhiều với bánh mì men chua rồi, còn điều gì để Trang tiếp tục học hỏi nữa không?
Tôi sẽ thử một cách lên men khác. Chẳng hạn như thay vì lên men bằng sourdough thì tôi sẽ lên men bằng nước trái cây. Nó có rất nhiều chi tiết nhỏ nhỏ, nên mới có chuyện người ta làm bánh mười năm mà cứ thất bại hoài. Bởi vì đây không phải là kiểu bánh thương mại, cứ đổ bột theo đúng tỉ lệ, công thức là ra. Mà loại bánh này cần sự chăm sóc, sự kiểm soát. Giống như trong ba năm qua, thứ mà Trang học là thời điểm, khi nào cần sự chuyển đổi, khi nào cần thêm bột, thêm nước. Ba nguyên liệu cơ bản của bánh mì này: bột, nước, muối. Nhưng mà mỗi một người làm lại ra một vị khác nhau. Tại mỗi nơi người ta làm theo cách khác nhau: thời gian khác nhau, độ ẩm khác nhau.
Mỗi ngày tôi phải chơi đùa với xác suất. Chẳng hạn như hôm nay nóng quá thì phải làm như nào, lỡ đổ nhiều nước quá, cho nhiều muối quá thì phải xử lí như nào. Hiện tại, tôi cũng đang thích làm bánh bơ sữa, không phải chỉ vì nó ngon mà còn vì cảm giác lạ khi có thể nghiên cứu phương pháp, công đoạn. Đôi khi tôi nghi nó đã hoàn hảo rồi, đã chạm tới tất cả những thứ tôi muốn có rồi, nhưng đến một lúc nào đó lại có tai nạn xảy ra.
Nhiều người thậm chí còn phải đặt trước mới có bánh, hoặc chờ đợi lâu, nhưng Breadventure vẫn là tiệm bánh rất được yêu thích ở Sài Gòn. Tiệm bánh Breadventure của bạn dường như khiến rất nhiều người thích thú và tò mò?
Quyết định mở tiệm bánh này chỉ mới cách đây khoảng gần 6 tháng, dù mở tiệm bánh không phải là mục tiêu của tôi ở thời điểm đó. Lúc bắt đầu làm bánh, tôi luôn mong muốn mình sẽ là một phần của cộng đồng, vì thế tôi không cố biến nơi này thành một nơi bán bánh mà là một không gian ấm cúng, một tiệm ánh nhỏ và đơn giản để mọi người đến đây có cảm giác như đây là nhà. Khi đi tìm địa điểm, tôi đã biết ngay đây chính là căn nhà mơ ước của mình, lại có khoảng sân vườn mát mẻ để mọi người ở lại dùng bánh, uống cà phê vào thứ bảy, chủ nhật. Còn những ngày thường thì ít ai ngồi lại lắm.
Sau khi mở tiệm, việc kinh doanh và quan niệm về làm bánh của Trang có thay đổi gì không?
Có chứ. Sau khi mở tiệm thì chi phí nhiều hơn, phải suy nghĩ khác đi, suy nghi lớn hơn. Phải làm thuế má, giấy tờ, phải lo bán cho hết, không bị dư. Tất cả những cái nhỏ đó làm tôi thức khuya dậy sớm nhiều hơn. Nhưng tôi cũng đã cân bằng hơn một chút rồi. Khi làm ở đây, tôi được tiếp xúc với khách hàng, được gặp những người đã mua bánh của tôi suốt ba năm, thấy mọi người ăn bánh mình làm, những chuyện đó làm tôi muốn dậy sớm để bán hàng mỗi ngày.
Tôi không thuê nhân viên, vì không phải là người giỏi kinh doanh, mà chỉ là một người thích làm ra sản phẩm, tôi chỉ muốn cố gắng hết sức để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi không cần vội vàng để có một doanh nghiệp lớn.
Cuộc sống của một thợ làm bánh trẻ tuổi như bạn sẽ diễn ra thế nào?
Tối thứ bảy là mệt nhất vì tôi phải chuẩn bị nhiều thứ. Tôi không thay đổi số lượng bánh mình làm ra, tôi chỉ bán nhiêu đó mỗi ngày thôi. Có hôm thì hết nhưng có hôm thừa lại một ít, vậy là tôi lại là người ăn thôi (cười). Tôi hay nói đùa ăn bánh ba năm rồi mà vẫn chưa chán. Nói chung cuộc sống của thợ làm bánh cũng bận rộn, tôi có hai ngày nghỉ vào Thứ Hai, và Thứ Ba để cân bằng. Ngoài thời gian làm bánh, tôi còn chơi đàn, chăm mèo, chụp hình, nói chung những sở thích rất nhỏ nhỏ như vậy thôi.
Cảm ơn Trang vì những chia sẻ thú vị!
Vân Anh Nguyễn
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.