Bạn có “ngại” khi yêu cầu tăng lương?

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Bạn có “ngại” khi yêu cầu tăng lương?

authorBy Chi
Share on
Share on
Bạn có “ngại” khi yêu cầu tăng lương?

Khi một phụ nữ đầy tiền và quyền lực như Indra Nooyi - cựu Giám đốc điều hành của PepsiCo nói rằng chưa bao giờ yêu cầu tăng lương, bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao mức lương phụ nữ nhận được lại thấp hơn nam giới dù năng lực ngang bằng?”; “Tại sao giá trị của phụ nữ trong công việc chưa được coi trọng?” hay “Tại sao phụ nữ chúng ta không mạnh dạn yêu cầu tăng lương như nam giới?”


Indra Nooyi chia sẻ thêm: “Tôi không thể tưởng tượng được khi làm việc cho ai đó và nói rằng lương của tôi không đủ". Câu nói này đã tạo nên rất nhiều tranh cãi. 


Tuy nhiên, khi giải thích với tạp chí Forbes, bà Indra Nooyi nói rằng do sinh ra và lớn lên ở Chennai, Ấn Độ - bà được nuôi dưỡng để không đòi hỏi bất cứ thứ gì. 


- Tôi ước chúng tôi không phải như vậy.

- Vậy, cuối cùng, chúng ta có nên yêu cầu tăng lương? 

- Có, Nooyi nói.


Thực chất, chính Indra Nooyi là người khuyến khích các con gái của mình đấu tranh để được trả công bình đẳng.


ban-co-ngai-khi-yeu-cau-tang-luong-1.jpg

Indra Nooyi - Ảnh: World Economic Forum


Thay vì bị cuốn vào những nhận xét ban đầu của Nooyi, chúng ta hãy nhìn lại các con số, theo một nghiên cứu, 57% phụ nữ Mỹ thừa nhận rằng họ chưa bao giờ chủ động thương lượng mức lương của mình. Nghiên cứu khác thì cho thấy rằng phụ nữ yêu cầu tăng lương nhiều như nam giới, nhưng thực tế lại ít có khả năng được tăng lương hơn.


Tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (2018), Việt Nam đứng thứ 71 trong danh sách bình đẳng lương thưởng của nam và nữ. Ngoài ra, số lượng nữ lãnh đạo cấp cao trong các công ty, tổ chức chính phủ Việt Nam chỉ xếp thứ 94 toàn cầu. (Nguồn: Forbesvietnam)  


Có rất nhiều lý do để cản trở phụ nữ dám nói lên yêu cầu muốn tăng lương của mình. Đó có thể là việc không chắc chắn về đề xuất tăng lương; sợ phản ứng của sếp, sợ bị coi là hiếu thắng hay tham lam; e ngại sẽ gây tổn hại các mối quan hệ nghề nghiệp hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy choáng ngợp trước quy trình chung. Đâu đó còn có những phụ nữ có xu hướng chờ đợi để được chú ý và khen thưởng.


Cho dù xã hội ngày càng văn minh hơn, nhưng khoảng cách về giới tính thu hẹp không đáng kể, kể cả ở những đất nước tân tiến nhất. Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta thường được mặc định, phân chia rõ ràng như phải sử dụng đồ vật, màu sắc, tính chất theo đúng giới tính. Cách ứng xử và sự ưu tiên trong cuộc sống và công việc cũng bị phân chia theo giới tính. Chính điều này đôi khi đã khiến phụ nữ cũng quên đi hoặc đánh giá không đúng giá trị thật của bản thân. Họ thường nghĩ “Thật may mắn khi mình được làm công việc này vì vậy đừng nên đòi hỏi nhiều”, hay “Chỉ cần mình cố gắng thật nhiều thì sếp sẽ thấy được thôi”.


Những điều này đã kìm hãm phụ nữ ngay cả khi họ yêu cầu những gì xứng đáng được nhận. Bạn có thấy mình trong đó?


ban-co-ngai-khi-yeu-cau-tang-luong-3.jpg


Bạn đừng quên rằng không ai có cái nhìn trung thực và hữu ích cho bạn hơn chính bản thân mình. Đừng để thử thách ngăn cản bạn cố gắng và tỏa sáng. Nếu bạn cảm thấy bị trả lương thấp, hãy đứng lên yêu cầu những gì tương xứng với giá trị của bạn. Trước đó, bạn cần nhớ những điều dưới đây.


Hiểu rõ quyền của mình


Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền được trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động nam và nữ làm công việc như nhau. Bộ luật Lao động đưa ra nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau và yêu cầu người sử dụng lao động trả lương bình đẳng cho tất cả người lao động không phân biệt giới tính.


Bộ luật Lao động nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc tình trạng hôn nhân. Người sử dụng lao động phải tuân thủ và thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam và nữ trong tuyển dụng, giao việc, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nâng bậc lương, tiền công. Việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm việc áp dụng trình độ (tiêu chuẩn) khác nhau trong việc tuyển dụng lao động nam và nữ cho cùng một công việc; từ chối hoặc hạn chế tuyển dụng lao động, sa thải người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con hoặc nuôi con của họ; phân biệt đối xử trong giao việc lao động nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức lương khác nhau cho người lao động tương đương về trình độ và năng lực vì lý do giới tính; và từ chối thực hiện các quyền cụ thể cho lao động nữ đều được quy định trong pháp luật lao động.


Hãy yêu cầu cho quyền lợi của mình tuy nhiên, đừng “buộc tội” sếp đang trả lương thấp cho phụ nữ để làm lý do yêu cầu tăng lương - trừ khi bạn có thể chứng minh rõ ràng rằng các đồng nghiệp nam của bạn - có cùng chức danh, kinh nghiệm và trách nhiệm - đang kiếm nhiều tiền hơn bạn. Hãy nhớ rằng: Người sử dụng lao động có các tiêu chí khác nhau để xác định mức lương thưởng. 


Trân trọng giá trị bản thân


Là phụ nữ, thật khó để nói lên những điều mang tính khen ngợi về bản thân. Nhưng đừng ngại về điều này! Hãy ngồi xuống và dành chút thời gian để suy nghĩ về những điểm mạnh của bạn. Hãy cho sếp của bạn thấy giá trị mà bạn tạo ra cho công ty và tự tin về điều đó. 


Yêu cầu tăng lương KHÔNG phải là một đặc ân. Đó là khoản đầu tư vào chính bạn. Hãy cứ nghĩ theo cách này: Bạn là một doanh nghiệp của bạn đang thuyết phục các nhà đầu tư về lý do họ nên tài trợ cho công ty của bạn. Bạn chứng minh cho họ thấy thành tích tuyệt vời của mình và những ý tưởng cho tương lai. Khi họ quyết định đầu tư vào bạn, đó không phải là giúp bạn mà đó là vì họ tin rằng họ sẽ thấy lợi tức đầu tư của mình; rằng bạn sẽ là người mang lại kết quả tốt đẹp.


ban-co-ngai-khi-yeu-cau-tang-luong-2.jpg


Học cách quyết đoán


Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Tổ chức và Công việc Châu Âu, những phụ nữ “dễ tính” được trả công ít hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều phụ nữ tránh yêu cầu tăng lương vì họ sợ mất việc hoặc sợ bị sếp “đì”. Nhưng khi phụ nữ đánh đổi sự dễ thương của mình để lấy sự quyết đoán lại bị coi là người khó ưa và khắt khe. Ràng buộc kép này có nghĩa là phụ nữ thường khó quyết đoán trong môi trường công sở, nhưng hãy mạnh dạn lên, đây là quyền của bạn.


Và đừng xin lỗi nữa. "Tôi rất xin lỗi vì đã làm phiền bạn." “Tôi biết ngân sách eo hẹp, nhưng…” “Tôi cảm thấy áy náy khi hỏi điều này.” Cách nói này chỉ khiến sếp mất tập trung khỏi thành tích của bạn. Thay đổi ngôn ngữ có thể thay đổi thực tế và nhận thức của những người xung quanh bạn!


Yêu cầu tăng lương không hề dễ dàng, nhất là đối với phụ nữ. Có những điều đã ăn sâu vào văn hóa và tiềm thức từ xa xưa, nhưng mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Càng nhiều phụ nữ được tạo cơ hội phát triển trong lực lượng lao động, thì sẽ càng có nhiều người được trao quyền để tạo ra giá trị và cống hiến. Bạn không chỉ đấu tranh vì bản thân mà còn cho tiến bộ xã hội.


Hãy vững vàng, tin tưởng vào khả năng và giá trị của bản thân.


Bạn cần chuẩn bị thêm trước khi đề xuất tăng lương? Tìm hiểu tại đây.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!