Vượt qua thói quen trì hoãn

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Vượt qua thói quen trì hoãn

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Vượt qua thói quen trì hoãn

Có vẻ như sự trì hoãn là một thách thức mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt lúc này hay lúc khác.


Sự trì hoãn có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Bạn có thể thấy mình đang trì hoãn một dự án tại nơi làm việc, bạn đặt mục tiêu cho mỗi tuần để hoàn thành, nhưng bằng cách nào đó bạn vẫn tiếp tục đẩy sang tuần tiếp theo. Hoặc vào đầu năm mới, chúng ta luôn đặt ra kế hoạch sẽ sống lành mạnh hơn, nhưng bạn vẫn luôn có lý do để trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tập thể dục…


Cho dù lý do là gì thì sự trì hoãn vẫn xảy ra với tất cả chúng ta. Nhưng trước khi tìm hiểu cách vượt qua sự trì hoãn, hãy hiểu tại sao điều đó lại xảy ra.


Tại sao chúng ta trì hoãn?


Theo giáo sư tâm lý học Fuschia Sirois, tại Đại học Durham (Anh): “Về bản chất, sự trì hoãn là sự né tránh”. 


Chúng ta thường trì hoãn vì các lý do sau:


• Ưu tiên tâm trạng ngắn hạn, mọi người trì hoãn một hoạt động khó chịu vì họ muốn cảm thấy dễ chịu tạm thời.

• Bản chất công việc không mang lại lợi ích, thiếu ý nghĩa.

• Thiếu năng lượng thể chất hoặc tinh thần.

• Công việc quá khó khăn, hoặc chỉ đơn giản là nhàm chán hoặc căng thẳng, nếu mà bạn cảm thấy quá sức hoặc gây ra sự lo lắng thì ta có xu hướng tránh né.

• Chúng ta tin rằng làm việc tốt nhất là làm việc dưới áp lực, vì vậy chúng ta thường trì hoãn đến phút cuối cùng.

• Thiếu quyết đoán khi đưa ra các quyết định quan trọng và cân nhắc lại một số lựa chọn, ta thường trì hoãn để đưa ra quyết định.

• Sợ thất bại và bị chỉ trích.

• Chủ nghĩa hoàn hảo - không thể chấp nhận bất cứ điều gì kém hơn sự hoàn hảo cũng gây ra sự trì hoãn. 


Cách để vượt qua thói quen trì hoãn


Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để xoa dịu tâm trí, vượt qua sự trì hoãn và quay trở lại đúng hướng.


Nhận biết bản thân đang trì hoãn 


Mỗi khi bạn bắt gặp mình đang nghĩ những điều như “Tôi cần có cảm hứng.” “Tôi sẽ đợi cho đến khi có thời gian”, “Tôi làm việc tốt hơn dưới áp lực”... có lẽ đó chính là khi bạn đang trì hoãn một nhiệm vụ. Hãy tạm dừng lại và dành một chút thời gian để ngẫm nghĩ, bởi có nhiều loại trì hoãn do các nguyên nhân khác nhau gây ra và không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được nguyên nhân gây ra sự trì hoãn của bạn.


Bạn cảm thấy điều gì đang khiến bạn trì hoãn một nhiệm vụ cụ thể? Bạn có bị choáng ngợp bởi phạm vi của nhiệm vụ không? Bạn đang chán hoặc không có động lực để làm điều đó? Bạn có sợ làm điều gì đó trừ khi bạn có thể hoàn hảo 100% ở việc đó không?


Liệt kê những gì sẽ xảy ra nếu bạn trì hoãn


Thói quen trì hoãn hình thành khi bạn tập trung nhiều hơn vào những lợi ích ngắn hạn (tránh những căng thẳng liên quan đến nhiệm vụ) thay vì những kết quả lâu dài (sự căng thẳng khi không thực hiện nó, cũng như hậu quả của việc trốn tránh nhiệm vụ này).


Lần tới khi bạn muốn trì hoãn một công việc nào đó, hãy lấy giấy và bút. Viết ra một danh sách những gì sẽ xảy ra nếu bạn trì hoãn. Sau đó, viết ra danh sách những điều sẽ xảy ra nếu bạn không trì hoãn. Hãy suy nghĩ về những cảm xúc liên quan đến mỗi quyết định và viết chúng ra.


So sánh 2 danh sách của bạn. Bằng cách đánh giá cái giá phải trả của sự trì hoãn, bạn đang buộc bộ não logic của mình phải cân nhắc những ưu và nhược điểm. Đôi khi, bạn có thể vô tình phá hoại cơ hội thành công của chính mình. Trong danh sách của mình, bạn có thể thấy những thành kiến về nhận thức hoặc những niềm tin phi lý của bản thân. Hãy suy nghĩ xem việc hoàn thành nó sẽ có giá trị như thế nào đối với sự phát triển hoặc hạnh phúc cá nhân của bạn. 


Chia nhỏ công việc


Khi phải đứng trước một dự án lớn, bạn sẽ có cảm giác như đang đối mặt với một ngọn núi, không biết phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Càng như vậy, bạn sẽ càng muốn né tránh, trì hoãn nó. Đó là vì chúng ta thường có xu hướng tránh những việc khó hoặc những việc mà chúng ta cảm thấy mục tiêu không thể đạt được. Vì vậy, nếu bạn chia nhỏ mục tiêu thành những hành động đơn giản thì bạn sẽ ít có khả năng trì hoãn hơn.


Lúc này, hãy thử chia nhỏ dự án bị trì hoãn của bạn thành từng phần nhỏ, dễ thực hiện và dễ quản lý hơn. Ví dụ: nếu bạn muốn viết một cuốn sách, hãy bắt đầu bằng cách lập dàn ý, xác định từng chương, tìm ra các phần trong các chương và sau đó viết từng đoạn một... 


Cam kết thực hiện và theo dõi hiệu suất


Hãy bắt tay vào làm việc và có trách nhiệm với công việc. Viết ra những công việc bạn cần hoàn thành và chỉ định thời gian cụ thể cho từng việc để thực hiện.


Bạn có thể sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên (từ công việc quan trọng nhất đến những công việc ít quan trọng hơn) giúp bạn tập trung vào những việc cần làm và hoàn thành công việc đúng thời hạn. 


Và để vượt qua cái bẫy trì hoãn kinh niên là đo lường sự tiến bộ của bạn. Bạn rất dễ rơi vào tình trạng trì hoãn nếu nhìn thấy sự tiến bộ, không có thêm động lực. Vì vậy, hãy theo dõi và ghi lại hiệu suất công việc của bạn để ghi nhận những tiến bộ, từ đó cải thiện bản thân từng ngày. Bạn càng tiến bộ, bạn càng cảm thấy có động lực và đi càng nhanh.


Tránh mất tập trung


Một số người thường có thói quen trì hoãn vì khó tập trung.


Nếu bạn dễ bị phân tâm, hãy thử điều này: Trong khoảng thời gian đã lên lịch để thực hiện một công việc cụ thể, hãy hạn chế mọi yếu tố khiến bạn có thể bị phân tâm. Hãy tạm tắt điện thoại của bạn (hoặc ít nhất là tắt thông báo của điện thoại và để nó ở nơi khuất tầm mắt), bởi khi một thông báo nhấp nháy trên màn hình máy tính hoặc điện thoại của bạn - cho dù đó là email hay tin nhắn - sự chú ý của bạn sẽ bị chuyển hướng. Hãy chỉ bật điện thoại sau khi nhiệm vụ cấp bách đã hoàn thành.


Bạn cũng nên dọn dẹp không gian làm việc của mình. Theo khoa học, sự lộn xộn làm chúng ta mất tập trung và khiến chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc, điều này gây ra sự kích thích quá mức và giảm năng suất. Để tập trung vào công việc, chỉ nên sắp xếp gọn gàng những thứ bạn cần trên bàn làm việc và cất những thứ còn lại một cách hợp lý, chẳng hạn như trong ngăn kéo bàn hoặc kệ.


Tìm người đồng hành


Hãy nhờ ai đó đồng hành cùng bạn, lúc này áp lực sẽ tạo ra tác dụng.


Khi đã công khai mục tiêu, công việc của mình với người khác, bạn sẽ cảm thấy có nghĩa vụ và trách nhiệm lớn hơn. Về cơ bản, nếu bạn không tuân theo, bạn sẽ khiến mọi người thất vọng, bản thân sẽ xấu hổ.


Tự khen thưởng


Khi bạn hoàn thành một mục trong danh sách việc cần làm đúng hạn, hãy tự chúc mừng và tự thưởng cho mình. Nhưng hãy chỉ thưởng khi và chỉ khi bạn hoàn thành những gì đã đặt ra. Thay vì say sưa xem bộ phim mới, lướt mạng xã hội hoặc ăn trưa khiến mọi thứ trì hoãn, hãy thưởng cho bản thân những việc này cho đến khi bạn hoàn thành những gì bạn đã lên lịch.


Bạn sẽ cảm thấy lạc quan và tích cực hơn về tương lai, đồng thời có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành các công việc phía trước.


Hãy tha thứ cho chính mình


Hãy ngừng dằn vặt bản thân về quá khứ. Những suy nghĩ như “Lẽ ra tôi nên bắt đầu sớm hơn” hoặc “Tôi luôn trì hoãn, tôi thật là một kẻ thua cuộc” sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hãy học cách tử tế và nhân ái hơn với bản thân, đồng thời tập trung vào sự tiến bộ của bạn thay vì ám ảnh về những sai lầm hoặc thất bại của bạn.


Loại bỏ chủ nghĩa cầu toàn 


Những người có xu hướng cầu toàn có xu hướng đợi cho đến khi mọi thứ hoàn hảo rồi mới tiếp tục, vì vậy, nếu nó không hoàn hảo, bạn sẽ không thể hoàn thành. Hoặc nếu đó không phải là thời điểm hoàn hảo, bạn tin rằng mình không thể bắt đầu. Tâm lý “tất cả hoặc không có gì” này có thể cản trở bạn bắt đầu hoặc hoàn thành nhiệm vụ.


Thay vì tập trung vào việc mọi thứ phải hoàn hảo, hãy cố gắng để mọi thứ tốt nhất có thể. 


Lưu ý


Trong một số trường hợp, sự trì hoãn có thể liên quan đến sức khỏe tâm thần. Đó có thể là dấu hiệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD, lo lắng và trầm cảm...


Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy sự trì hoãn có thể là nguyên nhân gây ra căng thẳng và bệnh tật nghiêm trọng. Vì vậy, xử lý những cảm xúc tiềm ẩn này trong quá trình trị liệu với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề gốc rễ đằng sau sự trì hoãn và cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống nói chung.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!