Hội chứng gái ngoan mô tả những phụ nữ luôn cố gắng làm hài lòng và đáp ứng mong đợi của người khác để được công nhận là 'ngoan/tốt' và phải trả giá bằng hạnh phúc của chính mình.
“Trở thành một người phụ nữ, đặc biệt khi ở trong thế giới hiện đại chưa bao giờ là dễ dàng. Họ muốn bạn dễ thương nhưng không trẻ con, gợi cảm nhưng không được trông thiếu đứng đắn, đáp ứng được các tiêu chuẩn về vẻ đẹp chung nhưng phải có nét riêng. Hãy thông minh nhưng đừng thể hiện. Có tham vọng nhưng luôn đặt gia đình lên hàng đầu. Hãy yên lặng. Vâng lời. Hãy có đạo đức. Và luôn phải làm mọi việc trở nên hoàn hảo.
Phụ nữ được kỳ vọng phải tuân theo những tiêu chuẩn xã hội vừa khó đạt được vừa mâu thuẫn với nhau. Đối với nhiều người, việc cố gắng đáp ứng những kỳ vọng đó ngày này qua ngày khác có thể gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần nói riêng và sức khỏe nói chung.” - Theo Cleveland clinic.
Hội chứng gái ngoan là gì?
Khái niệm Hội chứng gái ngoan (Good Girl Syndrome) không bắt nguồn từ y học, đó là sản phẩm của văn hóa đại chúng. Nó được sử dụng một cách không chính thức để mô tả một người có những hành vi hoặc khuynh hướng làm hài lòng mọi người, cố gắng đáp ứng chuẩn mực xã hội là 'ngoan/tốt' để được mọi người công nhận giá trị của mình, dù phải trả giá bằng sức khỏe và hạnh phúc của mình.
Nguồn gốc của hội chứng gái ngoan nằm ở những kỳ vọng sâu xa của xã hội, các chuẩn mực văn hóa và cách định kiến giới quy định phụ nữ nên sống và cư xử tuân thủ những quy tắc ứng xử nghiêm ngặt để được chấp nhận. Ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái thường được dạy phải trở thành người ngoan ngoãn, dễ chịu, vị tha, phải luôn ưu tiên nhu cầu của người khác, biết vâng lời và phấn đấu để đạt đến sự hoàn hảo. Những thông điệp xã hội này tạo ra áp lực nội tâm để phải tuân theo, dẫn đến xu hướng phải trở thành cô gái “ngoan”. Ngoài ra, vai trò giới truyền thống và việc duy trì các tiêu chuẩn phi thực tế được củng cố thông qua các phương tiện truyền thông, gia đình, tôn giáo…
Tiến sĩ, tác giả Sharon Martin cho biết, vai trò “cô gái ngoan” mang lại cảm giác an toàn. Chúng ta nghĩ rằng nó bảo vệ mình khỏi những lời chỉ trích, xung đột và thất bại… Nhưng những điều này đang làm chúng ta hạn chế bản thân một cách đáng kể và không cho phép ta được sống hoàn toàn là chính mình.
Chúng ta không cho phép mình thử những điều mới (đặc biệt là những điều chúng ta có thể thất bại hoặc những điều khiến người khác không hài lòng).
Chúng ta không lên tiếng khi bị ngược đãi hoặc khi có ý tưởng mới hoặc quan điểm khác biệt.
Cuối cùng, chúng ta làm rất nhiều việc vì nghĩa vụ, để đáp ứng mong đợi của người khác, thay vì chúng ta muốn làm chúng hoặc chúng phù hợp với mục tiêu của chúng ta.
Chúng ta tự tạo áp lực cho bản thân để luôn phải hoàn hảo, tử tế và tốt. Và khi chúng ta thất bại (điều này chắc chắn sẽ xảy ra vì kỳ vọng của chúng ta không thực tế) hay đi chệch khỏi hành vi điển hình của “gái ngoan”, chúng ta sẽ cảm thấy tội lỗi, nghi ngờ bản thân và không ngừng chỉ trích chính mình.
Vai trò gái ngoan buộc chúng ta phải tuân thủ và từ bỏ những phần quan trọng của bản thân (ý tưởng, niềm tin, mục tiêu, sở thích, giá trị) và luôn sống trong nỗi sợ bị phán xét – sợ không đủ, sợ sai, sợ bị từ chối.
Dấu hiệu bạn bị ảnh hưởng bởi Hội chứng gái ngoan
Hội chứng gái ngoan (Good Girl Syndrome) không phải là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán được. Nó giống như một tập hợp những đặc điểm có thể gây hại khi bị áp dụng ở mức cực đoan.
Bạn tin rằng mình phải tử tế để được yêu thương
Mặc dù điều quan trọng là phải đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và tử tế, nhưng nạn nhân của “hội chứng gái ngoan” thường khiến mọi người hài lòng ở cấp độ cao hơn và sẵn sàng hy sinh sự thoải mái của bản thân để làm hài lòng người khác. Tuy nhiên, đó là một khái niệm sai lệch vì chúng ta không thể làm hài lòng tất cả những người mình gặp, dù có cố gắng đến đâu.
Khái niệm này dựa trên suy nghĩ rằng bạn không đủ tốt, vì vậy để được yêu thương, trước tiên bạn phải làm mọi việc và đáp ứng các tiêu chí của xã hội. Có nghĩa là giá trị của bạn chỉ bằng mức độ bạn làm hài lòng những người xung quanh.
Đặt người khác lên hàng đầu
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Susan Albers (Mỹ) cho biết, những người chiều lòng mọi người rất giỏi dự đoán những gì người khác cần và có được cảm giác an toàn cũng như giá trị khi họ đáp ứng được những nhu cầu đó.
Có thể bạn đã từ bỏ công việc yêu thích để nuôi dạy con cái vì chồng bạn không sẵn sàng thỏa hiệp. Có thể bạn luôn đồng ý đến địa điểm ăn trưa yêu thích của đồng nghiệp, dù bạn muốn tới nơi khác..
Bằng cách này hay cách khác, những người mắc Hội chứng gái ngoan đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình để đảm bảo những người xung quanh luôn được chăm sóc và tâm trạng vui vẻ và không bao giờ làm phiền bất kỳ ai khác về những nhu cầu của riêng họ. Thậm chí, khi những người xung quanh có hành vi hay cảm xúc tiêu cực, họ cảm thấy có lỗi và luôn day dứt vì nghĩ đã làm điều gì đó sai.
Bạn không dám lên tiếng để bảo vệ bản thân
Với những cô gái “ngoan’, lên tiếng bảo vệ bản thân là một thử thách, ngay cả khi bị ngược đãi hoặc muốn điều gì đó khác biệt. Họ thường tránh những cuộc đối đầu cần thiết ở nơi làm việc, ở trường hoặc ở nhà vì sợ xấu hổ, sợ bị tổn thương hoặc bị từ chối.
Không dám từ chối
Thay vì đặt ra những ranh giới lành mạnh, nói “Không” khi thấy không thoải mái, mệt mỏi hoặc đơn giản là không có thời gian để làm điều gì đó, “gái ngoan” sẽ buộc mình phải làm những điều không muốn vì sợ mọi người nghĩ mình ích kỷ, thiếu quan tâm và không đủ tốt.
Điều này thường khiến họ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý trước những mối quan hệ độc hại, phụ thuộc, lạm dụng và không lành mạnh.
Theo chủ nghĩa hoàn hảo
Chủ nghĩa hoàn hảo không hẳn là xấu. Đặt kỳ vọng cao vào bản thân có thể mang lại cho bạn ý thức mạnh mẽ về khả năng tự định hướng và tính kỷ luật. Vấn đề xảy ra khi bạn đặt ý thức về giá trị bản thân dựa vào cách người khác nhìn nhận về bạn. Trở nên hoàn hảo có thể là một cách bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích hoặc phán xét của người khác.
Những người mắc hội chứng gái ngoan có xu hướng đặt nhiều áp lực lên chính mình. Đây lại là
một điều nữa xuất phát từ việc họ luôn muốn làm hài lòng người khác và không bao giờ làm họ thất vọng.
Họ có xu hướng so sánh mình với những người thành công khác và tự chuốc lấy khó khăn khi không thể đạt được những gì người khác có.
Tiến sĩ Albers giải thích: “Phụ nữ mắc Hội chứng gái ngoan rất nhạy cảm với phản hồi của người khác. Nó có thể trở thành một vòng luẩn quẩn, Hội chứng gái ngoan tạo ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các vấn đề về sức khỏe tâm thần làm trầm trọng thêm Hội chứng gái ngoan”.
Nghi ngờ bản thân
Bạn luôn đặt câu hỏi về giá trị và khả năng của mình vì bạn sợ mình không đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Thậm chí bạn tự chỉ trích bản thân khi không nhận được sự công nhận từ người khác.
Đối phó với hội chứng gái ngoan
Xác định và xác nhận cảm xúc
Khi bạn mắc Hội chứng gái ngoan, một trong những điều quan trọng bạn sẽ thực hiện trong quá trình trị liệu là xác định và xác nhận cảm xúc của mình.
Tiến sĩ Albers giải thích: “Những người mắc Hội chứng gái ngoan thường lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, nhưng trong sâu thẳm, họ có thể cảm thấy tức giận, thịnh nộ và oán giận, tất cả những cảm giác tiêu cực này mà phụ nữ được dạy phải kìm nén hoặc không nên có”. “Nhưng cảm xúc vẫn còn đó. Và chúng rất thật. Thừa nhận họ và biết rằng họ ổn là điều quan trọng.
Học cách thiết lập ranh giới cá nhân
Bạn không thể nói đồng ý với mọi thứ và bạn không thể giúp đỡ tất cả mọi người. Bạn phải đặt bản thân, sức khỏe và hạnh phúc của mình lên hàng đầu. Nếu không, bạn sẽ chẳng còn lại gì, và khi đó bạn sẽ không thể giúp được ai.
Vì vậy, bạn phải học cách thiết lập ranh giới cá nhân giúp xác định mức độ bạn cho phép người khác bước vào cuộc sống của mình, bạn ủng hộ điều gì và bạn sẽ hoặc không chấp nhận điều gì. Học cả nói “không” với mọi người mà không cảm thấy như mình đang làm sai điều gì đó - ngay cả khi việc đứng lên bảo vệ bản thân đôi khi khiến những người xung quanh bạn phản ứng tiêu cực.
Hãy lên tiếng vì những gì bạn muốn và cảm thấy xứng đáng
Thay vì kìm nén những nhu cầu và mong muốn của mình, hãy chú ý và truyền đạt những nhu cầu, sở thích hoặc mong muốn của bạn.
Nếu ai đó không tôn trọng bạn, đừng bỏ qua nó. Nếu ai đó tỏ ra thô lỗ, hãy chỉ ra điều đó cho họ. Nếu ai đó cố gắng thay đổi bạn, hãy nói với họ rằng bạn hài lòng với con người thật của mình. Nếu bạn không lên tiếng, sẽ không ai nghe thấy bạn.
Nhận thức về giá trị của bản thân và giữ vững lập trường
Hãy đặt bản thân lên hàng đầu và bạn cần học cách yêu bản thân mình trước tiên. Rồi bắt đầu hành trình khám phá bản thân, xác định điểm mạnh, niềm đam mê, giá trị và mục tiêu của bạn. Đồng thời, chấp nhận những điều không hoàn hảo và tôn vinh sự độc đáo của bạn. Trên hành trình phát triển bản thân, có lúc bạn sẽ thấy mệt mỏi, chán nản nhưng hãy tin vào bản thân, hãy bao dung và kiên nhẫn với chính mình.
Không có gì sai khi sống cuộc sống theo giá trị của bạn. Không có gì sai khi đưa ra những lựa chọn cuộc sống phù hợp với bạn. Bạn không làm sai điều gì cả. Hãy tin điều đó và vững vàng với nó. Mọi người thường cố gắng tác động đến cuộc sống của bạn hoặc đưa ra ý kiến rõ ràng về những gì họ nghĩ bạn nên làm, đặc biệt nếu bạn là một cô gái ngoan. Bạn chỉ cần cảm ơn họ vì những ý kiến đóng góp của họ và nói với họ rằng bạn đã đưa ra quyết định dựa trên những gì bạn nghĩ và cảm thấy là đúng.
Giáo dục các thế hệ sau
Tiến sĩ Susan Albers có lời khuyên: “Với trẻ em, khi bạn dạy chúng trở thành ‘cô bé ngoan’ hoặc ‘trẻ ngoan’, chúng sẽ trở nên dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi. Những kẻ săn mồi tìm kiếm những đứa trẻ mà chúng tin rằng sẽ không tự mình lên tiếng và tuân thủ. Những đứa trẻ sợ bị cha mẹ đánh giá là 'xấu' thường có xu hướng giữ bí mật”. Những điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, cách nhìn nhận cuộc sống và tương lai của trẻ.
Hãy dạy trẻ sự tự tin cần thiết để tin vào bản năng của mình và yêu cầu giúp đỡ khi chúng cần.
Mặc dù những chuẩn mực và hành vi của một cô gái "ngoan" có thể đã ăn sâu, nhưng chúng ta có thể học cách cân bằng xu hướng cầu toàn, làm hài lòng mọi người với việc tự chăm sóc bản thân, đặt ra ranh giới và thể hiện tính xác thực của mình. Khi làm vậy, bạn có thể giảm bớt áp lực của những kỳ vọng không thực tế và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
About the author
Chi