Cùng khám phá khu vực “ít được nhắc đến” để hiểu hơn và biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản nữ giới nhé!
Âm hộ và âm đạo khác nhau
Cả hai đều thuộc bộ phận sinh dục nữ, song hai phần này lại có vị trí và cấu tạo khác nhau.
Âm hộ (hay cửa mình) là bộ phận bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Âm hộ có cấu trúc bao gồm môi lớn, môi bé, âm vật, niệu đạo...
Âm đạo là một bộ phận bên trong cơ thể nữ giới, cấu trúc hình ống hẹp, cấu tạo từ các cơ, bắt đầu từ cổ tử cung và kết thúc ở bên ngoài cơ thể.
Âm hộ có nhiều hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau
Kích thước và hình dạng bộ phận sinh dục sẽ khác nhau ở mỗi người. Thậm chí ở cùng một người, kích thước hai bên môi âm hộ cũng không đều nhau, điều này là hoàn toàn bình thường.
Vậy nên, không có kích thước, hình dạng hay màu sắc quy chuẩn nào là lý tưởng hay hoàn hảo. Và chẳng có lý do gì để bạn phải xấu hổ hay e ngại về cơ thể của mình.
Âm hộ có thể thay đổi khi mang thai
Trong thai kỳ, nồng độ hormone gia tăng và lưu lượng máu đến vùng âm đạo nhiều hơn, khiến cho âm hộ của bạn trông như sưng hoặc phồng lên. Màu da trên môi âm hộ bên trong và bên ngoài có thể bị sẫm lại do lưu lượng máu tăng lên, các tĩnh mạch dưới da dãn ra. Những thay đổi này sẽ dần trở về bình thường sau khi sinh.
Ngoài ra, việc căng môi âm hộ và âm đạo khi mang thai cũng có thể kích thích ham muốn tình dục.
Không phải loại quần lót nào cũng phù hợp với bạn
Nếu da vùng kín của bạn dễ bị kích ứng hoặc bạn đang gặp các vấn đề như viêm âm đạo, thì quần lọt khe không phải là sự lựa chọn phù hợp với bạn. Ngoài ra cũng cần lưu ý, quần lót chật sẽ làm giảm quá trình lưu thông máu và làm cho không khí lưu thông kém hơn. Khi mồ hôi tiết ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại sinh sôi và phát triển, khiến bạn dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Tốt nhất, bạn vẫn nên chọn những chiếc quần lót vừa vặn, thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt.
Âm hộ có thể phản ánh sức khỏe của bạn
Các vết sần nhỏ trên hoặc gần môi âm hộ có thể do nang lông bị tắc hoặc bị nhiễm trùng, thường không đáng lo ngại và sẽ tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, các vết sưng đi kèm với đau hoặc không giảm đi sau vài tuần có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng của ung thư âm hộ, một loại ung thư hiếm gặp, có thể bao gồm mọc khối u ở âm hộ, ngứa âm hộ kéo dài, thay đổi màu da âm hộ, chảy máu bất thường (không liên quan tới kinh nguyệt)... Hãy thăm khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 năm/lần để bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Lông vùng kín không hề “bẩn”
Lông vùng kín có tác dụng như một lớp đệm bảo vệ, giảm ma sát cho da. Ngoài ra chúng còn giúp chống lại bụi bẩn và các vi sinh vật có hại xâm nhập cơ thể và điều hòa nhiệt độ. Lông mu chứa mồ hôi, dầu và vi khuẩn, cộng thêm việc ở vùng kín, khó thoáng khí nên chúng có thể có mùi nồng hơn một chút so với các vùng khác trên cơ thể. Điều này cũng không đáng lo ngại vì bạn chỉ cần vệ sinh thường xuyên là đủ. Nếu bạn muốn triệt lông, cần lựa chọn phương pháp tránh làm tổn thương da. Và đặc biệt, đó phải là lựa chọn từ mong muốn của bạn chứ không phải do bạn sợ bị chê cười, phán xét.
Bạn có thể thay đổi hình dạng của âm hộ nhưng không nên
Trường Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã tuyên bố chống lại các dịch vụ được quảng cáo như “trẻ hóa âm đạo”, hay “thay đổi diện mạo của âm đạo hoặc môi âm hộ”... Bạn không nên lạm dụng phẫu thuật trừ khi bạn thực sự cần điều trị và được bác sĩ chỉ định.
Cơ thể của bạn là lựa chọn của bạn, đừng chạy theo xu hướng, đừng để ý kiến bên ngoài khiến bạn đặt mình vào những trường hợp có thể gặp rủi ro.
Nếu quyết định thay đổi, hãy lựa chọn những cơ sở uy tín và chuyên môn cao để bảo vệ an toàn cho chính mình, bạn nhé!
About the author

Chi